Nước Mỹ với nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cho thấy họ không đủ sức để tạo sự phát triển cho kinh tế toàn cầu, mà ngược lại đang khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng.

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên toàn cầu, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G 20), gồm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển và các nền kinh tế năng động nhất thế giới, đã có cuộc họp tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) ngày 15-11. Cuộc họp được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống nước chủ nhà G.Bu-sơ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng trên thế giới hiện nay bắt nguồn từ chính cuộc khủng hoảng cho vay tín dụng thế chấp bất động sản tại Mỹ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy thoái, các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa chính thức tuyên bố bị khủng hoảng ngay trước thềm hội nghị, các nền kinh tế khác trên thế giới cũng đều chịu ảnh hưởng ít nhiều. Hầu hết các nước đều đã phải đưa ra các khoản tiền lớn để cứu trợ tín dụng cho ngành ngân hàng, giúp dòng vốn tiếp tục lưu thông.

Tại cuộc họp ở Oa-sinh-tơn, 20 nhà lãnh đạo đã thống nhất một kế hoạch 6 điểm nhằm giải quyết khủng hoảng bằng đẩy mạnh hợp tác, trong đó có phối hợp chính sách giữa các ngân hàng trung ương, đồng loạt cắt giảm thuế và thúc đẩy các cơ hội tiếp cận nguồn vốn, cũng như nâng cao vai trò của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế trong việc cứu trợ cho các nước nghèo.

Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đánh giá cao những gì đã được thông qua và bày tỏ vui mừng về các biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng này không xảy ra thêm lần nữa, đồng thời đánh giá cao cam kết của các nước tiếp tục đo theo nền kinh tế thị trường và thương mại tự do.

Tuy nhiên, hội nghị này cũng cho thấy vai trò của Mỹ đang bị thách thức. Nước Mỹ với nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cho thấy họ không đủ sức để tạo sự phát triển cho kinh tế toàn cầu, mà ngược lại đang khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Trên thực tế, sự phát triển của kinh tế thế giới những năm gần đây ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nền kinh tế khác ngoài Mỹ, tiêu biểu như các nền kinh tế năng động nhất thế giới, gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ.

Ngay cả đồng minh thân thiết của Mỹ, Thủ tướng Anh Go-đơn Brao cũng đề nghị xem xét thay thay đổi hệ thống Breton Wood vốn coi đồng đôla Mỹ là đồng tiền xác định giá trị nền kinh tế thế giới. Ông nói “Một hệ thống giá trị được xây dựng từ năm 1945 không nhất thiết và không thể dùng để giải quyết những vấn đề của năm 2008. Nếu như chúng ta nhìn vào những kết luận và xu hướng gần đây thì có thể thấy thế giới đang dần xác định một hệ thống giá trị mới cho tương lai”

Giới phân tích cũng cho rằng vai trò của Mỹ đang ngày càng suy giảm và vì vậy nếu như tiếp tục lấy nền kinh tế Mỹ và đồng tiền Mỹ làm thước đo sẽ không hiệu quả. Nước Mỹ đã cho thấy là họ thiếu khả năng lãnh đạo thế giới trong thời điểm hiện nay. Những biện pháp mà Mỹ đưa ra đã cho thấy họ rất bối rối. Và việc Mỹ là quốc gia đầu tiên gặp khủng hoảng khiến cho các nước không còn tin tưởng vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này

Mặc dù kết quả của hội nghị ở Oa-sinh-tơn là khả quan, song nó cũng bộc lộ sự chia rẽ trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới về những nền tảng đã từng được thiết lập để phát triển hệ thống tài chính thế giới như hiện nay. Có thể thấy rằng việc có hay không sự cần thiết phải thay đổi hệ thống giá trị Breton Wood sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt là giữa Mỹ - tác giả của hệ thống Breton Wood và các đồng minh châu Âu./.