Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trả lời 30 chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi đến bằng văn bản. Tại Hội trường, Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời 21 lượt ý kiến, trong đó có 14 ý kiến liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường; 7 lượt ý kiến về tình trạng khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của công ty Vêdan, Bộ trưởng khẳng định Công ty Vedan đã vi phạm nhiều lần và với lượng thải một ngày thải khoảng 6.000 m3, trong đó có 3.500 m3 về chất thải không lên men, 2.500m3 về nước thải, hàm lượng của xianua vượt hơn 1.000 lần, xianua trong tiêu chuẩn B Việt Nam cho phép là 0,009, tổng colifom vượt hơn 100 lần, BOD và COD đều vượt từ 40 - 50 lần. Công ty Vedan đã thừa nhận sai phạm của mình, và thực hiện tương đối nghiêm túc các biện pháp xử phạt. Thứ nhất phá 3 trong số 5 đường cống, 2 đường còn lại đang hàn lại; xử lý bể nước thải. Thứ hai, đã nộp đủ số tiền phạt vi phạm là 257 triệu đồng. Trong số tiền 127 tỉ đồng, Vedan đã nộp 15 tỷ và cam kết từ nay đến cuối năm sẽ nộp 50% số đó, và đến hết năm 2009 sẽ nộp số tiền còn lại.

Bộ trưởng thừa nhận, qua sự kiện Vêdan có thể thấy, lực lượng làm công tác môi trường còn yếu, kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi đó, đối tượng lại sử dụng những kỹ thuật rất tinh vi, và cố ý vi phạm một cách có tổ chức. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm, và những bài học trong việc bảo vệ môi trường.

Về việc khắc phục ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng trả lời, trong vòng hai năm gần đây, nhất là từ khi có Luật Bảo vệ môi trường ra đời, Chính phủ đã ban hành 8 nghị định và 15 quyết định liên quan đến bảo vệ môi trường. Bản thân Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành khác có liên quan cũng ban hành khoảng 50 thông tư. Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và các tổ chức quốc tế khác đánh giá chính thức trong Báo cáo về môi trường của Việt Nam cho rằng, trong vòng 15 năm gần đây, và đặc biệt trong vòng 2 năm trở lại đây, việc xây dựng thể chế, xây dựng các văn bản pháp luật về môi trường của Việt Nam bằng cỡ các nước khác có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như Việt Nam, xây dựng trong khoảng 30-40 năm.

Để bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo được cho nhà máy, xí nghiệp sản xuất được và cho người dân không mất công ăn việc làm là vấn đề cần phải nghiên cứu và giải quyết. Hiện nay tình trạng môi trường của Việt Nam ô nhiễm nghiêm trọng một phần không nhỏ do lịch sử để lại. Thứ nhất, trước khi tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, 80% các cơ sở và nhà máy đều có công nghệ từ những năm 80, 70 và 60 của thế kỷ trước, và hầu hết các công nghệ này đều gây ô nhiễm môi trường. Đã thống kê được gần 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, khoảng 1.450 trong số 2.100 làng nghề nằm trong tình trạng ô nhiễm môi trường. Thứ hai, chiến tranh để lại 3 cơ sở về chất độc dioxin, mà dù cho đã tốn rất nhiều công sức, tiền của vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Thứ ba, trong 20 năm đổi mới, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng liên tục, mà Ngân hàng thế giới và một số tổ chức quốc tế khác đã cảnh báo cứ 1% tăng trưởng nếu không có giải pháp bảo vệ môi trường thì môi trường sẽ kém đi 3 lần, tức là sẽ mất đi 3%.

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và cả nước đã có những nỗ lực rất lớn, tuy nhiên, để đưa ra giải pháp mạnh giải quyết triệt để vấn đề môi trường thì cần phải có tính toán rất kỹ trên trục phát triển bền vững. Chính vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định lộ trình từ nay đến năm 2015, trước mắt là xử lý ngay 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trọng tâm sẽ đặt vào các khu công nghiệp tập trung. Hiện nay cả nước có 183 khu công nghiệp tập trung, 110 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng trên 30% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý đạt yêu cầu, đạt tiêu chuẩn của Việt Nam, trên 60% hiện nay chưa đạt. Một số nhà máy hóa chất, một số nhà máy có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, nguy hiểm hơn các nhà máy khác xếp thứ tự ưu tiên cũng có thể tiến hành xử lý trước.

Vấn đề môi trường được thảo luận sôi nổi với trách nhiệm cao tại Quốc hội, các doanh nghiệp theo dõi rất sát diễn biến thảo luận của Quốc hội, vì thế đây cũng là thông điệp hết sức quan trọng của Quốc hội cũng như của cả nước đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nào hiện nay đang gây ô nhiễm môi trường sẽ tự giác xử lý các cơ sở của mình.

Đối với những cơ sở mới thành lập, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ thực hiện rất chặt chẽ về mặt quản lý Nhà nước về đánh giá tác động môi trường. Cụ thể là, trước hết phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi được xem xét cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép hoạt động. Hai là phải làm xong các khâu về xử lý môi trường thì nhà máy mới được khánh thành và đi vào hoạt động./.