Thời trăng mật Mỹ - Ấn

Phan Lang
22:44, ngày 05-02-2015
TCCSĐT - Cho dù bị rút ngắn một ngày, song chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn đạt được kết quả đủ mức để có thể cho rằng mối quan hệ song phương này đang bước vào thời kỳ mới.
Ông B. Ô-ba-ma là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ tới thăm Ấn Độ hai lần trong thời gian cầm quyền và cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự nghi lễ duyệt binh ở Ấn Độ. Trong số những kết quả cụ thể của chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, nổi bật hơn cả là thỏa thuận về thực hiện hiệp định hợp tác hạt nhân và về mua bán vũ khí cũng như hợp tác chế tạo vũ khí. Chúng đều có ý nghĩa chính trị to lớn và giá trị thực tiễn quan trọng đối với cả hai nước.

Những ai để ý đến biểu hiện ra bên ngoài cũng đều không thể không cảm nhận thấy thời kỳ trăng mật giữa Mỹ và Ấn Độ đang bắt đầu. Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi (Narendra Modi) mới lên cầm quyền chưa đầy nửa năm. Trước đó, ông N. Mô-đi còn bị Mỹ liệt vào danh sách những người cấm nhập cảnh vào Mỹ. Vậy mà giờ đây Mỹ lại là một trong những nước đầu tiên ông N. Mô-đi tới thăm và ông B. Ô-ba-ma được ông N. Mô-đi đón tiếp như những người bạn rất thân thiết. Xem ra, điều quyết định không phải là do cầm quyền đã lâu hay mới hoặc người trước đây đã như thế nào mà quan trọng là quan điểm chính sách hiện tại và sự tương đồng về lợi ích thiết thực trước mắt và chiến lược lâu dài giữa hai quốc gia này.

Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi tìm kiếm ở sự hợp tác với Mỹ về vốn đầu tư và công nghệ. Trong khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma lại muốn chinh phục thị trường Ấn Độ nhằm phục vụ cho giới kinh tế Mỹ và cạnh tranh với các đối tác bên ngoài Ấn Độ. Cả hai đều có thể và có chủ định sử dụng lẫn nhau làm đối trọng trong quan hệ của từng bên với một số đối tác khác, như Trung Quốc, Nhật Bản, EU hay Nga. Sau khi rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, tình hình chính trị - an ninh nước này và vấn đề chống khủng bố ở khu vực Nam Á luôn là mối quan tâm và thách thức lớn đối với Mỹ. Oa-sinh-tơn không thể không hợp tác quân sự và an ninh với I-xla-ma-bát nên lại càng phải thúc đẩy hợp tác với Niu Đê-li để xua tan nghi ngại và cân bằng quan hệ, đặc biệt trên lĩnh vực hợp tác hạt nhân dân sự và mua bán, sản xuất vũ khí.

Những lo ngại và đối phó với Trung Quốc là một trong những động lực và chất xúc tác quyết định cho chất lượng quan hệ hợp tác mới giữa Mỹ và Ấn Độ. Với Mỹ và Ấn Độ, Trung Quốc được xem là đối tác quan trọng của họ nhưng cả hai đều chưa thực sự tin tưởng vào đối tác này. Mỹ lo ngại Trung Quốc chinh phục sân sau của mình ở châu Mỹ như thế nào thì Ấn Độ cũng như vậy về sự hiện diện về kinh tế, chính trị và cả quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Mỹ điều chỉnh chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo hướng “xoay trục”, thì Ấn Độ cũng tăng cường chính sách "hướng Đông". Cả hai đều phải cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng là chuyện mà cả Mỹ và Ấn Độ đều không thể bỏ qua, vì lý do an ninh hàng hải, an ninh và ổn định chung ở khu vực. Việc Ấn Độ thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản và nhiều thành viên ASEAN cũng góp phần tạo thuận lợi cho Mỹ thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ấn Độ.

Không phải mọi trắc trở đều đã được “dọn dẹp” trong cặp quan hệ song phương này nhưng rõ ràng chúng không còn bị chính trị hóa hay do nhạy cảm quá mức về vấn đề đối nội đến mức có thể cản trở việc phát triển quan hệ song phương giữa Mỹ và Ấn Độ. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma còn cầm quyền 2 năm ở Mỹ và vị thế quyền lực của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi ở Mỹ cũng vì thế mà sẽ vững như bàn thạch. Cho nên thời trăng mật này giữa hai nước sẽ không phải là ngắn./.