Tác động của nguồn lực văn hóa đối với lĩnh vực lao động, việc làm và thu nhập ở Hà Nội
Khái quát về nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội
Nếu hiểu văn hóa là toàn bộ những giá trị do con người sáng tạo ra, thì nguồn lực văn hóa bao gồm trước hết là con người và hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, thông qua đó con người có thể tạo ra các giá trị văn hóa; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Quan niệm đó cũng được thể hiện rõ trong chương VI của Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (1).
Nguồn lực con người
Trong tất cả các nguồn lực văn hóa, thì nguồn lực con người là quan trọng nhất, quyết định nhất, vì con người là chủ thể sáng tạo của văn hóa. Nói đến nguồn lực con người, là nói đến số lượng và chất lượng nhân lực (trình độ, năng lực, tri thức, trí tuệ và nhân cách, phẩm chất). Người Hà Nội là sản phẩm tinh túy nhất của không gian văn hóa Hà Nội, được hình thành và kết tinh lại trong suốt tiến trình lịch sử, trải qua hàng nghìn năm lịch sử liên tục biến đổi. Đặc tính của người Hà Nội phản ánh và kết tinh bản sắc, nhân cách của con người Việt Nam nói chung, bên cạnh đó in dấu những đặc trưng riêng của một thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ của những tinh hoa văn hóa của các vùng miền, địa phương khác nhau trong cả nước. Người Hà Nội là điển hình cho con người của xã hội Việt Nam truyền thống và hiện đại. Không ít nhà nghiên cứu đã cố gắng phác thảo một số tính cách cơ bản nhất của người Hà Nội. Mỗi người xuất phát từ một góc độ khác nhau, song về cơ bản lại khá thống nhất khi đưa ra những tính chất điển hình sau: Chất trí tuệ, văn hiến hàn lâm; chất hào hoa, phong nhã, tài tử; chất kẻ sĩ; tính hòa đồng; tính chừng mực, trung dung, vừa phải; tính tế nhị, tinh tế, kín đáo; tính bền bỉ, kiên trì; thanh lịch, văn minh. Những phẩm chất ấy sẽ là những yếu tố tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Về số lượng, dân số Hà Nội năm 2013 là 6.936,9 nghìn người (2). Hà Nội là nơi có nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng cao, trong đó phẩm chất chính trị, tài năng và tính tích cực xã hội là những tố chất nổi trội. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ở Hà Nội vẫn còn một số bất cập. Đó là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng “thừa thầy”, nhưng lại “thiếu thợ”, và mất cân đối về trình độ giữa thành thị và nông thôn. Đây cũng là một trở ngại lớn đối với vấn đề lao động, việc làm và thu nhập ở Hà Nội.
Hệ thống thiết chế văn hóa ở Hà Nội
Hệ thống thiết chế văn hóa ở Hà Nội bao gồm các loại hình như hệ thống các nhà văn hóa các cấp (thành phố, quận, huyện, phường, xã); hệ thống thư viện các cấp (trung ương, thành phố, quận, huyện, phường, xã); các đơn vị và các rạp chiếu phim; các đơn vị nghệ thuật và các nhà hát; hệ thống các bảo tàng;… Là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ quan báo chí và truyền thông; nhiều bảo tàng lịch sử, cung thể thao và hệ thống các trường học từ mẫu giáo cho đến đại học. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã chú ý đầu tư cho xây dựng và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là nhân sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2013 (3), số thư viện các cấp ở Hà Nội hiện nay là 170 (số lượng sách: 845.000 bản); số đơn vị chiếu phim là 13 (số rạp là 5); số đơn vị nghệ thuật 6 và 5 nhà hát; số trường phổ thông các cấp 1.631 trường (288.47 lớp học); số tòa soạn báo, tạp chí là 549;...
Có thể nói rằng, hệ thống thiết chế văn hóa ở Hà Nội là một trong những nguồn lực văn hóa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng. Nó tác động đến việc hình thành và giáo dục nhân cách, phẩm chất, tri thức của con người - nguồn lực lao động. Đồng thời, nó cũng góp phần vào việc định hướng nghề nghiệp cũng như tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có các chính sách về lao động, việc làm.
Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội
Hà Nội là một trong những trung tâm của văn minh châu thổ sông Hồng và là một trong những trung tâm văn hóa du lịch lớn nhất ở Việt Nam với sự phong phú, đa dạng của các di sản văn hóa, những chứng cứ vật chất kết tinh truyền thống và tinh hoa của cả dân tộc Việt Nam. Toàn thành phố có khoảng 5.100 di tích gắn liền với nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa dân gian mang đậm chất truyền thống dân tộc. Hà Nội có 1.350 làng nghề truyền thống và nhiều cảnh quan sinh thái đẹp (4). Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch, tạo công ăn, việc làm cho người lao động.
Tác động của nguồn lực văn hóa đến các lĩnh vực lao động, việc làm và thu nhập ở Thủ đô Hà Nội
Lao động, việc làm và thu nhập là lĩnh vực xã hội gắn trực tiếp với nguồn lực con người, chịu sự chi phối trực tiếp bởi chất lượng của nó.
Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật quyết định cơ cấu việc làm theo nghề nghiệp. Đồng thời, việc phân tích cơ cấu nghề nghiệp theo địa bàn nông thôn và đô thị ở Hà Nội còn cho thấy sự khác biệt và khoảng cách về trình độ chuyên môn kỹ thuật giữa đô thị và nông thôn. Có sự tương phản rõ rệt về cơ cấu nghề nghiệp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật: 81% chuyên môn kỹ thuật bậc cao ở đô thị so với 91% lao động giản đơn ở nông thôn. Ngoài ra, đa số những người lãnh đạo có quyền ra quyết định đều tập trung ở các đô thị (79,4%), có nghĩa là cứ 5 người lãnh đạo ở Hà Nội thì có 4 người sống ở khu vực đô thị (5). Điều đó cho thấy trình độ tri thức, trình độ học vấn của nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong vấn đề việc làm, nghề nghiệp.
Nếu như chất lượng nguồn nhân lực quyết định vấn đề lao động, việc làm thì các nguồn lực văn hóa khác như hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực xã hội này. Nhờ có hệ thống di sản văn hóa này, ngành du lịch phát triển, tạo ra các ngành dịch vụ phục vụ du lịch, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Một ví dụ nữa là vấn đề phát triển các làng nghề ở Hà Nội. Hà Nội là một địa phương quy tụ nhiều làng nghề nhất cả nước và là một nét đặc trưng về văn hóa - xã hội. Làng nghề tại Hà Nội đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 626.000 người, trong đó, số lao động sống và sinh hoạt tại chính các làng nghề là 412.500 người, chiếm gần 66% số lao động tại các làng nghề (6). Theo số liệu của Sở Công Thương thành phố Hà Nội đưa ra năm 2013, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 286 làng nghề truyền thống được công nhận. Hà Nội có 116 nghệ nhân và hàng nghìn thợ lành nghề được Ủy ban nhân dân thành phố cấp chứng nhận (7). Làng nghề Hà Nội đã thực sự góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống, tăng thu nhập, góp phần làm ra các sản phẩm tiêu dùng phục vụ xã hội.
Với nguồn nhân lực dồi dào, môi trường văn hóa khá cao so với các địa phương khác, Hà Nội là nơi thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài từ các đối tác lớn như Pháp, Anh, Đức, Ca-na-đa, Nhật Bản, I-ta-li-a, Hàn Quốc, Hồng Kông, Xin-ga-po. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Hà Nội góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép có hiệu lực đến ngày 31-12-2013 tại Hà nội là 2.702 với tổng số vốn là 22.404 triệu USD. Riêng năm 2013 có 261 dự án với 1.074,6 triệu USD (8).
Những năm gần đây, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc so với tổng dân số ở Hà Nội ở mức khá ổn định. Trong khi đó, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo không ngừng tăng lên. Có thể thấy rõ điều đó qua các số liệu sau: Năm 2008: 23,3%; năm 2010: 30,2%; năm 2011: 30,6%; năm 2012: 35,3%; năm 2013: 36,2% (9).
Hà Nội có 38 khu công nghiệp - cụm công nghiệp, là nơi tạo việc làm cho người lao động tại địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, Hà Nội còn có hàng trăm công ty chuyên ngành lớn nhỏ khác nhau, cung ứng việc làm đáng kể cho nguồn lao động. Việc làm ở Hà Nội tập trung vào các ngành, nghề công nghiệp, kinh doanh. Trong 3 năm qua, việc làm ở Hà Nội đã đi vào lĩnh vực công nghệ cao, thu hút những công nhân có tay nghề và cán bộ kỹ thuật chuyên ngành.
Nguồn lực lao động có trình độ ngày càng tăng lên đã góp phần nâng cao chất lượng lao động và tác động không nhỏ đến cả thu nhập của người Hà Nội. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người trên tháng năm 2012 của người Hà Nội là 2.945 nghìn đồng. Trong đó, mức thu nhập của nhóm thu nhập thấp nhất là 804 nghìn đồng và nhóm cao nhất là 6.829 nghìn đồng (mức chênh lệch giữa hai nhóm này là 8,5 lần). Thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp ở Hà Nội mấy năm gần đây cũng không ngừng tăng lên. Có thể thấy rõ điều đó qua bảng sau:
Thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp
Đơn vị tính: Nghìn đồng
Năm 2005 Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 1.792 3.902 4.944 4.974 5.626
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2013, H, Nxb. Thống kê, 2014, tr. 318
Thực tế cho thấy, nơi nào tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường văn hóa tốt thì mức thu nhập cũng tốt hơn. Điều này cũng thể hiện rõ khi xem xét thu nhập bình quân đầu người trên tháng ở thành thị và nông thôn. Theo báo VTCNews ngày 16-7-2013, thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2012 ở khu vực thành thị đạt 4,1 triệu đồng/người/tháng, khu vực nông thôn đạt 1,98 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những tác động tích cực của các nguồn lực văn hóa đến lĩnh vực lao động, việc làm và thu nhập, cũng cần phải kể đến một số tác động tiêu cực.
Là trung tâm văn hóa lớn của cả nước với những lợi thế về mọi mặt, Hà Nội được xem là nơi hấp dẫn dân di cư. Quy mô và tốc độ của lượng người di dân vào Hà Nội qua các năm ngày càng tăng, chẳng hạn năm 2001, số người di cư vào Hà Nội là 16.985 người thì đến năm 2007 là 46.240 người và con số đó đã tăng lên 52.588 người vào năm 2010 (10). Tình trạng di dân tự do tới Hà Nội tìm việc cũng đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở Hà Nội vốn đã tồn tại nay lại càng trở nên phức tạp hơn do tình trạng di dân ngoại thành vào thành phố. Đây cũng là nguyên nhân làm phát sinh một số tiêu cực khác, tạo ra gánh nặng về mặt kinh tế - xã hội cho thành phố. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cuối năm 2012, địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp là Thành phố Hồ Chí Minh với 3,92%; tiếp theo là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 2,21%; Hà Nội 2,15% (11). Theo Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm giới thiệu việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội), số người đăng ký thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2014 trên toàn thành phố là trên 11.000 người (12).
Cùng với sức ép về vấn đề việc làm ở khu vực thành thị là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn do người lao động không có trình độ chuyên môn khi bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa. Theo số liệu điều tra của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, hiện nay Hà Nội có trên 70% số người không có trình độ chuyên môn khi bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa. Tỷ lệ thất nghiệp trước và sau khi thu hồi đất tăng từ 5,22% lên 9,1%. Tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động; sự phân hóa thu nhập và những khó khăn về đời sống của người nông dân Hà Nội ngày càng rõ rệt hơn. Theo Niên giám thống kê Việt Nam năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn năm 2009 là 2,01%; tỷ lệ thiếu việc làm là 6,57%. Chất lượng lao động thấp đồng nghĩa với việc khó có khả năng tìm được việc làm ổn định với thu nhập bảo đảm được đời sống. Năm 2013, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 136.000 lao động (13). Nhưng điều đáng nói là trong thực tế, những con số đó có biến động đáng kể bởi tình trạng lao động chuyển dịch từ chỗ này sang chỗ khác và tái thất nghiệp diễn ra phổ biến. Người lao động hôm nay tìm được việc làm nhưng ngày mai có thể đã thôi việc do mức lương trả cho lao động phổ thông ở hầu hết các cơ sở thấp, không đủ sống. Với số lao động có nghề, do phần lớn chất lượng tay nghề không cao nên doanh nghiệp trả lương cũng không khá hơn so với lao động phổ thông. Khi người lao động không đáp ứng được đòi hỏi nâng cao năng suất, chất lượng thì rất dễ bị doanh nghiệp sa thải.
Một số khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của nguồn lực văn hóa đối với lĩnh vực lao động, việc làm và thu nhập
Nhằm phát huy vai trò của các nguồn lực văn hóa đối với lĩnh vực lao động, việc làm và thu nhập, xin nêu một số khuyến nghị như sau:
Một là, quan tâm phát triển chất lượng nguồn lực con người. Như chúng ta đều biết, nguồn lực con người có vai trò quyết định. Vì vậy, cùng với quá trình phát triển, phải hiện đại hóa mà trước hết cần phải hiện đại hóa nguồn lực con người. Hiện nay, bên cạnh sự lạc hậu của những kiến thức và năng lực chuyên môn, kỹ thuật, khả năng giao tiếp ngoại ngữ còn kém, các năng lực cốt yếu của người lao động hiện đại như kỹ năng truyền đạt, làm việc theo nhóm, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc độc lập, dịch vụ khách hàng, đàm phán, quản lý xung đột,… vẫn còn yếu kém. Chính vì vậy, trong xu hướng cạnh tranh toàn cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn.
Hai là, gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp. Trong việc đào tạo nghề, phương châm là gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề thời gian qua mới bao quát chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu. Hiệu quả đào tạo nghề chỉ phát huy hiệu quả khi gắn với giải quyết việc làm. Để tạo cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn cho người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin về thị trường lao động, cung - cầu lao động.
Ba là, bảo đảm các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, con người cho các thiết chế văn hóa hoạt động. Các cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch đồng bộ trong việc đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng xã hội, đặc biệt chú ý trang bị và nâng cấp cho các thiết chế văn hóa cấp cơ sở, nhất là vùng nông thôn. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động của các thiết chế văn hóa nhằm phát huy vai trò giáo dục, tuyên truyền và tư vấn về các vấn đề lao động, việc làm, hướng nghiệp.
Bốn là, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Năm là, có định hướng phát triển các làng nghề truyền thống một cách bền vững. Để phát triển các làng nghề bền vững trong tương lai, cần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang tồn tại ở các làng nghề trên địa bàn Hà Nội cũng như nâng cao nhận thức của chính cộng đồng dân cư trong các làng nghề đó. Về phía các cơ quan chức năng, có chính sách phù hợp với đặc thù của các làng nghề, có sự đầu tư tài chính và hỗ trợ kỹ thuật song song với việc tăng cường vai trò của truyền thông, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Theo định hướng này, cần thực hiện tốt quyết định số 31/2014/QĐ-UBND Quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội mới được ban hành ngày 04-8-2014./.
---------------------------------
Chú thích
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 223 - 227
(2) (3) (8) (9) (11) Niên giám thống kê Việt Nam năm 2013, Nxb. Thống Kê, 2014, tr. 63, 715, 645, 717, 180, 184, 129, 111
(4) http://hanoitourism.gov.vn
(5) Trần Thị Kim Cúc: Văn hóa Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2014, tr. 219
(6) (10) Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H, 2010, tr. 95, 932
(7) Vietnamnet.vn, ngày 02-7-2014
(12) VnExpress, ngày 26-5-2014
(13) http://baotintuc.vn, ngày 07-01-2014
Công trình điêu khắc “Đoàn tụ” - biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Chile  (15/12/2014)
Hội nghị “Chính sách hướng Đông” đánh giá cao vai trò của Việt Nam  (15/12/2014)
Không tăng biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập  (15/12/2014)
Xây dựng Học viện Chính trị là trung tâm hàng đầu về đào tạo cán bộ  (15/12/2014)
Xây dựng Học viện Chính trị là trung tâm hàng đầu về đào tạo cán bộ  (15/12/2014)
Ngoại trưởng Nga, Mỹ sẽ hội đàm về tình hình Palestine, Ukraine  (14/12/2014)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay