TCCSĐT - Từ nhiều năm nay, Liên minh châu Âu là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào trung tuần tháng 10-2014 không những góp phần nâng cao vị thế Việt Nam mà còn tăng cường quan hệ chính trị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo những bước chuyển mạnh mẽ trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với thực thể kinh tế, chính trị quan trọng hàng đầu thế giới này.

Thắt chặt quan hệ chính trị - ngoại giao

Mối quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu được thiết lập từ sau năm 1975, chủ yếu thông qua viện trợ kinh tế. Bước chuyển biến lớn đánh dấu một thời kỳ mới sang quan hệ đối tác chính trị đa dạng và sâu rộng hơn trong quan hệ Việt Nam - EU là việc hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28-11-1990. 24 năm qua, mối quan hệ giữa hai bên phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào ổn định và thực chất hơn.

Với chủ trương hội nhập và phát triển, Việt Nam đã chủ động tăng cường tiếp xúc với các nước thành viên EU. Biểu hiện cao nhất cho quyết tâm của Việt Nam và EU trong việc tăng cường hợp tác toàn diện là các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên. Nguyên thủ đầu tiên của phương Tây đến thăm Việt Nam là Tổng thống Pháp Ph. Mít-tơ-răng (tháng 02-1993). Tiếp đó là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Áo Th. Kle-xtin, Thủ tướng Thụy Điển C. Bin (Carl Bild), Thủ tướng Hà Lan W. Cốc (W. Kok), Công chúa Anh, Hoàng tử kế vị Bỉ, Hoàng tử kế vị Lúc-xăm-bua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao EU,… Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1993); chuyến thăm Cộng đồng châu Âu (EC) của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (năm 1995); chuyến thăm EU của Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 1998)…

Một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU là ngày 17-7-1995, hai bên đã ký Hiệp định khung về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC) thiết lập các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên. Sau đó, vào tháng 10-2010, bên lề Hội nghị ASEM-8 tại Bỉ, Việt Nam và EU đã ký tắt Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam và EU. Hai năm sau, vào ngày 27-6-2012, Hiệp định này được ký chính thức, thay thế Hiệp định khung về hợp tác năm 1995. PCA ghi một dấu mốc mới, “một bước nhảy vọt về chất trong quan hệ đối tác song phương” ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam - EU, bởi nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ quyền con người, môi trường và biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, du lịch, năng lượng, đến giáo dục và văn hóa,… PCA tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng, lâu dài, ổn định và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.

Mối quan hệ song phương tốt đẹp này tiếp tục được khẳng định qua nhiều cuộc tiếp xúc chính trị cấp cao giữa Việt Nam và EU trong thời gian gần đây. Chuyến thăm của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu M. Ba-rô-xô và đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và An ninh C. A-stơn (tháng 8-2014), chuyến thăm EU của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2013) và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10-2014) không chỉ mở ra không gian hợp tác mới toàn diện, sâu sắc và thực chất hơn với EU mà còn thắt chặt sự tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại, sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa hai bên, nhất là hợp tác kinh tế.

Quan hệ kinh tế không ngừng phát triển

Cùng với quan hệ chính trị ngoại giao, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU không ngừng phát triển. Trước khi ký Hiệp định khung (17-7-1995), quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên chỉ ở mức độ khiêm tốn, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viện trợ phát triển của EU cho Việt Nam. Với việc ký PCA năm 2010, quan hệ kinh tế song phương bước sang giai đoạn mới với nhiều khởi sắc. Trong giai đoạn 2000 - 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD lên 24,29 tỷ USD. Liên minh châu Âu đã và đang trở thành một đối tác quan trọng, một thị trường rộng lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, như cao su nhiên liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, chè, hạt điều... Đồng thời, EU cũng là một khu vực có nền kinh tế phát triển cao, có thể đáp ứng các nhu cầu nhập khẩu thiết bị công nghệ và nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam, phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một trong những trụ cột chính của quan hệ Việt Nam - EU là thương mại. Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, nhưng thương mại hai chiều vẫn gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại đạt 17,5 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, EU vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn thứ hai, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2012.

Về đầu tư, EU là một trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2013, đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Việt Nam đạt 880 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại. Tính đến cuối năm 2013, EU có 1.402 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn lũy kế đăng ký là 18.024 tỷ USD.

EU tiếp tục là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ hai trong cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Thông qua các kế hoạch chiến lược hợp tác song phương, nguồn ODA của EU dành cho Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực, như phát triển nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật, cải cách hành chính, tư pháp, ngân hàng, tài chính và hội nhập kinh tế quốc tế. Các chương trình hợp tác phát triển giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách toàn diện và phát triển bền vững, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trong quá trình đạt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs).

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế và chịu nhiều tác động tiêu cực của giai đoạn “hậu khủng hoảng” hiện nay, Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU vẫn cam kết tiếp tục viện trợ 400 triệu ơ-rô cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ưu tiên, bao gồm phát triển con người, ủng hộ tiến trình cải cách kinh tế và xã hội, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Điều này cho thấy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.

Về hợp tác chuyên ngành, quan hệ hai bên đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, như văn hóa, giáo dục - đào tạo, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng…

Quan hệ “đối tác bình đẳng và hợp tác toàn diện”

Việt Nam luôn đánh giá cao vị trí chính trị của EU bởi đây không chỉ là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới mà còn là một cực có ảnh hưởng chi phối trên thế giới, góp phần định hình trật tự thế giới. Tăng cường hợp tác lâu dài với EU, trước hết để Liên minh này hiểu rõ hơn tình hình phát triển trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam, qua đó thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Các nước thành viên EU ngày càng đánh giá cao và coi trọng vai trò của Việt Nam không chỉ ở khía cạnh song phương mà còn ở những đóng góp của Việt Nam trong khu vực và nhất là trong tư cách điều phối quan hệ ASEAN - EU. Tăng cường quan hệ với Việt Nam - quốc gia ASEAN có nhiều tiềm năng, có vị trí và vai trò quan trọng trong khu vực, thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa EU và ASEAN, nhất là trong bối cảnh các nước EU triển khai chính sách đẩy mạnh mở rộng và tăng cường ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu trong cuộc họp báo khi thăm Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban châu Âu M. Ba-rô-xô đánh giá cao quan hệ đối tác đặc biệt với Việt Nam: “Việt Nam không chỉ là một nền kinh tế mới nổi và một thị trường đầy hứa hẹn, Việt Nam là một đối tác gần gũi với quan hệ lịch sử truyền thống - những điều giúp gắn kết chúng tôi - và một đối tác ủng hộ đáng tin cậy về sự hiện diện của EU trong khu vực này của thế giới”.

Hơn nữa, thành tựu trên nhiều lĩnh vực trong chặng đường gần 25 năm quan hệ Việt Nam - EU sẽ tạo đà thúc đẩy mối quan hệ song phương tiếp tục đi vào thực chất và chiều sâu. Hiện nay, cả Việt Nam và EU đều thể hiện quyết tâm chính trị, đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới với các công việc cụ thể như:

Một là, phê chuẩn sớm Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý chính thức đầy đủ cho sự hợp tác trong những lĩnh vực mới mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh. Việc sớm hoàn tất đàm phán ký kết hiệp ước song phương với EU sẽ gắn kết Việt Nam với khu vực chính trị, kinh tế phát triển hàng đầu thế giới này một cách mạnh mẽ và sâu sắc. Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế Á - Âu, tham gia đóng góp sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác lâu dài giữa hai bên. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên mở rộng và tăng cường hợp tác. Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ song phương, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên.

Hai là, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) theo như lộ trình đã được hai bên thống nhất. Việc ký kết EVFTA không chỉ mang lại cơ hội rộng mở để doanh nghiệp châu Âu tiến vào thị trường Việt Nam và ASEAN mà còn giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30%-40%; GDP của Việt Nam tăng lên 10%-15%... Việc hoàn tất EVFTA còn giúp Việt Nam với tư cách một nền kinh tế thị trường hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.

PCA và EVFTA là những trụ cột chính trị và kinh tế quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ giữa Việt Nam - EU, đánh dấu bước phát triển mới về chất, đưa quan hệ hai bên trở thành quan hệ “đối tác bình đẳng và hợp tác toàn diện”, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Ba là, tăng cường tham vấn và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, phát huy vai trò của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - EU để nâng cao vị thế và vai trò của hai bên ở khu vực cũng như trên thế giới.

Cả Việt Nam và EU đều thể hiện quyết tâm chính trị, đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới, đưa quan hệ Việt Nam - EU thành mối quan hệ đối tác toàn diện và bền vững. Chủ tịch Ủy ban châu Âu M. Ba-rô-xô trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8-2014 đã phát biểu: “ Điều chúng ta cần chính là đối tác chiến lược lâu dài” và hy vọng đàm phán giữa Việt Nam và EU sẽ đi tới giai đoạn quyết định. Trong chuyến thăm EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10-2014, hai bên đã thống nhất sớm hoàn tất đàm phán EVFTA. Trên cơ sở tin cậy chính trị, đồng thuận trong nhiều vấn đề quốc tế, nhất là việc hoàn tất EVFTA, quan hệ song phương Việt Nam - EU sẽ tiến thêm một bước mới theo hướng bền vững, thực chất và sâu sắc./.

Hiệp định PCA thể hiện sự cam kết của EU duy trì quan hệ đối tác với Việt Nam, mở rộng hơn lĩnh vực hợp tác quan hệ hai bên như thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học - công nghệ, quản lý nhà nước cũng như các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức. PCA cũng cho phép hai bên chia sẻ những lợi ích chung trong hệ thống luật pháp đa phương và thể chế quản lý toàn cầu, tăng cường hợp tác đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu. Đây là những cơ sở để phát triển quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng, lâu dài, ổn định và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.