Về thực hiện dân chủ qua kênh dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể

Nguyễn Thị Loan Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
15:39, ngày 01-10-2014
TCCSĐT - Trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc thực hiện dân chủ qua “kênh” dân vận, nhất là thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, ngày càng chiếm vị trí quan trọng.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) khẳng định mục tiêu: “Xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh”(1). Trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các định chế dân chủ gián tiếp và trực tiếp của xã hội từng bước được thiết lập nhằm thực hiện dân chủ, trước tiên ở cơ sở. Việc thực hiện dân chủ qua “kênh” dân vận, nhất là thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, ngày càng chiếm vị trí quan trọng.

“Dân vận” là hình thức triển khai thực hiện dân chủ, thường được hiểu là sự vận động người dân tham gia tích cực các công việc của Nhà nước và xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể giữ vị trí trung gian giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; có thành viên và chi hội xuống tới mỗi cơ sở ở nông thôn và đô thị; đại diện cho các thành phần xã hội trước các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước; đồng thời, là “kênh” để các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước có thể thẩm thấu đến những người dân bình thường - chính là thành viên của mình, bằng các hình thức sinh hoạt nội bộ hay hoạt động xã hội.

Hiện nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã, đang thúc đẩy sự hình thành, phát triển nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề trong xã hội. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu, định hướng, điều tiết được các ý kiến khác nhau trong xã hội trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Cách thức định hướng, điều tiết tối ưu là thông qua cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể.

Thực tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể là một trong các “kênh” chính để người dân có thể tiếp cận các công việc lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể mang tính dân chủ, vì lãnh đạo các tổ chức này là hội viên được lựa chọn từ các cấp thấp nhất. Nhiều lãnh đạo các tổ chức đoàn thể đồng thời cũng được bầu vào Hội đồng nhân dân ở địa phương. Cho nên, trong thời gian vừa qua, tại các địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, người dân vẫn có các “kênh” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể để tham gia một số công việc của Nhà nước, trước hết ở địa phương.

Thông qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể phổ biến thông tin của Đảng và Nhà nước tới người dân để thảo luận tại các cuộc họp địa phương và phối hợp với Ủy ban nhân dân để tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các chính sách qua các cuộc họp hoặc các phiếu thu thập ý kiến. Các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và các cán bộ dân cử khác tổ chức các cuộc họp ở cơ sở và tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với những cán bộ được bầu cử vào các vị trí chủ chốt. Các tổ chức đoàn thể cũng đóng vai trò lớn trong việc thực hành dân chủ đại diện bằng việc giám sát quy trình lập danh sách ứng cử viên, bầu cử vào các cơ quan dân cử.

Thực tế tại các huyện, quận, phường thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân vừa qua cho thấy, việc giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân được thể hiện ở sự phối hợp, tham gia quản lý nhà nước giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban nhân dân. Vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến Ủy ban nhân dân cùng cấp được tăng cường thông qua việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện, quận, phường được mời tham dự các cuộc họp của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đã tiến hành các hoạt động giám sát đạt nhiều kết quả, như: giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở cơ quan, doanh nghiệp, giám sát thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư cộng đồng; bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do hội đồng nhân dân cấp xã bầu,… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tiến hành các hoạt động mang tính phản biện xã hội, như: hiệp thương lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tham gia chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng,…

Phương hướng thực hiện vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian tới

Việc thực hiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể trong thời gian vừa qua, là cơ sở để thực hiện thể chế Đảng lãnh đạo đối với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quá trình thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội. Thông qua việc thực hiện cơ chế này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể có thể “...đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”(2).

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể là việc xem xét, phát hiện, kiến nghị về các hoạt động của tổ chức đảng các cấp và đảng viên; của các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ công chức nhà nước; của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức thuộc các cơ quan này trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đại biểu dân cử và đảng viên. Thông qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Để thực hiện nhiệm vụ giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội. Đó là nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của tổ chức đảng các cấp; đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; đối với dự thảo, chương trình, dự án, đề án của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Phản biện xã hội là góp phần bảo đảm tính đúng đắn, đúng ý Đảng, hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, quyết định của tổ chức đảng; trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, các chương trình, dự án, đề án, quyết định của các cơ quan nhà nước, đáp ứng lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể là giám sát và phản biện mang tính nhân dân và tính dân chủ. Giám sát và phản biện xã hội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội không được cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và trung thực.

Để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, trong tình hình mới hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể cần chủ động tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát đã thực hiện trong những năm qua, như: giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư cộng đồng,… Từ thực tiễn giám sát đó có thể xây dựng Luật Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013./.

--------------------------------------

Chú thích:

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 104

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 86