Phủ nhận, xuyên tạc sự thật lịch sử là tội ác
TCCSĐT - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một trong những chiến công lớn của thế kỷ XX, là bản thiên anh hùng ca vĩ đại của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một trong những trang vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chiến thắng 30-4-1975, đất nước giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đây là lần đầu tiên sau 117 năm (từ năm 1858 đến năm 1975), đất nước không còn bóng quân xâm lược. Chiến thắng ngày 30-4-1975 của nhân dân ta được thế giới, trong đó có cả những chính khách, tướng lĩnh Mỹ từng trực tiếp tham gia, buộc phải hết lời ca ngợi, xem đó như một biểu tượng của tinh thần quả cảm, không chịu khuất phục. Đúng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(1).
Vậy mà, nực cười thay, thời gian gần đây, trên một số website, blog cá nhân vẫn có những kẻ hoặc là thiển cận về chính trị, hoặc vì “đầu óc nô lệ” đã không thể hoặc không muốn thừa nhận thắng lợi vĩ đại đó của dân tộc ta. Bằng cách đưa ra những “sử liệu” vu vơ không biết lấy ở đâu ra, họ đã nhào nặn một cách chủ quan để rồi đi đến những kết luận hết sức hồ đồ, sai trái, đại loại như: Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ không hề muốn cai trị người Việt Nam, người Mỹ can thiệp vào Việt Nam là để giải phóng chứ không phải để cai trị; hay chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản. Từ đó, họ đi đến kết luận rằng: cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là “không cần thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”.
Cùng với việc cố tình xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh, họ còn tìm cách hạ thấp ý nghĩa của chiến thắng 30-4-1975 khi cho rằng không thể gọi “Đại thắng mùa Xuân” là một chiến thắng vẻ vang của Việt Nam trước Mỹ, vì khi đó Mỹ đã thay đổi chính sách đối ngoại, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa…
Cần phải khẳng định ngay rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, đã xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử một cách trắng trợn và lố bịch. Thực tế lịch sử đã chứng minh, mục tiêu chiến lược của Mỹ là quét sạch chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Đông Dương, biến nơi đây thành thuộc địa - một bàn đạp chiến lược - để Mỹ thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.
Theo các tài liệu mới được giải mật của chính quyền Mỹ, ngày 27-9-1948, trong một văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ tổng kết tình hình Việt Nam và chính sách của Mỹ đối với Việt Nam xác định mục tiêu lâu dài của Mỹ là “thủ tiêu ở mức tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ”(2). Ngày 30-12-1949, Tổng thống Mỹ Tru-mân phê chuẩn một văn kiện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, trong đó nêu rõ: “Đông Dương nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của chiến lược Mỹ... Mục tiêu lâu dài của Mỹ là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương... Mỹ muốn thấy ở Việt Nam và Đông Dương có các nhà nước chống cộng, thân Mỹ”(3). Các đời tổng thống Mỹ từ Tru-mân, Ai-xen-hao đến Ken-nơ-đi đều luôn coi Đông Dương là một bộ phận cần thiết của chính sách ngăn chặn - “một bức tường thành quan trọng trong chiến tranh lạnh”. “Mất Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ mất cả Đông Dương, tương tự như sự sụp đổ của các quân bài đô-mi-nô”(4).
Để thiết lập chế độ thực dân mới ở Việt Nam, ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX (cuộc kháng chiến 9 năm), Mỹ ra sức viện trợ quân sự, “hà hơi” tiếp sức cho thực dân Pháp, sau đó từng bước hất cẳng Pháp để chiếm đóng Việt Nam, độc chiếm Đông Dương. Thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: tính tới khi thực dân Pháp thua trận ở Đông Dương vào năm 1954, 78% chiến phí là do người Mỹ chi trả. Trong hồi ký của mình, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương - tướng Na-va buộc phải thừa nhận: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ” (5).
Sau thất bại không thể tránh khỏi của Pháp năm 1954, Mỹ thay chân Pháp xâm lược Việt Nam. Nhân dân ta phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, tàn bạo, nham hiểm và hiếu chiến nhất. Dân tộc ta chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử. Cả nước ùn ùn ra trận, tên lửa, chông tre, chân đi, vai vác. Cả nước như vạc dầu sôi, sẵn sàng cuộc chiến chống bọn xâm lăng:
“Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng...”
(Chế Lan Viên)
Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam, không phải ai khác, mà chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Trong suốt 21 năm chiến tranh, Mỹ đã thay đổi 5 chiến lược quân sự khác nhau, chiến lược sau thâm độc, xảo quyệt hơn chiến lược trước. Mỹ đã huy động tới hơn nửa triệu quân, cùng hàng vạn quân đồng minh làm xương sống cho hơn 1 triệu quân nguỵ - là một quân số kỷ lục cho một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Mỹ cũng đã sử dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất, kể cả vũ khí sinh học, hóa học (trừ vũ khí hạt nhân), mục đích nhằm “giết chết những gì động đậy, phá sập những gì bất động”, rắp tâm đẩy Việt Nam vào “thời kỳ đồ đá”. Ở chiến trường miền Nam, Mỹ đã cùng một lúc thực thi ba kiểu chiến tranh: “chiến tranh giành dân”, “chiến tranh bóp nghẹt”, “chiến tranh hủy diệt” ác liệt và dã man chưa từng có. Mỹ đã biến Việt Nam thành đất nước bị ném bom nhiều nhất trên thế giới với hơn 7,8 triệu tấn, gấp hơn 3 lần số bom, đạn Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên. Mỹ cũng đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học, mà chủ yếu là chất diệt cỏ đi-ô-xin, hậu quả là hơn một nửa diện tích rừng của Việt Nam đã bị thiêu rụi và di chứng của chất độc tàn ác này đến nay vẫn đang hành hạ hàng vạn gia đình người dân Việt Nam.
Xét về mặt chi phí, Mỹ đã tiêu tốn 676 tỷ USD cho cuộc chiến tranh Việt Nam, đưa chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những cuộc chiến “đắt tiền” nhất trong lịch sử nước Mỹ (và cũng là của thế giới). Riêng năm 1968, mỗi ngày Mỹ chi phí tới 100 triệu USD cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Con số này gấp 10 lần chi phí cho cuộc chiến chống nghèo đói ở Mỹ; gấp 4 lần chi phí cho chương trình nghiên cứu vũ trụ của Mỹ; bằng một nửa số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho nước ngoài trong 20 năm (1941 - 1960). Tính từ giữa năm 1961 đến năm 1974, đã có tổng số hơn 57.000 lính Mỹ mất mạng ở Việt Nam. Có một sự thực hiển nhiên là, trên thế giới này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chuyện kẻ mang con người, vũ khí trang bị phương tiện chiến tranh đi xâm lược nước khác lại không vì lợi ích của mình mà chỉ vì lợi ích của nước bị xâm lược.
Trước dã tâm xâm lược và những tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam - dân tộc vốn yêu chuộng hòa bình, nhưng sẵn sàng “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã lại phải một lần nữa đứng lên cầm súng bảo vệ phẩm giá của mình:
“Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”.
(Tố Hữu)
Vì lẽ đó, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng là sứ mệnh cao cả mà lịch sử giao phó cho Đảng và nhân dân ta. Như vậy, sẽ thật là ấu trĩ và nhẫn tâm và khi đến nay ai đó vẫn còn cố tuyên truyền rằng chiến tranh Việt Nam là “không cần thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”, rằng Mỹ tiến hành chiến tranh chỉ để giải phóng dân tộc Việt Nam, không phải để cai trị.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhằm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thống nhất nước nhà.
Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa làm công cụ cho chiến lược thực dân ở miền Nam Việt Nam. Nói về bản chất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng như thực tế ai là chủ trong mối quan hệ Mỹ - Việt Nam Cộng hòa, sẽ không gì rõ ràng hơn là những lời “tự thú” từ chính những người trong giới chóp bu của chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Nguyên tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từng cay đắng thú nhận: “Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Ðộc Lập”(6). Nguyễn Cao Kỳ - nguyên Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa khi trả lời trong cuộc phỏng vấn Báo Thanh Niên, số Xuân Ất Dậu (năm 2005) cho biết: “Mỹ lúc nào cũng đứng ra làm kép chính, chúng tôi không có quyền lực và vai trò gì quan trọng, vì vậy nhiều người cho đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”. Cũng là Nguyễn Cao Kỳ, trong một video phỏng vấn trích trong bộ phim tài liệu “Việt Nam - Cuộc chiến mười ngàn ngày” do Tập đoàn Truyền thông Ca-na-đa - CBC sản xuất năm 1980 đã chua chát: “Việt Cộng luôn đối xử với chúng tôi như là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ, nhưng rồi chính người Mỹ cũng coi chúng tôi là những con bù nhìn của Mỹ, chứ không phải các nhà lãnh đạo thật sự của người dân Việt Nam”.
Về phía giới chức Mỹ, chưa bao giờ họ đặt chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở tư thế một “đối tác” ngang hàng với Mỹ để có sự tôn trọng đúng mực. Trong Hội nghị Pa-ri, khi Nguyễn Văn Thiệu xin Mỹ cho mình không phải ký tên vào Hiệp định vì cho rằng đây là thỏa thuận “bán đứng miền Nam cho cộng sản”, thì có một lần Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã nói với cố vấn Kít-sinh-gơ: “Không thể để có cái đuôi chó phản lại cái đầu con chó được”. Ních-xơn cũng từng hù dọa sẽ “cắt đầu Thiệu nếu cần”. Để thúc ép Thiệu ký vào Hiệp định, Ních-xơn không ngần ngại ám chỉ về việc đảo chính lật đổ Thiệu. Trong bức thư đề ngày 06-10-1972, Ních-xơn viết: “Tôi yêu cầu Ngài (tức Nguyễn Văn Thiệu) áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968”. Những biến cố mà Ních-xơn nhắc tới ở đây là sự kiện đảo chính năm 1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm và vụ chính quyền Giôn-xơn định lật đổ Thiệu năm 1968. Kết quả là, Thiệu đã ngoan ngoãn vâng lời Mỹ, ngoan ngoãn đặt bút ký vào Hiệp định Pari ngày 27-01-1973, mở đường cho sự thất bại của chính quyền Sài Gòn chỉ hai năm sau đó.
Bình luận về bản chất của chế độ Sài Gòn và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, trong cuốn “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam - Hồi ức về Việt Nam và hồ sơ Lầu Năm Góc”, giáo sư sử học nổi tiếng Đa-ni-en An-xbéc của Mỹ, viết: “Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp - Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam - không phải là tất cả người Việt Nam, nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực và cuối cùng, quân đội và phi công của Mỹ”.
Như vậy, chứng cứ lịch sử đã quá rõ để khẳng định rằng: Về bản chất, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc đối đầu giữa nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Đó hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” giữa hai miền Nam - Bắc do xung đột về ý thức hệ như các luận điệu xuyên tạc lịch sử đang tuyên truyền.
Sự thật lịch sử cũng bác bỏ luận điệu lạc lõng cho rằng, “Đại thắng mùa Xuân 1975” là một chiến thắng tự nhiên mà có, khi chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị quan thầy Mỹ bỏ rơi.
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bước vào giai đoạn quyết định. Ở miền Nam, bằng cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972, quân và dân ta liên tục giành những thắng lợi lớn, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Thất thế trên chiến trường, lại bị dư luận trong nước và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, chính quyền Mỹ buộc phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam bằng con đường ngoại giao. Để giành lợi thế trên bàn đàm phán và xoay chuyển cục diện chiến tranh, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã đi một nước cờ liều lĩnh mà bốn đời tổng thống Mỹ trước đó không dám mạo hiểm, đó là sử dụng máy bay B.52 - được ví là “siêu pháo đài bay, thần tượng của không lực Mỹ” tiến hành cuộc tập kích đường không nhằm đưa miền Bắc “vào thời kỳ đồ đá”. Nhưng, thảm bại nhục nhã trên bầu trời Hà Nội đã đánh gục ý chí xâm lược và nỗ lực leo thang chiến tranh lớn nhất của Mỹ, là cú “nốc-ao” quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri, rút quân về nước. Trong cuốn sách “Không còn những Việt Nam nữa”, cựu Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã viết đầy cay đắng: “Trong lịch sử nhân loại chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam. Hoa Kỳ, một cường quốc hạt nhân, có 180 triệu dân, với GDP hơn 500 tỉ đô la và một quân đội đông hơn 1 triệu người, chống lại một nước nhỏ bé 16 triệu dân, GDP không đến 2 tỉ đô la, với một đội quân chỉ có khoảng 25 vạn người... Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến tranh ở Việt Nam là đợt chúng ta đưa B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào dịp lễ Noel năm 1972. Nhưng chúng ta đã thất bại và buộc phải ký Hiệp định Paris... Thất bại ở Việt Nam là thảm họa lớn đối với nước Mỹ. Từ nay không còn ai muốn có những Việt Nam nữa”.
Đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng ngày 30-4-1975 không phải là một thắng lợi dễ dàng. Thực sự, đó là “chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn”. Hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống; hàng ngàn làng mạc, thành phố bị san phẳng; nhiều di chứng của cuộc chiến đến nay vẫn dày vò hàng chục vạn gia đình. Nhưng, vượt qua những mất mát đau thương đó, chúng ta đã để lại cho hậu thế và bạn bè quốc tế sự kính trọng và nể phục về sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thắng đã thuộc nhân dân Việt Nam anh hùng, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó cũng là thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là một trong những giá trị cao cả của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Sự thật lịch sử về chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã quá rõ ràng, không thể bị phủ nhận, lẫn lộn trắng đen. Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Chúng ta không cho phép bất cứ ai, với danh nghĩa gì được phép xuyên tạc, bóp méo cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc. Bởi vì, đó là sự xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, chính nghĩa của cả một dân tộc; xúc phạm đến anh linh của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những quan điểm cố tình đánh tráo bản chất của cuộc chiến, phủ nhận, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng của nhân dân ta chủ yếu là nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sự hy sinh, đóng góp của nhân dân và quân đội ta ở cả hai miền Nam - Bắc, của bạn bè quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; đồng thời còn nhằm kích động các phần tử chống đối, lực lượng tay sai, phản động chống phá cách mạng Việt Nam. Nhưng, sự thật lịch sử thuộc về chúng ta và chắc chắn âm mưu thâm độc đó của các thế lực thù địch sẽ bị vạch mặt và làm thất bại. Ai đó đang dốc tâm xuyên tạc lịch sử nên nhớ kỹ lời dạy của người xưa: “Ăn lắm thì hết miếng ngon, nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”./.
-------------------------------
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 37, tr. 979
(2) Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2013, t. 01, tr. 110
(3) Một luận điệu xuyên tạc lịch sử, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, tại: http://tapchiqptd.vn/vi/van-de--su-kien/mot-luan-dieu-xuyen-tac-lich-su/3753.html, 26-4-2013
(4) Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975: Sđd, tr. 190
(5) Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975: Sđd, tr. 126
(6) Tổng thống Sài Gòn cũ Nguyễn Văn Thiệu và con đường chiến bại (kỳ III), Báo An ninh thế giới cuối tháng phiên bản điện tử, tại http://antgct.cand.com.vn/vivn/sotay/2010/6/53640.cand, 30-4-2010
Đà Nẵng triển lãm chuyên đề “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”  (29/04/2014)
“Ký ức Điện Biên” - sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại  (29/04/2014)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên