TCCSĐT - Trong ngày 20-4-2014, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các hành khách còn đang bị mất tích của chiếc phà SEAWOL bị nạn ở Hàn Quốc tiếp tục diễn ra với cường độ cao khi mà hy vọng cứu thêm được các hành khách đang còn bị mất tích đang cạn dần.

EU - NATO nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng quốc phòng trong khuôn khổ Hội nghị cấp ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU), được tổ chức trong hai ngày 14 và 15-4-2014 tại Lúc-xem-bua, các nước thành viên EU nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban quân sự EU Pa-trích Đơ Ru-xi-ê (Patrick de Rousiers) cho biết, đa số các Bộ trưởng quốc phòng EU ủng hộ “tăng cường quan hệ giữa EU và NATO trong tất cả các lĩnh vực”, từ phát triển các khả năng quân sự tới chuẩn bị và tham gia những chiến dịch trên thực tế. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO An-đơ Phoóc Ra-xmút-xen (Anders Fogh Rasmussen) cũng khẳng định các lực lượng của NATO và EU cần tăng cường phối hợp trong huấn luyện và diễn tập thực địa “sẵn sàng đối phó với bất kỳ điều gì xảy ra trong tương lai”.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các ngoại trưởng EU đã quyết định cấp cho U-crai-na 1 tỷ ơ-rô để hỗ trợ nền kinh tế nước này; đồng thời áp dụng một số biện pháp trừng phạt bổ sung cấp độ 2 nhằm vào Nga, trong đó có việc mở rộng danh sách các quan chức Nga bị rút visa và phong tỏa tài sản.

Hội nghị về hợp tác phát triển hiệu quả

Ngày 15-4-2014 (giờ miền Trung Mê-xi-cô), Tổng thống Mê-xi-cô Ên-ri-kê Pê-nha Ni-ê-tô (Enrique Peña Nieto) đã chính thức tuyên bố khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ nhất Liên minh toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả.

Trong hai ngày làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận năm chủ đề lớn, gồm đánh giá những bước đi tích cực kể từ hội nghị Bu-xan (Hàn Quốc); huy động nguồn lực trong nước; hợp tác với các quốc gia có thu nhập trung bình; hợp tác Nam - Nam và ba bên và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác với khu vực tư nhân. Đối với nước chủ nhà Mê-xi-cô, việc đăng cai hội nghị cấp cao của Liên minh toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó gắn với mục tiêu quốc gia đưa ra trong Kế hoạch phát triển đất nước giai đoạn 2013 - 2018. Theo kế hoạch này, Mê-xi-cô trở thành thành viên có trách nhiệm toàn cầu thông qua chính sách đối ngoại hiện đại, hữu nghị, hợp tác và trao đổi với các quốc gia và khu vực trên thế giới, đồng thời đóng góp tích cực vào việc gìn giữ môi trường quốc tế thuận lợi để hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ và tiến tới thực hiện mục tiêu phát triển sau năm 2015.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi nhanh chóng thực thi thỏa thuận Giơ-ne-vơ về U-crai-na

Sau khi 4 bên (gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và U-crai-na) tham gia cuộc gặp tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) ngày 17-4-2014 đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này, song nhấn mạnh điều quan trọng là phải thực hiện nó.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun tuyên bố hoan nghênh các thỏa thuận đạt được tại Giơ-ne-vơ và cho rằng các bên gồm Nga, U-crai-na, Mỹ và EU đã “thống nhất một loạt biện pháp cụ thể và khẩn cấp nhằm giảm căng thẳng tình hình và tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”. Ông hy vọng tất cả các bên tỏ rõ ý định nghiêm túc tiếp tục hợp tác trung thực và thực hiện các biện pháp đề ra trong thỏa thuận Giơ-ne-vơ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) nêu rõ trong thỏa thuận có điểm cần bắt đầu ngay lập tức đối thoại rộng rãi toàn dân về cải cách hiến pháp và U-crai-na cần bảo đảm tiến trình cải cách hiến pháp minh bạch, toàn diện. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh luật pháp U-crai-na hiện nay quy định quy chế trung lập về chính trị - quân sự của nước này và trong cuộc đàm phán, Nga đã khẳng định sự thay đổi quy chế trên sẽ phá vỡ nỗ lực hợp tác về mọi vấn đề nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng U-crai-na.

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton (Ca-thơ-rin A-stơn) tuyên bố EU hoan nghênh U-crai-na cam kết cải cách hiến pháp minh bạch và toàn diện. Bà cho biết EU quyết định ngay lập tức thực hiện một loạt biện pháp cụ thể. Theo bà, phái bộ quan sát viên đặc biệt sẽ đóng vai trò quyết định trong tiến trình này. Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Đi-đi-ơ Búc-han-tơ (Didier Burkhalter) khẳng định phái bộ giám sát đặc biệt của tổ chức này sẵn sàng đóng vai trò đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng tại U-crai-na. Ông cũng bày tỏ hy vọng nhận được sự hỗ trợ lớn hơn của các nước về tài chính trị và nhân sự.

Chìm phà SEAWOL ở Hàn Quốc


 

Thân nhân của các hành khách chờ đợi tin tức sau vụ tai nạn. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong ngày 20-4-2014, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các hành khách còn đang bị mất tích của chiếc phà SEAWOL bị nạn ở Hàn Quốc tiếp tục diễn ra với cường độ cao khi mà hy vọng cứu thêm được các hành khách đang còn bị mất tích đang cạn dần. Cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp về vụ chìm phà SEAWOL của Hàn Quốc cho biết, trong ngày 20-4 đã huy động 212 tàu, 36 máy bay và 641 thợ lặn tham gia công tác tìm kiếm tại hiện trường vụ tai nạn và trên khu vực biển xung quanh. Tính đến 18 giờ cùng ngày đã phát hiên thêm 06 thi thể các nạn nhân từ trong khoang của chiếc phà và trên mặt biển, nâng tổng số người thiệt mạng lên 58 người. Sau khi các đội cứu hộ phá được cửa kính tầng 3 và tầng 4 của chiếc phà SEAWOL vào đêm qua 19-4, mọi nỗ lực cứu hộ trong ngày 20-4 dường như tập trung vào việc tìm kiếm và trục vớt thi thể các hành khách xấu số.

Theo dự kiến ban đầu, Thủ tướng Chung Hông-uôn (Chung Hong-won) sẽ đến thăm hỏi và đối thoại với gia đình các nạn nhân còn đang bị mất tích hiện vẫn đang tập trung rất đông tại Nhà thi đấu quận Chin-đô theo yêu cầu của các gia đình này, tuy nhiên đến 15 giờ cùng ngày, buổi gặp trên đã không diễn ra như dự định. Một số tình nguyện viên người Hàn Quốc có mặt tại địa điểm trên cho biết, rất có thể buổi gặp trên không diễn ra như dự định là do Chính phủ Hàn Quốc lo ngại phản ứng mạnh của gia đình các nạn nhân, nhất là khi hy vọng mong manh thay đổi hoàn cảnh cuối cùng đã không còn, trong khi số lượng thi thể các nạn nhân trục vớt được từ đêm hôm qua đã tăng lên nhanh chóng. Thậm chí cuối buổi chiều cùng ngày, do quá đau buồn và tuyệt vọng, một số thân nhân các gia đình hành khách còn đang bị mất tích hiện đang ở tại Nhà thi đấu quận Chin-đô đã có những phản ứng rất mạnh, đổ lỗi cho phản ứng chậm trễ, lúng túng trong công tác cứu hộ của Chính phủ và gây ra tình trạng lộn xộn trong một thời gian nhất định tại Nhà thi đấu này.

23 giờ ngày 20-4, Tổng thống Hàn Quốc Pác Cưn Hi (Park Geun-hye) đã chấp thuận đề xuất của Chính phủ tuyên bố hai quận Chin-đô và An-xan thành “khu vực thảm họa đặc biệt”./.