Đàm phán về chương trình hạt nhân của I-ran: Luồng sinh khí mới
TCCSĐT - Mặc dù không đạt được bước đột phá, song cuộc đàm phán giữa I-ran và Nhóm P5+1 diễn ra mới đây tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) được dư luận miêu tả là “mang tính thực chất và đầy tiến triển”. Sự thiện chí của các bên liên quan đã làm dấy lên hy vọng chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.
Bầu không khí chính trị tích cực
Tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của I-ran bị ngừng trệ từ sau vòng đàm phán hồi tháng 4 vừa qua ở Ca-dắc-xtan, khi Tê-hê-ran từ chối hạn chế một số hoạt động làm giàu u-ra-ni để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, việc ông Hát-xan Rô-ha-ni (Hassan Rouhani), người được coi là có quan điểm ôn hòa, đắc cử Tổng thống I-ran trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 vừa qua đã “thổi luồng gió mát vào bầu không khí nóng bỏng” giữa Tê-hê-ran và phương Tây, qua đó giúp nối lại cuộc đàm phán giữa I-ran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức). Ông H. Rô-ha-ni cam kết bảo đảm sự minh bạch về chương trình hạt nhân của I-ran; đổi lại, các nước phương Tây cũng cần hủy bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với nước này. Nói đi đôi với làm, sau khi nhậm chức, Tổng thống H. Rô-ha-ni đã tiến hành một loạt hoạt động nhằm hiện thực hóa khẩu hiệu tranh cử “gia tăng tương tác với các nước trên thế giới”, trong đó đáng chú ý là có cuộc điện đàm lịch sử với người đồng cấp Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama). Trong khi đó, phần lớn người dân và giới chức Mỹ bày tỏ ủng hộ sự tương tác nhiều hơn giữa Nhà Trắng với chính phủ ôn hòa của I-ran do Tổng thống H. Rô-ha-ni đứng đầu. Nhiều nhà lập pháp Mỹ đề nghị ông B. Ô-ba-ma tận dụng tối đa các cơ hội mới trong quan hệ với chính quyền của Tổng thống H. Rô-ha-ni để tìm ra giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của I-ran. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng có động thái chưa từng có tiền lệ là trì hoãn đệ trình dự luật gia tăng các biện pháp trừng phạt chống I-ran để Nhà Trắng ký. Ngoài ra, một sự kiện nữa cũng đáng chú ý là 39 cựu quan chức, chuyên gia, đại sứ của Mỹ và châu Âu gửi một kiến nghị thư đến ông B. Ô-ba-ma, khuyến cáo về sự cần thiết phải sử dụng cơ hội mới có được tại I-ran để có sự tương tác tốt hơn, hiệu quả hơn trong quan hệ ngoại giao với nước này. Tất cả những điều nói trên cho thấy, các bên liên quan mong muốn nhanh chóng tìm được giải pháp chính trị cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Trung Đông này.
Cú hích quan trọng
Bầu không khí chính trị tích cực là cú hích giúp cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran và Nhóm P5+1 diễn ra vào trung tuần tháng 10 vừa qua tại Giơ-ne-vơ đạt được những tiến triển tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Tê-hê-ran đã thay đổi lập trường cứng rắn trong suốt nhiều năm qua, khi đưa ra đề xuất mang tính chất đột phá. Đề xuất của I-ran bao gồm ba bước nhằm giải quyết tranh cãi về chương trình hạt nhân của nước này trong vòng một năm tới, với bước đầu tiên có thể đạt được trong một, hai tháng tới, thậm chí ít hơn. Các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất tại các cơ sở hạt nhân của I-ran là một phần trong bước đi cuối cùng. Sự thay đổi lập trường của I-ran ngay lập tức nhận được sự phản ứng tích cực từ các cường quốc trên thế giới. Tuyên bố chung do Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Ca-thơ-rin A-xtơn (Catherine Ashton) đọc trước báo giới trên cương vị người chủ trì cho biết, vòng đàm phán lần này diễn ra thực chất, tạo cơ hội cho các vòng đàm phán tiếp theo. Đề xuất do I-ran đưa ra là nền tảng và sự đóng góp quan trọng cho tiến trình đàm phán. Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Giai Các-nây (Jay Carney) cho rằng, đề xuất của I-ran tại cuộc đàm phán lần này là rất hữu ích, cho thấy mức độ nghiêm túc và thực chất “mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”. Đức cũng có thái độ tích cực, khẳng định vòng đàm phán mới làm gia tăng hy vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của I-ran. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sê-vích (Alexander Lukashevich) nhận định, các đề xuất mới của Tê-hê-ran có thể tạo ra tiến triển hướng tới chấm dứt bất đồng giữa các cường quốc trên thế giới và nhà nước Hồi giáo này. Hơn nữa, động thái này là bằng chứng cho thấy phía I-ran mong muốn giải quyết những vấn đề mà 6 cường quốc (P5+1) cùng quan tâm. Như vậy, sự xuất hiện của ông H. Rô-ha-ni trên cương vị Tổng thống I-ran đang làm tan băng trong quan hệ giữa Tê-hê-ran và phương Tây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, để đạt được mục đích cuối cùng là chương trình hạt nhân của I-ran phải được minh bạch hóa và các lệnh trừng phạt mà phương Tây đơn phương áp đặt đối với nước này phải được dỡ bỏ, đòi hỏi các bên liên quan phải nỗ lực hết mình để vượt qua chặng đường đầy chông gai đang chờ phía trước.
Vẫn còn sự hoài nghi
Dù đã có bước khởi đầu khá tích cực, song cả I-ran và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang phải đối mặt với một thực tế là thiếu tin tưởng lẫn nhau và đây sẽ là lực cản không nhỏ đối với các cuộc đàm phán sắp tới. Để lấy lại niềm tin không phải là công việc một sớm, một chiều, bởi vì trong quá khứ, giữa I-ran và Mỹ có quá nhiều “duyên nợ”. Chắc hẳn đến nay người dân I-ran vẫn chưa quên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng hậu thuẫn lật đổ chính quyền Thủ tướng Mô-ha-mát Mô-xa-đéc (Mohammad Mossadegh) vào năm 1953. Trong khi đó, người Mỹ vẫn chưa hết “hận” vụ sinh viên I-ran bắt giữ con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tê-hê-ran vào năm 1979, tạo ra bước ngoặt đưa quan hệ song phương vào thời kỳ căng thẳng và thù địch. Sóng gió trong quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran càng trở nên dữ dội khi phương Tây cáo buộc chương trình hạt nhân của I-ran là nhằm sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, trong khi nước này lại khẳng định chương trình hạt nhân của mình là nhằm mục đích hòa bình và cung ứng điện năng. Bên cạnh đó, chính trị cũng là một trong những trở ngại lớn. Mỹ đã “xuống thang” khi không đòi hỏi phải có sự thay đổi chế độ ở I-ran, chấp nhận quyền được phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình của Tê-hê-ran. Hiện vẫn chưa rõ ông H. Rô-ha-ni có thể nhượng bộ đến đâu. Trong khi đó, mọi vấn đề trong chính sách của I-ran vẫn phụ thuộc nhiều vào Đại giáo chủ A-li Kha-mê-ni (Ali Khamenei), người có tiếng nói quyết định đối với nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có chương trình hạt nhân vốn gây nhiều sóng gió trong quan hệ giữa Tê-hê-ran và phương Tây thời gian qua. Bản thân Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng vấp phải những thách thức riêng: Quyết định đàm phán với I-ran đồng nghĩa với việc lệnh cấm vận và trừng phạt sẽ phải nới lỏng. Khi nào nới lỏng và nới lỏng như thế nào? Tê-hê-ran muốn dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh cấm vận, trong khi Mỹ và các nước khác sẽ đưa ra một danh sách dài các yêu cầu đối với I-ran, trong đó có việc ngừng làm giàu u-ra-ni lên mức cao hơn 20%; đóng cửa cơ sở nước nặng ở A-rắc (Arak) mà phương Tây lo ngại có thể được dùng để sản xuất plu-tô-ni; và đóng băng hoạt động tại cơ sở làm giàu u-ra-ni ở Pho-đâu (Fordow). Thế nhưng, Tổng thống H. Rô-ha-ni, người góp phần quan trọng trong việc hồi sinh cuộc đàm phán giữa I-ran và Nhóm P5+1, vẫn kiên quyết bảo vệ chương trình hạt nhân của I-ran và từ chối chuyển số u-ra-ni làm giàu ra nước ngoài.
Những động thái mới nhất cho thấy, cả I-ran lẫn phương Tây đều mong muốn sớm chấm dứt tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông này, song con đường dẫn tới thành công vẫn còn rất nhiều thách thức và chông gai. Vì vậy, hiện vẫn còn quá sớm để hy vọng các cuộc đàm phán sắp tới giữa I-ran và Nhóm P5+1 sẽ tạo được bước đột phá./.
Tháo gỡ hạn chế, vướng mắc Luật Phá sản hiện hành  (18/11/2013)
Vinh danh 160 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013  (17/11/2013)
Học viện Tài chính: Cơ sở giáo dục - đào tạo hàng đầu về tài chính  (17/11/2013)
Trường Đa Phúc cần phấn đấu đi đầu trong giáo dục đào tạo của Hà Nội  (17/11/2013)
Đoàn kết để cuộc sống tốt đẹp và đáng sống  (17/11/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên