Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
* Chiều 10-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, chiều 10-9. Ảnh: VGP |
Báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết trong 8 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến và đạt được kết quả tích cực.
Sản xuất nông nghiệp được đổi mới dần theo phương thức tiên tiến, gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng nhất là cánh đồng liên kết sản xuất khép kín từ cung ứng vật tư - tiêu thụ nông sản - chế biến và xuất khẩu.
Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa được ứng dụng mạnh mẽ, nâng diện tích thu hoạch bằng máy lên 85% và diện tích được tưới tiêu bằng bơm điện đạt 72%, góp phần giảm chi phí đầu vào từ 1-2 triệu đồng/ha/vụ.
Sản xuất công nghiệp được chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới; ước các tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 6,87%; hoạt động thương mại - dịch vụ được duy trì phát triển, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng các tháng đầu năm tăng 19,61% so với cùng kỳ năm 2012…
Trong những tháng cuối năm 2013, Đồng Tháp khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2013, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là theo dõi sát tín hiệu thị trường và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã đăng ký để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, miễn, giãn một số loại thuế để có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm các mô hình liên kết trong sản xuất để làm cơ sở triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào “cánh đồng liên kết”; nâng cao hiệu quả hoạt động các loại hình hợp tác kinh tế. Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hoàn thành xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc diện chính sách…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những kết quả mà Đồng Tháp đạt được là khá toàn diện, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung, năm 2012, kinh tế của Đồng Tháp vẫn duy trì được tăng trưởng trên 9% và dự báo năm 2013 sẽ tăng khoảng 8%.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu những hạn chế mà Đồng Tháp cần quan tâm khắc phục, nhất là quy mô kinh tế của địa phương còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, thu nhập đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (10%)...
“Những hạn chế này cần phải được đánh giá khách quan, nhìn nhận nghiêm túc, tìm ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đồng Tháp khai thác triệt để hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lợi thế về nông nghiệp, thủy sản. Trong phát triển nông nghiệp, thủy sản phải chủ động tính toán đầu ra của sản phẩm; liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ nhằm tạo giá trị gia tăng cao; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nhất là sản xuất lúa, trái cây, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; chủ động đón đầu các thị trường khi Việt Nam kết thúc đàm phán thành công hàng loạt hiệp định thương mại tự do sắp tới...
Đồng Tháp cũng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như cơ cấu lại sản phẩm công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và phát triển bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng cần hết sức lưu ý đến việc huy động các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông vận tải, qua đó tạo động lực thúc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hết sức chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhất lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho các mục tiêu phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị Đồng Tháp tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục; quyết liệt thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ gắn liền với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Đồng Tháp, trong đó có đề xuất hỗ trợ kinh phí xây dựng một số công trình giao thông, y tế trọng điểm của địa phương như dự án xây mới Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp (quy mô 700 giường bệnh), dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 54, Quốc lộ 30.
* Trước đó, sáng 10-9, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Vàm Cống, cây cầu bắc qua sông Hậu.
Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng cầu Vàm Cống. Ảnh: VGP |
Tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc và nhân dân địa phương vùng dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư và xúc tiến khởi công xây dựng cầu Vàm Cống, cây cầu ước mơ ngàn đời của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là người dân đôi bờ sông Hậu.
Cùng với các công trình như đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, tuyến đường Nam sông Hậu và Quản Lộ - Phụng Hiệp, việc đầu tư xây dựng công trình cầu Vàm Cống nói riêng và các công trình thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong nói chung sẽ hình thành một hệ thống giao thông đường bộ rộng mở, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Cầu Vàm Cống (phần cầu chính và cầu dẫn) là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống khoảng 2,5 km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu.
Đây là một hợp phần quan trọng thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong (bao gồm 5 dự án thành phần với tổng chiều dài 78km, trong đó có cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến tránh thành phố Long Xuyên và tuyến Mỹ An - Cao Lãnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp, nhà thầu tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, đúng tiến độ đưa cầu Vàm Cống vào sử dụng.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện Dự án cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông vận tải, đi liền với đó là quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn liền với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.
Cùng ngày 10-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hương, dâng hoa tại đền thờ và mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh./.
Cầu Vàm Cống được thiết kế với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn, vận tốc thiết kế 80km/h.
Quy mô mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5m. Tổng chiều dài cầu 2,9km (trong đó, phần cầu chính vượt sông là cầu dây văng dài 870m và cầu dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực 2 phía Đồng Tháp và Cần Thơ dài gần 2km).
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 271 triệu USD (tương đương 5.700 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là 48 tháng. |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cắt băng khánh thành Nhà máy sữa Việt Nam  (10/09/2013)
Đoàn công tác số 3 làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương  (10/09/2013)
Việt Nam - Lào chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Đảng  (10/09/2013)
Tặng Huân chương cho Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam  (10/09/2013)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên