Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-8 đến ngày 01-9-2013

Đức Toàn tổng hợp
20:03, ngày 02-09-2013
TCCSĐT - Sau ba năm triển khai Chương trình quốc gia về Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước (2011 - 2015) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước (2011 - 2020), Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng.

Tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2013 (tổ chức ngày 28-8-2013), Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG đã đưa ra thông tin, cho thấy: tất cả các bộ và các cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều có trang/cổng thông tin điện tử; 90% các đơn vị trực thuộc bộ, sở, ngành, quận, huyện đã trang bị hộp thư điện tử; 95% các bộ, cơ quan ngang bộ, 98% UBND tỉnh và 54% UBND huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng.

Năm 2012, 83,6% thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng, 96,6% bộ, ngành có website riêng, 100% các tỉnh thành phố có cổng thông tin điện tử.

Theo nhận định của IDG, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những thước đo quan trọng hàng đầu phản ánh trình độ phát triển chính phủ điện tử. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm phát triển của chính phủ điện tử đã có sự chuyển dịch mục tiêu từ bảo đảm thực hiện chức năng quản lý, điều hành trong các cơ quan nhà nước sang phục vụ xã hội.

Với chủ đề “Nâng cao năng lực Chính phủ điện tử: Tăng cường hợp tác, minh bạch và gắn kết công dân,” Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2013 đã thảo luận vai trò của các bộ, ngành trong việc quản lý và triển khai các chương trình quốc gia về Chính phủ điện tử; chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại địa phương nhằm đề xuất giải pháp phát triển trong giai đoạn 2013 - 2015.

Các báo cáo của Hội thảo cũng tập trung vào xu thế công nghệ mới trong phát triển Chính phủ điện tử; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công; năng lực vận hành và hiệu quả hợp tác.

Hà Nội: Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 10 đơn vị

Ban Chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập 2 Đoàn kiểm tra việc thực hiện "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015".

Theo đó, từ ngày 10 đến ngày 20-9, 2 đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các quận, huyện: Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh và các Sở Công Thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính. Nội dung kiểm tra chủ yếu là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình số 08; cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Phần mềm “Mã nguồn mở quản lý văn bản và điều hành công việc”

Với mục đích giúp quá trình xử lý văn bản, điều hành công việc được nhanh chóng, tăng cường hiệu lực và hiện đại hóa cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, kỹ sư Nguyễn Đức Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang) cùng cộng sự đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phần mềm “Mã nguồn mở quản lý văn bản và điều hành công việc”. Đến nay, phần mềm đã được gần 20 sở, ngành của tỉnh Bắc Giang sử dụng và được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là 1 trong 7 phần mềm chỉ đạo các địa phương sử dụng thử nghiệm.

Phần mềm “Mã nguồn mở quản lý văn bản và điều hành công việc” được phát triển trên nền tảng mã nguồn mở Drupal. Drupal là công nghệ phát triển ứng dụng mới, được nhiều nước phát triển ứng dụng. Khi sử dụng phần mềm “Mã nguồn mở quản lý văn bản và điều hành công việc” thay vì tiếp nhận văn bản thủ công, phần mềm này quản lý toàn bộ công văn đi đến, cho phép định nghĩa và phân loại các loại văn bản cũng như theo dõi quá trình giải quyết công việc trên máy tính.

Kỹ sư Nam cho biết: Ưu điểm của phần mềm này là đơn vị sử dụng có thể chủ động hiệu chỉnh linh hoạt theo nhu cầu, có khả năng mở rộng thêm các tính năng tiện ích khác như lịch công tác, văn bản pháp quy, diễn đàn trao đổi. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với các phần mềm khác... Phần mềm giao diện Web có thể chạy trên internet hoặc trong mạng nội bộ, giúp cho cán bộ, công chức có thể xử lý công việc ở bất cứ đâu. Phần mềm có hiệu năng cao, tốc độ nhanh, bảo đảm an ninh thông tin, giúp đơn vị sử dụng tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, điểm nổi trội của phần mềm là nhiều người có thể cùng theo dõi, đóng góp ý kiến trong quá trình xử lý văn bản, điều hành công việc.

Việc sử dụng phần mềm “Mã nguồn mở quản lý văn bản và điều hành công việc” sẽ góp phần giảm chi phí phát triển ứng dụng công nghệ thông tin ở các địa phương, giúp các địa phương tự chủ về công nghệ và bảo đảm an ninh thông tin mạng. Đây cũng là hướng đi mới cho ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, giảm nhập khẩu, mua sắm phần mềm bản quyền, giảm vi phạm phần mềm bản quyền trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Cấp gần 86.000 chứng minh nhân dân theo công nghệ mới

Ngày 30-8, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã sơ kết việc thí điểm cấp chứng minh nhân dân (CMND) mới. Qua gần một năm (từ ngày 21-9-2012), cơ quan công an đã thu nhận, phê duyệt hồ sơ và in hoàn chỉnh 85.998 CMND cho công dân.

Tại các đơn vị thí điểm thuộc Công an TP. Hà Nội (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội, Công an quận Tây Hồ, Hoàng Mai, huyện Từ Liêm), hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc cấp CMND mới đã đáp ứng được nhiệm vụ. Việc cấp CMND mới đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Mặc dù còn một số hạn chế nhưng sắp tới, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội sẽ đề xuất tiếp tục mở rộng việc cấp CMND mới, ngay sau khi Chính phủ ban hành văn bản pháp quy bổ sung liên quan. Hiện Tổng cục đang phối hợp với các cơ quan liên quan để điều chỉnh, hoàn thiện các chức năng của dự án; tổ chức, chuẩn bị điều kiện để mở rộng dự án tại tất cả quận, huyện của TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình. Cơ quan công an cũng sẽ nắm bắt ý kiến phản ánh của nhân dân để kịp thời giải quyết vướng mắc trong việc sử dụng CMND mới.

TP. Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam: Đẩy mạnh cải cách hành chính và công vụ

Ngày 30-8, UBND TP. Tam Kỳ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ công chức. Tam Kỳ hiện có 13/13 đơn vị xã, phường triển khai thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa. Trong đó, có 9/13 xã, phường đã xây dựng nhà làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Thành phố cũng có nhiều chủ trương, giải pháp và cơ chế, chính sách nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến xã, phường. Các cơ quan, đơn vị cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động. Kỷ cương, kỷ luật hành chính, tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực.

Cuộc vận động "Ba hơn" trong cải cách hành chính ở Ðà Nẵng

Những thành công bước đầu trong cải cách hành chính ở Ðà Nẵng theo hướng đơn giản, thuận tiện, minh bạch hơn đã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn giúp Ðà Nẵng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Nội vụ Ðà Nẵng Ðặng Công Ngữ cho biết, để tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, giảm chi phí và cải thiện chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính, từ giữa năm 2012, Sở Nội vụ và Thành đoàn Ðà Nẵng đã phối hợp triển khai cuộc vận động "Nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn" (gọi tắt là cuộc vận động "Ba hơn") trong công tác cải cách hành chính. Ở nội dung "Nhanh hơn", có 89 đơn vị đăng ký cam kết với 1.066 nội dung nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc, hoàn thành trước tiến độ. Kết quả, trong vòng một năm, có 600 thủ tục được thực hiện nhanh hơn, với tổng số 102.034 hồ sơ giao dịch hành chính, tiết kiệm được cho công dân, tổ chức 73.263 ngày làm việc. Gần 400 nội dung cải tiến, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các quy trình, thủ tục chưa hợp lý, khoa học được các cơ quan, đơn vị thực hiện để "hợp lý hơn". Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng phê duyệt phương án hợp lý hóa về thủ tục hành chính, với 47 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp quận, huyện và phường, xã và 83 thủ tục thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố đã được triển khai hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị cũng đăng ký thực hiện 126 giải pháp cụ thể để "thân thiện hơn" trong cách giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện cuộc vận động "Ba hơn", tại các quận, huyện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, độc đáo, tất cả đều nhằm tạo sự thuận lợi nhất cho người dân khi làm các thủ tục hành chính, giảm tiêu cực, phiền hà.

Cơ chế "một cửa" được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở cả ba cấp: thành phố, quận, huyện và phường, xã. Mô hình "một cửa liên thông" tiếp tục được duy trì hiệu quả tại UBND tất cả các quận, huyện, phường, xã. Từ mô hình thí điểm "một cửa điện tử" ở phường Thuận Phước, đến nay tất cả các UBND các quận, huyện và nhiều phường, xã áp dụng mô hình này với nhiều thiết bị phục vụ xếp hàng tự động, tra cứu thông tin cải cách hành chính, tra cứu tình trạng hồ sơ qua tin nhắn SMS, phần mềm xử lý hồ sơ. Ðà Nẵng cũng đưa vào sử dụng hệ thống máy tính khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chất lượng cải cách hành chính và mức độ phục vụ của từng cán bộ, nhân viên tham gia giải quyết công việc. Việc này giúp cho công tác đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính hằng năm được khách quan hơn, sát thực hơn.

Những cách làm sáng tạo của Ðà Nẵng đã và đang giúp hình thành một thương hiệu thành phố. Ðà Nẵng đang tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong cải cách hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải tỏa, đền bù...

TP. Hồ Chí Minh cần đột phá hơn nữa trong cải cách

Ngày 30-8, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2011 - 2013 và những giải pháp trọng tâm đến năm 2015.

Trong 3 năm 2011 - 2013, thành phố đã tập trung triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về kinh tế gắn với việc thực hiện 6 chương trình đột phá. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân tăng 9,5%/năm, gấp 1,8 lần so với cả nước (cả nước tăng bình quân 5,5%/năm). Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh cũng còn các hạn chế, yếu kém như chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chưa cao; một số công trình dự án về bảo vệ môi trường còn chậm tiến độ; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn…

Để hoàn thành mục tiêu 5 năm 2011 - 2015, trong thời gian tới thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo huy động vốn và nguồn lực, thực hiện tốt các giải pháp xử lý hàng tồn kho gắn với bất động sản, đồng thời chăm lo tốt đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội..../.