TCCS - Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân An Giang đã tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành một nền nông nghiệp đa dạng, đạt trình độ thâm canh khá cao, với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là lúa, cá da trơn và hoa màu. Từ thực tiễn của An Giang, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý cho các địa phương trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thành tựu và sức lan tỏa của đổi mới trong nông nghiệp

Sau 22 năm đổi mới, tính đến 2008, An Giang đã có hệ số sử dụng đất cao nhất từ trước đến nay (từ 1,4 lần lên 2,35 lần); năng suất lúa bình quân đạt 6,17 tấn/ha, tăng 2,24 lần; riêng vụ đông xuân đạt 7,3 tấn/ha. Với sản lượng lương thực đạt 3,5 triệu tấn, tăng gấp 4 lần, An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực. Đặc biệt, công tác giống đã có bước chuyển biến và được xã hội hóa sâu rộng, đáp ứng 70% nhu cầu, giúp hạn chế sâu bệnh, tăng nhanh diện tích lúa chất lượng cao lên đến 95%.
 
Chương trình 3 giảm - 3 tăng (3 giảm: giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; 3 tăng: tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả) được áp dụng trên 85% diện tích, làm lợi cho nông dân 916 tỉ đồng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá, đặc biệt nuôi trồng thủy sản tăng mạnh với nhiều hộ nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2008 do ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng tài chính toàn cầu nên giá cá sụt giảm kéo dài, số người và diện tích nuôi giảm nhiều nhưng sản lượng vẫn đạt 315.000 tấn, tăng 51.000 tấn so với năm 2007.

An Giang thực hiện xã hội hóa khuyến nông, thực hiện khuyến nông đa thành phần: khuyến nông của Nhà nước, khuyến nông của doanh nghiệp, khuyến nông của báo, đài, khuyến nông do các nhà khoa học thực hiện và khuyến nông nông dân, do chính những người nông dân tự khuyến khích lẫn nhau...

Nhờ chủ động xã hội hóa công tác giống, nâng cao năng lực chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ nên giá trị sản xuất trên một héc-ta canh tác ngày càng tăng cao. Năm 2007 đạt 38,3 triệu đồng/ha, tăng 2,6 lần so với năm 1996; riêng thủy sản đạt từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng/ha.
 
Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như mô hình chuyên canh hoa màu 3- 5 vụ/năm ở huyện Chợ Mới, đạt trên 92 triệu đồng/ha; mô hình 1 lúa - 1 tôm ở Thoại Sơn đạt 70 triệu đồng/ha; mô hình 2 lúa - 1 màu, 2 màu - 1 lúa ở nhiều nơi... Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, năm 2008 An Giang có quan hệ ngoại thương với các đối tác ở 99 nước, đạt kim ngạch 750 triệu USD, tăng gần 5 lần so 1996; trong đó xuất gạo chiếm 1/3, thủy sản chiếm hơn một nửa.

Tỉnh đã sớm thực hiện nhiều chính sách, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như trợ giá giống lúa nguyên chủng từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg; hỗ trợ tín dụng lãi suất 0%, trả chậm 3 năm, ngân sách bù lãi suất để mua máy gặt, cấy, sấy lúa, hoặc để nuôi gia cầm an toàn sinh học... Nhờ đó An Giang đã cơ giới hóa được 100% khâu tuốt lúa; 95% khâu làm đất; 100% tưới tiêu bằng máy động lực, trong đó có 34% tưới tiêu bằng điện; 40% khâu sấy; 26% khâu gặt.

Công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, giá trị sản xuất tăng 4,8 lần so với năm 1996, trong đó công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chiếm 92% giá trị toàn ngành công nghiệp. Dịch vụ thương mại ở nông thôn phát triển đa dạng với hệ thống chợ được phân bổ rộng khắp các địa bàn, đạt bình quân 2 chợ/xã, mỗi chợ phục vụ trên 1,5 ngàn hộ dân. Dịch vụ tín dụng, ngân hàng cũng phát triển tốt, đáp ứng về cơ bản nhu cầu tín dụng của nhân dân.

Quan hệ sản xuất được đổi mới, phù hợp với sức sản xuất, doanh nghiệp dân doanh phát triển nhanh ở thành thị và nhiều mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại được hình thành, phát triển ở nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 165 hợp tác xã, trong đó có 98 hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp, chiếm 15,6% diện tích canh tác; 1.125 trang trại đạt giá trị sản lượng trên 100 triệu đồng/năm/đơn vị. Kinh tế hộ tiếp tục phát triển, nhiều hộ thực hiện sản xuất kinh doanh đa dạng.

Kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư phát triển tốt. Hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu toàn bộ diện tích canh tác, 93% diện tích có đê bao kiểm soát lũ, 41% diện tích được kiểm soát lũ triệt để, nhiều vùng hoàn toàn chủ động nước trong sản xuất. Giao thông nông thôn đã cơ bản nối liền các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hầu hết các xã có đường ô-tô về tới trung tâm; một số huyện đã có đường láng nhựa hoặc bê-tông về đến ấp. Lưới điện quốc gia phát triển đến các xã và có trên 90% số hộ nông dân sử dụng điện quốc gia. Bưu chính - viễn thông phát triển nhanh, thông suốt đến các xã.

Mạng lưới giáo dục, y tế phát triển nhanh, được phân bố hợp lý trên các địa bàn, chất lượng hoạt động được nâng lên rõ rệt. Từ năm 1998, tỉnh đã chấm dứt tình trạng lớp học ca ba và bảo đảm việc dạy và học diễn ra bình thường ngay cả trong mùa lũ. Đến nay không còn phòng học tạm bợ và có 100% số xã phổ cập giáo dục tiểu học. Các xã đều có trạm y tế, các trạm đều có nữ hộ sinh và 75% số trạm có bác sĩ. Tuổi thọ trung bình của người dân An Giang được nâng lên 72 tuổi vào năm 2007. Đời sống văn hóa ở cơ sở cũng có nhiều chuyển biến.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được thường xuyên quan tâm củng cố tăng cường. Cán bộ, công chức cơ sở phần lớn đã qua các lớp lý luận chính trị. Cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” ở một số khâu công việc mang lại hiệu quả thiết thực. Dân chủ ở cơ sở được phát huy, nhất là trong việc giám sát các công trình có dân đóng góp.

Nông nghiệp, nông thôn phát triển, kỹ năng lao động, đời sống nông dân và dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt và ngày càng nâng cao. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, nhờ đó trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Lao động qua đào tạo hiện nay chiếm 23,1%, trong khi bình quân ở đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,75%, cả nước đạt 27%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, theo tiêu chí mới hiện còn 8,9%.

An Giang là một trong những tỉnh tiên phong trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, nhưng từ thực tiễn An Giang có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bài học kinh nghiệm cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Một là, xác định đúng đắn vị trí, vai trò và phương hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngay từ tháng 10-1986, cùng với quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã xác định “nông nghiệp, lương thực là nền tảng và là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới và nông thôn là địa bàn chiến lược”(1).

An Giang luôn ra sức tranh thủ, khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của mọi nguồn lực: ngân sách trung ương, kinh phí của các doanh nghiệp, các nhà khoa học và kể cả các tổ chức quốc tế... đồng thời luôn nêu cao ý thức tự lực, chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ của địa phương, trước hết là của chính những người nông dân.

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010, nhất là sau Đại hội X của Đảng, những vấn đề này càng được địa phương xác định rõ hơn: “Nông nghiệp là nền tảng và là mặt trận hàng đầu, tạo tiền đề và cơ sở vật chất để phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ; từng bước đưa An Giang thành một tỉnh có công - nông nghiệp phát triển. Nông thôn là địa bàn chiến lược, nông thôn có phát triển sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân cư. Nông dân là lực lượng cách mạng to lớn ở nông thôn, tạo ra sản phẩm thiết yếu cung cấp nhu cầu tiêu dùng của xã hội và cũng là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi về lợi ích vật chất trong nền kinh tế thị trường. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, thực hiện các chính sách bồi dưỡng sức dân để phát triển.”(2)

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII năm 2005 xác định: xét về tổng thể, “An Giang vẫn là tỉnh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cần phát triển theo chiều sâu và theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Bố trí sản xuất hướng về thị trường của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế so sánh của tỉnh”(3) và khẳng định “Nông nghiệp, nông thôn là những vấn đề mang tính chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng... Hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng... Thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nông thôn, chiến lược phát triển thị trường đến năm 2020 với các “điểm nhấn” là xây dựng các mặt hàng chủ lực như: gạo, thủy sản, rau quả; xây dựng đội ngũ doanh nhân nông thôn; trí thức hóa nông dân; hợp tác hóa sản xuất; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cũng là để lấy nông dân làm chủ thể, là trung tâm của sự phát triển, lấy phát triển nông thôn mới làm khâu đột phá, lấy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn làm khâu then chốt.”(4).

Hai là, phát huy cao độ tính chủ động, kịp thời có nhiều chủ trương chính sách năng động, sáng tạo:

- Từ tư duy kinh nghiệm, sống chung với lũ, thích nghi để tồn tại đã chuyển sang tư duy khoa học, vượt lũ có kiểm soát, kiểm soát có mức độ đến kiểm soát triệt để. Nhờ vậy, An Giang đã cơ bản chủ động được các mặt sản xuất, sinh hoạt kể cả trong mùa mưa lũ.

- Đi đầu trong chính sách “một khuyến”, tỉnh đã sáng tạo mở rộng chính sách “năm khuyến”: khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, khuyến học và khuyến thiện. Từ chính sách khuyến nông của Nhà nước, do Nhà nước bao cấp và thực hiện, tỉnh đã chuyển sang xã hội hóa khuyến nông, thực hiện khuyến nông đa thành phần: khuyến nông của Nhà nước, khuyến nông của doanh nghiệp, khuyến nông của báo, đài, khuyến nông do các nhà khoa học thực hiện và khuyến nông nông dân, do chính những người nông dân tự khuyến khích lẫn nhau..., khuyến nông của các thành phần ngoài nhà nước ngày càng quan trọng.

- Loại bỏ thói quen sản xuất nhỏ, chuyển sang hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh dưới nhiều hình thức đa dạng, thành công ở mô hình “bốn nhà”. Tuy cơ chế hợp tác, liên kết này còn phải tiếp tục cải tiến, hoàn thiện, nhưng đã có tác dụng nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước đưa nông dân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập kinh tế thế giới, hạn chế rủi ro của cơ chế thị trường.

- Không chỉ thực hiện thành công và vượt trội so với các địa phương khác về công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh còn thực hiện khá tốt mối quan hệ, tác động giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến nông, thủy sản và dịch vụ nông thôn.

Ba là, khai thác mọi nguồn lực, nêu cao tính tự lực.

Trong việc huy động các nguồn lực, tỉnh luôn ra sức tranh thủ, khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của mọi nguồn lực: ngân sách trung ương, kinh phí của các doanh nghiệp, các nhà khoa học và kể cả các tổ chức quốc tế... đồng thời luôn nêu cao ý thức tự lực, chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ của địa phương, trước hết là của chính những người nông dân. Việc huy động nguồn lực được thực hiện thông qua nhiều phương thức thích hợp, như quyên góp theo kiểu bình quân, huy động theo cơ chế thị trường (ví dụ, trong việc đầu tư hệ thống trạm bơm điện, tìm người góp vốn đầu tư trước, sau thu lại của nông dân thông qua cơ chế giá dịch vụ bơm tưới...). Đồng thời tỉnh đã đề cao tinh thần làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch khi huy động sức dân vào đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ huy động tốt các nguồn lực, tỉnh đã hình thành được một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối bảo đảm cho sản xuất và đời sống trong điều kiện vùng ngập lũ sâu.

Nền nông nghiệp ở An Giang hiện nay đã đạt đến một trình độ thâm dụng khá cao trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (có người cho là đã đạt được 60% mức độ toàn dụng) và nông thôn đã hình thành nên một bộ mặt mới. Tuy vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra, nhưng những thành tựu mà AnGiang đạt được có thể coi là một hình mẫu với nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở nước ta./.


(1) Báo cáo số 87-BC/TU, ngày 07-01-2009 của Tỉnh ủy An Giang về tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh An Giang những năm qua và xu hướng những năm tới (Báo cáo phục vụ tổng kết Cương lĩnh 1991), tr 2

(2) Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (2008), Đề án nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, tr 2

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh An Giang (2006), Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010, Lưu hành nội bộ, tr 3

(4) Báo cáo số 87-BC/TU, ngày 07-01-2009 của Tỉnh ủy An Giang..., tr 14 - 15