Thách thức đối với nguồn tài nguyên nước
TCCSĐT - Với tổng dòng chảy nước mặt khoảng 835 tỉ m3/năm và lượng mưa trung bình hằng năm vào khoảng 2.000 mm cùng với nguồn nước ngầm tương đối phong phú, có thể nói, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước giàu có. Nguồn tài nguyên này đã góp phần nuôi dưỡng cư dân đất Việt từ bao đời qua, và nếu được giữ gìn, sẽ là một trong những bảo đảm quan trọng cho sự sinh tồn của dân tộc ta và thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng, nguồn tài nguyên này của chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, và Việt Nam có thể sẽ trở thành quốc gia thiếu nước.
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC
Là một quốc gia nằm ở hạ lưu các con sông và một số tầng nước ngầm quốc tế, tài nguyên nước của Việt Nam cũng bị đe doạ rất nghiêm trọng từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Trong số 30 hệ thống sông lớn nhất của Việt Nam, có đến 5 hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Cửu Long (Mê Công), sông Cả, sông Mã và sông Đồng Nai chảy từ bên ngoài vào Việt Nam hoặc có mối liên hệ về vật lý với hệ thống nước mặt nằm bên ngoài lãnh thổ nước ta. Qua các hệ thống sông này, khoảng 530 tỉ m3 nước được sản sinh ở bên ngoài - chiếm khoảng 63% tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam - được đưa vào Việt Nam. Các con số này nói lên một thực tế rất đáng suy nghĩ.
Về số lượng nước, việc tăng cường các sử dụng tiêu hao của các quốc gia ở thượng lưu sẽ có thể tác động đến 63% nguồn nước chảy từ bên ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Về chất lượng nước, toàn bộ nước ở hệ thống sông quốc tế lớn của chúng ta phụ thuộc vào những hoạt động sử dụng nước của các quốc gia ở thượng lưu. Do nguồn nước ở các hệ thống sông quốc tế là một thể thống nhất, việc các quốc gia ở thượng lưu gây ô nhiễm phần nước chảy qua lãnh thổ của họ cũng sẽ làm cho toàn bộ phần nước chảy trên lãnh thổ nước ta - chiếm hơn 85% tổng trữ lượng nước của cả nước - bị ô nhiễm.
Bên cạnh nguy cơ suy kiệt nguồn nước trong mùa khô là nguy cơ gia tăng lũ lụt trong mùa mưa. Do nằm ở vị trí hạ lưu của nhiều hệ thống sông quốc tế, Việt Nam phải đón nhận một lượng lũ góp trên một diện tích rất rộng của thượng lưu dồn về. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt xảy ra gần như hằng năm và số năm có lũ cấp ba chiếm đến 56% tổng số những năm có lũ; mức lũ lớn nhất có thể đạt ở mức 51.200 m3/s.
CÁC ĐẬP THUỶ ĐIỆN - MỐI ĐE DỌA ĐỐI VỚI NGUỒN NƯỚC CỦA CÁC CON SÔNG
Việc xây dựng ồ ạt các đập thủy điện trên sông Mê Công và sông Hồng tạo thêm các thách thức cho các con sông này. Ngày 21-5-2009, Tổ chức Chương trình môi trường của Liên hợp quốc đã công bố bản Báo cáo cảnh báo rằng: tám con đập do Trung Quốc xây dựng, trong đó có đập Tiểu Loan cao nhất thế giới (292 m) với tổng dung tích tương đương với tất cả hồ chứa nước Đông Nam Á cộng lại, có thể gây ra mối đe dọa trầm trọng nhất cho con sông này.
Một số nước khác ven dòng sông Mê Công cũng đã hoặc sẽ triển khai xây dựng nhiều con đập thủy điện khác. Đến nay, có khoảng 20 đập thuỷ điện lớn trên dòng chính của sông Mê Công, từ Trung Quốc đến Cam-pu-chia, đã hoạt động hoặc đang được xây dựng. Mười một dự án xây đập khác trên sông Mê Công của Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia cũng đang ở giai đoạn xem xét hoặc nghiên cứu khả thi.
Hệ thống đập thủy điện đã, đang và sẽ được xây dựng làm cho nguồn nước Mê Công trở nên nguy kịch, đe dọa đời sống của hàng trăm triệu cư dân sinh sống tại lưu vực sông Mê Công. Chỉ riêng đập Tiểu Loan, vừa được hoàn thành giai đoạn đầu và sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2013, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với khoảng 250 triệu người sinh sống tại các quốc gia hạ lưu sông Mê Công như Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam. Vào mùa khô, nước ở khu vực thượng lưu Mê Công chiếm đến hơn 60% dung tích con sông. Vì vậy, một khi nguồn nước này bị giữ lại, hạn hán tại hạ lưu sông Mê Công chắc chắn sẽ xảy ra.
Tháng 5-2004, mực nước ở một số đoạn sông Mê Công tại Thái Lan chỉ còn sâu 10-100cm. Ông Su-ra-chai Sa-si-su-oan, Giám đốc bộ phận Tài nguyên Nước của Uỷ ban sông Mê Công cho biết: "Hai con đập Manwan và Dachaoshan của Trung Quốc được cho là nguyên nhân của tình hình trên". Trong khi đó, vào mùa mưa, sự xả nước đột ngột từ hồ Tiểu Loan có thể sẽ gây ra lũ lụt lớn. Ngoài ra, hồ chứa của các đập thuỷ điện trên sông sẽ giữ nước, chặn nhiều phù sa xuống hạ lưu, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, làm cho đất đai kém màu mỡ hơn, gây ảnh hưởng bất lợi cho nông nghiệp dưới hạ nguồn. Nguồn cá sông Mê Công sẽ bị suy giảm nhiều do các loài cá di cư không còn khả năng di chuyển từ vùng sinh sản ở Lào và Thái Lan xuống Biển Hồ tại Cam-pu-chia và đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam.
Tương lai của nguồn nước sông Hồng cũng không sáng sủa hơn. Việc tích nước từ các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn dẫn đến nguồn nước ở hạ lưu sông Hồng đang bị cạn kiệt quá mức,dù không phải năm hạn.Lần đầu tiên trong lịch sử, hiện tượng sông Hồng gần như trơ đáy đã xuất hiện.
Thực tế cũng cho thấy, nguồn nước sông Hoàng Hà ở Trung Quốc đã giảm mạnh đến mức ngày nay, Hoàng Hà trở thành sông chảy theo mùa và không còn dòng chảy ở hạ lưu, do việc xây dựng hai đập chứa nước Tam Môn Hiệp (Sanmenxia) và đập chứa nước Tiểu Lãng Đề (Xiaolangdi) trên sông với dung tích 12,7 tỉ m3 nước. Vào năm 1972, tại Trạm Li Kim (Lijin), Hoàng Hà không có nước trong 19 ngày, nhưng đến năm 1997, Hoàng Hà có tới 226 ngày trong năm không có dòng chảy, dù rằng lượng mưa ở trung và thượng lưu vào những năm 90 của thế kỷ XX lớn gấp 1,7 lần lượng mưa những năm 50.
Tóm lại, việc xây dựng các con đập để giữ nước hoặc làm công trình thủy điện lớn trên sông Mê Công hay sông Hồng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưu lượng nước, gây trở ngại cho giao thông đường thủy và tàn phá nặng nề môi trường sinh thái. Nếu số lượng và quy mô đập thuỷ điện trên hai con sông này không được kiểm soát và hoạt động của các con đập nói trên không được điều tiết hợp lý, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề về môi sinh, và tiếp đó sẽ là những vấn đề về kinh tế - xã hội.
NGĂN CHẶN SUY KIỆT NGUỒN NƯỚC
Để ngăn chặn nguy cơ sông Mê Công và sông Hồng cạn kiệt trong tương lai, cần có những biện pháp căn bản:
- Thứ nhất, kiểm soát việc xây dựng đập nước và đập thuỷ điện một cách ồ ạt trên sông Mê Công và sông Hồng. Kiểm soát không có nghĩa là cấm xây các đập thủy điện một cách vô lý, mà là mỗi dự án xây dựng đập thuỷ điện mới trên sông Mê Công hay sông Hồng đều phải được đánh giá tác động đối với các quốc gia liên quan khác; và đặc biệt là, phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
- Thứ hai, thay đổi nhận thức của một số nước ở thượng lưu coi sông Mê Công và sông Hồng như là các con sông quốc gia. Trên cơ sở yếu tố địa lý và các tiêu chí được luật pháp quốc tế xác định, có thể thấy, hai con sông này là sông quốc tế.
Những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước được chia sẻ giữa hai hay nhiều quốc gia, đã trở thành các tập quán quốc tế và được ghi nhận trong nhiều điều ước quan trọng của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường. Các nguyên tắc đó bao gồm:
1- Nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn nước quốc tế. Theo nguyên tắc này, các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước quốc tế đều có quyền sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước đó. Trong khi thực hiện quyền sử dụng công bằng và hợp lý của mình, các quốc gia liên quan có nghĩa vụ tôn trọng quyền sử dụng công bằng của các quốc gia láng giềng khác cùng chia sẻ nguồn nước.
2- Nghĩa vụ không gây hại: là một trong những nghĩa vụ cơ bản nhất của các quốc gia ven một nguồn nước quốc tế. Theo nghĩa vụ này, trong khi sử dụng, khai thác, bảo vệ và phát triển một nguồn nước quốc tế nằm trong phạm vi quyền tài phán của mình, quốc gia ven nguồn nước có nghĩa vụ không gây hại đáng kể về số lượng và chất lượng nước cho các quốc gia ven nguồn nước khác. Nói cách khác, một quốc gia ven nguồn nước có quyền sử dụng các nguồn nước của một con sông quốc tế chảy qua lãnh thổ của mình, trong chừng mực sử dụng đó không gây hại đáng kể cho các quốc gia ven nguồn nước khác.
3- Nghĩa vụ hợp tác quốc tế. Xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, nhìn chung, các quốc gia có quyền tự do quyết định họ có hợp tác với các quốc gia khác hay không và tự do lựa chọn hình thức và nội dung hợp tác phù hợp với lợi ích của mình. Một quốc gia ven nguồn nước không bị buộc phải hợp tác khi tiến hành một dự án phát triển nguồn nước nếu họ không muốn hợp tác và không có điều kiện về tài chính và kỹ thuật để hợp tác.
Tuy thế, trên cơ sở bình đẳng về quyền của các quốc gia đối với nguồn nước quốc tế, cũng có những trường hợp một quốc gia ven nguồn nước quốc tế buộc phải hợp tác với các quốc gia khác dù họ có muốn hay không. Đó là trường hợp khi những sử dụng nước hay những công trình thủy điện của một quốc gia có thể gây ra những tổn hại đáng kể cho các quốc gia láng giềng, quốc gia đó có nghĩa vụ phải hợp tác để ngăn chặn và giải quyết hậu quả của những tổn hại đó. Nội dung cơ bản của nghĩa vụ hợp tác nói trên bao gồm: thông báo, trao đổi thông tin và thương lượng giữa các quốc gia liên quan về những sử dụng nước hoặc các công trình xây dựng trên sông quốc tế có thể gây ra hoặc gây ra những tổn hại qua biên giới quốc gia.
4- Nghĩa vụ bảo vệ môi trường nguồn nước. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nguồn nước nói riêng đã được công nhận rộng rãi và là một trong những nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế, ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các quốc gia. Nội dung của nghĩa vụ này bao gồm: nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn các hệ sinh thái nước; ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ dòng chảy tự nhiên của nguồn nước.
Các nguyên tắc pháp lý quốc tế nói trên là nền tảng căn bản để hình thành một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc sử dụng tối ưu nguồn nước sông Mê Công và sông Hồng, phục vụ cho sự phát triển bền vững chung của tất cả các nước trong khu vực./.
Hơn 80% học sinh trung học phổ thông đỗ tốt nghiệp  (24/06/2009)
Miễn, giảm thuế tài nguyên cho một số ngành, nghề  (24/06/2009)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên