Băng vừa tan, gió lại nổi

Nguyễn Nhâm
21:36, ngày 07-07-2013
TCCSĐT - Quan hệ Nga - Mỹ, một trong những mối quan hệ có tính quốc tế quan trọng. Sau thời gian căng thẳng, hồi đầu tháng 5 cả hai nước đều có những động thái mới cởi mở hơn trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, mới đây mối quan hệ hai nước lại bị phủ bóng đen từ vụ việc Ét-uốt Xnâu-đân (Edward Snowden), khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
Băng vừa tan…

Mở đầu cho sự chuyển biến trong mối quan hệ Nga - Mỹ là chuyến thăm bất ngờ của Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Rô-bớt Mu-lơ (Robert Mueller) tới Mát- xcơ-va ngày 7-5-2013 để thảo luận về việc xây dựng lại mối quan hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan an ninh hai nước. Bởi theo các nhà phân tích, sau vụ khủng bố ở Bốt-xtơn (Boston), Mỹ đã nhận ra sự phối hợp chân thành và có hiệu quả của ngành tình báo Nga khi trước đó Nga đã cảnh báo nguy cơ khủng bố liên quan đến hai anh em nhà Sa-nay-ép (Tsarnaev) người gốc Tre-xni-a (Chechnya - Nga), nhưng tình báo Mỹ đã bỏ qua sự cảnh báo đó cho đến khi vụ đánh bom kép nổ ra... Ông Xéc-gây Mác-cốp (Sergei Markov) - một nhà phân tích chính trị và cựu Cố vấn của Tổng thống Nga V. Pu-tin cho rằng, thảm kịch tại Bốt-xtơn có thể là chất xúc tác giúp ông B. Ô-ba-ma và ông V. Pu-tin có cơ hội làm những gì họ muốn nhằm cải thiện mối quan hệ đôi bên theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Thêm vào đó, phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry (John Kerry) nhân chuyến thăm Nga hai ngày 7 và 8-5 vừa qua, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã bày tỏ sự hài lòng về mức độ hợp tác giữa Nga và Mỹ khi nói rằng: “Thật phấn khởi vì liên hệ của chúng tôi với các đồng nghiệp Mỹ được ủng hộ ở tất cả các cấp và trên cơ sở thường xuyên”. Tổng thống Nga còn cho biết, ông đã hai lần nói chuyện với nhà lãnh đạo Mỹ trên điện thoại và hai bên đã có cơ hội nói về nhiều khía cạnh trong mối quan hệ và sẽ có nhiều dịp gặp gỡ trong năm nay. Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, ông V. Pu-tin đã có cuộc gặp với người đồng cấp là Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma bên lề Hội nghị thượng đỉnh G8 trong hai ngày 17 và 18-6 vừa qua tại Bắc Ai-len với kế hoạch Giơ-ne-vơ mà Nga và Mỹ cùng đề xuất cũng đã được ghi nhận tại Hội nghị G8 và hiện đang xúc tiến. Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, ông B. Ô-ba-ma sẽ thăm Nga và tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Xanh Pê-téc-bua. Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp giữa ông V. Pu-tin và ông B. Ô-ba-ma sắp tới sẽ là chất xúc tác giúp tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ, vốn lâm vào tình trạng căng thẳng do những bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề kể từ khi ông V. Pu-tin trở lại Điện Crem-lin. Đó là những dấu hiệu tích cực được coi là sự “tan băng” trong quan hệ hai nước.

… Gió lại nổi


Tuy nhiên, sự kiện Nga công bố vụ bắt giữ điệp viên Mỹ tại Mát-xcơ-va ngày 14-5-2013, đúng 1 tuần, sau chuyến thăm được đánh giá là đạt một bước đột phá ngoại giao quan trọng của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry dường như lại làm mối quan hệ trở nên “cuộn sóng”.

Dư luận còn nhớ năm 2010, khi Mỹ phát hiện mạng lưới tình báo Nga trên đất Mỹ, với hơn chục người, bao gồm cả nữ phát thanh viên nổi tiếng An-na Cháp-man (Anna Chapman) của Nga. Sau đó, số điệp viên này của Nga được trao đổi bằng 4 điệp viên khác của Mỹ hồi tháng 9-2010. Lần này theo công bố của Nga, điệp viên Mỹ bị bắt là Ri-an C.Pho-gơn (Ryan C.Fogle), Bí thư thứ ba Đại sứ quán Mỹ tại Nga. Ông C. Pho-gơn bị bắt giữ khi đang tìm cách tuyển dụng sĩ quan tình báo Nga làm việc cho CIA. Ông này định trao một lượng lớn tiền và tài liệu cho một nhân viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) mà ông ta muốn tuyển dụng. Khi bị bắt giữ, ông C.Phóc-gơ còn mang theo một số "thiết bị kỹ thuật đặc biệt" và "dụng cụ cải trang" như tóc giả, la bàn, đèn pin… Vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm khi Mỹ và Nga đang tìm cách cải thiện quan hệ sau chuyến thăm Nga mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry, trong đó hai bên nhất trí thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Xy-ri mà cụ thể nhất là tổ chức hội nghị quốc tế về vấn đề này vào cuối tháng.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định ông C. Pho-gơn là một nhà ngoại giao "không được hoan nghênh" và phải trở về Mỹ “càng sớm càng tốt”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Pa-trích Ven-tren (Patrick Ventrell) cũng xác nhận một nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Nga bị giới chức nước sở tại giam giữ nhưng sau đó đã được trả tự do và từ chối bình luận về cáo buộc từ phía Nga rằng, nhân viên này là điệp viên CIA. Ông P. Ven-tren cũng không tiết lộ liệu Oa-sinh-tơn có động thái đáp trả hay không. Trong khi đó, một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết, Oa-sinh-tơn chấp nhận yêu cầu của Mát-xcơ-va về trục xuất nhân viên ngoại giao của mình. Chỉ sau hơn một tháng quan hệ Nga - Mỹ lại càng “nóng hơn” trước vụ cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Ét-uốt Xnâu-đân hiện vẫn được coi là đang ẩn náu tại sân bay Mát-xcơ-va.

Mỹ đã cảnh báo Nga về “những hậu quả” của việc không giúp Mỹ bắt giữ để dẫn độ E. Xnâu-đân về Mỹ xét xử về tội “ăn cắp tài sản của nhà nước, tiết lộ các thông tin gây tổn hại tới an ninh quốc gia”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) cho biết, Nga không đóng bất kỳ vai trò nào trong vụ E. Xnâu-đân, đồng thời phản bác yêu cầu dẫn độ của Mỹ, cho rằng yêu sách đó là vô căn cứ và không thể chấp nhận. Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga A-lếch-xây Pu-xcốp (Alexei Pushkov) cho rằng, Oa-sinh-tơn không nên mong đợi việc Chính phủ Nga sẽ xem xét mọi khả năng trục xuất E. Xnâu-đân về Mỹ để nhận trách nhiệm trước các tội danh của mình", vì theo ông, Mỹ "không nên chất vấn việc Nga cho phép E. Xnâu-đân tị nạn chính trị".

“Tái khởi động” vẫn còn khó

Có thể thấy rằng, mặc dù chiến tranh lạnh đã qua đi hơn 20 năm, nhưng mối quan hệ mang tính đối kháng vẫn còn “tồn đọng”; vẫn còn những ám ảnh của sự khác biệt về ý thức hệ và chế độ chính trị, sự cân bằng chiến lược và thực lực quân sự giữa hai cường quốc... Vì thế, cho dù hai bên đều thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác, nhưng hành động thực tế vẫn còn có khoảng cách lớn.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma, tuy đã tuyên bố chấp nhận một thế giới đa cực, nhưng trên thực tế vẫn theo đuổi mục tiêu nắm quyền “lãnh đạo” thế giới, và Mỹ vẫn chưa thật sự chấp nhận sự trỗi dậy của Nga với không gian hậu Xô viết - SNG nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nước này. Giới phân tích cho rằng, “mong muốn” của Mỹ về xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với Nga mới chỉ là sự tuyên bố, còn trên thực tế lại chưa đưa ra nhượng bộ nào đáng kể về cắt giảm kho vũ khí chiến lược, hệ thống NMD châu Âu, kế hoạch mở rộng NATO về phía đông, không can thiệp từ bên ngoài vào I-ran, chấp nhận quyền của quốc gia này đối với chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình... khiến quan hệ Nga - Mỹ không thể có được những bước tiến triển thực chất, vì thế việc “tái khởi động” nêu ra lần này có thể còn mang nặng tính hình thức.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu như quan hệ Nga - Mỹ rơi vào trạng thái “đóng băng” hoặc “ngầm đối đầu” mới, hợp tác song phương về vấn đề Áp-ga-ni-xtan, vấn đề hạt nhân I-ran… sẽ ngừng lại, điều này sẽ bất lợi cho cả hai bên, đặc biệt là với Mỹ. Dư luận cho rằng, Mỹ và Nga cần phải gia tăng độ tin cậy lẫn nhau, và hành động nhiều hơn nữa, nhất là từ phía Mỹ, như Tổng thống Nga V. Pu-tin từng nhấn mạnh, “điều mấu chốt vẫn là Mỹ thực hiện cam kết như thế nào”.

Như vậy, từ những động thái hợp tác mới về tình báo chống khủng bố, về quan điểm và giải pháp giải quyết khủng hoảng ở Xy-ri và những vấn đề sắp được thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước vào thời gian tới, khiến dư luận kỳ vọng vào quan hệ mới của hai cường quốc Nga - Mỹ có thể có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm hơn đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, việc “tái khởi động” xem ra vẫn còn khó, nhất là sau vụ E. Xnâu-đân mới đây./.