Bầu Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI

Huy Hùng (tổng hợp)
21:26, ngày 02-07-2013
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc tại Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam, ngày 2-7, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam họp phiên toàn thể, tiến hành các thủ tục bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI. Đồng thời, các đại biểu tham luận tại Hội trường đề xuất các kiến nghị, giải pháp: xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân…

122 đại biểu trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

 

Sáng ngày 2-7, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam họp phiên toàn thể, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường. Đại hội đã tiến hành các thủ tục bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI.

 

Thay mặt đoàn Chủ tịch Đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết, trong số 125 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI,  Đại hội sẽ bầu ra 122 đồng chí, sau đó sẽ bổ sung 3 Ủy viên vào thời gian thích hợp. 100% đại biểu đã nhất trí với danh sách được đề cử và tiến hành bỏ phiếu Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI.

 

Buổi chiều 2-7, Đại hội Hội Nông dân Việt Nam đã công bố kết quả bầu cử Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2013 - 2018, 122 đại biểu đã trúng cử.

 

Ông Ngô Đăng Chè, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cho biết: “Tôi đồng tình với đề án về nhân sự, cơ cấu, độ tuổi của các đại biểu trong Ban Chấp hành mới. Tôi mong muốn xây dựng Ban Chấp hành mới trẻ, năng động, thực sự là những người có tâm huyết với nông dân và hiểu biết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn để từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ những vấn đề mà hiện nay đang cần”.

 

Nhiều kiến nghị tâm huyết gửi tới Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam

 

Bà Bùi Mai Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình xác định xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, góp phần thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của nông dân. Xuất phát từ hoạt động thực tiễn của địa phương, bà Bùi Mai Hoa đề xuất, để xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, các cấp Hội cần thường xuyên quan tâm tuyên truyền, quán triệt về tầm quan trọng và yêu cầu của công tác cán bộ Hội trong tình hình mới đến toàn thể cán bộ Hội. Các cấp Hội chủ động trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương và mang tính thực tiễn…

 

Bà Bùi Mai Hoa kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015”, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Trường Phong cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, dân trí giữa các vùng không đồng đều… những yếu tố đó đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và tổ chức các phong trào nông dân.

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho rằng, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp Hội phải thực hiện đổi mới lề lối, phương pháp làm việc phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể; thực hiện phân công, phân nhiệm và trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm toàn diện đối với từng lĩnh vực, từng địa bàn, đơn vị công tác. Cán bộ làm công tác Hội phải có đủ trình độ, năng lực lãnh đạo, có uy tín, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của hội viên nông dân. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị sớm có quy định về cơ cấu tổ chức và biên chế cán bộ cho các cấp Hội Nông dân Việt Nam nói chung, có quy định về biên chế cho vùng đặc thù miền núi, hải đảo vùng địa bàn khó khăn, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

 

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh, để xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, cán bộ Hội phải phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành lãnh đạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đột phá vào các khâu, lĩnh vực xã hội còn nhiều khó khăn liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đội ngũ cán bộ Hội phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành tốt, có ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm trong công tác. Các cấp Hội cần quan tâm luân chuyển, bố trí cán bộ, nhằm tạo môi trường mới giúp cán bộ Hội phát triển, trưởng thành.

 

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết: Nghị quyết Trung ương 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết đó, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Xây dựng nông thôn mới phải gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch, trong đó việc phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là căn bản.

 

Cũng theo TS. Đặng Kim Sơn, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. Để nông dân thực sự trở thành người chủ tương lai của mình, theo TS. Đặng Kim Sơn trước hết, người nông dân phải được hỗ trợ để nâng cao dân trí, thay đổi tâm lý ỷ lại, thụ động, riêng rẽ, tác phong tùy tiện. Nông dân phải có cơ hội được chia sẻ mọi lợi ích của quá trình phát triển đất nước như: tiếp cận thông tin thị trường, tiến bộ khoa học - công nghệ, được hưởng các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Nông dân phải có tiếng nói trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, phải được bảo vệ trước rủi ro trong sản xuất và đời sống…

 

Được xem là “Bà đỡ” giúp nông dân thoát nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tham luận tại Đại hội, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Văn Lý cho biết, với phương thức ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội và cơ chế phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội, kết quả hoạt động dịch vụ ủy thác được nâng lên cả về lượng và chất.

 

Để việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo ngày càng đạt hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Lý, thời gian tới, Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách tiếp tục gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách. Trọng tâm thời gian tới là chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đi đôi với tăng mức cho vay và tăng số hộ được vay là tăng chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, tăng vòng quay vốn… ông Văn chia sẻ.

 

Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền - Lê Quốc Phong cho biết, trong suốt quá trình phát triển, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền luôn đồng hành, sát cánh cùng với những nhọc nhằn của người nông dân, góp phần chia sẻ khó khăn với bà con trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, để hỗ trợ phân bón chậm trả cho nông dân sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, đã gây áp lực lớn về tài chính cho công ty. Do vậy, ông Quốc Phong Phong đề nghị Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho Công ty, để các chương trình hỗ trợ nông dân đạt hiệu quả cao nhất.

 

Tối cùng ngày 2-7, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI sẽ tiến hành họp Hội nghị lần thứ I bầu Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VI.

 

Theo kế hoạch, ngày 3-7, Đại hội tiến hành phiên bế mạc. Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI sẽ ra mắt Đại hội./.