Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005
Ngày 22-6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
* Nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật dân sự
Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 nhận định, qua thực tiễn thi hành, Bộ luật Dân sự đã phát huy vai trò trong việc quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng…
Bộ luật đã đánh dấu bước phát triển mới, khẳng định một diện mạo mới không chỉ của pháp luật dân sự mà của cả hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây là thành tựu lớn nhất, đồng thời thể hiện rõ vai trò của Bộ luật Dân sự năm 2005. Bộ luật đã khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng; bước đầu tạo cơ sở cho sự thống nhất, đồng bộ và trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật dân sự (luật tư). Bộ luật Dân sự đã bao quát được tương đối đầy đủ phạm vi các quan hệ thuộc lĩnh vực tư và luật tư khi xác định phạm vi điều chỉnh tại Điều 1: “Bộ luật Dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Đây là các quan hệ có bản chất chung là được xác lập, thực hiện dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể.
Bộ luật Dân sự được ban hành trên cơ sở tiếp cận quyền dân sự mở rộng theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, không vi phạm đạo đức xã hội. Đồng thời Bộ luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về các quyền tự do, bình đẳng về nhân thân và tài sản của cá nhân, tổ chức và có cơ chế bảo đảm, bảo vệ thích hợp; chế độ sở hữu, quy định các hình thức sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu…
* Những kết quả đạt được
Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Dân sự, công tác hòa giải ở cơ sở... Bộ Tư pháp cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan về công tác trợ giúp pháp lý cho các cá nhân, tổ chức về pháp luật dân sự. Năm 2012, cơ quan hữu quan đã trợ giúp 19.998 vụ việc dân sự, 10.892 vụ việc hôn nhân gia đình và 2.129 vụ việc lao động việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2013, trợ giúp 7.422 vụ việc dân sự, 4.744 vụ việc hôn nhân gia đình và 887 vụ việc lao động việc làm.
Công tác hộ tịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện một số quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự. Theo thống kê, trong thời gian từ 2006 - 2012, các cơ quan có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch đã giải quyết 22.902.201 vụ việc hộ tịch trong nước, 177.893 vụ việc có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật Dân sự...
Trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, hiện nay cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 phòng công chứng và 487 văn phòng công chứng. Từ năm 2007 đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được 6.964.014 việc; tổng số phí công chứng thu được hơn 2.577 tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước hơn 977 tỷ đồng. Song song với hệ thống các tổ chức hành nghề công chứng, các hoạt động chứng thực giao dịch cũng được giao cho Ủy ban nhân dân các cấp và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tính từ ngày 01-7-2007 đến ngày 01-7-2012, Ủy ban nhân dân cấp xã trong cả nước đã chứng thực 13.193.489 giao dịch; Ủy ban nhân dân cấp huyện trong cả nước đã chứng thực 678.958 giao dịch.
Đồng thời với việc hoàn thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan thi hành án, Chính phủ cũng đã triển khai thí điểm về thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, giảm gánh nặng cho các cơ quan thi hành án. Ngành thi hành án dân sự cũng tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức trọng tài thương mại và các cơ quan hữu quan khác trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Qua đó, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả, tuân thủ pháp luật và quyết định của Tòa án; quyền, lợi ích của các bên được tôn trọng, thực hiện, bảo vệ; góp phần ổn định trật tự xã hội, giao lưu dân sự.
Trong giai đoạn 2004 - 2008 (thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự), tỷ lệ các việc đã giải quyết xong tăng mạnh qua các năm từ 63% (năm 2004) lên 68% (năm 2005) và 77% (năm 2008). Đáng chú ý là nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng lâu năm đã được tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Giai đoạn 2009 - 2012, với sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, công tác thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số việc đã giải quyết xong (thi hành xong, ủy thác, đình chỉ, trả đơn, miễn thi hành án) trên tổng số việc có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ trung bình 82% hằng năm; năm 2011 đạt 87% và năm 2012 là 89%.
* Định ra những chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể trong quan hệ dân sự
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bộ luật Dân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật tư, tác động tới các giao lưu dân sự trong xã hội. Qua thực tiễn 8 năm thi hành cho thấy, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã định ra những chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước...
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp ở địa phương trong việc thực hiện lĩnh vực công tác quan trọng này...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận qua quá trình thi hành, Bộ luật Dân sự 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, Bộ luật chưa phát huy được vai trò là luật chung, luật gốc trong hệ thống pháp luật tư; chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền; thiếu vắng những quan điểm lý luận có tính hệ thống; không ít quy định có nội dung không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới;... Phó Thủ tướng đánh giá những hạn chế bất cập này ảnh hướng không nhỏ đến hiệu quả của Bộ luật Dân sự nói riêng và pháp luật dân sự nói chung.
Tại Hội nghị này và trong quá trình tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả và hạn chế của Bộ luật Dân sự cũng như xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế; làm rõ những bất cập phát sinh từ chính các nguyên tắc, các quy định trong Bộ luật Dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực thi.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự. Trong lần sửa đổi này, Bộ luật Dân sự cần phải thể hiện hai quan điểm quan trọng là: phải thực sự trở thành nên tảng pháp lý của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có chủ thể bình đẳng, tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm; phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong quá trình hoàn thiện Báo cáo tổng kết và hoàn thiện các quan điểm, định hướng xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải chú trọng việc kế thừa, phát huy các quy định có tính truyền thống mang bản sắc riêng và hợp lý của pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ phát triển gắn với các tập quán, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, đồng thời mang hơi thở của cuộc sống trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng...
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan đã thảo luận làm rõ những bất cấp, hạn chế trong thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005; mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn trong sửa đổi, bổ sung Bộ luật./.
Quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc  (22/06/2013)
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ ba khóa X  (22/06/2013)
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ bảy  (22/06/2013)
LaoViet Bank và LVI khẳng định thương hiệu tại Lào  (22/06/2013)
Việt Nam và Italia ký Hiệp định hợp tác về hàng không  (22/06/2013)
Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 7 năm 2012  (22/06/2013)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên