Khánh thành công trình Khu di tích lịch sử Bộ Quốc gia Giáo dục có ý nghĩa nhân văn và giáo dục sâu sắc, thể hiện sự tri ân, ghi nhận của Đảng và Nhà nước, của ngành giáo dục đối với các thế hệ cán bộ của Bộ Quốc gia Giáo dục thời kỳ kháng chiến cũng như ngành Giáo dục – Đào tạo hôm nay.

Ngày 26-1-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích Bộ Quốc gia Giáo dục (giai đoạn 1951-1954) tại Yên Nguyên, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Nguyễn Sáng Vang cùng nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đến dự.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, khi nước ta bước vào giai đoạn kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, các cơ quan của Trung ương phải sơ tán và di chuyển từ Hà Nội về các vùng nông thôn. Bộ Quốc gia Giáo dục đã dời đến các địa phương như Hà Đông, Phú Thọ và trong giai đoạn năm 1951 đến 1954, cơ quan Bộ đã đặt tại thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Bộ Quốc gia Giáo dục thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng tổ chức, vừa khẩn trương triển khai các hoạt động như: xây dựng ngành bình dân học vụ, mở chiến dịch chống nạn mù chữ trong cả nước; tổ chức khai giảng năm học đầu tiên sau cách mạng từ các trường phổ thông đến đại học.

Trong giai đoạn này nhiệm vụ chính của ngành Giáo dục là tổ chức việc dạy và học trong thời chiến; tiếp tục phát triển ngành bình dân học vụ, đẩy mạnh xoá chữ và Bổ túc văn hoá; thực hiện cải cách giáo dục; chuyển hướng và phát triển giáo dục đại học và chuyên nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trong thời gian 4 năm cơ quan Bộ Quốc gia Giáo dục làm việc tại Khuôn Trú đã chứng kiến sự trưởng thành của ngành giáo dục nước nhà. Rất nhiều quyết sách quan trọng đã được ban hành để chỉ đạo các nhiệm vụ về giáo dục của Đảng và Chính phủ giao phó.

Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cùng các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Nguỵ Như Kon Tum, Phạm Trọng Đang, Nguyễn Cát Tường và Hoàng Vi Nam, các cán bộ của Bộ và các đơn vị khác đã đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau trong sự đùm bọc của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang suốt những năm tháng khó khăn, không quản hy sinh, gian khổ, tận tuỵ vì sự nghiệp giáo dục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn thế hệ học sinh hôm nay sẽ góp phần tích cực làm cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, để Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai mạnh mẽ phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, trong đó chú trọng nội dung chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử trên cả nước, nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử và truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh, sinh viên và thanh niên Việt Nam.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đến thăm Trường Cao đẳng Tuyên Quang./.