Tăng sức hút đầu tư, thương mại, du lịch vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Những nỗ lực cải thiện hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch
Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 10 năm qua, toàn vùng ĐBSCL đã thành lập mới 11 khu công nghiệp, thu hút 225 dự án đầu tư, trong đó có 150 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 2.650 tỷ đồng và 75 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 616 triệu USD. Thông qua các Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) được tổ chức luân phiên hằng năm ở các tỉnh, thành trong vùng từ năm 2008 đến nay, ĐBSCL cũng đã thu hút được 635 dự án đăng ký đầu tư (chiếm 87,7% tổng số dự án kêu gọi đầu tư), đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 554 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 229.959 tỷ đồng và 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 5.038 triệu USD. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng như: sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản, các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, phân bón), khai thác các lợi thế về lực lượng lao động trẻ, phổ thông (như gia công giày, may mặc, bao bì, nhựa,…), kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng,... góp phần tạo việc làm, đóng góp vào nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhìn chung, công tác xúc tiến đầu tư những năm gần đây được các cấp, các ngành, các tỉnh, thành ĐBSCL quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả đáng ghi nhận. Thông qua các lần tổ chức MDEC, các địa phương đã tranh thủ giới thiệu môi trường kinh doanh, cơ hội đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của vùng. Trên cơ sở danh mục dự án kêu gọi đầu tư hằng năm do Ban Thư ký MDEC tập hợp, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, nắm thông tin, gặp gỡ song phương với các tỉnh, thành và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Trong hoạt động xúc tiến thương mại, các địa phương ngày càng chú trọng việc cung cấp thông tin, quảng bá sản phẩm doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hình ảnh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, diễn đàn giao thương SBMF. Thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, các tổng lãnh sự và tham tán thương mại các tỉnh, thành đã thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến liên hệ, thiết lập mối quan hệ kinh doanh lâu dài với các doanh nghiệp trong vùng.
Hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng được các địa phương quan tâm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm mới, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường,… Qua đó, nhiều mặt hàng đặc sản truyền thống của các địa phương đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Qua các kỳ tham gia hội chợ trong khuôn khổ MDEC, thị trường hàng hóa, dịch vụ của các địa phương càng thêm sôi động, các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng hệ thống đại lý tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố, có cơ hội giao lưu, trao đổi để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ và hiệu quả kinh doanh.
Thông qua các chuyến khảo sát thị trường nước ngoài ngày càng có nhiều doanh nghiệp được cung cấp thông tin về chính sách, luật pháp, nhu cầu thị trường, điều kiện xuất khẩu, trực tiếp gặp gỡ, tiếp thị, mở rộng cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Từ năm 2008 đến nay, công tác xúc tiến thương mại thông qua các MDEC đã mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế của vùng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại là cơ hội để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thủy sản tiếp xúc, gặp gỡ khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới, nắm bắt được xu hướng tiêu thụ của thế giới để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp.
Trong hoạt động xúc tiến du lịch, bên cạnh việc tham gia các hội chợ, lễ hội du lịch trong và ngoài nước, tăng cường quảng bá, giới thiệu về du lịch của địa phương trên nhiều kênh thông tin, những năm gần đây, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chú trọng liên kết với Trung tâm Xúc tiến Du lịch trong nước tìm kiếm các nhà đầu tư, phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh khảo sát và phát triển tuyến, điểm đến du lịch tại ĐBSCL. Công tác xúc tiến du lịch thông qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo cũng được thực hiện thường xuyên và bắt đầu phát huy hiệu quả. Thông qua MDEC, một số doanh nghiệp đến các địa phương tìm hiểu và đầu tư các dự án về du lịch. Chỉ tính riêng tỉnh An Giang đã thu hút được 18 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 2.004 tỷ đồng, đến nay có 5 dự án du lịch được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng với tổng vốn gần 319 tỷ đồng.
Nhìn chung, từ năm 2008 đến nay, ĐBSCL thu hút tương đối nhiều các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án này đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các tỉnh, thành phố như: gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - nhất là ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động, tạo ra một số ngành công nghiệp mới (may mặc, giày da, bao bì nhựa, phụ trợ ô tô), thúc đẩy phát triển các dịch vụ vận chuyển, ăn uống, lưu trú,…; tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh góp phần đưa thương hiệu nhiều mặt hàng nông, thủy sản của vùng ĐBSCL ra thế giới. Việc tổ chức MDEC hằng năm đã tập hợp được các sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cán bộ quản lý cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương; ngày càng nâng cao tính liên kết vùng, liên kết giữa ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Hạn chế, yếu kém
Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ở ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại MDEC - Tiền Giang 2012, đó là:
So với tiềm năng của vùng, việc thu hút đầu tư thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, chưa có những dự án quy mô lớn, thật sự tác động mạnh đến phát triển công nghiệp, dịch vụ của vùng. Quy mô vốn các dự án FDI còn nhỏ, công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực có trình độ cao để tiếp nhận các dự án lớn, công nghiệp cao còn hạn chế.
Hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư ở một số địa phương chưa cao, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hạn chế. Hầu hết các tỉnh, thành thiếu quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư nên một số dự án được cấp phép nhưng không triển khai được do thiếu mặt bằng. Việc nhà đầu tư phải ứng vốn trước để giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
Công tác cải cách hành chính được chú trọng nhưng quá trình phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án trước và sau cấp phép đầu tư chưa thông suốt. Thông tin xúc tiến đầu tư còn thiếu. Trong xây dựng và lựa chọn dự án, giữa ý muốn của lãnh đạo các địa phương và yêu cầu của nhà đầu tư vẫn còn một khoảng cách nhất định, vì thế nhiều dự án tuy có trong quy hoạch nhưng không tìm được nhà đầu tư.
Hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch chưa cao do sản phẩm về du lịch không nhiều. Trong hoạt động xúc tiến du lịch, chưa liên kết được các địa phương để hình thành các tour tuyến và các sản phẩm du lịch chung của vùng ĐBSCL. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn quá yếu kém; nhiều khu, điểm du lịch được xem là trọng điểm vẫn đang trong giai đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng.
Thiếu nhà đầu tư các loại hình dịch vụ du lịch có tính chuyên nghiệp nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa thể hiện rõ tính đặc thù của vùng, thiếu sức hút. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ chuyên môn. Kinh phí phục vụ xúc tiến du lịch hằng năm còn rất hạn chế.
Tầm nhìn mới để nâng cao hiệu quả đầu tư, thương mại, du lịch
Với quyết tâm xây dựng ĐBSCL thành vùng kinh tế, sản xuất lương thực, thủy sản trọng điểm cả nước, tại MDEC - Tiền Giang 2012, các tỉnh, thành trong vùng đề ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2012 - 2015 tập trung kêu gọi 137 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 118.224 tỷ đồng và 698 triệu USD.
Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của các địa phương, ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Quan điểm và một số giải pháp chung trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được các tỉnh, thành ĐBSCL thống nhất sẽ tập trung thực hiện trong những năm tới là:
- Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, trong đó có nguồn vốn FDI. Tiếp tục thu hút có chọn lọc các dự án khai thác các lĩnh vực thế mạnh như: chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các dự án có hàm lượng công nghệ và thân thiện môi trường, dự án công nghiệp phụ trợ, các dự án có tỷ suất đầu tư cao, sử dụng ít đất, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng lao động có kỹ năng.
- Ưu tiên mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch, làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp khác; khống chế diện tích quy hoạch khu công nghiệp ở mức hợp lý, bảo đảm đủ để phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp. Hạn chế tối đa đầu tư ngoài khu công nghiệp và không nằm trong quy hoạch ngành.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư theo hướng tinh gọn, một cửa một đầu mối; hướng dẫn và áp dụng đầy đủ các quy định có liên quan đến đầu tư, kinh doanh để nhà đầu tư dễ dàng áp dụng nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định về ưu đãi đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như: quy định giá cho thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp; quy định cho thuê đất, giao đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê; nhà ở cho người có thu nhập thấp thành thị.
- Thực hiện và theo dõi kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh, thành (PCI) giai đoạn 2013 – 2015, trong đó, việc quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư sau giấy phép là một trong những nhiệm vụ chính để tạo môi trường thu hút, mời gọi đầu tư mới cho vùng.
- Có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch; ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở ĐBSCL. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
Những kiến nghị
Trong hoạt động xúc tiến đầu tư
Chính phủ sớm xem xét ban hành cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL và cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Có chính sách miễn 100% tiền đất xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp; có chính sách ưu đãi về vốn đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong danh mục ngành, nghề khuyến khích, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng đề án xúc tiến đầu tư chung cho toàn vùng ĐBSCL, dựa trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu phát triển của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh không có lợi giữa các địa phương trong thu hút đầu tư. Nghiên cứu, thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL với cơ chế là cấp ngân sách Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư cho vùng ĐBSCL.
Các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ ĐBSCL trong việc nghiên cứu thực hiện các mô hình phát triển mới như: mô hình phát triển khu công nghiệp cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, mô hình các thành phố trên biển, mô hình xây dựng các kho trung chuyển, mô hình xây dựng thành phố khoa học công nghệ trong vùng biển. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của vùng ĐBSCL trên một số kênh truyền thông quốc tế.
Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu hàng hoá của vùng, nhất là nông, thuỷ sản, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xem xét, đầu tư cảng nước sâu khu vực ĐBSCL (cụ thể là tại vùng biển của tỉnh Sóc Trăng, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc),
Trong hoạt động xúc tiến thương mại
Bộ Công thương xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vùng xây dựng, quảng bá thương hiệu về các sản phẩm nông, thủy sản; hỗ trợ xây dựng chương trình xúc tiến xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực của vùng như: gạo, thủy sản, trái cây,… để liên kết các tỉnh, thành cùng thực hiện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có dự án quy hoạch tổng thể việc sản xuất trái cây cấp quốc gia. Từ đó, từng tỉnh, thành phố có quy hoạch hợp lý và khả thi. Đồng thời, xem xét xúc tiến nhanh việc ký kết Hiệp định kiểm dịch thực vật với Mỹ, Nhật, Úc,… để các loại trái cây chủ lực của ĐBSCL (như xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi) được xuất khẩu thuận lợi sang các nước này.
Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, khảo sát tiềm năng kinh tế, đặc thù về văn hoá, lễ hội của từng địa phương để định hướng cho mỗi tỉnh, thành trong vùng tổ chức một hội chợ triển lãm chuyên đề, tránh trùng lắp, làm hạn chế quy mô và chất lượng của các hội chợ.
Trong hoạt động xúc tiến du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ thành lập một đầu mối cấp vùng để tập hợp, giới thiệu các dự án du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, trợ giúp quảng bá xúc tiến du lịch. Tăng cường nghiên cứu, trao đổi về việc xây dựng các mô hình phát triển du lịch của từng tỉnh, thành trong vùng để tránh tình trạng đầu tư trùng lắp các sản phẩm du lịch, tạo được sự đa dạng, độc đáo về sản phẩm du lịch của từng địa phương.
Tăng cường liên kết đầu tư giữa các địa phương để phát triển khu du lịch cao cấp, mở rộng hợp tác với các nước có nền du lịch phát triển trong quy hoạch và đầu tư xây dựng các cơ sở du lịch, các khu vui chơi tầm cỡ quốc tế ở vùng biển, các tuyến du lịch bằng đường biển, đường bộ dọc ven biển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ để liên kết phát triển du lịch của vùng ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh và các nước láng giềng như Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan; giúp các địa phương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch chuyên nghiệp./.
Báo Nhân Dân ra mắt “Đối thoại trong năm” và “Nàng Măng”  (12/12/2012)
Họp báo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Cựu chiến binh Việt Nam  (12/12/2012)
Loại bỏ những hình thức chặt cụt nguyên tắc tập trung dân chủ  (12/12/2012)
Khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X  (12/12/2012)
Nhật Bản sẽ có Thủ tướng mới vào ngày 26-12 tới  (12/12/2012)
Phiên họp 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (12/12/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay