Loại bỏ những hình thức chặt cụt nguyên tắc tập trung dân chủ
Với tư cách là một đảng cầm quyền, do đó là một tất yếu, vị trí - vai trò - năng lực và sức chiến đấu của Đảng ta một phần cơ bản và quyết định bởi mức độ nhận thức và khả năng thực hiện nguyên tắc này. Để giải quyết hiệu quả “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, việc giữ vững và thực thi đúng đắn nguyên tắc này càng trở nên là một trong những nhân tố quyết định sự tồn vong của Đảng, bảo đảm sự thành công của công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hơn bao giờ hết, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Và, đây cũng chính là một trọng tâm công phá của kẻ thù của Đảng đối với nguyên tắc cơ bản này, âm mưu làm tan vỡ hoặc châm ngòi, thúc đẩy sự tự tan vỡ của Đảng. Lịch sử hơn một trăm năm phát triển của đảng vô sản kiểu mới và hơn 82 năm trong những bước ngoặt trưởng thành của Đảng ta đã và đang cảnh báo sinh tử điều đó.
Mấy vấn đề về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng
Hơn 82 năm qua, kể từ khi thành lập, Đảng ta trước sau như một khẳng định, Đảng được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Dù diễn đạt là tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung thì đây vẫn là một nguyên tắc hoàn chỉnh chứ không phải là sự lắp ghép cơ học đơn thuần hay tùy tiện giữa nguyên tắc tập trung với nguyên tắc dân chủ, như ai đó bài xích, chế nhạo. “Chế độ tập trung - V.I. Lê-nin viết - hiểu theo nghĩa thực sự dân chủ, đã bao hàm khả năng - khả năng này do lịch sử tạo ra lần đầu tiên - phát huy một cách đầy đủ và tự do không những các đặc điểm của địa phương mà cả những sáng kiến của địa phương, tính chủ động của địa phương, tính chất muôn hình muôn vẻ của các đường lối, của các phương pháp và phương tiện để đạt mục đích chung”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”(2).
Rõ ràng, nguyên tắc tập trung dân chủ là một chỉnh thể biện chứng. Tập trung phải trên cơ sở dân chủ, mang tính chất dân chủ; bảo đảm, củng cố và tăng cường tập trung phải đặt trên cơ sở giữ vững, mở rộng và phát huy dân chủ. Đến lượt mình, dân chủ chỉ được thực hiện đúng đắn và đầy đủ bằng sự bảo đảm và chế ước bởi tập trung; mở rộng và phát huy dân chủ phải đồng thời bảo đảm, củng cố sự tập trung trong Đảng. Hạ thấp hoặc phá vỡ tập trung cũng có nghĩa là làm suy giảm và xóa bỏ dân chủ; và ngược lại.
Nói cụ thể, tập trung trên cơ sở dân chủ, mang tính chất dân chủ là sự tập trung quyền lực của đa số, thiểu số phải phục tùng; là sự tập trung gắn liền giữa cấp trên với cấp dưới, cấp trên lắng nghe và tôn trọng cấp dưới, kiểm tra cấp dưới và cấp dưới tự giác tuân thủ cấp trên, giám sát cấp trên. Đồng thời, tập trung gắn liền với dân chủ, được quyết định bởi nền tảng dân chủ là sự tập trung do toàn thể đảng viên kiến lập nên, không phải do một ai đó ban phát hoặc một nhóm nào đó có quyền thâu tóm; là sự tập trung của ý chí, trí tuệ, quyền lực của đa số tạo nên một cách thống nhất và tự giác chứ không phải là thứ tập trung được thiết lập một cách hình thức, cưỡng bức nào đó. Và tất nhiên, nó khác hẳn, thậm chí đối lập với mọi thứ tập trung theo kiểu quan liêu, độc đoán chuyên quyền; tập trung nhằm trấn áp cấp dưới, trấn áp đảng viên, thoát ly cơ sở, xa rời thực tiễn; tập trung theo kiểu hình thành “đẳng cấp” trong Đảng.
Mặt khác, dân chủ phải bảo đảm tập trung, bảo vệ và giữ vững tập trung là việc bảo vệ và tôn trọng quyền bình đẳng của các đảng viên trong việc bàn bạc, thảo luận và quyết định các công việc của Đảng, không phân biệt đảng viên giữ chức vụ hoặc không giữ chức vụ, đảng viên trẻ hoặc đảng viên có nhiều tuổi đảng; là sự tự do phát huy mọi sáng kiến, kinh nghiệm của đảng viên, của các tổ chức đảng nhằm tập trung cao nhất trí tuệ của toàn Đảng. Đó cũng là sự mở rộng những con đường, phương pháp một cách đa dạng và rộng rãi đối với tất cả đảng viên các tổ chức của Đảng nhằm tạo nên sức mạnh chung bằng sự đoàn kết thống nhất, hướng vào việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng chung của toàn Đảng chứ không phải là thứ dân chủ cực đoan, dân chủ giả hiệu,... mưu toan tạo ra sự chia rẽ bè phái, phân thành “đẳng cấp” hoặc phân tán cục bộ, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất của Đảng, biến tổ chức đảng thành câu lạc bộ bàn cãi suông, không có hoặc mất khả năng hành động thống nhất.
Như vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ là một chỉnh thể không thể chia cắt, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào. Tập trung đúng đắn phải dựa trên nền tảng dân chủ chân chính và là phương tiện để bảo đảm mở rộng dân chủ đúng đắn; đến lượt mình, dân chủ phải là dân chủ mang tính tập trung, có mục đích, có định hướng, có lãnh đạo và tổ chức. Tập trung là tiền đề, là điều kiện quy định tính chất và trình độ của dân chủ cũng như đến lượt nó, dân chủ là tiền đề và nền tảng quyết định trình độ và sự kết tụ chín muồi của tập trung. Dân chủ trong Đảng càng rộng rãi và sâu sắc thì sự tập trung càng được củng cố và phát triển không ngừng; và tập trung trong Đảng càng trở thành một khối vững chắc và minh bạch thì càng bảo đảm sự phát triển của dân chủ và hiệu quả dân chủ ngày càng cao.
Những “chiêu bài” chặt cụt, làm tan vỡ nguyên tắc tập trung dân chủ
Dù diễn đạt dưới hình thức tập trung dân chủ hoặc dân chủ tập trung thì một cách tự nhiên, nguyên tắc này vẫn là một chỉnh thể toàn vẹn hữu cơ, xét cả về cấu trúc lẫn nội hàm, cả về lô-gic hình thức lẫn lô-gic biện chứng. Đó là điều rõ ràng. Hơn nữa, bản thân nó không phải là thứ nguyên tắc tự thân nào đó mà là nguyên tắc hành động. Do đó, qua thực tiễn hàng thế kỷ tôi luyện và thử thách, nó không ngừng chứng tỏ sự bền vững và tính tất yếu đối với sự sinh thành và phát triển của các đảng vô sản chân chính. Đó là điều không còn phải hồ nghi. Những ai cố tình phủ nhận hoặc chia cắt hoặc làm biến dạng nó đều không thể chấp nhận được, dù ở mức độ hay tính chất nào đó.
Nhưng cũng sẽ là ảo tưởng, nếu coi đây hiển nhiên là một quy luật, rồi từ đó hành động một cách tùy tiện, bất chấp quy luật. Như thế, vô hình trung, đã bóp chết, thậm chí làm tan vỡ nguyên tắc này, trên thực tiễn. Đó là hành động cực kỳ nguy hiểm, và rất tiếc rằng, tình trạng đó vẫn thường xuyên diễn ra ở nơi này hay nơi khác một cách tự phát “ngây thơ” hoặc có ý đồ.
Điều tệ hại trước hết là, người ta biến nguyên tắc này thành một con dao oan khốc cực kỳ nguy hiểm. Để áp đặt rồi âm mưu tạo nên một sự thống trị tư tưởng nào đó, người ta lập tức sử dụng nguyên tắc này như một cứu cánh vạn năng. Tỏ ra tôn trọng dân chủ nhưng khi quyết định, bằng áp lực dân chủ (cái gọi là số đông quyết định), người ta ngự trị tuyệt đối tư tưởng của mình. Ai không tuân thủ, không chịu sự “lãnh đạo” của họ, lập tức bị cô lập, bị đào thải. Dân chủ bị biến thành trò tung hứng mang tính hai mặt đầy giảo trá và nguy hiểm trong tay họ. Đây chính là cửa ngõ, là môi trường cho những tư tưởng xa lạ với tư tưởng của Đảng tồn tại và hoành hành, thực chất là làm tan vỡ Đảng trên bình diện tư tưởng. Để thanh trừng nội bộ, người ta cũng lập tức sử dụng nguyên tắc này như một “bảo bối” đúng với mọi hoàn cảnh. Lại bằng trò tập trung (thiểu số phục tùng đa số), những người không ăn cánh với họ bị biến thành thiểu số, thậm chí bị tiêu diệt không thương tiếc (kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng, sa thải khỏi bộ máy). Tập trung trong tay họ biến thành “lưỡi hái của tử thần” sẵn sàng đánh vào những ai mà họ không ưa hoặc là “đối trọng”, “đối thủ” của họ. Thế là cánh hẩu thừa cơ tồn tại và lũng đoạn, gây tác yêu tác quái. Rốt cuộc, tổ chức đảng những nơi đó không chỉ bị tan vỡ về tư tưởng mà còn gánh chịu sự tan vỡ về tổ chức và sự phân liệt về hành động. Có thể nói, đây là thủ đoạn tinh vi nhất và nguy hiểm nhất. Đặc biệt, thủ đoạn này được gọi là tập thể thực thi, thì không cần nói, hậu họa, thậm chí là đại họa, khôn lường hết được. Thực tế, không ít tổ chức đảng, và không ít đảng vô sản trên thế giới bị tan vỡ bởi lưỡi dao oan nghiệt này.
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, không ít nơi và không ít người vô tình hoặc hữu ý phá vỡ tính chỉnh thể hữu cơ của nguyên tắc này, dưới hình thức sử dụng nó như con lắc đơn. Khi tả khi hữu, và ngược lại. Lúc khuếch đại tập trung khi cường điệu dân chủ, và ngược lại. Đó cũng là điều tệ hại không kém. Đây là thủ đoạn cắt xén, làm biến dạng, thực chất là thủ tiêu nguyên tắc tập trung dân chủ trên thực tế. Tập trung trong chỉnh thể nguyên tắc tập trung dân chủ bị thổi phồng biến thành thứ tập trung độc đoán gia trưởng, và dân chủ biến thành của riêng để ban phát hoặc bố thí trong tay họ hoặc đến lượt dân chủ được cường điệu biến thành thứ dân chủ hình thức, dân chủ vô chính phủ không có tính mục đích, tính tổ chức, thậm chí không có tính giai cấp. Tổ chức đảng, vô hình trung, biến thành tổ chức độc tài hoặc câu lạc bộ bàn suông, cãi vã không bao giờ ngớt. Rốt cuộc, đó là hành động tự tước bỏ vị trí người tiền phong, vai trò người lãnh đạo của tổ chức đảng; biến những đảng viên của Đảng thành những hội viên của tổ chức độc tài hoặc hội viên của các câu lạc bộ cãi vã, bàn suông; không hề có cả tập trung và dân chủ đích thực.
Cuối cùng, đó là thủ đoạn núp sau dân chủ nhằm cát cứ, khép kín biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành cát cứ, khép kín, thành “vương quốc riêng”, thực chất là tách khỏi hệ thống các tổ chức đảng. Họ hành động theo lối hoặc là “án binh bất động” hoặc là trên có luật thì dưới có “lệ”, trên có chính sách thì dưới có “đối sách” tạo ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” mà thực chất là nằm ngoài mọi sự kiểm tra, giám sát từ bên trên hay từ bên cạnh... Họ biến sự đoàn kết thống nhất của Đảng thành sự phân lập, biệt phái. Nói như V.I. Lê-nin, đó là một sự “man rợ” kinh tởm nhất. Thực chất đó là hành động đối trọng với Đảng, xét dưới mọi chiều cạnh.
Có thể thấy vô vàn biểu hiện cụ thể nữa. Nhưng từ toàn bộ các biểu hiện trên đây đủ để nói rằng, chúng trái với bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ. Các hiện tượng tập trung quan liêu gia trưởng thường nảy nở và trỗi dậy đồng thời với những hiện tượng vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật và kìm hãm, triệt tiêu và làm băng hoại sự phát triển của dân chủ chân chính. Đến lượt nó, những thủ đoạn dân chủ cực đoan, tự do, vô chính phủ lại kiềm tỏa và phá vỡ tập trung chân chính; và là căn nguyên sâu xa làm thui chột, biến chất dân chủ chân chính. Tương tự như vậy, những biểu hiện cực đoan của tập trung đó lại là nguyên nhân trực tiếp thủ tiêu dân chủ và là nguyên nhân sâu xa phá vỡ tập trung chân chính. Rốt cuộc, chúng phá vỡ nguyên tắc tập trung dân chủ một cách tinh vi và thảm hại.
Mấy điều cần cảnh báo từ những sự biến dạng của nguyên tắc tập trung dân chủ
Rõ ràng, toàn bộ những hình thức vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trên đây, không còn nghi ngờ gì, là hành động chặt cụt nguyên tắc này, vô tình hoặc hữu ý tước bỏ vị trí, vai trò của Đảng và phá vỡ Đảng.
Có thể có nhiều cách tiếp cận, nhiều góc độ kiến giải thực trạng trên, nhưng ở đây, bước đầu, phác họa và mổ xẻ mấy nguyên nhân chủ yếu sau:
Trước hết, ở một chiều cạnh nào đó, phải thừa nhận rằng, đó là hệ quả của sự ấu trĩ về nhận thức, sự non nớt trong tổ chức thực tiễn. Nói xác đáng, đó là hiện trạng của sự thiếu hiểu biết hoặc bị ngự trị bởi thứ tư tưởng tiểu tư sản vừa chủ quan, nóng vội, vừa bảo thủ, trì trệ; bởi sự chi phối của tư tưởng gia trưởng phong kiến, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa cực đoan tiểu tư sản, chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa giáo điều hoặc tả khuynh, hoặc hữu khuynh.
Đồng thời, có thể nói, thực trạng đó bị chi phối và ngự trị bởi chủ nghĩa cá nhân, dưới đủ mầu sắc và mức độ. Vì quyền lợi của cá nhân mình, của cánh hẩu mình, của phường hội mình, của địa phương mình,... họ cố tình cắt gọt nguyên tắc này sao cho “vừa ý” để mưu đoạt những quyền lợi ấy. Đó là, tình trạng độc đoán, chuyên quyền (về tư tưởng cũng như hành xử), phường hội, cát cứ kiểu phong kiến; tình trạng trù dập, thậm chí tiêu diệt, loại trừ nhau một cách “sạch sẽ” bằng cách cắt xén nguyên tắc này. Đây cũng chính là mảnh đất mầu mỡ cho chủ nghĩa cơ hội nảy sinh và phát triển.
Mặt khác, cũng có thể nói, thực trạng trên đây được dung dưỡng bởi chủ nghĩa thực dụng. Đó là lối hành động một cách vô nguyên tắc do bị chi phối bởi những mưu đồ. Thực chất của những mưu đồ đó là giành giật (càng nhiều càng tốt) quyền lực, lợi ích cho họ, cho phe nhóm họ. Dĩ nhiên, là đẩy đối phương của họ tới giới hạn cuối cùng của sự diệt vong hoặc sự tiêu vong. Đó cũng chính là lối hành động nhất thời lúc cực tả khi cực hữu, cái gì lợi cho họ thì bất chấp tất cả để đoạt lấy, nhưng cái gì không có lợi cho họ thì “án binh bất động”.
Ở một góc độ khác nữa, những hình thức chặt cụt nguyên tắc tập trung dân chủ trên đây, có thể nói, chúng là con đẻ của chủ nghĩa cơ hội một cách tinh vi. Nói chính xác, chúng là những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội. Nói như V.I.Lê-nin, chúng giống như những con rắn nước lượn lờ, uốn éo giữa dòng nước xiết. Chúng phủ nhận sự cần thiết phải có một chế độ tập trung và kỷ luật, nghĩa là biến đảng thành một câu lạc bộ tranh cãi không bao giờ ngớt, mất khả năng hoạch định một chương trình hành động thống nhất. Chúng cổ vũ cho thói hành xử “gió chiều nào che chiều ấy”, “đạo đức ba mặt: trước mặt nhau, trước cấp trên và ngoài cuộc họp của đảng viên”, coi thường nghị quyết của Đảng, “nói một đường làm một nẻo”.
Cuối cùng, có thể nói, sự tiếp tay của kẻ thù của Đảng từ bên ngoài (và cả bên trong nội bộ) đã góp phần thổi bùng và làm trầm trọng hơn thực trạng trên. Bởi, từ hàng thế kỷ qua chiến lược “đục ruỗng bên trong, gây bão từ bên ngoài” đã được chúng thường xuyên áp dụng. Đó cũng chính là âm mưu kích động làm cho Đảng tự tan rã từ việc xa rời nguyên tắc cơ bản này tới sự chia rẽ toàn bộ hệ thống đảng nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng, nhằm thủ tiêu Đảng ta.
Để thực thi đúng đắn và hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ
Việc khôi phục và thực thi hiệu quả những nguyên tắc, những quy luật xây dựng Đảng luôn là yêu cầu chiến lược và có ý nghĩa cấp bách trong toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cố nhiên, ở đây chúng ta không ảo tưởng và kỳ vọng lập tức đẩy lùi và khắc phục triệt để những hình thức phi tính đảng trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình lâu dài và thường xuyên. Nhưng, trong điều kiện hiện nay, trước mắt cần hướng trọng tâm giải quyết mấy việc sau đây:
Một là, tiếp tục đổi mới nhận thức và tổ chức thực hiện hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ.
Nguyên tắc tập trung dân chủ, dù xét dưới góc độ nào, vẫn là một chỉnh thể hữu cơ toàn vẹn, là sự thống nhất về bản chất. Đó là điều khẳng định. Cho nên, mọi biến thái chỉ đề cao tập trung hoặc khuếch đại dân chủ; hoặc đem tập trung đối lập với dân chủ và ngược lại, đều là sai lầm, là tước bỏ sức sống nội tại của nguyên tắc này, và rút cuộc, vô hình trung chặt cụt hoặc bóp chết nó.
Với tính cách là nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải nhằm tạo cơ sở bảo đảm vững chắc trong xây dựng cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đảng, thông qua kiểm nghiệm chặt chẽ và có hiệu quả.
Để làm tròn vai trò là người chiến sĩ tiên phong, Đảng cần phải có sự thống nhất về tư tưởng, về sách lược và tổ chức. Do đó, đương nhiên những nghị quyết của Đại hội Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương là pháp lệnh đối với tất cả các tổ chức trong toàn Đảng và mọi đảng viên. Tất cả các tổ chức nằm trong Đảng đều phải phục tùng Trung ương Đảng; các tổ chức đảng cấp dưới phải chấp hành những nghị quyết, chỉ thị của các cơ quan đảng cấp trên; thiểu số trong các tổ chức và cơ quan lãnh đạo các tổ chức đó đều phải phục tùng đa số. Các cơ quan của Đảng phải thường xuyên hoặc định kỳ báo cáo trước những tổ chức đảng và các cơ quan cấp trên. Mọi đảng viên phải tuân thủ vô điều kiện kỷ luật của Đảng một cách nghiêm túc và bình đẳng, không phân biệt đảng viên giữ chức vụ trong Đảng hoặc trong bộ máy nhà nước với đảng viên không giữ các chức vụ đó. Ai từ chối hoặc chống lại việc thực hiện nghị quyết của tổ chức đảng, của các cơ quan cấp trên, đều phải xử lý nghiêm khắc. Quá trình này chính là sự biểu hiện sinh động tính tập trung cao của Đảng.
Nhưng cũng phải thấy rằng, đến mức độ nào đó, sự tập trung không còn tương dung và bảo đảm cho sự phát triển của dân chủ thì lại là sự đồng nghĩa với việc dân chủ bị phá vỡ và bị triệt tiêu. Đề cao quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương song cũng phải đề cao sự kiểm tra, giám sát dưới nhiều hình thức của cơ quan lãnh đạo các cấp; tăng cường quyền hạn, hiệu lực và bảo đảm tính độc lập tương đối của ủy ban kiểm tra, kiện toàn chế độ lãnh đạo tập thể. Nhấn mạnh nguyên tắc đảng viên phục tùng tổ chức đảng và cơ quan lãnh đạo cấp dưới phục tùng cơ quan lãnh đạo cấp trên song cũng cần đồng thời tăng cường, cổ vũ và trân trọng tính chủ động của đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới, tăng cường và nâng cao độ chính xác, khoa học của các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Đề cao nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số song phải có chế độ bảo đảm và trân trọng quyền bảo lưu ý kiến của thiểu số theo Điều lệ Đảng. Tăng cường kỷ luật của Đảng song phải chú trọng và không ngừng bảo vệ đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của đảng viên... Đó chính là tính chất và trình độ dân chủ trong Đảng. Đó cũng chính là thước đo bản lĩnh thực hiện dân chủ trong việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay.
Cố nhiên, toàn bộ các điều đó không đồng nghĩa với hành động dung thứ trước những sự tùy tiện hoặc tăng thêm tính tập trung hoặc hạn chế tính dân chủ; và ngược lại. Kỷ cương của Đảng và nền nếp dân chủ trong Đảng trước việc giải quyết các công việc của tổ chức đảng là những yêu cầu chế ước lẫn nhau trong chỉnh thể hữu cơ tập trung dân chủ. Xử lý nghiêm khắc những hiện tượng phân chia bè cánh, phân chia “đẳng cấp” trong Đảng cũng như những hành động chống lại nghị quyết của Đảng, làm phân rã về tư tưởng và hành động thống nhất trong Đảng.
Cần nhấn mạnh là, phát triển toàn diện và hoàn thiện nền dân chủ của Đảng; đồng thời, củng cố chặt chẽ kỷ cương và kỷ luật của Đảng - là đường lối phát triển các mối quan hệ trong nội bộ đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình hiện nay.
Hai là, đổi mới việc xây dựng và thực hiện cơ chế thực thi, nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thực chất của việc đổi mới cơ chế thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là hoạch định một hành lang hoạt động cụ thể với những giới hạn cho phép đối với các tổ chức đảng và đảng viên trên cơ sở các vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng theo Điều lệ Đảng. Do đó, cần kíp phải xây dựng và tiến tới hoàn thiện hệ thống các quy chế hoạt động thống nhất trong toàn Đảng, giữa các cấp với nhau, giữa tổ chức với cá nhân đảng viên, giữa đảng viên với đảng viên trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trên các mặt tư tưởng, tổ chức bộ máy và chế độ sinh hoạt đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung”(3); “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”(4). Không có hoặc có không đầy đủ các quy chế cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ theo hướng đó thì, hoặc là nguyên tắc chỉ dừng lại là nguyên tắc đạo lý, nguyên tắc suông hoặc là việc thực hiện sẽ rơi vào tình trạng nửa vời, chắp vá... mà thôi.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn chỉnh các quy chế kiểm tra, giám sát việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ theo phương châm: nhiều chiều, nhiều góc độ. Đó là kiểm tra từ trên xuống, giám sát từ bên cạnh và từ dưới lên giữa các tổ chức trong hệ thống đảng; giám sát từ phía các đoàn thể quần chúng, từ phía nhân dân và các tổ chức nhà nước; kiểm tra, giám sát trên nhiều bình diện: tư tưởng, tổ chức, lề lối sinh hoạt nội bộ các tổ chức đảng; tư tưởng, lối sống, phong cách, các mối quan hệ của đảng viên, đặc biệt các đảng viên giữ chức vụ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị - xã hội; cảnh giác cách mạng đối với những mưu đồ phá hoại từ bên ngoài.
Ba là, đổi mới tổ chức bộ máy và siết chặt, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.
Hiện nay, mô hình các tổ chức đảng rất phong phú. Đó là sự đáp ứng kịp thời và ngang tầm với quy mô, tốc độ và chiều sâu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nhưng thực tế lại cho thấy, không ít tổ chức đảng lại trở thành cái “bóng mờ” hay “người ăn theo” thủ trưởng các cơ quan. Do vậy, ở đó nguyên tắc tập trung dân chủ bị vô hiệu hóa.
Bởi vậy, việc đổi mới tổ chức đảng, trên góc độ này, là điều hết sức cấp bách. Ở tầm vĩ mô, nên chăng tiến tới thực hiện chế độ nhất thể hóa chức danh lãnh đạo của Đảng với chức danh quản lý ở những cấp cần thiết, ở những nơi chín muồi (bộ và cơ quan ngang bộ, các tổng công ty mạnh, các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt...); tùy theo sự cần thiết, tăng cường chế độ bổ nhiệm các chức vụ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế, xã hội; ở các tổ chức đảng “có vấn đề”, đặc biệt chức vụ bí thư, người đứng đầu tổ chức đảng, sắp xếp hợp lý các tổ chức đảng theo khối, theo lĩnh vực công tác trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước theo hướng tập trung, thống nhất, tinh giản, gọn nhẹ và đạt hiệu quả cao.
Kỷ luật thật nghiêm đối với các đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là các đảng viên giữ chức vụ trong Đảng. Nói theo tinh thần của V.I.Lê-nin, các đảng viên giữ chức vụ vi phạm cùng mức độ với đảng viên không giữ chức vụ, phải bị kỷ luật nặng hơn. Đặc biệt, đối với người đứng đầu, phải bị kỷ luật nặng nhất, khi để đảng viên, cấp ủy hoặc tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc này. Kỷ luật ở mức cao nhất những tập thể cấp ủy, thậm chí cả toàn bộ tổ chức đảng khi vi phạm có tính tập thể nguyên tắc tập trung dân chủ.
Cố nhiên, sẽ còn nhiều biện pháp khác nữa, nhưng có thể nói gọn lại, hiện nay, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, tập thể cấp ủy và các tổ chức đảng: “Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình..., đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng”(5), như Đảng ta chỉ rõ.
Đó cũng chính là những giải pháp chủ yếu nhất nhằm ngăn chặn những hình thức chặt cụt nguyên tắc tập trung dân chủ, thiết thực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong tình hình hiện nay, theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, nhằm xây dựng Đảng ta là Đảng cách mạng - trí tuệ - hành động - đoàn kết thống nhất - cầu thị tiến bộ, bảo đảm ngang tầm với quy mô, tốc độ và chiều sâu công cuộc đổi mới đất nước./.
-------------------------------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 36, tr. 186 – 187
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 7, tr. 229
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 505
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 216
(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 29, 34 - 35
Khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X  (12/12/2012)
Nhật Bản sẽ có Thủ tướng mới vào ngày 26-12 tới  (12/12/2012)
Phiên họp 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (12/12/2012)
Việt Nam muốn hợp tác NASA về công nghệ vũ trụ  (12/12/2012)
Việt Nam tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu  (12/12/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay