Chủ tịch Thượng viện Nga thăm chính thức Việt Nam
Cùng đi với bà Valentina Ivanovna Matviyenko có các quan chức cao cấp của Hội đồng Liên bang. Đó là các ông: Umakhanov, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang; Vladimir Mikhailovich Dzhabarov, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Đối ngoại; Bato-Zhargal Zhambalnimbuev, Thành viên Ủy ban Ngân sách và Thị trường tài chính; Andrey Yurievich Molchanov, Chủ nhiệm Ủy ban về chính sách kinh tế; Valeriy Vasilievich Loshinin, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Liên bang và bà Natalia Timofeevna Udalova, Trưởng Ban Thư ký của Chủ tịch Hội đồng Liên bang.
Tháp tùng Chủ tịch Thượng viện Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko còn có Nhóm nghị sỹ hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam do ông Viktor Kosourov, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Uỷ ban Khoa học, Đào tạo, Văn hoá và Chính sách thông tin, Chủ tịch Nhóm dẫn đầu.
Bà Valentina Ivanovna Matvienko sinh năm 1949 tại Ucraina. Bà là kỹ sư hóa - dược; từng có thời gian công tác trong Đoàn Thanh niên Cộng sản mang tên Lê-nin Komsomol; từng là Bí thư thứ nhất Quận ủy Đảng Cộng sản Liên Xô quận Krasnogvardeiskiy.
Năm 1989, Bà được bầu là đại biểu nhân dân Liên Xô, là Chủ nhiệm Ủy ban thuộc Xô-viết tối cao Liên Xô về phụ nữ, bảo vệ gia đình, bà mẹ và trẻ em. Bà cũng từng là Đại sứ Liên Xô, Liên bang Nga tại Cộng hòa Malta; Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga, phụ trách lĩnh vực xã hội. Năm 2003, Bà được bổ nhiệm làm Đại diện Toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga tại Khu vực liên bang Tây - Bắc, được bầu làm Thống đốc Sankt-Peterburg năm 2006.
Tháng 9-2011, Bà được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Liên bang Nga.
Bà Valentina Ivanovna Matviyenko đã được tặng thưởng các phần thưởng cấp nhà nước, trong đó có Huân chương Danh dự, Huân chương Lao động Cờ đỏ, Huân chương Vì công trạng đối với Tổ quốc, Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng nhất, Huân chương tình Hữu nghị giữa các dân tộc…
* Sáng 14-11, Đoàn đại biểu Thượng viện Nga do Chủ tịch Valentina Ivanovna Matviyenko dẫn đầu, đã đến thăm, gặp gỡ với các giảng viên, học viên Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Thay mặt toàn thể cán bộ, học viên của Học viện, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng bà Chủ tịch và Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Nga đã đến thăm Học viện.
Giáo sư Tạ Ngọc Tấn bày tỏ tình cảm quý mến và sự biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ của Liên bang Nga trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Việt Nam nói chung và của Học viện nói riêng, nhấn mạnh Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và khoa học lý luận chính trị - hành chính.
Trong truyền thống và hiện tại, mỗi bước phát triển của Học viện luôn gắn bó sâu sắc với sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế, trong đó có sự hợp tác giúp đỡ to lớn, quý báu và hiệu quả của Liên bang Nga. Hàng trăm cán bộ của Học viện đã được đào tạo tại các trung tâm khoa học và các trường đại học lớn của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, hiện là những nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý ưu tú, là trụ cột cho sự phát triển của Học viện.
Hệ thống lý luận, các thành tựu khoa học trên nhiều lĩnh vực của nước Nga đã được Học viện tiếp nhận và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng lý luận, cơ sở khoa học cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam.
Giáo sư Tạ Ngọc Tấn tin rằng sau chuyến thăm này, bà Chủ tịch và Đoàn đại biểu Thượng viện Nga sẽ là cầu nối hữu hiệu, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, chắp nối những quan hệ hợp tác, giúp đỡ giữa Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh với các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học của Liên bang Nga.
Chủ tịch Valentina Ivanovna Matviyenko bày tỏ niềm vinh hạnh lớn lao được đến thăm và gặp gỡ, phát biểu với cán bộ, giảng viên và học viên Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và cho biết, dù chưa có dịp làm quen trực tiếp, bà đã biết đến hoạt động của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Với sự giúp đỡ của Học viện, hai năm trước, Trường Đại học Quốc gia Sankt-Peterburg, thành phố quê hương bà, đã khai trương Viện Hồ Chí Minh - một Trung tâm giáo dục quốc tế và khoa học đầu tiên ở Nga và trên thế giới chuyên về nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đây là một bằng chứng điển hình cho mối quan hệ đặc biệt, tin cậy giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Bà Chủ tịch bày tỏ niềm tự hào về các chuyên gia Việt Nam - những người đã tốt nghiệp các trường đại học của Liên Xô và Liên bang Nga, đang công tác thành công trên các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, nắm giữ những cương vị quan trọng của Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch Thượng viện Nga nhấn mạnh Việt Nam đang là một quốc gia hàng đầu có số lượng các chuyên gia được đào tạo tại đất nước Nga, hiện có hơn 6.000 người Việt Nam đang học tập ở Nga. Liên bang Nga và Việt Nam phải mở rộng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục trên cơ sở nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Chủ tịch tin chắc rằng trong tương lai, Viện Hồ Chí Minh tại Sankt-Peterburg sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, trao đổi sinh viên giữa các cơ sở giáo dục đại học của hai nước.
Vui mừng trước mối quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam đang phát triển một cách năng động trên nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Ivanovna Matviyenko khẳng định Liên bang Nga sẽ nỗ lực để góp phần thúc đẩy sự phát triển thành công của đất nước Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại. Đây cũng là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đối với Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Valentina Ivanovna Matviyenko đã nhắc lại lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin - người nhiều lần nhấn mạnh rằng: "Việt Nam là người bạn chiến lược, tin cậy của chúng tôi", "một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga đó làm sâu rộng thêm sự phối hợp hành động với Việt Nam".
Bà Chủ tịch nhấn mạnh: “... Cho dù hai nước chúng ta có trải qua những đổi thay gì trong chính trị hay trong kinh tế thì điều không thay đổi vẫn chỉ là một tấm lòng thiện cảm, sự tương hỗ chân thành và tình hữu nghị giữa nhân dân Nga và Việt Nam... Nhiệm vụ của chúng ta là chuyển giao lá cờ chạy tiếp sức của tình hữu nghị này cho thế hệ mới sau khi đã mở ra cho họ những chân trời mới và những cơ hội mới cho sự hợp tác”.
Bà Chủ tịch tin tưởng rằng, hoạt động của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ phục vụ một cách hữu hiệu mục tiêu đó./.
Thủ tướng Ukraine sắp thăm chính thức Việt Nam  (14/11/2012)
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở  (14/11/2012)
Lãi suất huy động dài hạn giảm nhẹ  (14/11/2012)
Chủ tịch nước điện thăm hỏi vụ động đất ở Myanmar  (14/11/2012)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi  (14/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên