Đảng nhân dân cách mạng Lào: Chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
TCCS - Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Lào đang hướng tới kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào (22-3-1955 - 22-3-2010). Hòa vào niềm vui chung của nhân dân nước bạn Lào, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 55 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành của một Đảng anh hùng - người bạn thân thiết, người đồng chí thủy chung, son sắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1 - Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc
Sau thất bại tại Điện Biên Phủ (7-5-1954), không còn con đường nào khác, ngày 21-7-1954, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ - cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Đối với Lào, “Pathét Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết là tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Phong Xa Lỳ...”(1). Tuy nhiên, cuộc sống hòa bình mà nhân dân các bộ tộc Lào được hưởng thật ngắn ngủi. Ngay sau khi thực dân Pháp thất bại tại Đông Dương, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thế chân Pháp nhảy vào xâm lược khu vực này bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, tiến hành những chiến lược chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân các bộ tộc Lào nói riêng từ đây đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, phải tiến hành cuộc chiến tranh chống lại một đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất lúc bấy giờ.
Là một dân tộc có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, ngay khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân các bộ tộc Lào đã kiên cường đấu tranh vì sự sinh tồn của dân tộc. Nhưng trước sức mạnh quân sự vượt trội của địch, cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Lào và nhân dân ba nước Đông Dương gặp muôn vàn trở ngại. Trước yêu cầu mới của cách mạng, nhằm lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, đòi hỏi khách quan của lịch sử lúc bấy giờ là phải thành lập một Đảng riêng của dân tộc Lào để lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Lào. Trên tinh thần đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương(2), các đảng viên cộng sản Lào sau một thời gian chuẩn bị đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc để thành lập đảng cách mạng của mình.
Đại hội họp từ ngày 22-3 đến ngày 6-4-1955 tại tỉnh Hủa Phăn với sự tham dự của 20 đại biểu chính thức, thay mặt cho gần 400 đảng viên trong cả nước. Đại hội đã thông qua báo cáo về xây dựng Đảng, nhất trí lấy tên Đảng là Đảng Nhân dân Lào; thông qua các chính sách cơ bản, cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và bầu đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản là Tổng Bí thư. Sự kiện này “đánh dấu bước phát triển mới và bước ngoặt hết sức quan trọng trong lịch sử cách mạng Lào”(3).
Ra đời trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt là một thử thách không nhỏ đối với Đảng Nhân dân Lào. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong gian khổ khó khăn, bản lĩnh của Đảng Nhân dân Lào lại được khẳng định hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, nhân dân Lào đã tiến hành đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hai tỉnh tập kết và phát triển lực lượng cách mạng trong thời kỳ mới. Tháng 8-1955, Ban chỉ đạo Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ mới, chủ trương: “Động viên toàn dân kết hợp nổi dậy đấu tranh đánh bại bọn xâm lược Mỹ và tay sai làm cho nước Lào trở thành nước hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, đưa cách mạng Lào tiến lên một cách vững chắc”(4). Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đảng Nhân dân Lào, toàn thể dân tộc Lào đã đoàn kết, sát cánh cùng nhau đấu tranh chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Kết quả là đến năm 1957, Chính phủ Liên hiệp được thành lập.
Song song với việc lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong những năm này, công tác xây dựng Đảng cũng luôn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào quan tâm. Với chủ trương tập trung sức mạnh toàn dân cho cuộc kháng chiến, Đảng Nhân dân Lào đã lựa chọn những phần tử ưu tú nhất trong các tổ chức quần chúng tổ chức kết nạp vào Đảng. Tất cả đảng viên đứng trong hàng ngũ của Đảng luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết mình phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì cuộc sống tự do, yên bình của nhân dân. Từ chủ trương đúng đắn mà Đảng Nhân dân Lào đề ra, tính đến cuối năm 1957, số đảng viên của Đảng Nhân dân Lào là 1.500 đồng chí, sinh hoạt trong 578 chi bộ, trong đó có 510 chi bộ ở nông thôn. Hệ thống tổ chức của Đảng hình thành ở khắp 12 tỉnh trong cả nước. Ở mọi nơi, đảng viên luôn là những lá cờ đầu trong mọi công việc, là những tấm gương điển hình trong nhiệm vụ đấu tranh với địch, giữ đất, giành dân, đưa phong trào cách mạng ở các địa phương không ngừng phát triển, dần hòa nhịp vào dòng chảy chung của cách mạng cả nước.
Do phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế, đặc biệt là của nhân dân Việt Nam, Đảng Nhân dân Lào đã đưa cách mạng Lào tiến lên một cách vững chắc. Chiến thắng trong các chiến dịch giải phóng Sầm Nưa (tháng 9-1960), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (tháng 1-1961), Nậm Thà (năm 1962), đường số 8, đường số 12 (năm 1963), Nậm Bạc (năm 1968), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1964, 1969, 1970, 1972), Đường 9 - Nam Lào (năm 1971) v.v.. là những minh chứng sống động nhất về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Nhân dân Lào trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân các bộ tộc Lào. Với những thắng lợi vang dội này, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào đã bị phá sản hoàn toàn. Đây là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của cách mạng Lào và đó cũng là sự cáo chung về sự thất bại của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ gây ra đối với nhân dân Lào.
Giữa lúc cuộc đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng, thì một sự kiện có ý nghĩa chính trị đặc biệt đã diễn ra, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Nhân dân Lào. Ngày 3-2-1972, Đại hội khai mạc tại Viêng Xay (Hủa Phăn). Tham dự Đại hội có 125 đại biểu thay mặt cho 2 vạn đảng viên trong cả nước. Đại hội đã quyết định đổi tên Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào; đã thông qua Điều lệ Đảng sửa đổi; bầu Ban Chấp hành Trung ương Khóa II của Đảng gồm 23 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội II đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong việc xây dựng đảng Mác - Lê-nin kiểu mới. “Đại hội nói lên quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(5).
Đại hội II của Đảng Nhân dân cách mạng Lào diễn ra đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung và nhân dân các bộ tộc Lào nói riêng bước vào giai đoạn cuối. Thành công của Đại hội đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành những thắng lợi cuối cùng. Đối với cách mạng Lào, triển khai Nghị quyết Đại hội, toàn thể nhân dân Lào trên dưới một lòng đoàn kết bên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kiên quyết đứng lên đấu tranh mạnh mẽ, trực diện với địch. Trong năm 1972, quân dân Hạ Lào đã liên tiếp đánh bại cuộc hành quân “Xỏn Xây”, “Phạ Ngừm” và “Xỉng Đâm” của địch. Từ ngày 10-8 đến 15-11-1972, quân dân Thượng Lào đánh bại hai đợt tấn công của hàng chục tiểu đoàn bộ binh được không lực Hoa Kỳ yểm trợ vào khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng v.v.. Thắng lợi của nhân dân Lào cùng với thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (tháng 12-1972), đã đẩy Mỹ phải thế đường cùng, buộc phải ký Hiệp định Pa-ri (tháng 1-1973) về Việt Nam và Hiệp định Viêng Chăn (tháng 2-1973) về Lào. Mùa xuân 1975, sau thắng lợi của cách mạng Cam-pu-chia và Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành chính quyền bằng ba đòn chiến lược và mũi đấu tranh pháp lý, kết quả đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Từ ngày 1 đến 2-2-1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào diễn ra tại thủ đô Viêng-chăn. Đại hội chấp nhận việc thoái vị của nhà vua, quyết định giải thể Chính phủ liên hiệp lâm thời và Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp, tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân, quy định quốc huy, quốc kỳ, quốc ca và ngôn ngữ chính thức; quyết định thành lập Hội đồng Nhân dân Tối cao và Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đồng chí Xu-pha-nu-vông được bầu làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội Đồng Nhân dân Tối cao. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được bầu làm Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào. Đất nước Lào bước sang một giai đoạn mới. Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã hoàn thành sứ mệnh vô cùng khó khăn gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của mình, đó là lãnh đạo toàn thể dân tộc Lào thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
2 - Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước
Ra khỏi cuộc chiến tranh, đất nước Lào đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Hậu quả của chiến tranh để lại là vô cùng to lớn, thêm vào đó, các nước đế quốc và các lực lượng phản động tay sai trong và ngoài nước ráo riết tiến hành những hành động chống phá sự nghiệp dựng xây đất nước của dân tộc Lào. Trong hoàn cảnh đó, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã khéo léo chèo lái con thuyền cách mạng Lào vững vàng vượt qua sóng gió. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba khóa II (năm 1976) của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng Lào là: “... Tăng cường đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc trên cơ sở công nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy khí thế cách mạng tiến công, ra sức tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt; ra sức củng cố chính quyền cách mạng vững mạnh; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đánh bại mọi âm mưu phản kích của kẻ thù; ra sức ổn định và không ngừng cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân ngày một tốt hơn... Cải tạo và xây dựng cơ sở mọi mặt để từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới...”.
Với quan điểm nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu hụt lương thực và nâng cao đời sống của nhân dân, năm 1981, Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo đất nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1981 - 1985), tập trung đầu tư ngân sách cho các công trình trọng điểm vừa và nhỏ, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội Lào. Trong thời kỳ này, một số mặt về công tác tài chính, giá cả, thương nghiệp được cải tiến. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không ngừng tăng, trung bình là 5,3 % mỗi năm. Trong GDP, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp giảm từ 83% năm 1980 xuống còn 53,5% vào năm 1985. Thành công trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của kinh tế Lào là tiền đề quan trọng để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Ngày 13-11-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV(6) của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã chính thức khai mạc tại thủ đô Viêng-chăn. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Để bảo đảm cho các phương hướng, nhiệm vụ hoàn thành một cách thắng lợi, Đại hội đề ra nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng là: “... tăng cường củng cố các tổ chức lãnh đạo và quản lý, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở, cải tiến công tác cán bộ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, xây dựng tác phong làm việc mới, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và tiến hành sinh hoạt đảng một cách nghiêm túc, tăng cường mạnh mẽ công tác tư tưởng nhằm tiếp thu nhận thức mới và tư duy mới”(7). Tiếp tục quan điểm đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội IV của Đảng đề ra, tại Đại hội VIII (tháng 3-2006) Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đề ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2020 của nước CHDCND Lào là: “Xây dựng vững chắc hệ thống chính trị dân chủ nhân dân, trong đó Đảng là hạt nhân lãnh đạo, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội; đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; kinh tế phát triển dựa trên sự phát triển nông nghiệp vững chắc và lấy phát triển công nghiệp làm cơ sở, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo chuyển biến cơ bản về chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; phát triển nhịp nhàng các thành phần kinh tế, trong đó thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể được củng cố và phát triển vững mạnh. GDP tăng gấp 3 lần năm 2000; chủ động mở rộng hợp tác quốc tế”. Từ sự lãnh đạo sáng suốt của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các nghị quyết, chủ trương của Đảng đã dần dần đi vào cuộc sống của nhân dân các bộ tộc, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn thể nhân dân. Từ năm 1986 đến nay, nhịp độ phát triển kinh tế tăng liên tục. Trong những năm 1986 -1990, GDP trung bình tăng 4,8%, giai đoạn từ 1991 - 1995: 6,4%, từ 1996 - 2000: 6,2% và giai đoạn 2001 - 2005: 6,2%. Tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8%, năm 2008 đạt 7,9%. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, năm 2000 đạt 298 USD/người/năm; năm 2006 đạt 546 USD/người/năm, năm 2007 đạt 678USD/người/năm, năm 2008 đạt 841 USD/người/năm. Đi đôi với những thành tựu đó, quan hệ đối ngoại của Lào không ngừng được mở rộng. Đảng Nhân dân cách mạng Lào thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước nhằm bảo đảm lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên... Tính đến nay, CHDCND Lào có quan hệ ngoại giao với 121 nước trên thế giới.
Có thể nói, trải qua chặng đường 55 năm lịch sử, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ tuyệt vời của mình trong việc lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Qua thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Lào, Đảng Nhân dân cách mạng Lào không ngừng lớn mạnh. Từ một Đảng còn nhỏ bé trong những ngày đầu mới thành lập, đến nay Đảng Nhân dân cách mạng Lào có khoảng 162.000 đảng viên, sinh hoạt trong hơn 13.000 chi bộ. Các đảng viên của Đảng Nhân dân cách mạng Lào luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của mình trong mọi công việc, là những ngọn cờ tập hợp nhân dân các bộ tộc Lào tiến lên giành những thành tựu to lớn hơn trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
(1) Ban chỉ đạo lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 86
(2) Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra vào tháng 2-1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang
(3), (4) Ban chỉ đạo lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Sđd, tr 96 - 97, 99
(5) Ban chỉ đạo lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Sđd, tr 161 - 162
(6) Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV gồm 60 ủy viên, gồm 51 ủy viên chính thức và 9 ủy viên dự khuyết. Trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất khóa IV, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng
(7) Ban chỉ đạo lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Sđd, tr 231 - 232
Chính sách tiền tệ năm 2010 góp phần ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát  (19/03/2010)
Năm 2010 tiếp tục đưa các chính sách kích thích kinh tế vào cuộc sống  (19/03/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 107 (19-3-2010)  (18/03/2010)
Một số vấn đề đặt ra đối với công tác tôn giáo ở Tây Nguyên  (18/03/2010)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 809 (3-2010)  (18/03/2010)
Về giám sát cán bộ, công chức, đảng viên nơi cư trú  (18/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên