Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5 tặng quà cho các già làng, trưởng thôn
 Ảnh: TTXVN
TCCS - Hiện nay, các tôn giáo đang hoạt động hợp pháp trên địa bàn Tây Nguyên có khoảng 1,7 triệu tín đồ, chiếm 34% dân số toàn vùng; trong đó, Phật giáo - 487.500 tín đồ, Công giáo - 750.000 tín đồ, Tin lành - 380.000 tín đồ và đạo Cao đài - 18.845 tín đồ. Riêng đồng bào các dân tộc thiểu số theo các tôn giáo, có hơn 460.000 tín đồ.

Trong những năm gần đây, các địa phương ở Tây Nguyên có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hơn mức bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá quy mô và đồng bộ; các chương trình, dự án quốc gia và của địa phương bước đầu có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống đáng kể. Sinh hoạt của nhân dân nói chung, của bà con giáo dân nói riêng, theo đó từng bước ổn định và nâng lên; nhiều nơi phong trào sống “tốt đời, đẹp đạo” đi vào cuộc sống, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình về lương - giáo đoàn kết; hoạt động đối ngoại của các tổ chức tôn giáo và cá nhân tôn giáo được tăng cường.

Về mặt tổ chức, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ở Tây Nguyên có ban đại diện ở cấp huyện, ban trị sự ở cấp tỉnh; Công giáo có 3 giáo phận (Kon Tum, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt), dưới giáo phận có các giáo hạt, giáo xứ và họ giáo; Đạo Tin lành thuộc hệ phái Tin lành Việt Nam (miền Nam) đến nay có 5 ban đại diện ở cấp tỉnh, 141 chi hội và trên 1.000 điểm nhóm sinh hoạt... Cơ sở thờ tự của các tôn giáo ngày càng được xây dựng, nâng cấp khang trang; đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, chức sắc được nâng lên, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh được tôn trọng, hầu hết quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các lễ hội tôn giáo truyền thống... được đẩy mạnh.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác tôn giáo ở Tây Nguyên cũng có những chuyển biến khá tích cực. Xác định nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là vận động quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những năm qua, các cấp, các ngành tại Tây Nguyên đã tập trung đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở vùng có đông đồng bào theo đạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhiều địa phương chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng hai thứ tiếng, nội dung ngắn gọn, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc; phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong công tác vận động quần chúng. Các thành viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở và lực lượng vũ trang trên địa bàn có sự phối hợp thống nhất trong lĩnh vực tôn giáo, tham gia xử lý, giải quyết tốt các vụ việc nảy sinh liên quan đến tôn giáo trên địa bàn... Đến nay, tất cả các tỉnh ở Tây Nguyên đều đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX, về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, về Công tác tôn giáo và Thông báo số 160 của Ban Bí thư về Một số chủ trương đối với đạo Tin lành. Các địa phương chủ động giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của các tôn giáo như giúp đỡ, hướng dẫn các giáo hội hoạt động đúng đường hướng hành đạo; thăm viếng các chức sắc nhân các ngày lễ trọng; giúp đỡ các giáo hội về an ninh trật tự trong các dịp lễ hội, hành hương, đại hội...

Nhìn chung, công tác tôn giáo ở Tây Nguyên từng bước đi vào chiều sâu, sát cơ sở, sát dân, chuyển tải thông tin kịp thời đến với đồng bào nói chung, đồng bào có đạo nói riêng; xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo trên tinh thần đoàn kết dân tộc. Hiện nay, tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên có chiều hướng phát triển tích cực, hầu hết các chức sắc và giáo dân đều có nguyện vọng phát triển mạnh về tôn giáo và nhất quán với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chuyển biến tích cực trên, vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn diễn biến khó lường. Các thế lực thù địch đã và đang tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu từng bước tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý nhà nước, cụ thể như:

- Sử dụng những phần tử phản động, quá khích, cực đoan trong đồng bào các dân tộc, trong tôn giáo vào các hoạt động chống phá cách mạng. Kích động, chia rẽ các tôn giáo, giữa tôn giáo với Đảng và chính quyền.

- Tài trợ, sử dụng các đài phát thanh, gửi tài liệu phản động và kinh sách vào trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo nhằm kích động số cực đoan, phản cách mạng, quá khích trong đồng bào dân tộc, trong các tôn giáo để tập hợp lực lượng; phối hợp móc nối trong - ngoài để tiến hành hoạt động gây rối, biểu tình, bạo loạn chính trị; tuyên truyền vu cáo chính quyền “đàn áp” tôn giáo, đòi tôn giáo “độc lập” với Nhà nước, đòi xóa bỏ các tổ chức tôn giáo được Nhà nước ta chấp thuận như: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”; “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam”, các hệ phái Tin lành hợp pháp... Hiện nay, chúng tìm cách phát triển nhiều hệ phái Tin lành hoạt động trái phép; trong Công giáo thì lập nhiều loại hội đoàn để tranh chấp quần chúng bằng các thủ đoạn, các hình thức tài trợ, âm mưu từng bước vô hiệu hóa hệ thống chính trị của ta ở cơ sở.

Đối với vấn đề dân tộc, các thế lực thù địch thông qua số đối tượng người dân tộc lưu vong tăng cường tổ chức hội thảo về văn hóa - lịch sử các dân tộc thiểu số, viện trợ nhân đạo,... nhằm lôi kéo những người có uy tín, trí thức là người dân tộc thiểu số; kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, lập khu tự trị... Hiện tại, có một số Fulrô lưu vong và các đoàn khách nước ngoài đến Tây Nguyên với danh nghĩa tham quan, du lịch và tìm hiểu tình hình, nhưng thực chất tìm cách móc nối, lôi kéo những người đã từng tham gia Fulrô, nhất là số lừng khừng, cực đoan nhằm xây dựng lực lượng tại chỗ.

Để tiếp tục làm tốt công tác tôn giáo và dân tộc ở Tây Nguyên, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, thực hiện tốt chính sách tôn giáo và dân tộc của Đảng, Nhà nước, coi trọng công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Quan điểm chung nhất là:

1 - Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là những người có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số trên cơ sở tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; nâng cao kiến thức và ý thức tôn trọng pháp luật của mọi người dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục tập trung vào từng loại đối tượng cụ thể. Nội dung chú trọng vào tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, về tôn giáo và làm rõ những thành quả cách mạng từ khi thống nhất đất nước cho đến nay, nhất là những chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

2 - Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 10/NQ-TW, ngày 18-2-2001, của Bộ Chính trị và các quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng ở các tỉnh Tây Nguyên. Trước hết, xác định rõ và xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp có hiệu quả. Gắn sản xuất với mở rộng mạng lưới thương nghiệp, chế biến nông sản hàng hóa. Tập trung chỉ đạo thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng cho hộ gia đình hoặc tạo điều kiện cho đồng bào đủ sống và vươn lên từ nghề rừng; tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết công ăn việc làm đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội như: hỗ trợ về nhà ở, giáo dục - đào tạo, y tế, xã hội, văn hóa... để đồng bào thực sự được hưởng lợi về những thành quả do Nhà nước đầu tư.

3 - Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Về công tác dân tộc và công tác tôn giáo. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngay ở thôn làng, buôn bản, phum sóc; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn buôn văn hóa”, phong trào “Quần chúng tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc”; khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nhân tố gây mất ổn định ở Tây Nguyên.

4 - Đầu tư xây dựng hệ thống chính trị, trước hết kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân tộc, công tác tôn giáo ở các cấp, các ngành, thực hiện phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tăng cường công tác dân vận chính quyền làm sao thực hiện theo tinh thần: Gần dân, trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Có kế hoạch cụ thể bồi dưỡng về kiến thức hiểu biết về tôn giáo, về các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội... trên địa bàn.

5 - Coi trọng công tác quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động tôn giáo trên địa bàn. Chủ động phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc đấu tranh, xử lý với các phần tử đội lốt tôn giáo, chức sắc, tín đồ vi phạm pháp luật, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Đấu tranh làm rõ đâu là sinh hoạt tôn giáo thuần túy, đâu là lợi dụng tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trái phép ở các địa phương.

6 - Nghiên cứu và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 23/2003/NQ-UBTVQH, ngày 26-11-2003, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01-7-1991, các Nghị định số 127/2005/NĐ-CP; Nghị định số 84/2007/NĐ/CP của Chính phủ và Chỉ thị 1940/CT-TTg, ngày 31-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo”.

Toàn bộ hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, có trách nhiệm làm tốt công tác tôn giáo; lồng ghép việc thực hiện công tác tôn giáo với các phong trào hành động từ cơ sở... đó là hướng đi thiết thực và hiệu quả ở Tây Nguyên./.