Đánh giá tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần khách quan
22:20, ngày 01-07-2012
Trong những năm qua, doanh nghiệp nhà nước, nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty đã đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, cơ bản đáp ứng được nhu cầu công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng an ninh, là một công cụ quan trọng để điều tiết kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể làm được và hiệu quả hơn; hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị doanh nghiệp đổi mới chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường...
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
- Xin Bộ trưởng đánh giá vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế đất nước?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi cho đây là vấn đề lớn, hệ trọng, chúng ta cần có đánh giá thận trọng, khách quan, công bằng, bởi doanh nghiệp nhà nước đều có một bề dày truyền thống và thực sự họ là những thành phần kinh tế "rường cột" qua các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chúng ta đang chuyển sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì xuất hiện nhiều thành phần kinh tế, nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là những đơn vị được giao nắm giữ những cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn lực to lớn của đất nước và họ đang có những đóng góp rất quan trọng, rất cơ bản trong việc sản xuất, cung ứng những sản phẩm, những dịch vụ cơ bản nhất của nền kinh tế, đặc biệt là tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang là những lực lượng rất quan trọng, rất cơ bản trong việc tạo ra những giá trị, những sản phẩm, những dịch vụ cho nền kinh tế như bưu chính viễn thông, điện, xăng dầu, sắt thép, ximăng, dầu khí, than, phân bón, hóa chất...
Đây là những thứ then chốt nhất, những nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất và họ cũng đang đóng góp những nguồn lực to lớn kể cả về thu nhập, nộp ngân sách chiếm một tỷ trọng lớn nên doanh nghiệp nhà nước đến thời điểm này vẫn là một thành phần cơ bản, quan trọng trong nền kinh tế của đất nước.
- Thưa Bộ trưởng, trong số 85 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì có tới 30 đơn vị có số nợ trên vốn chủ sở hữu quá 3 lần. Vậy liệu các doanh nghiệp nhà nước có phải là gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế nói chung?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Điều đó không quá lo ngại, bởi Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định rõ tỷ lệ nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá 3 lần.
Hiện nay, theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước là 1,36 lần, chưa bằng một nửa so với với quy định, cụ thể tổng số nợ của doanh nghiệp nhà nước là 1.008.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 790.000 tỷ đồng.
Trong đó, có nhiều trường hợp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao do phục vụ yêu cầu sản xuất. Ví dụ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang phải đi vay rất nhiều để xây dựng, phát triển nguồn điện, các nhà máy điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khi các nhà máy điện đi vào hoạt động, EVN có thể thu hồi và trả nợ. Do vậy, chúng ta không nên đánh giá tập đoàn, tổng công ty nhà nước là gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến năm 2010, chỉ có 20% số doanh nghiệp nhà nước lỗ và hòa vốn, 80% là có lãi. Số tiền lãi nộp cho ngân sách hàng năm đều tăng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là thành phần chủ lực, giúp nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội và tham gia vào các lĩnh vực mà tư nhân không làm.
Tuy nhiên, việc sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực mà nhà nước giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thật sự cao, chưa tương xứng và như mong đợi của người dân.
- Thời gian qua xuất hiện những sai phạm tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, theo Bộ trưởng cần có giải pháp gì để quản lý, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc để xảy ra sai phạm tại các doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh trách nhiệm của hệ thống tổ chức quản lý như bộ, ngành, cơ quan chủ quản, hệ thống chính trị như các tổ chức đảng, công đoàn tại doanh nghiệp, tôi cho rằng, có nguyên nhân cơ bản là do người quản lý trực tiếp, người được giao thay mặt nhà nước quản lý vốn tại doanh nghiệp.
Ví dụ như trong các vụ việc sai phạm tại Vinashin, Vinalines, các cơ quan thanh tra, điều tra đều có kết luận rõ ràng là sai phạm do cá nhân cố ý làm trái. Họ biết việc làm đó pháp luật không cho phép, không được làm nhưng vì lợi ích cá nhân, vẫn cố tình làm trái.
Chúng ta cần xem xét, xử lý nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng không nên phủ nhận toàn bộ công sức của hàng triệu cán bộ, viên chức, kỹ sư, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước.
Về giải pháp, tôi cho rằng, cốt lõi nhất là có chế tài mạnh mẽ hơn nữa để buộc các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính hàng năm như đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài để kiểm toán bắt buộc hàng năm đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP. Theo đó, sẽ làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, giao quyền quản lý toàn diện trực tiếp các doanh nghiệp nhà nước cho các bộ chuyên ngành. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo và đầu tháng 7 này sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
Bảo hiểm xã hội Hà Nội thí điểm giám định hồ sơ  (01/07/2012)
Hai đảng Việt Nam và Mexico tăng cường quan hệ hợp tác  (01/07/2012)
Tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam-Canada  (01/07/2012)
Hội nghị quốc tế đạt đồng thuận tối thiểu về Syria  (01/07/2012)
Hội nghị thượng đỉnh Trung Mỹ ra tuyên bố chung  (01/07/2012)
"Cử tri góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng Quốc hội"  (30/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay