Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp
Luật Giám định tư pháp quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành cũng như nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Về quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp (Điều 2, Điều 22), đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đồng tình với quy định mở rộng quyền cho đương sự trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp nhằm tạo sự bình đẳng trong quan hệ tố tụng và phù hợp với cải cách tư pháp. Đại biểu này còn đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng được yêu cầu giám định tư pháp. Nên quy định đương sự trong các loại án kinh doanh, thương mại và lao động; người bị hại trong vụ án hình sự cũng có quyền yêu cầu giám định. Như vậy mới bao quát được đầy đủ các lĩnh vực xét xử, bảo vệ công lý. Tuy nhiên, để tránh việc đương sự lợi dụng sự thông thoáng này để kéo dài quá trình xét xử, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; đại biểu Nghĩa cho rằng, chỉ nên cho phép yêu cầu giám định trong thời hạn giải quyết vụ án.
Các đại biểu cho rằng, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, việc chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định đã được Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể, nên không cần thiết đặt ra quy định quyền yêu cầu giám định tư pháp của các đối tượng này. Đối với người bị hại, khi tham gia quan hệ tố tụng hình sự họ có đủ các quyền quy định tại Điều 51 Bộ Luật Tố tụng hình sự, riêng việc chứng minh vấn đề tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng như đã nêu trên, trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng vụ án hình sự, thì “trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”, người bị hại với tư cách là nguyên đơn dân sự vẫn có quyền yêu cầu giám định tư pháp. Do đó, việc bổ sung quyền trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp đối với người tham gia tố tụng với tư cách “người bị hại” là không cần thiết nên đề nghị cho giữ quy định về quyền trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp như dự thảo Luật (Điều 2, Điều 22).
Về tổ chức giám định tư pháp công lập (Điều 12), có hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh:
Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó, tổ chức giám định pháp y gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc ngành Y tế); Viện Pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn giám định viên pháp y tại phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị cho giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người).
Thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu đưa ra nhận định, tổ chức và hoạt động giám định pháp y nhiều năm qua vừa thiếu thống nhất, manh mún, không thuận lợi cho việc đầu tư phát triển lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng thời, không phù hợp với xu hướng cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay. Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế, trong đó có 39 Trung tâm giám định pháp y thuộc sở y tế; 16 phòng giám định pháp y trực thuộc bệnh viện đa khoa cấp tỉnh; còn 8 tỉnh tổ chức giám định pháp y theo Nghị định 117/HĐBT; có 13/63 công an cấp tỉnh không có giám định viên pháp y, có 04 cơ quan công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y, nhưng không làm giám định pháp y.
Đại biểu Nguyễn Đức Trung (Hà Nội); Phạm Văn Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nhấn mạnh: Nhiều năm qua, lực lượng pháp y công an đã không ngừng được củng cố và phát huy hiệu quả; đội ngũ bác sĩ pháp y, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật được tăng cường, giám định nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác điều tra. Trước diễn biến của tình hình tội phạm hiện nay, việc không tổ chức lực lượng pháp y công an cấp tỉnh sẽ có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm. Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) thì cho rằng, việc giám định pháp y tử thi của pháp y Công an cấp tỉnh không làm ảnh hưởng đến yếu tố khách quan, trách nhiệm và các hoạt động của pháp y ngành y tế vì: Tất cả giám định viên tư pháp dù công lập hay ngoài công lập đều phải chịu sự điều chỉnh của khoản 3, Điều 60 Bộ Luật Tố tụng hình sự; nếu cung cấp sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự. Mặt khác, toàn bộ trình tự, thủ tục quá trình giám định pháp y tử thi đã được pháp luật quy định chặt chẽ. Bên cạnh đó, trong thực tế, đội ngũ giám định pháp y phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh hoàn toàn độc lập với công an điều tra. Khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh nhiều năm qua, các đại biểu đề nghị nên giữ giám định pháp y thuộc công an. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng thì đòi hỏi phải có sự đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh. Các đại biểu cũng cho rằng, cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao. Đây cũng là nội dung đổi mới căn bản nhất trong dự án Luật Giám định tư pháp mà Chính phủ trình Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau); Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) lại cho rằng nên tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp. Đại biểu cũng cho rằng do ngành y tế chưa thể đảm đương ngay được toàn bộ nhiệm vụ giám định pháp y (bao gồm cả giám định pháp y trên người sống và giám định tử thi), nên cần có lộ trình phù hợp. Theo đại biểu, trên thế giới, pháp y đều do Bộ Y tế hoặc Bộ Tư pháp quản lý hoặc nằm trong các trường đại học; không có pháp y trong lực lượng Công an. Việt Nam cũng nên theo thông lệ này để vừa hội nhập, đổi mới, nâng cao hiệu quả, tầm vóc của kỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, quá trình điều tra vụ án áp dụng quy trình khép kín từ giám định trưng cầu, khám nghiệm tử thi, hiện trường, lấy lời khai do một cơ quan chỉ đạo, dù khách quan đến đâu, vẫn khiến người ngoài cuộc có sự nghi ngờ. Dù khoa học đến đâu, niềm tin cũng không trọn vẹn. Cũng phù hợp theo xu hướng cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế, kết luận pháp y bảo đảm nhanh, chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu.
Về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (Điều 14), nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi các tổ chức ngoài công lập bao gồm cả 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và các lĩnh vực khác như: giám định chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Đối với tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, cân nhắc về tính khả thi thì hiện tại, các đại biểu cho rằng, chỉ nên thực hiện xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực như quy định tại Điều 14 dự thảo Luật. Còn các lĩnh vực khác, việc giám định tư pháp sẽ do tổ chức, cá nhân giám định theo vụ việc đảm nhận. Một số đại biểu cũng cho rằng, việc quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giám định tư pháp công lập phải căn cứ vào phạm vi, tính chất hoạt động trong từng lĩnh vực. Hơn nữa, các vấn đề cần giám định trong thực tiễn là hết sức đa dạng, liên tục phát sinh trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nên trước mắt, dự thảo Luật chỉ quy định cơ cấu tổng thể hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập, còn cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các tổ chức này được giao cho Chính phủ quy định.
Về giám định bổ sung, giám định lại và giám định hội đồng (Điều 29, Điều 30), có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 29 dự thảo Luật “việc giám định lại phải do giám định viên khác thực hiện”; có ý kiến đề nghị bổ sung “người yêu cầu giám định” cũng có quyền trực tiếp yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại; có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định về giám định lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận giám định.
Về nguyên tắc thực hiện giám định lại phải do giám định viên khác thực hiện đã được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 34 dự thảo Luật này. Vì vậy, một số đại biểu đề nghị không nhất thiết bổ sung nội dung nêu trên vào Điều 29 để tránh trùng lặp.
Về quyền yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến thủ tục tố tụng. Về bản chất, kết luận giám định là một nguồn chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá và sử dụng để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Như vậy, việc có giám định lại hay không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trong trường hợp cần thiết. Đương sự có quyền đề nghị, nhưng việc quyết định trưng cầu lại thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, quy định của dự thảo Luật là phù hợp với nguyên tắc tố tụng (khoản 2, Điều 29). Trường hợp người yêu cầu giám định không nhất trí với kết luận giám định thì có quyền đề nghị hoặc khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng. Có đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 30 dự thảo Luật nội dung “Kết luận của Hội đồng giám định là kết luận cuối cùng” để khắc phục tình trạng phải giám định nhiều lần, gây tốn kém chi phí và kéo dài quá trình tố tụng. Tuy nhiên cũng có đại biểu cho rằng giám định tư pháp là văn bản mang tính khoa học. Việc quyết định kết luận giám định nào có giá trị sử dụng làm chứng cứ trong việc giải quyết vụ án hoàn toàn do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quyết định. Trong trường hợp đặc biệt thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền quyết định việc giám định lại kể cả khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Do vậy, không nên đặt vấn đề quy định kết luận nào có giá trị cao hơn và là kết luận cuối cùng trong Luật này.
Về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, có nên xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, cho phép các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp ở tất cả các lĩnh vực, để thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị, nên giới hạn xã hội hóa giám định tư pháp, sau đó trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm để có hướng thực hiện tốt hơn. Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) không đồng tình với việc xã hội hóa hoạt động giám định pháp y bao gồm cả việc giao cho đương sự được trưng cầu giám định, đặc biệt là đối với các vụ án hình sự, những vấn đề liên quan đến hành chính và kể cả một số vấn đề liên quan đến dân sự. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp./.
Thảo luận dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật  (29/05/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Áo  (29/05/2012)
Chính phủ luôn ủng hộ hợp tác quốc phòng với Nhật  (29/05/2012)
Cộng hoà Áo đánh giá cao vị trí và vai trò của Việt Nam  (29/05/2012)
Chủ tịch nước hội đàm Tổng thống Cộng hòa Áo  (29/05/2012)
Tham mưu trưởng liên quân Nhật Bản thăm Việt Nam  (29/05/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay