Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2011, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô và mức độ phát triển sản xuất công nghiệp.
Với giá trị sản lượng gần 740.000 tỷ đồng, thành phố đã đóng góp khoảng 42% giá trị sản xuất công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và chiếm 27,4% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo địa bàn quận, huyện với mức tăng trưởng cao đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm áp lực gia tăng dân số cơ học.

Nhưng do hàm lượng gia tăng trong sản xuất công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa thật sự mang lại hiệu quả cao cho kinh tế thành phố. Thủ tục hành chính tuy có giảm, nhưng vẫn còn nhiêu khê, áp dụng không thống nhất, gây phiền hà cho nhà đầu tư. Trong khi đó, thành phố đang đối mặt với bài toán nan giải về thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như sự mất cân đối cung cầu lao động, ảnh hướng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong năm 2012, tính theo giá thực tế, sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu tăng 19,2% so với năm 2011 và đạt mức 881.152 tỷ đồng. Riêng tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-nhựa, chế biến lương thực thực phẩm) đạt tối thiểu 57,5% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện vẫn còn khoảng 85% doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố có quy mô vừa và nhỏ, vốn vay ngân hàng là chủ yếu. Chưa có sự điều phối hữu hiệu của các bộ ngành Trung ương trên phạm vi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam , trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm. Các khu công nghiệp-khu chế xuất chủ yếu mang tính tổng hợp, nhiều ngành nghề quy tụ, ít khu chuyên ngành, nên chưa hình thành các cụm liên kết, hỗ trợ trong sản xuất.

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 86.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 15 khu chế xuất-khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 1 công viên phần mềm Quang Trung, 10 cụm công nghiệp. Kế hoạch đến năm 2015, thành phố sẽ lập thêm 7 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp. Để phục vụ tốt hơn cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng thu hút, khuyến khích đầu tư công nghệ kỹ thuật cao, tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện tử tin học, sản xuất lắp ráp, cơ khí chế tạo và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ./.