Khai thác lợi thế, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội
21:28, ngày 04-01-2012
Ngày 4-1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên họp thường kỳ tháng 12-2011, thảo luận về dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2011 và Chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ; báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2011; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2011; tình hình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong năm 2011.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước; vấn đề gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2011 và Chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày cho thấy, trong năm 2011, tình hình thế giới có sự thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động đến kinh tế-xã hội Việt Nam. Ở trong nước, lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao, thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt nhằm thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra. Đến nay, tuy khó khăn thách thức còn nhiều nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Trước tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động, ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế nước ta, Chính phủ đã ban hành kịp thời Nghị quyết số 11, đồng thời báo cáo Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 02, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59 đề ra những nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong tập trung thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và thận trọng; điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát và ổn định thị trường tiền tệ, kiềm chế tốc độ lạm phát, giảm dần lãi suất tín dụng theo diễn biến giảm dần của lạm phát; đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng; chú trọng các biện pháp giảm bội chi; kiên quyết cắt giảm đầu tư cho những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành và các chương trình an sinh xã hội.
Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được kết quả khả quan. Từ quý 2, tốc độ tăng giá đã giảm dần, cả năm tăng 18,13%; lãi suất tín dụng có xu hướng giảm; xuất khẩu tăng 33,3% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu đề ra; nhập siêu bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 18%; dự trữ ngoại hối tăng từ 3,5 tuần nhập khẩu lên 7,5 tuần nhập khẩu, bội chi ngân sách giảm xuống 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%).
Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm tới giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại; chú trọng thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, gắn với đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Về Chương trình công tác của Chính phủ năm 2012, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát trong chỉ đạo, điều hành là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu trên được xác định là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phát triển phúc lợi xã hội; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt Quy chế làm việc và chương trình công tác.
Thảo luận về kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2011 và Chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cho rằng, nhìn lại những mặt làm được, những mặt chưa làm được về kinh tế-xã hội năm 2011, hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2011 vừa qua có những ưu điểm lớn như: Chính phủ đã nghiêm túc quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng; gắn công tác chỉ đạo, điều hành với thực tiễn, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, từ đó kịp thời xác định, điều chỉnh, đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong năm qua, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn vào những khó khăn, thách thức; thấy rõ được những lợi thế trong quá trình phát triển; quán triệt tốt quan điểm về ổn định và phát triển; thực hiện phương châm tăng trưởng và phát triển đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội, khẳng định quan điểm trong bối cảnh càng khó khăn, càng phải quan tâm tốt hơn tới chăm lo cho an sinh xã hội. Trong quản lý, chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, song luôn có trọng tâm, trọng điểm, chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt gắn liền với việc tính toán đảm bảo yếu tố về tính bền vững, lâu dài.
Các thành viên Chính phủ đều đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước, trước nhân dân, trước nhiệm vụ của ngành mình; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, công khai thông tin, trung thực, thẳng thắn, minh bạch thông tin về những việc làm được, những việc chưa làm được; công tác giải trình, giải đáp được triển khai hiệu quả và phong phú hơn từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đến các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Nhấn mạnh trong trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2011, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế bài bản hơn, chủ động hơn; các chính sách đề ra đảm bảo tính nhất quán.., Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình…đề xuất, trong năm 2012, các Bộ, ngành cần dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh; khắc phục tình trạng tồn đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; khắc phục trình trạng chương trình công tác vừa nặng nề, vừa chưa bao quát hết các hoạt động của Chính phủ; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo cũng như công tác thống kê, dự báo phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; đồng thời các Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Liên quan đến các khâu đột phá chiến lược, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong năm 2012 và các năm tiếp theo nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong quá trình đổi mới. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu nhất là đối với những hàng hóa được coi là thế mạnh của Việt Nam; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; công tác kiểm tra, giám sát; đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…cũng là những nhiệm vụ lớn được nhiều thành viên Chính phủ cho rằng cần được quan tâm chú trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2012.
Bên cạnh những ưu điểm trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ một số tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo điều hành cần khắc phục về quản lý nhà nước trong xây dựng luật, công tác qui hoạch, quản lý tài nguyên…Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm nay là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung vào 3 điểm nghẽn là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực.
Do vậy, các Bộ, ngành và địa phương phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý nhà nước nhằm thu hút mọi nguồn lực vào đầu tư phát triển (Hợp tác công tư-PPP, xây dựng vận hành chuyển giao-BOT, xây dựng chuyển giao-BT trong đầu tư hạ tầng), chiến lược qui hoạch ngành và lĩnh vực (thép, ximăng, sản xuất ôtô…), công tác thanh kiểm tra, giám sát, bảo đảm kỷ luật kỷ cương, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo có hiệu quả những vấn đề bức xúc của xã hội về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm, môi trường… Bộ Y tế tập trung rà soát lại qui hoạch hệ thống bệnh viện, trong đó xây dựng tiêu chí cụ thể về bệnh viện khu vực, đồng thời xây dựng phương án nhằm giải quyết có hiệu quả tình trạng quá tải ở bệnh viện và thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Đối với vấn đề tài nguyên khoáng sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, chế biến sâu và bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng lưu ý tăng cường làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời xử lý công khai, minh bạch việc xử lý đúng trình tự pháp luật các vụ án tham nhũng, tạo lòng tin trong nhân dân.
Về Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tái cấu trúc để doanh nghiệp làm tốt hơn vai trò của Nhà nước giao và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát khung pháp luật hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhất là cơ chế thực hiện, mô hình chủ sở hữu nhà nước, làm rõ trách nhiệm trong hội đồng quản trị và bộ quản lý ngành về kế hoạch, điều hành, quản lý vốn, thanh kiểm tra, quản lý cán bộ, cơ chế quản trị tại doanh nghiệp…Trước mắt, tập trung xây dựng lộ trình cụ thể theo hướng tập trung vốn vào ngành nghề chính, qui chế quản lý nội bộ, trước hết là rà soát sửa đổi điều lệ hoạt động, qui chế tài chính và cán bộ, phân định chức năng của Hội đồng quản trị với Tổng Giám đốc./.
Chủ tịch nước tiếp các chức sắc Hội thánh Cao Đài  (04/01/2012)
Điện mừng Ngày Độc lập của CH Liên bang Myanmar  (04/01/2012)
Trung ương Mặt trận Tổ quốc tiếp các chức sắc đạo Cao Đài  (04/01/2012)
IMF: Kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn trong năm 2012  (04/01/2012)
Huyện đảo Cát Hải vượt khó phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn biển đảo bình yên  (04/01/2012)
Mỹ: Đảng Cộng hòa bắt đầu tranh cử tại bang Iowa  (04/01/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên