Gỡ bỏ những rào cản để nữ trí thức phát triển
TCCS - Nữ trí thức là bộ phận tinh hoa của giới nữ. Họ là những người được đào tạo bài bản, có vị trí khoa học, năng lực sáng tạo. Mặc dù vậy, gánh trên vai “khó khăn kép”: thiên chức làm vợ, làm mẹ và gian nan của lao động khoa học, cùng không ít gò bó từ cơ chế, chính sách đã hạn chế sự phát triển của đội ngũ nữ trí thức. Đó là những vấn đề nổi bật mà Hội thảo quốc gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây đặt ra và mong mỏi.
Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng. Không chỉ anh hùng trong chiến đấu vì độc lập dân tộc, phụ nữ Việt Nam còn khẳng định tài năng, trí tuệ của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Tên tuổi của Nguyên phi ỷ Lan đời Lý, Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đời Lê, bà Nguyễn Thị Duệ đời nhà Mạc giả trai để được đi học và đỗ đạt, trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta... đã ghi danh sử sách. Tuy nhiên, do sự kỳ thị, những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, nên nữ giới không có điều kiện bộc lộ và phát huy hết tài năng của mình.
Đội ngũ nữ trí thức chỉ thực sự được hình thành gắn liền với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay khi nước nhà non trẻ được thành lập, trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, Điều 9, khẳng định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”.
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 27-04-2007, của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 27-NQ/TƯ, ngày 17-07-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” càng đánh giá đúng đắn vai trò quan trọng của đội ngũ nữ trí thức.
Các chủ trương, chính sách trên đã từng bước được thực thi và đạt những kết quả nhất định, cùng với sự nỗ lực của bản thân đội ngũ này, nữ trí thức Việt Nam ngày càng phát triển, cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vai trò của mình trong xã hội. Nếu những giai đoạn trước, số trí thức nữ có trình độ cao là rất ít, thì hiện nay, đội ngũ này đã hình thành và chiếm khoảng trên 16% tổng số cán bộ có học vị sau đại học, học hàm của cả nước. Tại một số cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, số cán bộ nữ chiếm từ trên 40% đến xấp xỉ 70%. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và dẫn đầu khu vực châu Á về tỷ lệ nữ trong Quốc hội (đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XII là 33,1%)...
Đội ngũ nữ trí thức bằng tài năng, trí tuệ, cống hiến không mệt mỏi, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển ở nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đến nay, nhiều công trình khoa học của các chị đã được trao những giải thưởng quốc gia, quốc tế có uy tín, trong đó có 2 giải thưởng quốc tế lớn, 10 giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 giải thưởng Nhà nước, 49 giải thưởng Kô-va-lép-xcai-a (Kovalevskaya) và hàng trăm giải thưởng cao quý khác. Trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là đào tạo bậc cao, đội ngũ nữ trí thức cũng có nhiều đóng góp nổi bật. Đến nay, đã có 17 nữ cán bộ ngành giáo dục được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 3.859 người được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Trong công tác lãnh đạo, quản lý, không ít nữ trí thức đã tham gia và giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước, cũng như các tổ chức khác của hệ thống chính trị. So với khóa trước, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở hiện nay tăng từ 0,43% lên 3,2%; là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tăng từ 1,5% lên 3,54%. Nhiều chị đã và đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng tại các cơ sở giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, trong các doanh nghiệp và các hiệp hội. ở trên các cương vị lãnh đạo, quản lý đó, nhìn chung các nữ trí thức đã phát huy tốt năng lực của mình.
Đội ngũ nữ trí thức còn giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng gia đình trí thức Việt Nam. Vượt qua khó khăn, nữ trí thức Việt Nam không chỉ có những cống hiến nổi bật ngoài xã hội mà còn hoàn thành tốt vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình. Các chị cũng tỏ rõ ưu thế trong việc tham gia giải quyết trực tiếp các vấn đề bức xúc của xã hội như: giữ gìn bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội (bạo lực gia đình, HIV/AIDS, nghiện hút, mại dâm, bất bình đẳng giới), ô nhiễm môi trường sống, bảo đảm an sinh xã hội...
Mặc dù có những bước trưởng thành quan trọng, nhưng đội ngũ nữ trí thức vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của mình, cũng như yêu cầu khách quan của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong rất nhiều dẫn chứng là, số nữ trí thức có học vị sau đại học ngày càng tăng, song chủ yếu là bậc thạc sĩ, bậc học cao hơn và có học hàm tỷ lệ rất thấp (tiến sĩ chiếm 17,1%, chức danh giáo sư chỉ chiếm 5,1% trong tổng số người có học vị, học hàm trên)...
Vấn đề giới trong ban hành và thực hiện chính sách
Bên cạnh khó khăn của giới nữ và tầng lớp trí thức nói chung hiện nay, đội ngũ nữ trí thức đang phải đối diện với những thách thức đặc thù. Ngay với nữ trí thức, bộ phận được làm việc ở môi trường tương đối hiện đại, tư tưởng “mở”, thì định kiến giới hiện nay vẫn là một rào cản không hề nhỏ. Tiếp đó, việc xử lý sao cho hài hòa giữa một bên là vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình, với một bên là các công việc ngoài xã hội gắn với nhu cầu học tập, phấn đấu, cũng là một bài toán khó. Ngoài ra là những bất cập trong nhiều chính sách cụ thể về chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến, đề bạt, điều kiện làm việc, tuổi nghỉ hưu, bảo hiểm... Hiện nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một hệ thống chính sách đối với nữ trí thức mang tính chiến lược, đồng bộ. Đã có một số chế độ dành riêng cho nữ trí thức nhưng còn nhỏ lẻ, chủ yếu giải quyết nhu cầu trước mắt. Các văn bản chính sách không hoặc ít có định kiến giới, nhưng lại chưa đủ độ nhạy cảm giới cần thiết để tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo, khả năng cống hiến của nữ trí thức. Nhiều chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống và trong quá trình thực hiện cũng xuất hiện một số bất cập hay những hiệu ứng không mong đợi.
Tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi, có độ nhạy cảm giới, qua đó gỡ bỏ nút thắt để khơi thức tiềm năng của đội ngũ nữ trí thức đòi hỏi một hệ các giải pháp, trong đó cần tập trung:
Một là, sớm sửa đổi các chính sách về quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ theo hướng loại bỏ mọi hình thức phân biệt giới và tính đến những đặc thù về vai trò giới. Mạnh dạn, khách quan phát hiện, giới thiệu những nữ trí thức tiêu biểu, có năng lực, đảm nhận những vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp.
Hai là, thay đổi chính sách tuổi nghỉ hưu theo hướng linh hoạt, trong đó cho phép kéo dài thời gian đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học nữ, chuyên gia đầu ngành có trình độ, trí thức nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo đang đóng góp rất hiệu quả ở các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo.
Ba là, Chính phủ tiếp tục đổi mới xây dựng chiến lược phát triển nữ trí thức cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các ngành và lĩnh vực, nhằm phát huy hết năng lực của phụ nữ; triển khai và giám sát chặt chẽ các chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ, trong đó có các giải pháp tăng tỷ lệ nữ được đào tạo sau đại học và phụ nữ được phong các chức danh khoa học. Đặc biệt quan tâm đến đào tạo nữ sinh viên, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển đội ngũ nữ trí thức sau này.
Bốn là, thúc đẩy hơn các hoạt động và hình thức thu hút, tập hợp nữ trí thức (trong đó bao gồm việc hỗ trợ thành lập một tổ chức riêng, chính thức của nữ trí thức - Hội Nữ trí thức) để giúp họ mở rộng hợp tác trong nghiên cứu khoa học và huy động sự tham gia của nữ trí thức giải quyết các vấn đề xã hội. Giúp nữ trí thức giảm tối đa gánh nặng công việc gia đình để dành thời gian cho công việc chuyên môn, gắn với phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc gia đình; cải tiến chế độ bảo hiểm; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nam giới trong việc cùng chia sẻ chăm sóc con cái, cũng như công việc gia đình...
Giải phóng nhận thức của xã hội gắn liền với giải phóng tư tưởng của bản thân phụ nữ, để chính họ cũng phải thấy trách nhiệm của mình với cộng đồng, từ đó có ý thức tự phấn đấu, nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt có kỹ năng trong điều hòa giữa cuộc sống gia đình và công việc xã hội./.
Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ khu vực kinh tế tư nhân - thực tế và những vấn đề đặt ra  (18/05/2011)
"Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"  (18/05/2011)
"Chủ tịch Hồ Chí Minh với Doanh nghiệp, Doanh nhân và những ý kiến góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI".  (18/05/2011)
“Sức dẻo dai, ứng biến linh hoạt của doanh nhân Việt Nam trong “cơn bão” khủng hoảng kinh tế”  (18/05/2011)
Tăng cường mối quan hệ nông dân - doanh nhân ở Việt Nam hiện nay  (18/05/2011)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên