Đó là tên chủ đề cuộc Hội thảo khoa học diễn ra tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ngày 30 - 10 - 2008. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy trong và ngoài Học viện dưới sự chủ trì của PGS, TS Vũ Đình Hòe, Phó giám đốc Học viện.

Mười bảy bản tham luận đã được gửi đến Ban tổ chức. Các báo cáo và tranh luận tại hội trường đã tập trung vào những vấn đề thời sự và cấp thiết.

1. Trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau 2 năm trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nông nghiệp Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu rất đáng kể. Nhiều hộ nông dân đã chủ động vươn lên sản xuất hàng hóa; thị trường đối với các mặt hàng nông sản đã được đa dạng và mở rộng; chất lượng nhiều mặt hàng nông sản đã được nâng lên, số mặt hàng có thương hiệu được các thị trường “khó tính” chấp nhận đang tăng lên.

2. Để tiếp tục phát triển, nhất là bảo đảm được một nền nông nghiệp phát triển bền vững trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra:

+ Về đất đai, còn nhiều chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dẫn đến quy mô ruộng đang manh mún cản trở cho việc đưa cơ giới vào nông nghiệp để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và đi lên sản xuất hàng hóa lớn.

+ Tình trạng đất chật người đông đang làm cho đất bị bóc lột thậm tệ làm đất bạc màu và không bảo đảm các yếu tố của phát triển bền vững gây hậu quả về lâu dài.

+ Đất canh tác đang bị giảm đi trông thấy cho các dự án đô thị và phát triển công nghiệp... đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

+ Đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và dự báo xu hướng vận động về việc làm, thu nhập, phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo trong nông thôn Việt Nam.

+ Đánh giá những mặt được và chưa được trong thời gian qua về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, Việt Nam cơ bản đang nắm những khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

+ Các tham luận tại Hội thảo cũng thừa nhận rằng, đối tượng nghèo đói lại thường rơi vào những hộ thuần nông, thậm chí địa phương nghèo cũng thường là những địa phương thuần nông, do đó đất nước đang đứng trước những sự lựa chọn rất khó khăn trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

+ Về quy hoạch sử dụng đất và phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa nông sản còn nhiều bất cập, nhất là việc xác định và quy hoạch rõ vùng nông nghiệp và diện tích đất cho phát triển các ngành phi nông nghiệp, nếu không sự chênh lệch về giá quá mức giữa đất nông nghiệp và đất chuyển sang các mục đích sử dụng phi nông nghiệp đang làm cho đất nông nghiệp bị mất đi quá nhanh (khoảng 70.000 ha/năm).

+ Mối liên kết “bốn nhà” theo Quyết định số 80 của Chính phủ trong việc tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân còn lỏng lẻo, chưa rõ chế tài ràng buộc cũng như động lực về lợi ích chưa thực sự khuyến khích các nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng trong việc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm.

+ Thị trường nông thôn còn nhỏ lẻ, giá trị các hàng hóa nông sản chưa cao, phần lớn hàng hóa nông sản làm ra để tiêu thụ dưới dạng tươi sống, khâu chế biến còn yếu và thiếu đồng bộ nên giá trị gia tăng còn thấp.

+ Cuộc sống của nông dân nhìn chung còn nhiều khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng.

+ Môi trường sống trong nông thôn đang bị xâm hại, nhất là những vùng, những địa phương có ngành nghề thủ công, cụm công nghiệp hay khu công nghiệp phát triển mạnh.

3. Hội thảo cũng đã bàn luận chung quanh ba đề xuất quan trọng:

Thứ nhất, có sự thay đổi trong tư duy và nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phải thực sự lấy nông dân làm chủ thể của toàn bộ quá trình phát triển đó để đánh giá cụ thể nông dân đóng góp cho phát triển đất nước những gì và đang được hưởng những gì từ sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, cần có cơ chế chính sách mới, phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhất là về quyền sử dụng đất, lợi ích của người nông dân, chính sách đầu tư thỏa đáng, đúng trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn để giúp nông dân vượt lên những giới hạn của thói quen tiểu nông, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Thứ ba, cần phát huy sức mạnh tổng hợp cùng với những quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân để nước nhà có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, theo hướng hiện đại và xác định đúng vị trí của mình trong chuỗi giá trị chung của thế giới; nhưng trước hết, chính bản thân người nông dân cũng phải có sự nỗ lực để không ngừng tích lũy kiến thức, nâng cao tay nghề, tiếp thu những thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, sớm hình thành đội ngũ đông đảo những người nông dân chuyên nghiệp, văn minh, trên cơ sở đó củng cố liên minh công - nông - trí trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.