Nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

PGS, TS. NGUYỄN NGỌC HÀ - TS. PHẠM KIM ANH
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23:33, ngày 04-12-2022

TCCS - Ở Việt Nam, nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa rất đa dạng và phong phú, như nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên, nhân lực, tài chính…, trong đó, nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, bên cạnh những thành công, nguồn lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đặt ra một số vấn đề, đòi hỏi cần có những giải pháp để phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

1- Các ngành công nghiệp văn hóa là những ngành sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội.

Các ngành công nghiệp văn hóa ra đời và phát triển gắn liền với sự phát triển của nền văn hóa đại chúng, sản xuất hàng loạt, sản xuất công nghiệp, gắn với thị trường; là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa, nghệ thuật với kinh tế và công nghệ. Các ngành này đều mang dấu ấn sáng tạo cá nhân, được sản xuất và phân phối theo các cấp độ và trình độ khác nhau. Trong sản xuất công nghiệp văn hóa, việc sử dụng nguồn lực trí tuệ của con người là đặc biệt quan trọng, đóng vai trò như những nguyên vật liệu "đầu vào" then chốt. Con người, với sự sáng tạo đa chiều trong hoạt động sống và năng động trong kinh doanh, kết hợp với những tiến bộ của công nghệ sẽ định hình giá trị và thương hiệu của các sản phẩm công nghiệp văn hóa cũng như tính phổ biến của các sản phẩm này đối với người tiêu dùng.

Đề cập đến các ngành công nghiệp văn hóa, người ta thường nhấn mạnh đến hai yếu tố: công nghiệpsáng tạo. Gọi là công nghiệp bởi đây thực sự là một ngành kinh doanh hùng mạnh, giàu tiềm năng. Ngành kinh doanh này dựa trên năng lực sáng tạo của các cá nhân, đặc biệt là các cá nhân trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại. Gọi là sáng tạo bởi nói tới văn hóa là nói tới sự sáng tạo. Các ngành công nghiệp văn hóa có thể phát triển nhanh hơn công nghiệp chế tạo vì mức đầu tư không quá lớn, chủ yếu là đầu tư chất xám và quảng bá sản phẩm, nhưng lại đem lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài (nhất là khi đã xây dựng được thương hiệu) và bền vững; thị trường dường như không giới hạn, càng tiêu dùng càng thêm nhu cầu, càng sáng tạo càng gia tăng giá trị. Sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng giúp cho nhu cầu giải trí của công chúng được đáp ứng một cách dễ dàng, thông qua việc tiêu dùng những sản phẩm văn hóa. Chúng có khả năng tác động mạnh mẽ vào đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và phức tạp của xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa góp phần tạo nên sự đa dạng hóa và dân chủ hóa về tri thức cho xã hội; đồng thời, thông qua sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa, hình ảnh quốc gia sẽ được quảng bá, không ngừng mở rộng không gian văn hóa; "sức mạnh mềm" quốc gia cũng được gia tăng trên phạm vi quốc tế. Vì lý do đó, ngày nay, các ngành công nghiệp văn hóa được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng, điển hình như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ở Việt Nam, vai trò kinh tế của văn hóa, của các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng được nhận thức rõ, được thể hiện trong nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước(1). Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 18-6-2016, của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1755/QĐ-TTg) khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chiến lược chỉ rõ các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Màn trình diễn “Tinh hoa nghệ thuật Xòe” tại Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại _Ảnh: VGP

2- Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần nhiều yếu tố, trong đó, với tư cách là nơi bắt đầu, nơi phát sinh, cung cấp các yếu tố, thành phần được sử dụng để tạo nên sự phát triển(2), nguồn lực có vai trò quan trọng.

Nguồn lực được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Có nguồn lực vật chất và có nguồn lực phi vật chất. Có nguồn lực đo đếm, định lượng, định hình được, có nguồn lực khó đo đếm, định hình, định lượng. Có nguồn lực là hữu hạn, có nguồn lực được coi là vô hạn. Có nguồn lực bên trong, có nguồn lực bên ngoài. Có yếu tố chưa trở thành nguồn lực hiện hữu, mà chỉ là nguồn lực tiềm năng nếu không được định hướng khai thác, sử dụng hoặc chưa có khả năng đưa vào sử dụng. Vai trò, vị trí của mỗi nguồn lực là khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử. Có nguồn lực ở giai đoạn này, khu vực này được coi là quan trọng; song ở giai đoạn khác, khu vực khác lại không còn ở vị trí quan trọng nữa. Tuy nhiên, có thể thấy, ở mọi giai đoạn lịch sử và tiếp cận ở phương diện nào thì con người luôn là nguồn lực trung tâm, quan trọng nhất. Con người tạo ra cơ chế, chính sách, là chủ thể quyết định việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác. Các nguồn lực khác có thể cạn kiệt, hao mòn, khó tái sinh, còn nguồn lực con người có thể tái tạo được.

Ở Việt Nam, nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chủ yếu bao gồm:

Một là, nguồn lực địa - kinh tế và tài nguyên là nguồn lực góp phần quan trọng ngay từ những bước khởi đầu, tích lũy vốn cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, lại nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh. Nguồn lực địa - kinh tế này cũng là lợi thế cho phát triển công nghiệp văn hóa trên nhiều khía cạnh: Di chuyển thuận lợi, nhanh chóng, giảm giá thành vận tải phục vụ xuất, nhập khẩu nguyên, vật liệu, năng lượng và sản phẩm cho sản xuất trong các ngành công nghiệp văn hóa; gia tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách hàng tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp văn hóa…

Nguồn lực địa lý, tài nguyên cũng tạo ra cảnh quan, danh lam thắng cảnh cho Việt Nam, như vườn quốc gia Cúc Phương, rừng quốc gia U Minh, Phong Nha - Kẻ Bàng, khu danh thắng Tràng An, vịnh Hạ Long, các đảo Cô Tô, Phú Quốc, Côn Đảo, các vườn quốc gia và công viên địa chất và hàng nghìn ki-lô-mét bờ biển với rất nhiều bãi biển đẹp, tạo ra một nguồn lực không hề nhỏ cho phát triển các loại hình du lịch. Nguồn lực địa lý cũng tạo nên sự đa dạng địa hình, địa chất, hệ sinh thái cho đất nước. Đó là, ngoài vùng biển, Việt Nam có cả vùng đồng bằng, vùng núi, trung du, hấp dẫn được nhiều khách du lịch đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới.

Hai là, nguồn lực con người: Bao gồm toàn bộ nguồn vốn con người của một quốc gia, vùng lãnh thổ được sử dụng để tạo ra những lợi ích vật chất và tinh thần cho xã hội. Xét trong mối quan hệ giữa các nguồn lực thì nguồn lực con người đóng vai trò quyết định các nguồn lực khác. Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng”, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Năm 2021, quy mô dân số cả nước đạt khoảng 98,5 triệu người; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,6 triệu người(3). Với lực lượng lao động lớn khi tham gia phân công lao động khu vực và quốc tế, Việt Nam có một nguồn lực quan trọng - điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vừa với tư cách người sản xuất, vừa với tư cách người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, bên cạnh đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, Việt Nam còn có đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làm nghề truyền thống... Họ là những “báu vật sống” của đất nước trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc... Đồng thời, nguồn lực con người còn bao gồm đội ngũ những nhà lãnh đạo, quản lý ở các khu vực trong và ngoài nhà nước, các chủ doanh nghiệp có trình độ và kỹ năng quản lý ngày càng được nâng cao.

Nghệ nhân vẽ mặt nạ tuồng ở tỉnh Quảng Nam_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Ba là, nguồn lực tài chính: Các ngành công nghiệp văn hóa, dù sử dụng chủ yếu là chất xám, song có một số ngành đòi hỏi quy mô lớn, dài hạn thì mới có thể cạnh tranh được với các đơn vị, doanh nghiệp khác trên thế giới. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, vai trò của nguồn lực tài chính càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Khả năng và quy mô, tốc độ huy động nguồn lực tài chính, tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực tài chính là một yếu tố có tính nền tảng bảo đảm cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn lực tài chính cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gồm nguồn tài chính trong nước (nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và nguồn tài chính từ các doanh nghiệp, nhân dân) và nước ngoài.

Truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, các lễ hội, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, là nguồn lực vô cùng quý, hiếm có, vô tận để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo thống kê năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số di tích quốc gia đã được xếp hạng là 3.447, trong đó, di tích lịch sử là 1.603, di tích kiến trúc nghệ thuật là 1.594, di tích khảo cổ là 99, di tích danh lam thắng cảnh là 151; hàng nghìn di sản phi vật thể. Việt Nam hiện có 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca Trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Hát Xoan; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật Xòe Thái. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nền tảng kinh tế, kỹ thuật, tinh thần cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các ngành điện ảnh, âm nhạc, du lịch văn hóa…

Việt Nam có nguồn lực phi vật chất to lớn, được hiện diện ở các loại tài nguyên văn hóa, trí tuệ, các tài sản vô hình (thương hiệu, uy tín, nhãn hiệu hàng hóa...). Chúng trở thành các yếu tố “đầu vào” cho sản xuất công nghiệp văn hóa, thành nhân tố chủ đạo tạo nên giá trị gia tăng đột biến. Nguồn lực phi vật chất không có hình dạng cụ thể, nhưng lại có thể đo lường được giá trị bằng tiền khi trao đổi, mua bán trên thị trường. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thì nguồn lực quan trọng hàng đầu chính là trí tuệ, được tài sản hóa thành sở hữu trí tuệ, được vật chất hóa bằng các công nghệ ứng dụng. Uy tín, thương hiệu là cơ sở cho mở rộng thị phần, phát triển năng lực của nhiều doanh nghiệp.

Những nguồn lực trên có vai trò quan trọng là "đầu vào", là tư liệu sản xuất trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các sản phẩm phục vụ trong lĩnh vực du lịch, tiểu thủ công mỹ nghệ… Chúng cũng tạo nên sự hấp dẫn riêng cho các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam mà không phải quốc gia, khu vực nào cũng có, như danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa... Song, có thể thấy rằng, các nguồn lực trên chỉ thực hiện được vai trò của mình khi được khai thác, phát huy lợi thế. Nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên chỉ phát huy được lợi thế khi chúng ta có được hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông tốt; nguồn lực tài chính được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, minh bạch. Nguồn lực từ hệ thống di tích văn hóa, nguồn lực phi vật chất chỉ phát huy tác dụng khi tạo ra được sức hấp dẫn riêng có, đặc thù. Nguồn lực con người chỉ phát huy tác dụng khi có được một cơ chế thông thoáng, sử dụng đúng người, đúng việc. Nguồn lực con người cũng là nguồn lực để sử dụng các nguồn lực khác, đây là nguồn lực đóng vai trò quyết định, vừa là yếu tố của lực lượng sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa, vừa là yếu tố quan trọng quyết định đường hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Các thể chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - phát triển ra sao, phát triển như thế nào và có phát triển được như mục tiêu đặt ra không - đều là những vấn đề liên quan chủ yếu đến nguồn lực con người.

3- Những nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên, nhân lực, tài chính, văn hóa và cả những nguồn lực phi vật chất, trong những năm qua, đã tạo nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho đất nước. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đã sử dụng hiệu quả hệ thống các nguồn lực để tạo ra lợi nhuận trong sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, như các ngành thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, thời trang, du lịch văn hóa…

Là ngành có lợi thế về giá trị gia tăng, sử dụng nguồn nhân lực đa dạng, đặc biệt là nguồn nhân lực nông nhàn, cũng như sử dụng các nguồn lực sẵn có trong tự nhiên, như mây, tre, song, đất…, cho đến nay, ngành thủ công mỹ nghệ có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, như làng khảm trai Chuyên Mỹ (thành phố Hà Nội), gốm Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh), gốm Thổ Hà (tỉnh Bắc Giang), làng cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), làng đá mỹ nghệ Non Nước (thành phố Đà Nẵng), làng gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận), làng dệt vải Bảy Hiền (Thành phố Hồ Chí Minh), làng lụa lãnh Tân Châu (tỉnh An Giang),…; tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình 9,5%/năm, hiện đạt khoảng 2,2 tỷ USD/năm và thuộc nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam(4).

Hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc là những nguồn lực tạo sự phát triển ngành điện ảnh nước ta trong những năm gần đây, là sản phẩm đem lại giá trị tinh thần, giải trí cho mỗi người Việt Nam cũng như công chúng quốc tế. Theo thống kê, doanh thu của điện ảnh Việt Nam năm 2019 đạt 4.000 tỷ đồng (khoảng 176 triệu USD) (năm 2020, 2021, do dịch bệnh COVID-19, nên doanh thu giảm xuống), vượt 20% so với mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030(5) đặt ra. Những nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên phong phú, nền văn hóa giàu bản sắc còn tạo nên sức hút đối với các nhà làm phim quốc tế mà bộ phim “Kong - Skull Island” có những phân cảnh quay ở Việt Nam là một minh chứng.

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính riêng năm 2021, toàn ngành xuất bản đạt hơn 40.000 đầu xuất bản phẩm (trong đó có hơn 32.000 đầu sách), hơn 460 triệu bản xuất bản phẩm (trong đó có 390 triệu bản sách), tăng hơn 1,5 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2002. Khác với một số ngành công nghiệp văn hóa khác, dịch COVID-19 cũng thúc đẩy thị trường sách trực tuyến tăng trưởng đột biến. Về xuất bản điện tử, năm 2020, có 2.000 xuất bản phẩm, năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm và 6 tháng đầu năm 2022 là 1.142 xuất bản phẩm(6). Để tạo ra được những xuất bản phẩm có giá trị, thu hút được nhiều bạn đọc như vậy, ngành xuất bản, in ấn đã sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau, như nguồn nhân lực, nguồn lực đến từ văn hóa, công nghệ, thương hiệu…

Du lịch cũng là ngành sử dụng nhiều nguồn lực vật chất và nguồn lực phi vật chất, nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên, nguồn lực từ các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, như các danh lam, thắng cảnh, truyền thống văn hóa, lễ hội, thương hiệu,… để xây dựng và phát triển. Trong những năm gần đây, ngành du lịch với các loại hình du lịch cộng đồng (có sự tham gia của người dân trong chuỗi cung ứng và quản lý du lịch, dựa trên giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương), du lịch lịch sử,… đã thu hút được lượng lớn khách trong nước và ngoài nước. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu từ du lịch các năm 2015, 2017, 2018, 2019 lần lượt là 30.444,1; 36.111,8; 40.371,2 và 44.669,9 tỷ đồng(7). Với những nỗ lực của mình, trong 2 năm 2019 và 2020, Việt Nam đã dành chiến thắng ở hạng mục “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” do Tổ chức World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch Thế giới) bình chọn.

Điểm qua sự phát triển của một số ngành công nghiệp văn hóa cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Theo thống kê, đóng góp GDP của các ngành công nghiệp văn hóa năm 2010 là 2,44% GDP; năm 2015 là 3,5% GDP và năm 2018 là 3,61% GDP. Xuất khẩu sản phẩm văn hóa nếu năm 2013 là 493.342.930 USD, năm 2016 là 912.981.417 USD thì đến năm 2019 là 2.494.075.077 USD(8). Đạt được những thành tựu này không thể không kể đến vai trò của các nguồn lực - với tư cách là nguyên liệu "đầu vào", nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, việc phát huy các nguồn lực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Một là, Việt Nam có nhiều nguồn lực đáp ứng cả trước mắt và lâu dài cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng đến nay, các ngành công nghiệp văn hóa mới chỉ tập trung khai thác các loại nguồn lực vật thể, như sức lao động, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý... Nhóm nguồn lực này tạo ra lợi thế tĩnh, lợi thế cấp thấp, dễ khai thác. Các lợi thế này sẽ không tồn tại lâu dài do sự hữu hạn của nó và trên thực tế nhiều nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đã có dấu hiệu cạn kiệt, khai thác quá ngưỡng; gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, với đặc điểm của các ngành công nghiệp văn hóa là sử dụng sự sáng tạo là chủ yếu, cần quan tâm nhiều hơn tới những nguồn lực mới, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Hướng đi mới là giảm thiểu tiêu hao nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh khai thác nguồn lực “xanh”, vật liệu mới,... gần như vô tận.

Hai là, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh. Nguồn nhân lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam mới chỉ phát huy được lợi thế về số lượng và tiền lương thấp, do hạn chế ở trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng kinh doanh, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp. Việc thu hút, sử dụng, phát huy nguồn nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài chưa có nhiều thành công đáng kể. Nguồn lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa đóng góp nhiều cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong khi đó, số lượng người được đào tạo trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng giảm sút. Số lượng tuyển sinh học viên, sinh viên, học sinh tuyển sinh trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2012 là 18.466 người, năm 2015 là 21.145 và năm 2020 là 11.191 người(9). Con số trên cho thấy, tương lai sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch - lĩnh vực cung cấp nhân lực chủ yếu cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu văn hóa dân tộc, tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại và kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam không còn nhiều thời gian (nhiều chuyên gia dự báo giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 20 năm tới), vì vậy phải nhanh chóng biến lợi thế cơ cấu “dân số vàng” thành lợi thế của lực lượng lao động vàng - “vàng” về tri thức và văn hóa và các kỹ năng khác để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành công.

Ba là, nguồn lực tài chính dành cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa nhiều. Nguồn ngân sách cấp cho lĩnh vực văn hóa (lĩnh vực chủ chốt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa) chưa cao. Điều này gây ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp văn hóa, nhất là ngành tuy có số lượng người tiêu dùng, số lượng công chúng thấp, ngân sách nhà nước phải cấp để tồn tại, nhưng vẫn cần quan tâm phát triển để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận công chúng và nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chẳng hạn như ngành nghệ thuật biểu diễn âm nhạc dân gian.

Bốn là, nếu như nguồn lực vật thể là hữu hạn, khó tái tạo hoặc bồi đắp (trừ những nguồn lực tự nhiên vẫn đang được coi là vô tận); tạo ra lợi thế về chi phí sản xuất thì nguồn lực phi vật thể dường như là vô hạn, tạo ra lợi thế cấp cao, lợi thế gia tăng giá trị. Sức mạnh nguồn lực phi vật thể có thể tăng nhanh và hiệu quả kinh tế lớn khi khai thác, đôi khi có thể tăng đột biến, tạo ra bước phát triển nhảy vọt, thần kỳ. Hơn thế, yếu tố phi vật thể và vật thể đan xen và tác động lẫn nhau, không có yếu tố vật thể hay phi vật thể thuần túy. Việc khai thác, sử dụng nguồn lực vật thể, nhất là tài nguyên thiên nhiên phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực phi vật thể, như vốn, công nghệ; việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phải bắt nguồn từ nguồn nhân lực nói chung; nguồn lực về đất đai chỉ có thể khai thác tốt với một chính sách phù hợp đối với người sử dụng... Với Việt Nam, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vấn đề đặt ra là tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả những nguồn lực phi vật thể, nhất là những nguồn lực mà chưa đủ điều kiện khai thác hiệu quả và không ít nguồn lực đến từ di sản văn hóa bị lạm dụng hay các nguồn lực phi vật chất khác, như thương hiệu, khi chưa được phát huy, sử dụng hiệu quả... 

Năm là, các nguồn lực hầu như không chịu sự bó buộc của không gian hành chính, cũng không chỉ để phục vụ cho riêng một ngành, một địa phương, thậm chí một quốc gia nào. Bởi thế, việc nhận diện và khai thác, phát huy cũng như duy trì, phát triển các nguồn lực cần phải có các giải pháp toàn cục, tổng thể; tránh bị phân tán, chia cắt, tản mát, đứt gãy các nguồn lực. Không vì lợi ích cụ thể của một ngành, một địa phương nào mà cho phép làm đứt gãy, gián đoạn, lãng phí, hủy hoại tài nguyên; hạn chế tối đa việc khai thác tài nguyên này mà gây ảnh hưởng xấu đến nguồn tài nguyên khác. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện thể chế nhằm tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, hạn chế việc sử dụng quá mức nguồn lực tài nguyên, năng lượng và gây ảnh hưởng đến môi trường.

Sáu là, trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực thì nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; ngoại lực là quan trọng và có thể tạo ra đột phá. Nội lực là nguồn lực bên trong được tạo nên bởi sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố địa - kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, giá trị văn hóa dân tộc, vốn đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân... Ngoại lực là những nguồn lực bên ngoài, từ quốc gia khác mà trong nước không có hoặc không có thế mạnh như vốn (nhất là vốn của các tập đoàn đa quốc gia), khoa học, công nghệ, trình độ quản trị, nhân lực chất lượng cao, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước không có... Ngoại lực dù rất quan trọng, nhưng nó chỉ được hấp thu, sử dụng hiệu quả phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh khi nội lực đủ mạnh, không chỉ tạo năng lực “đối ứng”, mà cao hơn là thúc đẩy chuyển hóa ngoại lực thành nội lực. Phát huy nội lực có ý nghĩa quyết định, là cơ sở để mở rộng và tăng cường việc tranh thủ một cách có hiệu quả ngoại lực; ngược lại, tận dụng sức mạnh bên ngoài là nhân tố không thể thiếu để phát triển và khơi dậy tiềm năng, sức mạnh dân tộc.

Sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực phải theo tinh thần “phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc”, lấy việc “phát huy nội lực là yếu tố quyết định” trong khi tận dụng tối đa những nguồn lực thuận lợi từ bên ngoài. Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, thực hiện đúng yêu cầu đó không chỉ thể hiện sự tích cực, chủ động, không ỷ lại vào bên ngoài, mà còn là điều kiện để tiếp nhận có hiệu quả các yếu tố ngoại lực do xu thế thời đại đem lại. Hơn thế, có phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc mới giữ vững được độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực; để trên cơ sở đó chủ động chuyển hóa ngoại lực thành nội lực, biến thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia - dân tộc.

4- Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các bộ, ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cần xác định nguồn lực bao gồm nguồn lực vật chất và phi vật chất; các nguồn lực này cần được quan tâm, phát huy đồng thời, đồng bộ và tối ưu hóa. Đồng thời, quan tâm cả nguồn lực bên trong và nguồn lực từ bên ngoài, nhưng cần xác định nội lực là chính, trước hết, từ nội lực mạnh để kết nối, phát huy ngoại lực, phải nội lực hóa các nguồn ngoại lực.

Để khai thác, phát huy, sử dụng các nguồn lực cần bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, nuôi dưỡng, trong đó, cần xác định rõ đâu là các nguồn lực trực tiếp, nguồn lực lâu dài, đâu là tiềm lực, tiềm năng. Có những nguồn lực mà chỉ cần đầu tư ngắn hạn đã mang lại hiệu quả ngay; nhưng cũng có những nguồn lực đòi hỏi phải đầu tư lâu dài, nuôi dưỡng. Do đó, khai thác nguồn lực một cách bền vững gắn với giữ gìn tài nguyên, nuôi dưỡng các nguồn lực và bảo vệ môi trường chính là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bền vững, hướng tới mục tiêu chung là “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”(10).

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể nguồn lực; kết hợp định tính với định lượng trong đánh giá nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Có kế hoạch khai thác, sử dụng, dự trữ, tái tạo các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu trước mắt và lâu dài. Phát triển kết cấu hạ tầng và liên kết vùng phục vụ cho việc khai thác, bảo tồn nguồn lực tài nguyên một cách hợp lý. Phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế so sánh các nguồn lực của mỗi vùng/địa phương trong cả nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tránh tình trạng để các nguồn lực manh mún, bị xé nhỏ. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường nguồn lực khoa học và công nghệ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có tầm quan trọng bao trùm - bởi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Do đó, cần thực hiện hiệu quả chiến lược nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; kết hợp hài hòa giữa đào tạo trong nước và ngoài nước. Phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao có quy mô, cơ cấu hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát triển lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật, có sức cạnh tranh quốc tế. Chú trọng đến đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, như đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ nhân dân gian - những báu vật sống của nền văn hóa nước nhà; có chế độ đặc thù cả về lương, thưởng và trao tặng danh hiệu để họ có thể tập trung nghiên cứu, truyền nghề cho thế hệ sau. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh, cả khu vực công và khu vực tư, cả về chuyên môn, ngoại ngữ lẫn kỹ năng quản trị trong thế giới luôn biến đổi.

Thứ tư, tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những ngành mang tính đặc thù, số lượng người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn thấp, do đó kinh doanh không có lãi, nhưng chúng ta cần bảo tồn, giữ gìn những ngành, nghề đó, như âm nhạc dân gian, thủ công mỹ nghệ…, bởi đây là một trong những phương thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thứ mà chúng ta không thể đánh mất. Để làm được điều này, cần tăng ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cùng với một số lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, từ các doanh nghiệp và cá nhân thông qua các cơ chế ưu đãi về đầu tư, vốn, thuế, lãi suất, hợp tác công - tư,… đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Thứ năm, bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, bởi đây là yếu tố cấu thành nguồn lực phi vật chất quan trọng của đất nước. Đó là các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian… Để thực hiện được điều này, cần kiểm kê, khảo sát, đánh giá hệ thống di sản văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ và giữ gìn các di sản; tôn tạo, trùng tu một cách khoa học những di sản văn hóa vật thể xuống cấp; hoàn thiện hệ thống các bảo tàng, nhà trưng bày; sưu tầm, bảo tồn, tạo không gian cho di sản văn hóa phi vật thể có thể tồn tại sống động trong đời sống; xây dựng cơ chế đặc thù để bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, qua đó, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn các nguồn lực địa - kinh tế, tài nguyên, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện đang gây ảnh hưởng mạnh đến một số tài nguyên của nước ta; trao đổi kinh nghiệm trong việc tạo lập nguồn lực tài chính, phát triển nguồn lực con người; bảo vệ nguồn lực phi vật chất; tiếp thu kinh nghiệm nguồn lực quản lý, khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và thực thi chính sách phát huy nguồn lực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của các quốc gia trên thế giới./.

----------------------

(1) Như: Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 18-6-2016, của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1755/QĐ-TTg)
(2) Xem: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr. 692
(3) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2021, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 83
(4) Hải Vân - Quang Huy: “Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chinh phục khách hàng tại New York”, Báo điện tử Vietnamplus, ngày đăng tải 17-8-2022, https://www.vietnamplus.vn/hang-thu-cong-my-nghe-viet-nam-chinh-phuc-khach-hang-tai-new-york/811569.vnp
(5) Theo Báo cáo của Ban Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, ngày 24-11-2021, Phụ lục 1
(6) An Nhi: “Công nghiệp xuất bản Việt Nam: Mạnh mẽ chuyển mình tạo đột phá”, Báo Hà Nội mới điện tử, ngày đăng tải 9-10-2022, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1044209/cong-nghiep-xuat-ban-viet-nam-manh-me-chuyen-minh-tao-dot-pha
(7) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr. 651
(8) Dẫn theo Nguyễn Thị Thu Phương: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay”, in trong Kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, ngày 24-11-2021, tr. 209
(9) Theo Báo cáo của Ban Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, ngày 24-11-2021, Phụ lục 3
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 114