Biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay
TCCS - Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt, trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Việc đánh giá, nhận diện rõ những chiều cạnh tác động, xu hướng biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới là cơ sở để đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, tác động không mong muốn, cũng như phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo thực chất, bền vững.
Những vấn đề chung về biến đổi văn hóa và xây dựng nông thôn mới
Biến đổi văn hóa là “quá trình thay đổi các dạng thức văn hóa, các thành tố văn hóa tạo nên màu sắc mới cho một tổng thể văn hóa và trong quá trình đó có sự tác động, can thiệp ở các mức độ khác nhau của các động thái kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là quá trình hội nhập, hiện đại hóa và toàn cầu hóa”(1). Biến đổi văn hóa được nghiên cứu từ rất sớm, như một quá trình diễn ra tất yếu, trên tất cả các quốc gia và khu vực, soi chiếu từ các lĩnh vực khác nhau, như nhân học, văn hóa học, dân tộc học, xã hội học... Biến đổi văn hóa là quy luật tất yếu của sự phát triển văn hóa, thể hiện sự chuyển đổi cấu trúc tinh thần một cách tự nguyện, tự giác do quá trình tự thay đổi ý thức của cá nhân và tộc người, nói cách khác đó là quá trình tiếp biến văn hóa. “Khác với những biến đổi chính trị, kinh tế là những biến đổi mang tính bột phát, cách mạng (révolution), sự biến đổi văn hóa mang tính tiệm tiến (évolution) vì văn hóa là sự kế thừa và phải thỏa mãn những nhu cầu bất biến của con người… Văn hóa biến đổi trước và kéo dài sau những biến đổi chính trị, kinh tế, kỹ thuật”(2). Cũng cần thấy rằng, nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đối với sự biến đổi văn hóa chính là sự vận động và phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nên cần đặt sự biến đổi văn hóa trong khung biến đổi xã hội và “sự biến đổi ở từng lĩnh vực riêng như vậy, lâu dần sẽ làm biến đổi nội dung và cấu trúc của một nền văn hóa tổng thể”(3). Đồng thời, “biến đổi văn hóa diễn ra như một tiến trình lựa chọn hợp lý - phụ thuộc vào những sự chậm trễ đáng kể về văn hóa và phụ thuộc vào các mục đích đã được tối đa hóa thay đổi từ một nền văn hóa này sang một nền văn hóa khác và chỉ có thể hiểu được thông qua hiểu biết thực nghiệm về nền văn hóa đặc thù”(4). Trong tiến trình đó, “biến đổi văn hóa có xu hướng đi theo những khuôn mẫu dự báo được bởi vì một số phương thức điều hành một xã hội được vận hành tốt hơn những phương thức khác”(5).
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, môi trường xanh, sạch, đẹp và xây dựng môi trường sống ổn định, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Có nhiều quan niệm khác nhau về nông thôn mới, tập trung vào tính tiên tiến của nông thôn kiểu mới so với nông thôn truyền thống. Có thể hiểu “nông thôn mới là kết quả của một quá trình phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược mới, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế mới ở nông thôn trong các điều kiện cụ thể của từng vùng nông thôn”(6), hay chính là việc xây dựng một diện mạo mới, ưu việt hơn so với nông thôn truyền thống. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là quá trình tạo ra sự thay đổi về mặt kiến trúc, cảnh quan, kết cấu hạ tầng mà còn là sự thay đổi về nếp sống, suy nghĩ và thực hành văn hóa của người dân, đáp ứng các yêu cầu của xã hội đang phát triển.
Trên cơ sở các quan điểm đa dạng liên quan đến biến đổi văn hóa và xây dựng nông thôn mới, có thể khẳng định, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới là sự thay đổi trong các thực hành văn hóa, bao gồm sinh kế/mưu sinh, sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, văn hóa gia đình được đặt trong sự vận động, phát triển của xã hội nông thôn dựa trên các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp. Biến đổi văn hóa là quá trình mang tính liên tục, tiếp nối, có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa cái truyền thống và hiện đại. Biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới được đặt trong mối liên hệ với tiến trình hiện đại hóa, đô thị hóa nông thôn, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nghề nghiệp, biến đổi xã hội và thay đổi thực hành văn hóa của người dân nông thôn.
Xu hướng biến đổi văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Có thể nhận diện xu hướng biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới như sau:
Thứ nhất, xu hướng thích ứng với văn hóa đô thị và lối sống hiện đại
Trong suốt hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh các phong trào văn hóa do chính quyền địa phương tổ chức, các hoạt động thể thao thường xuyên đều do người dân tự giác phát động, tổ chức và duy trì. Đối tượng khởi xướng do cán bộ thôn, hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi,… đứng ra tổ chức với những môn vừa mang tính chất dân gian, như múa dân vũ, múa quạt dưỡng sinh, vừa có những hoạt động thể thao hiện đại, như aerobic, gym… Sự thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày của người nông dân khiến “nhịp điệu sống, sinh hoạt ở thôn quê không còn “đủng đỉnh”, nhàn rỗi, chờ đợi mà phải nhanh, gấp, vội vàng, chạy đua với thời gian, nhất là đối với lớp trẻ”(7), thể hiện phần nào sự thích ứng của người nông dân đối với lối sống đô thị. Ở nhiều vùng nông thôn, các dịch vụ ăn uống trở nên khá phổ biến tại các địa điểm như mặt đường các ngõ xóm, chợ, khu tập trung, vỉa hè…, với những quán đồ ăn nhanh, đồ ăn chỉ bán buổi sáng. Các dịch vụ ăn uống còn được đăng bán trên mạng với nhiều món ăn chế biến sẵn, giao hàng tận nhà. Do dịch vụ hàng quán mở rộng, người phụ nữ nông thôn bớt vất vả hơn trước trong việc chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình, có thêm thời gian chăm sóc cho bản thân.
Cùng với quá trình chuyển đổi nghề nghiệp, người nông dân có quyền tự quyết định trong việc sử dụng các nguồn lực, tư liệu sản xuất để làm ra của cải, hàng hóa, cải thiện đời sống cá nhân và gia đình. “Một bộ phận những người nông dân giàu có (chủ trang trại, chủ xưởng sản xuất hàng thủ công, chủ doanh nghiệp…) phát huy khả năng, trở thành những đầu tàu kinh tế trong cộng đồng dân cư, góp phần thu hút lao động, tạo việc làm ở khu vực nông thôn cũng như truyền bá kinh nghiệm, phương thức làm giàu cho nông dân”(8). Số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm cùng sự đa dạng trong cơ cấu lao động, việc làm đưa tới những thay đổi đáng kể trong nhịp sống, lối sống của người dân nông thôn. Một bộ phận dân cư không còn làm nông nghiệp mà chuyển hẳn sang các hoạt động buôn bán, kinh doanh, dịch vụ, làm thuê trong các khu công nghiệp,... khiến nhịp sống của cộng đồng dân cư nông thôn trở nên tất bật hơn, tác phong nhanh nhẹn, việc tuân thủ giờ giấc, thời gian làm việc được coi trọng. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế phải là những người có hiểu biết sâu sắc về sản xuất nông nghiệp, có trình độ và kiến thức để áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Họ hướng tới là những nông dân biết ngoại ngữ, có kỹ năng sử dụng máy tính, tin học và dịch vụ công tốt, am hiểu về hội nhập quốc tế. Đặc biệt phải có sự liên kết chặt chẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh không chỉ giữa nông dân với nông dân, mà còn liên kết với nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
Thứ hai, xu hướng tôn trọng sự đa dạng văn hóa và thích ứng linh hoạt của chủ thể văn hóa
Một khía cạnh khác khi nghiên cứu biến đổi văn hóa là tôn trọng tiếng nói đa dạng và sự thích ứng, linh hoạt của chủ thể văn hóa. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), mọi nét văn hóa đều cần được tôn trọng. Xu hướng này còn góp phần “khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp của các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở nông thôn…, thúc đẩy sự năng động, linh hoạt trong xây dựng nông thôn mới”(9). Sự đa dạng sinh kế, đặc biệt là việc tham gia vào những việc làm phi nông nghiệp, dẫn đến sự thay đổi về thời gian và hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa ở nông thôn. Nguồn thu nhập hằng năm được nâng cao, người dân có điều kiện hưởng thụ nhiều loại hình giải trí mà thế hệ trước đây chưa có. Mức sống được nâng lên góp phần đưa đến sự xuất hiện của nhiều mô hình tổ chức, câu lạc bộ, hội, nhóm,… thu hút sự tham gia đông đảo của các đối tượng, thành phần dân cư theo đặc điểm nghề nghiệp, năng khiếu, sở thích, lứa tuổi… Ở vùng nông thôn hiện nay có rất nhiều hội, nhóm thành lập dựa trên sự tự nguyện, tùy theo sở thích, độ tuổi, mối liên kết trong công việc và đời sống, như câu lạc bộ cờ vua, câu lạc bộ thơ, dân vũ, bóng chuyền hơi, bóng đá, bóng chuyền, hội đồng niên, hội lớp, hội khóa… Điều này tạo ra một cơ cấu - tổ chức làng vừa chặt chẽ hơn xét ở góc độ các mối quan hệ xã hội, vừa linh hoạt và mở xét ở góc độ tự nguyện tham gia của người dân. “Mức độ tích cực của người dân khi tham gia vào các tổ chức, hội, nhóm (bao gồm cả các tổ chức mang tính chính trị cũng như các hội, nhóm có ý nghĩa thiết thực với của cuộc sống) cũng tăng lên đáng kể so với trước đây”(10).
Thứ ba, xu hướng gắn kết văn hóa gia đình nông thôn với tư duy thương mại, dịch vụ và lối sống mới
Kinh nghiệm thế giới khẳng định, nông nghiệp gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa của cộng đồng nông nghiệp, nông thôn. Nông dân trong nền nông nghiệp hiện đại là chủ thể, “được đào tạo chuyên nghiệp và trở thành người làm nông nghiệp như mọi nghề nghiệp trong xã hội chứ không phải là người nông dân tự cung tự cấp như trước kia”(11). Với sự đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn, trong đó lĩnh vực dịch vụ không ngừng được mở rộng, người dân ngày càng trở nên quen thuộc hơn với kiểu tư duy dịch vụ, lối sống mới gắn với sự nhanh nhạy và sự bình đẳng của thị trường. Chính vì lẽ đó, bên cạnh lối sống nghĩa tình đậm chất làng quê vẫn được duy trì, xuất hiện văn hóa ứng xử hiện đại, lối sống công nghiệp coi trọng tốc độ và hiệu quả, lối sống thị trường coi trọng sự hưởng thụ và sòng phẳng, điều đó làm nên “tính chất giao thoa văn hóa giữa truyền thống và hiện đại, nông nghiệp và công nghiệp, nông thôn và đô thị khá đặc trưng và thú vị ở nhiều vùng nông thôn hiện nay”(12). Trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ hội, sự kiện chính trị - xã hội của làng xã hoặc sinh hoạt gia đình như tổ chức cưới, việc tang, mừng sinh nhật, mừng thọ... được tổ chức thông qua các đơn vị, nhóm người làm dịch vụ tổ chức sự kiện, bảo đảm tính tiện lợi, chuyên nghiệp là lựa chọn trở nên phổ biến.
Thứ tư, xu hướng nâng cao năng lực chủ thể văn hóa trên cơ sở kế thừa, giữ gìn và nâng tầm các giá trị truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa mới, tiến bộ
Trong quá trình xã hội hóa, con người tiếp thu những chức năng xã hội, trở thành thành viên của xã hội, chủ thể của hoạt động xã hội. Trong hoạt động cá nhân, con người chủ động lập kế hoạch, thực hiện hoạt động theo kế hoạch để đạt được mục tiêu đề ra. Theo quan điểm triết học, tính chủ thể (human agency) là khả năng con người đưa ra lựa chọn và thực thi lựa chọn đó phù hợp với môi trường xung quanh. “Tính chủ thể của con người chỉ có được khi con người là một thực thể xã hội, được tổ chức để hành động với người khác, với nhóm, tập thể và xã hội. Do vậy, tính chủ thể của con người khi tồn tại ở cấp độ nhóm, cộng đồng, tộc người và dân tộc mang bản sắc văn hóa của cộng đồng, tộc người và dân tộc”(13). Từ phương diện nhận thức luận, “chủ thể của nhận thức là con người, được phản ánh vào nhận thức của con người. Tiếp cận từ thực tiễn, chủ thể là bộ phận chủ đạo, có vai trò trực tiếp, chính yếu đối với một lĩnh vực, hoạt động cụ thể nhất định, còn những bộ phận khác đóng vai trò vệ tinh”(14). Từ phương diện phát triển nông thôn, vai trò chủ thể của nông dân thể hiện ở các mặt, gồm: Họ là chủ thể tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; chủ thể tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; chủ thể trực tiếp trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; chủ thể tích cực và sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hóa - xã hội, môi trường ở nông thôn; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở cơ sở.
Trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, chủ thể của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống chính là người dân, cộng đồng dân cư nông thôn. Vai trò chủ thể của nông dân được thể hiện ở việc chủ động và quyền tham gia vào các hình thức kinh tế nông nghiệp, chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, tham gia và trực tiếp vận hành các thiết chế văn hóa - xã hội ở nông thôn. Họ thể hiện năng lực chủ động trước sự thay đổi của làng quê, thậm chí có tính toán, lựa chọn trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa mới, tiến bộ ở làng quê.
Những chiều cạnh tác động tới văn hóa của xây dựng nông thôn mới
Biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới có tác động ở nhiều chiều cạnh:
Thứ nhất, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới tác động tích cực, góp phần hình thành lớp nông dân thế hệ mới với tư duy năng động, hiện đại. Các chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân của Nhà nước và địa phương có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người nông dân. Người nông dân chuyển từ phương thức kiếm sống dựa vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang kết hợp nhiều hoạt động mưu sinh khác, từ việc chỉ quanh quẩn kiếm sống và giao lưu, làm việc bên lũy tre làng thì nay đã có sự hợp tác, liên kết với nhau theo chuỗi, hội để tạo giá trị cao hơn trong phát triển sản xuất. Thậm chí xuất hiện những hộ nông dân tiếp thị mua, bán hàng hóa qua internet hoặc ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao, giúp sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực cả về năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác được nâng cao hơn trước. Việc sử dụng máy móc, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong một số khâu sản xuất giúp người nông dân bớt vất vả hơn trong công việc. Ở khu vực nông thôn, thu nhập của cá nhân, hộ gia đình và cơ sở sản xuất đã được cải thiện, hình thành tầng lớp chủ cơ sở sản xuất năng động. “Một bộ phận nông dân nhờ biết cách làm ăn, tiếp cận thị trường, liên kết kinh tế, ứng dụng công nghệ, tổ chức lại lao động, trở thành những nhà nông thế hệ mới”(15). Ở nông thôn hiện nay, bên cạnh những người uy tín cao tuổi dựa vào kinh nghiệm đã xuất hiện người có uy tín trẻ tuổi dựa vào kiến thức khoa học, biết cách làm giàu chính đáng. Một bộ phận nông dân trẻ chủ động liên kết, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà khoa học, trung tâm dịch vụ giống,… vươn lên khá giả hoặc giàu có. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đó có thể được gọi là “giới tinh hoa”(16), hay “tầng lớp trung lưu”(17) ở làng xã hiện nay. Sự phát triển của tầng lớp này có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, song cũng góp phần tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy biến đổi thực hành văn hóa ở vùng nông thôn.
Ngoài ra, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn góp phần thay đổi suy nghĩ, nếp sống, lối sống người nông dân.
Khi được chủ động lựa chọn nghề nghiệp, thích ứng với bối cảnh mới, người nông dân có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân trở nên đa dạng, phong phú hơn. Một bộ phận người dân đi làm ăn xa hoặc sinh sống ở vùng khác, song gia đình và người thân vẫn ở làng quê, mỗi dịp lễ tết trở về quê hương mang theo những thực hành và giá trị văn hóa mới của vùng, miền họ sinh sống, dẫn đến văn hóa - xã hội của làng quê chịu sự ảnh hưởng nhất định. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng trong các khu dân cư được đẩy mạnh và ngày càng sôi động. Người nông dân ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở, như cổng làng, nhà văn hóa, đình, chùa... Nhiều vùng nông thôn được trồng cây xanh, tạo cảnh quan đẹp, vừa làm đẹp thôn làng, vừa làm đẹp cho gia đình, thậm chí người dân coi đó là niềm tự hào khi có dịp “khoe” về thôn, làng mình với người nơi khác.
Thứ hai, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới còn diễn ra ở chiều phức tạp xen lẫn tác động tiêu cực. Ở nhiều vùng làng quê, nhất là ở nơi có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cuộc sống của người dân tuy giàu có hơn nhưng lối sống cũng biến đổi nhanh hơn, tệ nạn xã hội, như lô đề, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm, bạo lực xã hội… diễn ra phức tạp hơn. Nhiều nhà hàng, quán karaoke mọc lên tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, an toàn xã hội, gây xáo trộn làng quê. Mặc dù cơ cấu kinh tế thay đổi dẫn tới xuất hiện các ngành, nghề mới năng động, bảo đảm duy trì cuộc sống của người nông dân, tuy nhiên đôi lúc khiến họ trở nên bị động, lúng túng trước những thay đổi trước mắt; một bộ phận nông dân kém thích ứng, năng động, dễ sa vào các tệ nạn xã hội, bị lôi kéo, dẫn đến những thói hư tật xấu. Bên cạnh đó, những tác động từ quá trình đô thị hóa làm phai nhạt dần những giá trị cốt lõi của làng được tích tụ và lưu truyền qua bao thế hệ.
Nông thôn không chỉ là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp mà còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được, trong đó có vấn đề bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người, các giá trị truyền thống lịch sử… Tuy nhiên, trong những năm qua, “chức năng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống chưa được thực hiện tốt. Tính gắn kết cộng đồng có xu hướng lỏng lẻo, không gian văn hóa truyền thống dần bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị xói mòn. Văn hóa chưa được chú trọng khai thác để trở thành động lực và nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn”(18). Các tiêu chí nông thôn mới, nhất là tiêu chí về văn hóa, còn mang tính “chung chung, hình thức, thiếu phù hợp, đẩy cao tính đồng dạng, làm giảm tính đặc thù văn hóa làng/thôn/buôn/bản”(19). Thậm chí có cả biểu hiện áp đặt nếp nghĩ, cách làm cho người dân, mà nguyên nhân sâu xa chính là chưa thật sự phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Việc áp dụng các quy định trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho tất cả các vùng, miền trên toàn quốc vô hình trung gây ra “những ảnh hưởng không mong đợi là suy giảm đa dạng văn hóa và tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của nhiều nhóm cộng đồng, tộc người”(20).
Để xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp
Một là, thực hiện tốt chủ trương kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế; làm kinh tế để có kinh phí hoạt động, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Đa dạng hóa các thiết chế văn hóa nông thôn, lựa chọn và sử dụng hiệu quả nhất các thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới. Văn hóa không chỉ là những giá trị, những cái trừu tượng, vô hình mà còn là hoạt động, sản phẩm cụ thể; là phương thức sinh hoạt, phương thức ứng xử của cá nhân, cộng đồng, gắn liền với hành vi, suy nghĩ, cách ứng phó của con người với môi trường tự nhiên, xã hội.
Hai là, để chủ thể văn hóa thực sự phát huy và khẳng định vai trò của mình trong việc vận hành các thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong thực hành, thích nghi và sáng tạo các yếu tố văn hóa mới, cần chú ý tạo điều kiện để nông dân được tham gia vào việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, bước đi xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện các chương trình đó phải cần có sáng kiến và sự đóng góp, tham gia quản lý của nông dân. Cần tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, cấp thôn, bản, tích cực chủ động trong việc phát huy dân chủ, huy động sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng nông thôn được thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới; giao quyền cho cộng đồng thực hiện các hoạt động quy mô nhỏ, không phức tạp và có sự huy động đóng góp của cộng đồng, chịu sự giám sát của cộng đồng, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các ngành, các cấp và các tổ chức liên quan, cộng đồng nông thôn, cá nhân nhằm tạo sự đồng thuận của chính cộng đồng, dòng họ, gia đình và các chủ thể văn hóa để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy giá trị của hương ước, quy ước cộng đồng, quy ước nông thôn mới để góp phần bồi đắp ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân. Có chính sách đầu tư hợp lý và chính sách bồi dưỡng cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa, nghệ nhân văn hóa dân gian. Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn, chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững môi trường sinh thái và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng, miền, dân tộc./.
--------------------
(1) Nguyễn Thị Phương Châm & Đỗ Lan Phương: Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa (trường hợp làng Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 57
(2) Phạm Đức Dương: Từ Văn hóa đến Văn hóa học, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 219
(3) Mai Văn Hai, Mai Kiệm: Xã hội học văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 119
(4), (5), Ronald Inglehart: Hiện đại hóa và Hậu hiện đại hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 203, 204
(6) Hồ Xuân Hùng: Nông thôn mới Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 14
(7) Xem: Đề tài Biến đổi văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay (qua khảo sát các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, thành phố Hải Phòng), do TS. Nguyễn Huy Phòng làm chủ nhiệm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2020
(8) Trịnh Vương Cường: “Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp và tác động của nó đến văn hóa nông thôn hiện nay”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 39, 2021, tr. 27-30
(9) Lê Thị Hiền: “Tác động của biến đổi các giá trị văn hóa tới xây dựng nông thôn mới bền vững”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 5-2021, tr. 18
(10) Xem: Nguyễn Duy Bắc: Sự biến đổi các giá trị văn hóa trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008
(11) Nguyễn Tuấn Anh, Đào Thế Anh: “Định hướng, giải pháp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 12A, 2021, tr. 21 - 24
(12) Xem: Lê Hồng Lý: Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội, tín ngưỡng, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2008
(13) Dẫn theo Phạm Thành Nghị: “Tính chủ thể và phát triển con người vùng Tây Bắc”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 2(35), 2008, tr. 21
(14) Đoàn Minh Huấn: Tính chủ thể và năng lực chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập quốc tế, Kỷ yếu Hội thảo “Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập”, Hà Nội, 2016, tr. 43
(15) Đoàn Minh Huấn: “Xây dựng nông dân văn minh - chủ thể phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn hiện đại”, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề, số 4-2022, tr. 27
(16) Bùi Xuân Đính: Làng Việt ở Bắc Bộ - Truyền thống và biến đổi, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, tr. 725 - 737
(17) Xem: Đề tài Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, do GS. TS. Trịnh Duy Luân làm chủ nhiệm, Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế”, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2018
(18) Báo cáo đề dẫn Hội thảo Lý luận và thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nam Định, tháng 7-2019, tr. 12
(19) Nguyễn Thị Phương Châm: Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới và những vấn đề đặt ra, Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong xây dựng nông thôn mới”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, tháng 10-2019
(20) Xem: Đề tài Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, do PGS, TS. Nguyễn Thị Phương Châm làm chủ nhiệm, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2021
Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu  (06/11/2022)
Hà Nội xây dựng nông thôn hiện đại gắn với bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống  (02/11/2022)
Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế vùng nông thôn  (14/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm