Tỉnh Thanh Hóa phát huy những tiềm năng, giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc
TCCS - Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị, về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát, xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Định hướng trên thể hiện sự quan tâm sâu sắc, kỳ vọng lớn lao của Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, cũng chính là khát vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Năm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ; bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, đất đai tương đối rộng, tỉnh Thanh Hóa là nơi hội tụ đủ ba vùng sinh thái, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, đất liền nhìn ra vịnh Bắc Bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000km2. Đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; có quy mô dân số lớn thứ 3 cả nước; con người cần cù, sáng tạo, quật cường trong chiến đấu, có khát vọng vươn lên để làm giàu cho quê hương, đất nước. Tỉnh có khu kinh tế Nghi Sơn(1) gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp; có vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào; hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quốc gia quan trọng đi qua... Đây chính là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một cực tăng trưởng mới, cộng hưởng, lan tỏa, kết nối, thúc đẩy phát triển các tỉnh phía Bắc và cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đạt được những kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tăng trưởng nhanh; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11,2%/năm. Năm 2020 và quý I-2021, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt 126.172 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 30.744 tỷ đồng, vượt dự toán; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.510 USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo, trong đó tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,8%, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,5%, ngành dịch vụ chiếm 32,2%, ngành khác chiếm 8,5%. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, giữ vai trò nền tảng cho sự phát triển của tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; toàn tỉnh hiện có 8 đơn vị cấp huyện, 337 xã, 761 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã, 77 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã. Dịch vụ, thương mại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, song với những cách làm sáng tạo, đến nay các ngành dịch vụ đã từng bước phục hồi và phát triển. Trong quý I-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,3%, tổng lượt khách du lịch tăng 49,8% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là khu kinh tế Nghi Sơn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 19,5%; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 141.640 tỷ đồng. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, như dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn; các dự án sản xuất xi-măng, may mặc, giầy da,... Trong đó, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, là 1 trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước. Đến nay, nhà máy đã hoạt động ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Hoạt động đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Cùng với khởi công xây dựng một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo ra diện mạo mới cho tỉnh.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại, sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở.
Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW, của Bộ Chính trị đã đề ra; đồng thời, nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống. Trong đó, tập trung hoàn chỉnh, ban hành và triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch phân khu chức năng chính trong khu kinh tế Nghi Sơn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị...; các chương trình, kế hoạch, đề án; các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 58-NQ/TW, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành, tạo sự bứt phá trên tất cả các ngành, lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Để làm tốt việc này, cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch, tỉnh sẽ tập trung phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc với nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và công nghiệp nặng là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ lô-gi-stíc là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 11%/năm.
Đặc biệt, để trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu. Ban hành cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao để tạo ra động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu; công nghiệp phục vụ kinh tế biển; sản xuất thiết bị điện, linh kiện và thiết bị điện tử; trang thiết bị y tế...; xây dựng một số ngành công nghiệp có lợi thế, như lọc hóa dầu, xi-măng... đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp truyền thống, như bia, thuốc lá, ô-tô tải, thủy sản chế biến. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thứ ba, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại; xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích về giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm,...
Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Lấy khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn và cảng hàng không Thọ Xuân làm trọng điểm để tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố, nhất là trong xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Làm tốt công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí, sử dụng những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân, vì sự phát triển của quê hương vào các vị trí lãnh đạo. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026./.
-------------------
(1) Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2006 (Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg, ngày 15-5-2006, của Thủ tướng Chính phủ) và được điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 lên 106.000ha (theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg, ngày 7-12-2018, của Thủ tướng Chính phủ)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và sự vận dụng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ mới (04/05/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên