Những dấu ấn và bài học kinh nghiệm phát triển của tỉnh Bình Dương trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ 2015 - 2020

TRẦN VĂN NAM
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
17:22, ngày 02-12-2020

TCCS - Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được của các nhiệm kỳ trước và không ngừng đổi mới, đặc biệt là lựa chọn đúng các vấn đề trọng tâm, mang tính đột phá(1) để phát triển. Đến nay, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra bằng việc giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của mục tiêu và định hướng phát triển của Đảng bộ tỉnh Bình Dương.

Những dấu ấn nổi bật đáng ghi nhận

Với quyết tâm chính trị cao, sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, những nội dung của các chương trình đột phá chiến lược từng bước đi vào thực tiễn, đem lại nhiều kết quả ấn tượng, tạo tiền đề cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Trước hết, để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách và mục tiêu đề ra đạt hiệu quả thiết thực, Tỉnh ủy Bình Dương luôn xem trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Thời gian qua, tỉnh luôn chủ động đấu tranh phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất và tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; trật tự xã hội được bảo đảm, an ninh quốc phòng được giữ vững; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, nên năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được nâng cao.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc, tỉnh Bình Dương_Ảnh: TTXVN

Chính vì thế, dấu ấn rõ nét nhất dễ nhận thấy là kinh tế của Bình Dương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức khá cao (9,35%/năm); sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô kinh tế được nâng lên rõ rệt, GRDP năm 2020 gấp 1,7 lần năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của vùng Đông Nam Bộ và cao hơn 2,5 lần mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại, công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ tương ứng là: 66,53% - 2,51% - 22,78%. Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt cả về số thu và tốc độ tăng, với mức tăng bình quân hằng năm 11,2%, dự kiến năm 2020 thu ngân sách tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015(2). Đến năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước một năm. Hiện nay, tỉnh Bình Dương được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu và có nhiều thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; tiếp tục đóng góp quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Từ việc xác định đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để mở đường cho các ngành kinh tế phát triển là việc làm được Đảng bộ tỉnh Bình Dương xem trọng, vì vậy đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được xây dựng đồng bộ, ngày càng hiện đại. Nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng được kết nối với hệ thống giao thông của vùng và của quốc gia được đầu tư, xây dựng, đưa vào sử dụng và phát huy tốt hiệu quả. Hạ tầng công nghiệp của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện; từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới(3). Hạ tầng đô thị được cải tạo và việc xây dựng đô thị mới gắn với thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh nên không gian đô thị ngày càng mở rộng, với tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 31,6% năm 2010 lên 82% vào năm 2020.

Để chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”  “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” đạt hiệu quả thiết thực, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện những cách làm sáng tạo, quyết liệt và phù hợp với tình hình mới để mời gọi đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển tỉnh nhà. Đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP; tổng số doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh đạt 45.500 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 400.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần số doanh nghiệp và gấp 2,9 lần về vốn so với năm 2015); tổng số dự án đầu tư nước ngoài đạt 3.865 dự án, với tổng vốn đăng ký là 34,9 tỷ USD (tăng gấp 1,5 lần số dự án và gấp 1,6 lần về vốn so với năm 2015).

Sản xuất giấy bao bì tại Công ty TNHH Giấy Vina Kraft có 100% vốn đầu tư nước ngoài trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương_Ảnh: TTXVN

Là tỉnh có dân số đông thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với nhiều áp lực do dân số cơ học tăng nhanh hằng năm, trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã giải quyết ngày càng tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; huy động tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Đặc biệt, đã có nhiều chính sách huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động, đến nay đã thu hút được 86 dự án, diện tích đất khoảng 200 ha và 3,9 triệu mét vuông sàn xây dựng. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội ngày càng mở rộng và nâng cao, bảo đảm mọi người dân đều được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ và công bằng các thành quả từ phát triển kinh tế. Công tác giảm nghèo đạt thành tựu quan trọng, từ năm 2017 tỉnh Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh(4) hiện còn dưới 1%.

Công tác đối ngoại của tỉnh Bình Dương ngày càng được tăng cường, do vậy các mối quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã ký kết thoả thuận hợp tác hữu nghị với 10 địa phương nước ngoài; đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, chú trọng đổi mới mô hình phát triển, đột phá trong thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới thông qua việc hợp tác, triển khai Đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Hiện nay, tỉnh Bình Dương chính thức gia nhập vào Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF); liên tục 2 năm liền được vinh danh là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới và được chọn làm nơi đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Horasis (trong 2 năm 2018 - 2019). Năm 2019, tỉnh Bình Dương tiếp tục tạo thêm dấu ấn đậm nét mới khi tổ chức công bố xây dựng Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, trở thành thành viên của Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới.... Những sự kiện đó góp phần nâng tầm tỉnh Bình Dương lên một vị thế mới, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng, thúc đẩy phát triển thương mại và thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển giai đoạn mới ở Bình Dương, tháng 10-2020_Ảnh: TTXVN

Có thể khẳng định rằng, đạt được những thành quả trên là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng trước hết nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố bạn. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận cao trong xã hội; sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện, trọng tâm, đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Tỉnh ủy Bình Dương qua các thời kỳ; là ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên, với tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, phấn đấu liên tục của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn

Sau 5 năm lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

1- Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Thường xuyên gìn giữ, vun đắp và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Kế thừa và phát huy tốt nhất những thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu đề ra. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển.

2- Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện cần có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn với giữ vững kỷ cương; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

3- Biết xác định chính xác các đột phá chiến lược trong cả nhiệm kỳ và trong từng thời kỳ. Phát triển hạ tầng là trọng tâm, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Song song đó, chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở một cách bài bản, khoa học, hiện đại và điều hành tuân thủ theo đúng quy hoạch đề ra. Luôn chú trọng và phát huy tối đa những lợi thế so sánh của địa phương, đi đôi với việc tranh thủ, huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

4- Luôn bảo đảm phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, trong đó, chú trọng phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh, xanh, thịnh vượng. Phát triển luôn hướng đến mục tiêu vì con người, chú trọng lợi ích của nhân dân bằng cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, mọi người dân của tỉnh Bình Dương đều được hưởng thụ một cách tốt nhất, đầy đủ nhất từ những thành quả của sự phát triển kinh tế.

5- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện để giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

Tầm nhìn và định hướng phát triển trong giai đoạn tới

Dự báo 5 năm tới, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường; đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng và toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới, trong nước và của tỉnh. Trên cơ sở đó, mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ là: Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tỉnh Bình Dương sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh. Phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm; thu ngân sách tăng 8%/năm; đến năm 2025, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%; GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ USD.

Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại (Trong ảnh: Một góc thành phố  Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)_Ảnh: Tư liệu

Xuất phát từ đánh giá, nhận định khách quan trên cơ sở thực tiễn, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục phát truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Hai là, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao tương xứng với phát triển công nghiệp và đô thị. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo nên những động lực mới, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu và phát triển thành phố thông minh Bình Dương. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nghiên cứu và chủ động đề xuất với Trung ương triển khai đầu tư tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách; huy động các nguồn lực từng bước phát triển hệ thống giao thông đường thủy, gắn với hạ tầng lô-gis-tíc...

Bốn là, quan tâm và chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là về giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, các thiết chế văn hóa phục vụ cho người dân và công nhân lao động. Song song đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.

Năm là, thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn từ xa, từ sớm và xử lý kịp thời những yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.

Sáu là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

-----------------------

(1) Với 12 chương trình hành động và đặc biệt 04 chương trình đột phá, gồm: Chương trình số 20-CTr/TU,
ngày 9-8-2016, “Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới”; Chương trình số 23-CTr/TU, ngày 16-8-2016, “Về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh”; Chương trình số 22-CTr/TU, ngày 15-8-2016, “Về phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân gắn với sơ kết Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương đến năm 2020” và Chương trình số 24-CTr/TU, ngày 16-8-2016, “Về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020”

(2) Bình Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương, với tỷ lệ điều tiết là 64%, đứng thứ 3 cả nước
(3) Có 29 khu công nghiệp, diện tích trên 12.000 ha, tỷ lệ cho thuê trên 84%; 12 cụm công nghiệp, diện tích gần 1.000 ha, tỷ lệ cho thuê 67%
(4) Chuẩn nghèo Trung ương: khu vực nông thôn dưới 700.000 đồng, khu vực thành thị dưới 900.000 đồng. Chuẩn nghèo của tỉnh Bình Dương: khu vực nông thôn dưới 1,4 triệu đồng, khu vực thành thị dưới 1,6 triệu đồng