Bài học từ công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn tỉnh Bắc Ninh
TCCS - Công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, trong định hướng phát triển, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bắc Ninh đã có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tất cả 94 xã của tỉnh Bắc Ninh đã “cán đích” nông thôn mới, 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn và trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học và nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ cơ giới hoá cao đã tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện không ngừng. Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương
Ngay sau khi Trung ương có văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương; đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương(1). Các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn; phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới, tích cực phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, đóng góp không nhỏ cả vật chất lẫn tinh thần vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn
Để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Bắc Ninh tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng: Tăng cường liên kết, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn với công nghiệp chế biến; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến công nghệ cao; phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; chuyển đổi mô hình hợp tác xã nông nghiệp; cải thiện, nâng cấp và đầu tư mới hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất... Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng và đưa vào sản xuất như: Sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính, tưới tự động; chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây để sản xuất cá chép giống, công nghệ sử dụng hoóc-môn để sản xuất giống cá rô-phi đơn tính... đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác. Đến nay, đã hình thành 552 vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao; tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản theo hướng chuyển từ coi trọng tăng số lượng sang tập trung vào nâng cao chất lượng, giá trị. Năng suất lao động bình quân của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 14,5%/năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2020 chiếm 28%, tăng 13% so với năm 2015, chuyển đổi 722 hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Hình thành các tổ chức sản xuất, dịch vụ với quy mô lớn hơn, nâng doanh thu gấp 1,9 lần so với năm 2015.
Cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” (Chương trình OCOP), công tác tuyên truyền, quảng bá nông sản, sản phẩm làng nghề của các địa phương trong tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ tập thể, trong đó có 10 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 8 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể; 1 sản phẩm được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý.
Nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn, công tác đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ được chú trọng theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới 4 trung tâm thương mại quy mô lớn; 469 siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích; đa dạng hóa các kênh phân phối, gắn kết giữa thành thị với nông thôn, giữa Bắc Ninh với các địa phương trong cả nước và phục vụ xuất khẩu.
Hoàn thành sớm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Với quan điểm xây dựng nông thôn theo hướng đô thị hóa, xây dựng nông thôn tỉnh Bắc Ninh tiệm cận với đô thị, các cấp ủy, chính quyền đã nêu cao trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã vận động các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đóng góp tiền, công trình; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, đất đai, ngày công lao động; thu hút doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp... Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Ninh ưu tiên phân bổ toàn bộ tiền bán đấu giá đất cho các địa phương để xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn đã huy động và bố trí cho xây dựng nông thôn mới ước khoảng 13.323 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó: Ngân sách Trung ương là 15 tỷ đồng (0,11%); ngân sách địa phương là 11.676 tỷ đồng (87,64%); lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 18 tỷ đồng (0,13%); tín dụng là 1.536 tỷ đồng (11,53%); doanh nghiệp đóng góp 8 tỷ đồng (0,06%); cộng đồng, người dân tự nguyện đóng góp và nguồn vốn khác 71 tỷ đồng (0.53%);
Các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động để phù hợp với nội dung, cách thức triển khai cũng như yêu cầu phát triển của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đã vận động ủng hộ được 81 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và hỗ trợ xây mới 2.411 nhà “Đại đoàn kết” trị giá trên 130 tỷ đồng. Hội Nông dân triển khai mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực phẩm”, vận động 100% tổ chức Hội cơ sở ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”. Công đoàn triển khai phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, với 8.387 đề tài, sáng kiến được áp dụng. Hội Phụ nữ các cấp đã thành lập 136 mô hình “Làng 3 sạch”, trồng được 273km đường hoa, 19km đường cây xanh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 76 dự án với nguồn vốn trên 50 tỷ đồng. Đoàn Thanh niên thực hiện chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” với 58 dự án, tổng nguồn vốn 43 tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh các cấp với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Cựu chiến binh hiến đất làm đường giao thông nông thôn”... Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến của nhân dân, hội viên, đoàn viên trong triển khai, thực hiện và kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp theo phương châm xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 100% số xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra và là một trong 11 tỉnh trên phạm vi toàn quốc có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Ninh vẫn còn một số yếu kém, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, đó là: Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa phát triển chưa ổn định, hiệu quả chưa cao; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn sạch, an toàn có quy mô chưa đáng kể; chưa hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao... chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Qua quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài tại nông thôn, cần sự tập trung cao độ, thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Do vậy, vai trò của cán bộ chủ chốt là hết sức quan trọng, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt, sẽ tạo ra kết quả, sự chuyển biến rõ nét. Trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới, phải phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành. Việc phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền các cấp đã tạo ra sức sáng tạo ở mỗi địa phương, cơ sở, trong đó vai trò chỉ đạo, vào cuộc của chính quyền các cấp có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tính bền vững của kết quả xây dựng nông thôn mới. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng nông thôn mới bền vững. Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, những vấn đề người dân chưa hài lòng, chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để bảo đảm xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng nông thôn mới không chỉ máy móc thực hiện theo quy định và hướng dẫn chung, mà cần có sự linh hoạt, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Chính sự sáng tạo của mỗi địa phương là nền tảng quan trọng để ban hành cơ chế, chính sách chung triển khai trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm có vai trò rất quan trọng, giúp đúc kết, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa phương. Song song với việc xây dựng mô hình điểm, phải có hệ thống chính sách đủ mạnh để hỗ trợ chính quyền, nhân dân các địa phương, đồng thời thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Thứ tư, xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Do đó, khi xây dựng nông thôn mới phải gắn kết chặt chẽ với cơ cấu lại nông nghiệp để đạt mục tiêu vừa thay đổi diện mạo nông thôn, vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân để phát triển bền vững. Tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò của hợp tác xã là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân.
Thứ năm, trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước có hạn, phải đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, tín dụng, đóng góp của nhân dân,...); đồng thời, mỗi địa phương cần chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Chú trọng kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp là một giải pháp quan trọng tạo nên thành công. Chính nhờ có bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp, mạnh dạn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách đủ mạnh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
***
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 1 đến 1,2%/năm; 100% số xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu có ít nhất 2 huyện và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Hai là, bám sát quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học theo hướng: Khuyến khích chuyển nhượng hoặc cho thuê ruộng đất theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp có đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản. Hình thành các trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Tăng cường nghiên cứu xây dựng, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh; đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; phát triển chăn nuôi trang trại xa khu dân cư. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành, nghề nông thôn; quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế...
Ba là, tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn theo hướng hình thành khu vực dân cư và kết cấu hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trong tương lai, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Đối với các xã và huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí quy định hiện hành, đồng thời xác định nội dung, giải pháp thực hiện, bảo đảm giữ vững và đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo. Xây dựng điểm một số mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị văn minh mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Bốn là, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, bài trừ tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống tinh thần và an ninh nông thôn. Giữ gìn và phát huy sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa; chú trọng trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình văn hóa hiện có ở các địa phương, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá ở các vùng nông thôn. Phát huy vai trò của nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Năm là, chú trọng bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống, trong đó tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh, tạo môi trường nông thôn trong lành, không có các hoạt động gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn và khuyến cáo không sử dụng túi ni-lông trong sinh hoạt. Phát động các phong trào làm sạch làng quê. Nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo hệ thống cung cấp tập trung thông qua các hình thức xã hội hóa phù hợp. Nâng cao tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn từ sinh hoạt của người dân nông thôn với các mô hình phù hợp (liên xã, liên huyện). Đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng (làng nghề, bãi tập trung chôn lấp, xử lý rác, nước thải...).
Sáu là, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vận động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở (giao thông, thủy lợi, nước sạch, môi trường, công trình văn hóa...) ở nông thôn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực (bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác). Tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Tin tưởng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại./.
-----------
(1) Kết luận số 54-KL/TU, ngày 28-11-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về việc xây dựng Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 20-12-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh””; Nghị quyết số 147/2018/NQ-HĐND, ngày 6-12-2018, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND, ngày 6-12-2018, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về việc ban hành quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; Quyết định số 134/QĐ-UBND, ngày 9-3-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về việc ban hành Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn
2018 - 2020”; Quyết định số 2132/QĐ-UBND, ngày 16-11-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020”,...
Thành phố Bắc Ninh đón du khách trở lại trong điều kiện an toàn  (17/03/2021)
Huyện Thuận Thành duy trì và nâng cao tiêu chí về vệ sinh môi trường  (17/03/2021)
Những điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020  (20/01/2021)
Những dấu ấn và bài học kinh nghiệm phát triển của tỉnh Bình Dương trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ 2015 - 2020  (02/12/2020)
Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam  (30/11/2020)
- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng ở nước ta hiện nay
- Chính sách đối ngoại của Pháp trong bối cảnh mới
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong ứng phó với biến đổi khí hậu
- Đảng bộ Quân khu 5 với phương hướng, giải pháp trọng tâm để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và đề xuất giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam