Hà Nội quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19
TCCS - Đợt bùng phát dịch COVID-19 từ cuối tháng 4-2021 đến nay diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hà Nội là một trong những nơi có nhiều ca bệnh. Nhưng bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, thành phố đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”. Ý thức được trách nhiệm của Thủ đô với nhân dân trên địa bàn và với Trung ương, cả nước, nên hệ thống chính trị các cấp của Hà Nội từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc từ ngày đầu tiên, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch.
Từng bước kiểm soát dịch bệnh
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 29-4-2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 4.185 ca dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1631 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.554 ca.
Hiện Hà Nội đã kích hoạt trên 20.000 tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng; đồng thời bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng: Quyết liệt, khẩn trương, chủ động, kịp thời, linh hoạt, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác nhưng không gây hoang mang. Hà Nội dập dịch theo nguyên tắc, phương châm nhất quán là “4 tại chỗ” có gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp; phát hiện truy vết đến cùng, cách ly tuyệt đối, xử lý khoanh vùng hẹp theo diễn biến điều tra dịch tễ. Thành phố đã chủ động dự báo và đi trước tình hình; kiểm soát chặt chẽ di biến động của đối tượng tạm trú tại các địa bàn để kịp thời sàng lọc các nguy cơ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 10 công điện, 2 chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh, như: Công điện số 12/CĐ-UBND về quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Công văn số 1718/UBND-KT về bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố... Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 -2022.
Chủ tịch, các phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố đã chủ trì, tham gia các đoàn công tác của thành phố kiểm tra trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu dân cư, địa bàn bị phong tỏa, bệnh viện và điểm phát sinh ca bệnh mới phức tạp; chủ trì các cuộc giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố. Thành phố vừa căng mình chống dịch, vừa hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, Hà Nội vẫn quyết định tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sau khi phải hai lần lùi lịch thi. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của lãnh đạo Thủ đô khi nhiều địa phương đã phải tạm hoãn tổ chức kỳ thi này. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu bằng mọi biện pháp phải đảm bảo tổ chức kỳ thi thành công trọn vẹn, an toàn tuyệt đối.
Ngay trước ngày diễn ra kỳ thi, Hà Nội bất ngờ phát hiện chuỗi ca bệnh COVID-19 không rõ nguồn lây ở huyện Đông Anh. Thành phố đã nhanh chóng điều chỉnh việc làm thủ tục dự thi của thí sinh từ trực tiếp sang trực tuyến và thông báo khẩn, yêu cầu các nhà trường lập tức thông báo cho thí sinh và phụ huynh bằng mọi phương thức, từ điện thoại đến Zalo. Lần đầu tiên, học sinh bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế trước khi thi. Hàng loạt kịch bản ứng phó với tình huống bất thường được đặt ra và xây dựng sẵn phương án xử lý như phát hiện thí sinh có F, phát hiện học sinh có thân nhiệt bất thường...
Với sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng trên mọi phương diện, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội đã diễn ra thành công trọn vẹn cả trên hai nhiệm vụ: Bảo đảm kỳ thi nghiêm túc và bảo đảm an toàn trước dịch bệnh. Đặc biệt, trước đó, ngày 23-5, thành phố đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 và an ninh, an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, phục vụ tốt hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố và nhân dân Thủ đô thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại các khu vực bầu cử.
Nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm tốt
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly theo từng điểm. Các điểm phong tỏa áp dụng mô hình cách ly “3 lớp” để vừa khống chế, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu mô hình phòng, chống dịch COVID-19 với “3 lớp” của huyện Đông Anh (Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Với mô hình này, huyện Đông Anh đã “khóa cứng” nguồn lây của dịch bệnh, song không ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Mô hình "3 lớp" của Đông Anh được thể hiện cụ thể: Lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (cách ly tuyệt đối); lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng (chốt kiểm soát mềm ở các ngõ phục vụ sinh hoạt, tiếp ứng nhu yếu phẩm đến từng nhà, tiếp ứng cho lớp 1 và lớp 3 khi cần thiết), còn lớp ngoài cùng theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng (chốt kiểm soát y tế, mọi người ra vào phải đo thân nhiệt, ghi chép đầy đủ thông tin. Ai không phận sự miễn vào; ai không thật sự cần thiết thì không nên ra ngoài, nhất định không cho người đi, đến ở vùng dịch ra vào).
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác phòng dịch tại các doanh nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cấp công đoàn thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực vào cuộc với nhiều tâm huyết, trách nhiệm, trong đó phải kể đến những cách làm sáng tạo nhằm đưa hoạt động của các "Tổ An toàn COVID-19" thực sự hiệu quả. Đây là những "cánh tay nối dài", là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của tổ là vào đầu ca sản xuất tiến hành kiểm tra các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch bệnh trước khi làm việc; giám sát chặt chẽ công nhân lao động thực hiện khai báo y tế và các biện pháp phòng dịch, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc nghi nhiễm báo cáo kịp thời. Trong giờ làm việc, tổ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm "5K" của Bộ Y tế; tuyên truyền, phổ biến các biện pháp về phòng, chống dịch đến toàn thể người lao động; phát hiện và báo cáo kịp thời khi có vấn đề phát sinh tại nơi làm việc. Cuối ca làm việc, tổ nhắc nhở công nhân làm vệ sinh, lau dọn, sát khuẩn tại khu vực làm việc của mình, nhất là các bề mặt, tay nắm, nút bấm.
Theo thống kê, tại Hà Nội đã có 8.960 "Tổ An toàn COVID-19" được thành lập với sự tham gia của gần 42.000 thành viên. Đến nay số lượng các "Tổ An toàn COVID-19" đã không ngừng tăng cao, thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống COVID-19 cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nên nhân để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Một điều không thể phủ nhận là khi toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc nhưng người dân không ủng hộ thì không thể khống chế dịch thành công. Bởi vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân Thủ đô trên dưới một lòng; chung tay cùng thành phố thực hiện nghiêm các chỉ thị, yêu cầu, quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia và của thành phố với nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, dẹp lợi riêng vì lợi chung, tất cả để đẩy lùi dịch nhanh nhất vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích chung của Thủ đô và đất nước./.
Tỉnh Thái Bình thu nội địa 8 tháng năm 2021 tăng 51,6% so với cùng kỳ  (01/09/2021)
Petrovietnam: Gần nửa thế kỷ đi từ “không đến có”  (01/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội  (01/09/2021)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay