Theo Tổng Cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm nay, hàng dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 5,1 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao.
Trong các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu, với tổng giá trị gần 2 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa công bố kết quả phiên điều trần đầu tiên về cơ chế giám sát đối với hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo ông Ân, mặc dù đã được gỡ bỏ hạn ngạch theo cam kết gia nhập WTO, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm nay cũng chỉ tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khi còn hạn ngạch, mức tăng trưởng tương tự khoảng 21%.

“Thời gian qua, ngành dệt may của Việt Nam không có dấu hiệu “vượt mức” đểphía Hoa Kỳcó thể kiện là bán phá giá hoặc áp đặt cơ chế giám sát”, ông Ân nói.
Ông cũng chobiết thêm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽtranh thủ tiếp cận mạnh hơn nữa với các giới chứcvàBộ Thương mại Hoa Kỳ nhằm hạn chế bớt các cản trở đối với ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, người đứng đầu Hiệp hội Dệt may cũng lưu ý việc giám sát chặt chẽ số lượng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là tiếp tục thực hiện các mã hàng có đơn giá cao, tránh các đơn hàng nhỏ lẻ với giá thấp để tiếp tục giữ vững tốc độ xuất khẩu mặt hàng dệt may trong những tháng cuối năm.

Đồng thời, ông Ân cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc mở rộng các thị trường khác, đặc biệt lưu ý hai thị trường đang có tốc độ tăng trưởng cao là EU với mức tăng 17,6% trong 6 tháng đầu năm nay và Nhật Bản với 13,4%.

Theo dự đoán của các chuyên gia trong ngành, mục tiêu đạt 7,3-7,5 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay là rất khả thi.