100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố
TCCS - Ngày 5-3-2024, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Nha Trang long trọng tổ chức Hội thảo khoa học: “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”.
Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa; PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; cùng các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Hội thảo là một trong những sự kiện trọng tâm nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm kỷ niệm 100 năm hình thành, xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024) và 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024). Bên cạnh đó, hội thảo là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố, hướng tới mục tiêu tập hợp, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý trong và ngoài tỉnh nhằm nhận diện những nét đặc trưng về văn hóa, con người vùng đất Nha Trang trong tiến trình lịch sử, từ đó đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố thời gian tới. Đây cũng là cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng bộ thành phố Nha Trang nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc”.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, Nha Trang là một đô thị lớn, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa; là thành phố năng động của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Sau giai đoạn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa - xã hội, trong đó, trình độ dân trí, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và nhân dân thành phố được nâng cao, đời sống tinh thần trong cộng đồng ngày càng phong phú; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; những chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt những kết quả thiết thực, phát huy được giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng... Đối với công tác chuẩn bị tổ chức hội thảo, đồng chí Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết, Ban Tổ chức đã tập hợp được hơn 50 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài tỉnh về các lĩnh vực liên quan; nhiều bài viết, công trình nghiên cứu chất lượng có nội dung tâm huyết, đề xuất giải pháp sát thực tiễn với yêu cầu phát triển văn hóa, con người thành phố. Đồng chí Hồ Văn Mừng khẳng định, tất cả ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu đều sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu, nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn xây dựng, phát triển thành phố ngày càng văn minh, bản sắc, hiện đại.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Hải Ninh khẳng định, những bài viết, công trình nghiên cứu tại hội thảo có giá trị lớn và quý với nhiều góc nhìn, nội dung đa dạng, thú vị về lịch sử, văn hóa, con người thành phố Nha Trang. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, có một số vấn đề cần được đặc biệt chú trọng, quan tâm, nghiên cứu sâu sắc hơn, đó là việc tiếp thu, vận dụng những nội dung từ các công trình nghiên cứu đã có về vấn đề xác định hệ giá trị văn hóa nước ta hiện nay, đặc biệt là bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Mặt khác, khi nghiên cứu về văn hóa vùng đất Nha Trang, phạm vi tìm hiểu không thể chỉ giới hạn, phụ thuộc trong giai đoạn 100 năm tuổi, mà phải nhìn ở góc độ bề dày lịch sử cả nghìn năm, bắt đầu từ khi những con người đầu tiên có mặt nơi đây; đồng thời cần chú ý đến các giá trị văn hóa riêng biệt và sự đa dạng có tính chất giao thoa văn hóa từ xa xưa của vùng đấy Nha Trang trong mối liên hệ tổng thể với nền văn hoá dân tộc Việt Nam…, từ đó, bảo đảm tính toàn diện, sâu sắc hơn trong nhìn nhận văn hóa, con người Nha Trang. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là cần tập trung nghiên cứu giải pháp để phát huy các giá trị văn hóa, con người thành phố, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự được nghe trực tiếp 3 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cụ thể: PGS, TS Lưu Trang, nguyên Hiệu trưởng, hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) với chủ đề: “Vùng đất Nha Trang - Quá trình tiếp nhận và hòa hợp với các giá trị văn hóa bên ngoài”; GS, TS Nguyễn Văn Kim, nguyên Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO (2023 – 2027) với chủ đề: “Nha Trang - Khánh Hòa: Tiềm năng và những đặc trưng con người, văn hóa”; PGS, TS Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) với chủ đề: “Phố biển Nha Trang - Một vài đặc điểm lịch sử, văn hóa”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe hai phiên tọa đàm với các nội dung: “Nhận diện những giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong tiến trình lịch sử” và “Phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”. Mỗi phiên tọa đàm đều có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý nổi tiếng, đồng thời những ý kiến chia sẻ hết sức tâm huyết và giá trị của các chuyên gia đã giúp Hội thảo có thêm thông tin trong việc xây dựng hệ thống các nhóm giải pháp thời gian tới. Hội thảo cũng được lắng nghe thêm những chia sẻ tâm huyết, lắng đọng cảm xúc, tình cảm của một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia là người con của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang khẳng định, hội thảo đã thành công tốt đẹp sau một buổi làm việc với tinh thần tích cực dưới sự sắp xếp chu đáo của Ban Tổ chức Hội thảo và sự tham gia, đóng góp trách nhiệm, tâm huyết, tình cảm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền thành phố Nha Trang sẽ nỗ lực tiếp thu đầy đủ các ý kiến sâu sắc, có giá trị thực tiễn có được từ hội thảo, lấy đó làm cơ sở quan trọng để nghiên cứu, xây dựng, ban hành những chính sách trong thời gian tới nhằm xây dựng thành phố Nha Trang ngày càng văn minh, phồn vinh, hạnh phúc./.
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay