Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang ngày càng văn minh, hiện đại, bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”(1). Nhận thức rõ điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nha Trang quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy thành phố ngày càng phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh trong giai đoạn mới.
Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng yếu tố văn hóa, sức mạnh con người trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội
Văn hóa là khía cạnh chính yếu của xã hội loài người, có sự hiện diện, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội và quyết định tiến trình phát triển của mỗi địa phương, quốc gia - dân tộc; là “những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”(2). Theo đó, việc gìn giữ, phát huy vai trò của yếu tố văn hóa, sức mạnh con người trong xây dựng và bảo vệ đất nước là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(3); đồng thời, chỉ rõ “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(4). Như vậy, định hướng cơ bản trong xây dựng quốc gia ngày càng vững mạnh, phồn vinh chính là coi văn hóa như nền tảng tinh thần của xã hội, là cội nguồn sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước ta có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu lòng yêu nước và hướng đến sự tiến bộ, văn minh; gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội (CNXH) theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu tất cả vì hạnh phúc và sự phát triển tự do toàn diện của con người đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của dân tộc luôn mang tính bền vững, được vun đắp, trau dồi bởi trí tuệ của các thế hệ cha ông hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản sắc văn hóa được biểu hiện trước nhất ở lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết giữa cá nhân - gia đình - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử và giản dị trong cuộc sống; dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống cái xấu, cái ác,... Theo đó, thực tiễn đặt ra yêu cầu không ngừng “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(5).
Mặt khác, văn hóa không phải là kết quả thụ động, đứng bên ngoài hoặc đi sau, phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ phát triển kinh tế, mà ngược lại, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng cá nhân, gia đình, tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, tồn tại ở mọi sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp. Một xã hội không thể có sự ổn định và bền vững nếu chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên, thậm chí là hy sinh các giá trị văn hóa. Sức mạnh tự thân của văn hoá đã quy định vị trí và vai trò lĩnh vực này, là một khía cạnh đời sống xã hội thể hiện trình độ sự vận động của đời sống xã hội ấy, bởi vậy, văn hóa không thoát ly hoặc nằm ngoài các nhân tố khác của sự phát triển mà thể hiện “kín đáo”, “ẩn sâu” trong mọi yếu tố của sự phát triển xã hội. Theo đó, để mỗi quốc gia - dân tộc phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh tăng trưởng kinh tế, cần đặc biệt chú trọng văn hóa, coi văn hóa là cơ sở, nền móng quyết định thành, bại của sự phát triển; tránh làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa để giữ gìn bản sắc và các giá trị truyền thống tích cực của dân tộc, xây dựng và nâng cao nhận thức chung của cộng đồng theo một khuôn phép, một hệ giá trị, một nét văn hóa riêng của quốc gia đó.
Hiện nay, bên cạnh mặt tích cực đạt được, lĩnh vực văn hóa cũng còn một số hạn chế, như tính thụ động, trì trệ, tác phong thiếu kỷ luật, lối suy nghĩ và hành động nặng về “tình” mà ít về “lý”, “dĩ hòa vi quý”,... vốn còn phổ biến và không phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quay lưng lại với những giá trị truyền thống của dân tộc, chạy theo sự thực dụng của một bộ phận cư dân, dẫn đến “Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội”(6),... Nguyên nhân là bởi văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, môi trường văn hóa phải đối mặt với nhiều thách thức, chịu tác động mạnh của yếu tố ngoại lai, đe dọa đến thuần phong mỹ tục,...; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng,...
Như vậy, để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trước hết cần xây dựng hệ giá trị Việt Nam, chuẩn giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bởi lẽ bất cứ thời đại nào cũng có những hệ giá trị riêng và các hệ giá trị văn hóa không bất biến mà cần có sự điều chỉnh phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển. Ngày nay, để đất nước vững vàng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta cần thiết lập một hệ giá trị mới: hệ giá trị văn hóa công nghiệp - đô thị - hội nhập. Sau nhiều năm đổi mới, chúng ta đã xác định trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người với các đặc tính cơ bản, như tinh thần yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo,...
Về thực chất, việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là quá trình kết hợp nhuần nhuyễn, vừa sáng tạo, xác lập những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức mới, tức là “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”(7), vừa khơi dậy, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, chuẩn mực đạo đức, tinh thần và ý chí quyết tâm, tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ, cần “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội”(8); quan trọng hơn, phải “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(9).
Văn hóa, con người thành phố Nha Trang tinh túy, đa sắc màu trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Thành phố Nha Trang là một đô thị lớn, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa, là đô thị năng động của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; dân số khoảng 423 nghìn người, mật độ 11.663 người/km2 ; có nhiều bãi tắm đẹp, con đường thoáng rộng cùng các khu biệt thự ẩn mình trong rừng cây; là nơi có nét đặc trưng, bản sắc trong văn hóa, con người,... độc đáo. Nhiều thập niên qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Nha Trang đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành phần lớn chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết các nhiệm kỳ đại hội đảng bộ của thành phố; thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa; kinh tế của thành phố phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,2%/năm; là địa phương duy nhất tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp.
Từ xưa, mảnh đất Nha Trang vốn chỉ là một làng chài nhỏ bé, đơn sơ bên cạnh bờ sông Cái; dưới góc nhìn của các nhà địa lý, đây được xem là vùng đất lạ, quý hiếm, bởi có “Tứ thủy triều quy, Tứ thú tụ”, nghĩa là bốn mặt có nước bao bọc và có bốn quả núi mang hình bốn con thú tụ về. Chính sự đa dạng về địa hình giữa đồng bằng, đồi núi và các đảo trên vịnh biển đã tạo ra các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp cho thành phố Nha Trang, có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những ai từng ghé thăm, cảm xúc như trong câu thơ người dân nơi đây thường hát: “Đẹp thay non nước Nha Trang; Người đi hồn vẫn mơ màng đâu đây”. Đặc biệt, những giá trị văn hóa phi vật thể được biểu hiện thông qua các làng nghề truyền thống, các lễ hội ở Nha Trang, như nghề lưới đăng, nghề làm muối, đúc đồng, nước mắm, lễ hội cầu ngư, cúng đình,... đã khắc họa nên một nền văn hóa biển, đảo đa dạng, phong phú trong sự gắn liền với đời sống sinh hoạt đời thường của cộng đồng cư dân. Bên cạnh đó, con người Nha Trang vốn có bản tính cần cù, chăm chỉ trong lao động, sản xuất, hòa hiếu, nhiệt tình trong các mối quan hệ gia đình và xã hội, thái độ ung dung, nhàn nhã, ít chộn rộn, ồn ào và phần đông thích cuộc sống an yên, lấy chữ “nhàn” làm quý, không mạo hiểm và có chút phong lưu, phóng khoáng,...
Đến nay, vị thế, vai trò của thành phố Nha Trang đang được thể hiện ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, có tầm ảnh hưởng không chỉ ở riêng tỉnh Khánh Hòa, mà còn của khu vực và trong cả nước. Thành phố đã có những bước đi vững chắc trên nhiều lĩnh vực, tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh theo hướng hiện đại, văn minh, hội nhập. Khát vọng nâng tầm thành phố luôn được thể hiện sâu sắc, cụ thể qua các nhiệm kỳ đại hội của đảng bộ thành phố và của tỉnh Khánh Hòa. Nhiều năm qua, thành phố Nha Trang được đầu tư phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt(10), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tập trung thực hiện các chương trình hành động nhằm hiện thực hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm xây dựng tỉnh Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao,.... Theo đó, thành phố Nha Trang được xác định sẽ là đô thị hạt nhân, là một trong ba vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh thời gian tới.
Tuy nhiên, cùng sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và mặt tích cực của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; văn hóa, con người thành phố cũng chịu nhiều tác động tiêu cực bởi các yếu tố mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình “mở cửa”; nhận thức, hành vi con người dễ bị tác động, chi phối và quyết định bởi các yếu tố vật chất thực dụng; các mối quan hệ ứng xử trong gia đình và xã hội dễ bị tổn thương; những loại hình văn hóa “ngoại lai” xấu xâm nhập nhanh vào đời sống xã hội làm cho các giá trị truyền thống tốt đẹp về đạo đức, lối sống bị phai nhạt; ý thức chấp hành pháp luật và trật tự, kỷ cương xã hội có phần chưa nghiêm,... Đảng ta cũng chỉ rõ: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước... Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”(11). Theo đó, để bảo đảm thành phố Nha Trang phát triển nhanh và bền vững, điều cốt yếu là phải chăm lo xây dựng văn hóa con người thành phố với lối sống đẹp, có ý chí và khát vọng vươn lên; có tư duy và nhận thức xã hội tốt, có kiến thức và trình độ lao động, sản xuất đáp ứng với sự vận động và phát triển nhanh chóng của thành phố. Như vậy, việc vận dụng chủ trương, định hướng của Đảng, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn quá trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, cần được tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người nói chung thông qua các chương trình(12), đề án cụ thể, sát thực tiễn thành phố Nha Trang; đồng thời, “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(13). Bên cạnh đó, tăng cường huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng đồng bộ thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng trong thành phố. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, giáo viên, những người trực tiếp làm công tác giáo dục của thành phố với phương châm “Có giáo dục tốt sẽ có công dân tốt”.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác chăm lo gìn giữ, xây dựng văn hóa, con người thành phố Nha Trang, xem đây là trách nhiệm quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi người dân thành phố trên cơ sở ba trụ cột chính: gia đình, nhà trường và xã hội. Tiếp tục nêu cao, khơi dậy khát vọng vươn lên trong cuộc sống và xây dựng quê hương giàu đẹp ở mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của thành phố, bởi ý chí và lòng quyết tâm mới là động lực vượt qua khó khăn, tìm tòi giải pháp để biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực.
Thứ ba, quan tâm đúng mức, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và kinh tế trên địa bàn thành phố, đặt văn hóa, con người trong mối quan hệ biện chứng, có tác động qua lại với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, đặc biệt là với yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh mới; không ngừng làm giàu đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng an sinh xã hội, tránh việc hình thành lối sống thực dụng, hưởng thụ, nhân cách sống lệch chuẩn; nêu cao các giá trị tốt đẹp của gia đình, cộng đồng, văn hóa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, chú trọng gắn kết các hoạt động văn hóa, giáo dục, hành chính, khoa học - công nghệ, lao động, sản xuất,... với nhiệm vụ xây dựng, bồi đắp thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, khoa học trên tinh thần “yêu quê hương đất nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Gắn giáo dục tri thức với giáo dục thể chất, đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội và ý thức tôn trọng pháp luật,... cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; xây dựng lối sống vì cộng đồng, giữ gìn đạo lý và các giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh, nhân rộng các giá trị nhân văn trong xã hội.
Thứ tư, cần nghiên cứu, triển khai thực hiện những giải pháp khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả, dứt điểm những biểu hiện, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống, góp phần đẩy lùi tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội, đồng thời “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(14). Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, chấn chỉnh việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá duy tâm thần bí, mê tín dị đoan; đồng thời, quyết liệt đấu tranh loại trừ sản phẩm văn hóa độc hại, truyền bá tư tưởng sai trái, lệch chuẩn, lối sống trái thuần phong mỹ tục; tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ văn hóa “ngoại lai” trên địa bàn thành phố. Mặt khác, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; ra sức truyền bá, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam nói chung và vùng đất, con người Nha Trang nói riêng.
Thứ năm, chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn những giá trị văn hóa mang tính chất “hồn cốt” của dân tộc, của quê hương Nha Trang - Khánh Hòa; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn thành phố trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng thông qua việc xây dựng “kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”(15). Bên cạnh đó, “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”(16).
Thứ sáu, tập trung xây dựng văn hóa trong đảng bộ, trong bộ máy hành chính nói riêng và hệ thống chính trị thành phố nói chung, trọng tâm là xây dựng nền hành chính thành phố minh bạch, liêm chính, thân thiện, mang đậm tính phục vụ cộng đồng. Xây dựng môi trường kinh tế thành phố, môi trường lao động, sản xuất, kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật. Kích thích phát triển tinh thần khởi nghiệp trong xã hội, nhất là giới trẻ, thu hút và tập hợp đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, có văn hóa, có tinh thần trách nhiệm cao, biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ việc xây dựng văn hóa con người thành phố với việc triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội thành phố, như đề án đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, du lịch cộng đồng, tổ chức giao thông thành phố,...; bảo đảm tăng cường thường xuyên sự tương tác của cộng đồng xã hội, điều chỉnh, thiết lập lại thói quen và hành vi ứng xử chưa đẹp trước đây của con người theo chiều hướng ngày càng tích cực, văn minh hơn, dần hình thành các giá trị văn hóa trong nhận thức và hành động của mỗi người dân thành phố.
Nhằm phát huy thành tựu đã đạt được và bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (giai đoạn 1924 - 2024); 15 năm thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2009 - 2024); từ giá trị truyền thống văn hóa của vùng đất và con người thành phố cùng với niềm tin, vị thế, điều kiện và sức bật mới,... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nha Trang tiếp tục phát huy dân chủ, quyết tâm đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí, khát vọng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực, ra sức thi đua, sáng tạo, phấn đấu đạt các mục tiêu cao hơn, vững chắc hơn nữa, hướng tới xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững về mọi mặt, ngày càng năng động trong phát triển và hội nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.
-------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 202
(2) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979 (tháng 12-2021), tr. 4
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 115 – 116
(4) Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 34
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 72
(7), (8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 136, 143, 143
(10) Xem: Phong Nguyên: “Nha Trang hướng tới đô thị hiện đại, văn minh”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 14-2-2023, https://nhandan.vn/nha-trang-huong-toi-do-thi-hien-dai-van-minh-post738673.html
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 84
(12) Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28-11-1987, của Bộ Chính trị, “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76/KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 143
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, 143
(15), (16) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, 145
Xác định hệ giá trị văn hóa, con người hiện nay - những gợi mở cho thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa  (04/03/2024)
Quảng Ninh phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới  (14/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển