TCCSĐT - Chiều 28-8-2017, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo đảm bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông”.
Tham dự Hội thảo có PGS, TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng trên 50 đại biểu là lãnh đạo một số ban Đảng, bộ, ngành, đoàn thể; các chuyên gia về giáo dục và giới, đại biểu một số đại sứ quán, khách mời quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Hội thảo “Bảo đảm bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông” nhằm đưa ra ý kiến tham vấn, khuyến nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông - một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa X) của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp/chính sách/chương trình của Hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, sáng kiến, giải pháp lồng ghép vấn đề giới trong chương trình giáo dục phổ thông, hướng tới biên soạn sách giáo khoa bảo đảm lồng ghép giới và nội dung giáo dục về giới và giới tính ở cấp độ phù hợp; đồng thời tham vấn ý kiến phản biện vấn đề giới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, viết sách giáo khoa phổ thông.

Hiện nay, các chương trình giáo dục giới và bình đẳng giới trong nhà trường dành cho học sinh tiểu học, trung học đã được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giáo dục giới và bình đẳng giới trong hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều bất cập từ hình ảnh, kiến thức trong sách giáo khoa đến các hình thức tổ chức giáo dục giới tính và bình đẳng giới.

Theo báo cáo nghiên cứu, rà soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vấn đề giới trong sách giáo khoa Việt Nam cho thấy còn nhiều nội dung, hình ảnh mang định kiến giới. Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12, trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới (ví dụ như đứa trẻ, học sinh, phụ huynh…); còn về hình ảnh, trong tổng số 7.987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính. Những ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam.

Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học, càng lên cấp học cao sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp trung học phổ thông. Nghề nghiệp của nhân vật nam giới trong sách giáo khoa cũng đa dạng hơn nghề nghiệp của nữ giới… Hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong sách giáo khoa, chương trình giáo dục có thể làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức của trẻ em, làm chậm tiến trình đạt được bình đẳng giới thực chất.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, có đến 93% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân, người quen. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính cho trẻ em gặp nhiều khó khăn khi chính những bậc làm cha mẹ, thầy cô, xã hội còn khá “e dè” trước vấn đề nhạy cảm này. Trong khi sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, tình trạng học sinh dậy thì sớm từ 12-14 tuổi đã xuất hiện không ít những cách tiếp cận kiến thức về giới có vẻ là “quá cũ”, quá mỏng so với con số 300.000 ca phá thai tuổi vị thành niên mỗi năm kiến nhiều người giật mình.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định: Với trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Luật Bình đẳng giới và kinh nghiệm thực hiện hoạt động lồng ghép, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thế mạnh về đội ngũ cán bộ và mạng lưới chuyên gia về giới, Hội đề xuất một số nội dung hoạt động mà Hội có khả năng đầu mối tổ chức và phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy quá trình lồng ghép trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và viết sách giáo khoa phổ thông, như tham gia các hội đồng tư vấn, tham vấn về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, thẩm định chương trình và sách giáo khoa phổ thông; phối hợp xây dựng và vận hành mô hình tư vấn học đường tại trường học, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh; biên soạn và cung cấp tài liệu tăng cường kết nối giữa cha mẹ và con cái, kết nối giữa gia đình và nhà trường, trong đó có nội dung giáo dục về giới và bình đẳng giới.

Để tiến tới xây dựng sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông thúc đẩy bình đẳng giới, cần bảo đảm sự cân đối về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp… của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học, hình ảnh minh họa, khuyến khích những hình ảnh tích cực về phụ nữ và nam giới trong những lĩnh vực thường được coi không phải là thế mạnh của họ (phụ nữ làm lãnh đạo, nam giới chăm sóc gia đình), đồng thời khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong xã hội. Điều này đặt ra vấn đề cần giáo dục giới và giới tính đúng cách cho trẻ theo độ tuổi, đặc biệt cần đưa nội dung bình đẳng giới lồng ghép trong chương trình các cấp; đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến chương trình, sách giáo khoa. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Đây chính là cơ hội để đưa ra vấn đề bình đẳng giới vào nhằm khắc phục những khiếm khuyết của chương trình cũ, cụ thể trong sách giáo khoa.

Có thể thấy, bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời cũng là một yếu tố để nâng cao khả năng tăng trưởng của mỗi quốc gia. Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và sẽ ngày càng coi việc nâng cao bình đẳng giới như là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển nhằm cho phép tất cả mọi người thoát khỏi cảnh đói nghèo và cải thiện điều kiện sống./.