Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân tộc đã phối hợp với một số cơ quan trung ương tổ chức Hội thảo “Doanh nhân Việt Nam với văn hóa dân tộc”.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có tên tuổi, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng nhiều doanh nhân đã tham dự và phát biểu tham luận, tập trung vào 3 nội dung lớn:

- Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều tác động tích cực đến việc thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên, nó cũng đang đe dọa đến tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc. Vì thế, trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên đặc biệt cần thiết. Thực tế đã chứng minh, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, văn hóa chính là yếu tố làm nên sức mạnh, là cội nguồn chiến thắng của dân tộc. Kế thừa truyền thống dân tộc, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ “Việt Nam là bạn, là đối tác của các nước trong cộng đồng quốc tế”, đang tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy vai trò, vị trí và khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có những hoạt động tích cực trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động từ thiện, thể hiện đạo lý dân tộc “lá lành đùm lá rách”. Nhiều giá trị của truyền thống của dân tộc đã và đang tác động, thấm sâu, góp phần hình thành nên những đặc điểm, tính cách, nét đặc thù của đội ngũ doanh nhân Việt Nam như: yêu nước, cần cù, kiên trì, bền bỉ, thích nghi với hoàn cảnh, trọng lý nhưng cũng trọng tình… Đảng ta cũng đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Phát triển, hội nhập kinh tế phải đi đôi với bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam cho thấy khi nào doanh nghiệp coi trọng văn hóa, đặt mục tiêu văn hóa trong hoạt động của mình, thì khi đó doanh nghiệp đạt hiệu quả tổng hợp cả về: sản xuất, kinh doanh, quản lý, uy tín. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, “đi tắt, đón đầu”, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng - là người đi tiên phong trong quá trình đó. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đang phải gánh vác trên vai những trọng trách nặng nề. Trước những đòi hỏi đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam tỏ ra còn nhiều bất cập. Bên cạnh những doanh nghiệp đã coi trọng vấn đề văn hóa trong phát triển, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi trọng thương hiệu và chữ tín trên thương trường, vẫn còn không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới được hình thành, còn đang ở quy mô nhỏ, mục đích hoạt động mới chỉ dừng lại ở mưu sinh, kiếm sống, vì thế mục tiêu văn hóa, sự đóng góp đối với việc phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc chưa được quan tâm đến. Vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật, không hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, không quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng, đến cộng đồng và sự phát triển chung của đất nước.

- Để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của mình trong giai đoạn hiện nay, đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía: Nhà nước và doanh nhân.

Về phía Nhà nước: cần có các chính sách ưu đãi, động viên, khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp đặt mục tiêu văn hóa trong quá trình hoạt động của mình; các doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; các hoạt động tài trợ cho việc nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Về phía đội ngũ doanh nhân: cần phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, truyền thống “buôn có bạn, bán có phường”, liên kết lại với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng doanh nhân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với môi trường, với Nhà nước, với người tiêu dùng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tích cực giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của mình; mỗi doanh nhân, tùy theo sức của mình hãy là một “Mạnh thường quân” cho các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhiều ý kiến tham luận cho rằng, “một doanh nhân chân chính, một doanh nhân thành đạt cần đặt mục tiêu tối thượng trong hoạt động của mình là văn hóa”. Đó mới là sự đóng góp lâu dài cho sự phát triển của xã hội, cộng đồng.

*** Cũng nhằm tôn vinh những tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển, Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân tộc đã phối hợp cùng với một số cơ quan trung ương tổ chức Họp báo Giới thiều Điều lệ và thể lệ bình chọn, trao tặng Cúp vàng “Vì sự phát triển Cộng đồng” lần thứ III và Cúp “Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc” lần thứ I. Cúp vàng “Vì sự phát triển Cộng đồng” trao tặng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong từng lĩnh vực công tác (khoa học, báo chí, nghệ thuật, thể thao, kinh tế, quản lý...). Cúp “Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc” trao tặng các cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực kinh doanh. Hoạt động trao Cúp vừa là sự tôn vinh đối với các doanh nhân, các cá nhân tiêu biểu của cả nước hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, khuyến khích các tổ chức và cá nhân sáng tạo, có nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, vì sự phát triển của cộng đồng, vừa là một biểu hiện tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 4-2008 và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.