TCCS - Ngày 20-12-2024, tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay”.
GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng; PGS, TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Thành ủy Đà Nẵng, cùng hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý của thành phố Đà Nẵng và các địa phương tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, với vị trí địa lý đặc thù và công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với những khó khăn, thách thức từ các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là các mối hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; tình trạng ngập úng đô thị; tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong thanh thiếu niên; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp… Do đó, hội thảo là dịp để đánh giá, tổng kết đồng thời đề ra các phương hướng, giải pháp nhằm ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trên cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, an ninh và phát triển là song đề tác động lẫn nhau, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành bại của mọi quốc gia dân tộc. Trong thời đại ngày nay, lại càng như vậy, vì bản thân cả an ninh và phát triển đều có nội dung mới và phương thức giải quyết khác so với trước. Bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống, quen thuộc, thường liên quan đến sức mạnh cứng, trực tiếp tác động đến chế độ xã hội, chính quyền, cuộc sống người dân... đã xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề an ninh phi truyền thống, không hề có tiền lệ, liên quan đến cả sức mạnh mềm, tồn tại và hoạt động như một tác nhân xuyên quốc gia, tác động rất phức tạp đến an toàn của người dân, cộng đồng, đất nước và cả thế giới. Có thể nêu một số nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống, như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu, tội phạm công nghệ cao, ma túy, dịch bệnh toàn cầu, tấn công mạng, tội phạm sinh học, tội phạm tài chính - tiền tệ, thông tin giả...
Các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống là sản phẩm của thế giới ngày nay, thế giới của nhiều chuyển động mang tính thời đại. Con người vừa thể hiện có năng lực phi thường trong chính phục thiên nhiên, làm chủ khoa học công nghệ; vừa thể hiện hạn chế, thậm chí bất lực trước nhiều hiểm họa, rủi ro, thách thức do chính sự phát triển của xã hội loài người tạo ra. Các nhân tố đe dọa an ninh phi ruyền thống là vấn đề toàn cầu, tồn tại và hoạt động trên phạm vi toàn cầu; bởi vậy, đòi hỏi con người phải tiếp cận và giải quyết chúng trong một hệ sinh thái toàn thế giới, toàn cộng đồng nhân toàn, đồng bộ và toàn diện.
GS, TS Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề: Thứ nhất, nhận diện các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay; thứ hai, kinh nghiệm thế gới và thực trạng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở Việt Nam; thứ ba, nêu ra các giải pháp bảo đảm an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội thảo chia thành 2 phiên, tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Phiên 1, hội thảo đã nghe các ý kiến phát biểu, tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, lãnh đạo về các vấn đề: 1- Một số thách thức an ninh truyền thống tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình mới; 2- Tăng cường ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 3- Ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực tiễn phòng, chống tội phạm công nghệ cao ở thành phố Đà Nẵng... Phiên 2 (thảo luận bàn tròn), các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn một số vấn đề, hợp tác quốc tế, phối hợp hành động toàn cầu để ứng phó an ninh phi truyền thống; hỗ trợ nâng cao năng lực như ứng phó biến đổi khí hậu. Thực hiện phương châm đối ngoại Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế. Việt Nam bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong hợp tác quốc tế, trân trọng sự hỗ trợ của quốc tế cũng như sử dụng một cách minh bạch; bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh mới ở Việt Nam; vai trò của pháp luật trong bảo đảm an ninh phi truyền thống; vai trò quản trị của nhà nước đối với các thách thức từ an ninh phi truyền thốn, năng lực lãnh đạo, quản lý của bộ máy từ địa phương đến trung ương, có kỹ năng dự báo, ứng phó từ sớm từ xa; sức mạnh công nghệ của từng quốc gia tăng cường khả năng dự báo, giám sát. Nhà nước huy động sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sự tham gia của người dân, để người dân hiểu, ứng phó với thách thức, là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng lực quản trị với các vấn đề an ninh phi truyền thống...
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp đến sự phát triển ổn định, bền vững của các cá nhân, cộng đồng, xã hội. Tại Việt Nam, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng đang có những biểu hiện phức tạp, đặc biệt là những vấn đề xuất hiện từ an ninh môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng... Khái quát những vấn đề mà các đại biểu thảo luận, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo đảm an ninh phi truyền thống ở nước ta trong bối cảnh hiện nay, bao gồm:
Thứ nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội để đối phó với an ninh phi truyền thống, trong đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội.
Thứ hai, nâng cao nhận thức cho các cấp, bộ, ngành, lực lượng và toàn xã hội về những biểu hiện mới và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; từ đó định hướng thái độ, hành vi và hành động ứng phó phù hợp.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo cơ chế, hành lang pháp lý có thể kiểm soát, phòng ngừa được mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Thứ tư, chủ động, tích cực ngăn ngừa các nguy cơ, nhất là nguy cơ gây đột biến từ cá thách thức an ninh phi truyền thống.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó kịp thời, hiệu quả với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài tham luận của các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn. Các bài viết là dữ liệu quan trọng để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đánh giá đúng, sát thực tiễn về những thách thức trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, từ đó đề xuất các giải pháp sáng tạo để tăng cường an ninh và ổn định cho sự phát triển của Việt Nam nói chung, của các khu vực, từng địa phương trong cả nước nói riêng./.
Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc tại Brazil  (28/11/2024)
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất cầm quyền tại Nepal tiếp Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản  (27/11/2024)
Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc tại Chile  (24/11/2024)
Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít  (22/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên