Công bằng xã hội trong chính sách bảo trợ xã hội với tăng trưởng kinh tế
Xuất phát từ quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội trong từng bước đi và cả quá trình phát triển, mà phát triển xã hội phải chú trọng tới việc bảo đảm công bằng xã hội. Do vậy, mối quan hệ giữa công bằng xã hội với tăng trưởng kinh tế trong chính sách bảo trợ xã hội là một vấn đề ưu tiên hàng đầu trong việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chính sách của Nhà nước.
1 - Công bằng xã hội với tăng trưởng kinh tế trong chính sách bảo trợ xã hội
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử: kinh tế tăng trưởng với nhịp độ cao và tương đối ổn định, GDP bình quân đầu người đạt 640 USD vào năm 2005. Đời sống của đại đa số nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao, trong đó có cả nhóm người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy vậy, thu nhập và mức sống của nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo vẫn có nguy cơ tụt hậu so với các nhóm dân cư khác, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời sẽ rất dễ trở thành vấn đề xã hội bức xúc.
Quy luật chung của nền kinh tế thị trường là kinh tế tăng trưởng nhanh thì phân hóa giàu nghèo cũng có xu hướng gia tăng, sự chênh lệch này thể hiện ở thu nhập và mức sống của các nhóm dân cư, cao hơn nữa là quyền sở hữu tài sản, bất động sản và tiền vốn. Mặt khác, với quy luật phát triển không đồng đều, trong xã hội luôn tồn tại một bộ phận nghèo tương đối, trong đó có đối tượng bảo trợ xã hội, vì họ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống và phần lớn do hoàn cảnh khách quan đưa đến; ngược lại, một bộ phận dân cư khác do có điều kiện và cơ hội thuận lợi hơn sẽ giàu lên nhanh chóng và làm cho xã hội có sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội. Đây là một xu thế tất yếu.
Kinh tế tăng trưởng, mức sống của đại đa số nhân dân được nâng cao và cải thiện, mức sống tối thiểu cũng từng bước được nâng cao; do vậy chính sách, chế độ bảo trợ xã hội cũng phải trực tiếp góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng bảo trợ xã hội, thể hiện trên 2 khía cạnh:
Thứ nhất, nâng dần mức trợ cấp xã hội, bảo đảm mức sống tối thiểu ngày càng nâng cao cho các đối tượng bảo trợ xã hội, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế và mức sống trung bình của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên việc xác định chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp khác phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của các đối tượng bảo trợ xã hội, song phải tính đến khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, theo mức độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy vậy, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng đột biến các khoản chi tiêu cho bảo đảm xã hội nói chung và chính sách bảo trợ xã hội nói riêng.
Thứ hai, bản thân việc thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội nói riêng và chính sách xã hội nói chung cũng góp phần giữ vững ổn định xã hội tạo cơ hội cho phát triển kinh tế, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Kinh tế muốn phát triển và tăng trưởng phải dựa trên một xã hội ổn định và an toàn. Sự ổn định, an toàn xã hội cho phép các nhà đầu tư yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
Việc từng bước mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội, mở rộng chính sách trợ cấp xã hội, chính sách trợ giúp cần hướng tới tạo cơ hội và năng lực cho đối tượng bảo trợ xã hội tự vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đây là một cách đầu tư có hiệu quả (như chính sách dạy nghề, tạo việc làm...) Khi đối tượng bảo trợ xã hội hòa nhập cuộc sống cộng đồng, bản thân đối tượng cũng tạo ra được thu nhập, đóng góp một phần vào sự tăng trưởng kinh tế, và quan trọng hơn là nó giảm chi ngân sách nhà nước cho các đối tượng bảo trợ xã hội khi họ đã tự lực được trong cuộc sống, và lúc này họ không còn là đối tượng bảo trợ xã hội nữa.
2 - Những vấn đề đặt ra
Thực tế đang cho thấy, trong việc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế trong chính sách bảo trợ xã hội nổi cộm lên những vấn đề sau: độ bao phủ đối tượng bảo trợ xã hội còn thấp; mức độ tác động đến chất lượng cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội còn hạn chế; cơ chế tài chính để thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Điều này có thể thấy rõ qua việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trong thời gian qua. Trong 6 năm qua, từ 2000 đến 2005, số đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội tăng từ 175.355 người lên 416.000 người. Về tỷ lệ so với đối tượng thuộc diện được hưởng tăng từ 36,35% (năm 2000) lên trên 50% (năm 2005). Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, số lượng đối tượng xã hội được hưởng chính sách tăng trên 2 lần, là sự cố gắng hết sức của Chính phủ và các địa phương.
Mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng đã được điều chỉnh 3 lần trong giai đoạn 1994 - 2005: từ số tiền 24 nghìn đồng/tháng, lên 45 nghìn đồng và lên 65 nghìn đồng. Và đến năm 2007, mức trợ cấp được tăng lên 120 nghìn đồng/tháng. Tuy vậy, hạn chế của chính sách trợ giúp xã hội trong thời gian qua cũng bộc lộ một số vấn đề hạn chế chưa bảo đảm công bằng xã hội trong phạm vi chung cả nước và từng vùng miền:
Một là, độ bao phủ đối tượng bảo trợ xã hội tương đối thấp, trước hết, thể hiện ở tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội quá chặt, chính sách quy định những người được trợ giúp là những đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiêu chí đặc biệt khó khăn, ở đây, vô hình trung đã loại bỏ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng ở dưới ngưỡng đặc biệt. Tiếp theo, có nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng chính sách bảo trợ xã hội chưa với tới được vì nhiều lý do khác nhau song chủ yếu vẫn là lý do thiếu nguồn ngân sách để thực hiện. Ví dụ, người già không có lương hưu, không có nguồn thu nhập phải sống phụ thuộc gia đình, con cháu; phụ nữ đơn thân nuôi con; những người có thu nhập thấp không bảo đảm mức sống tối thiểu...
Hai là, mức độ tác động của các chính sách trợ giúp xã hội đến chất lượng cuộc sống của các đối tượng bảo trợ xã hội còn rất hạn chế. Mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho các đối tượng xã hội sống tại cộng đồng chỉ bằng 18% so với tiền lương tối thiểu và cũng bằng khoảng 17% mức sống trung bình của cộng đồng dân cư, nếu so với mức sống tối thiểu (chuẩn nghèo nông thôn) trong giai đoạn hiện nay thì cũng chỉ bằng 32%. Hầu hết đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội lại là những đối tượng sống trong các gia đình nghèo và với một mức trợ cấp xã hội như vậy thì khó có thể bảo đảm cuộc sống ở mức tối thiểu nếu như không có sự cung cấp tài chính của gia đình, cộng đồng và xã hội. Với quan điểm xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội là cần thiết và việc Nhà nước trợ giúp chỉ là một phần, còn phần khác là gia đình, cộng đồng, xã hội song cũng phải tính đến bảo đảm an toàn cuộc sống cho các đối tượng và gia đình của họ ở mức tối thiểu. Các mức trợ giúp khác cũng tương tự, rất thấp, không phù hợp với giá cả thị trường, ngoại trừ chính sách trợ giúp khám chữa bệnh có mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế ngang bằng với các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Ba là, cơ chế tài chính để thực hiện chính sách trợ cấp xã hội và trợ giúp chưa bảo đảm nguồn chi, đặc biệt là các địa phương nghèo, còn nhiều khó khăn về kinh tế. Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh, thành phố đạt chỉ số bao phủ ở mức 80% - 90%, trong khi đó một số tỉnh, thành phố chỉ đạt mức 30% - 40%. Mặt khác, một số địa phương, chủ yếu là cấp huyện, chưa bảo đảm chế độ trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội ở mức tối thiểu do Nhà nước quy định. Nguyên nhân chính là cấp tỉnh, huyện thiếu nguồn tài chính để thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội. Vì theo cơ chế phân cấp quản lý tài chính hiện hành, cấp tỉnh, huyện là cấp chịu trách nhiệm chính trong việc cân đối tài chính cho việc thực hiện chính sách trợ cấp xã hội và thực hiện chính sách trợ giúp. Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách, nguồn kinh phí để thực hiện chính sách bảo trợ xã hội được cân đối chung trong mục bảo đảm xã hội, không tách thành một mục riêng, trong khi các địa phương có quá nhiều nhu cầu chi từ mục bảo đảm xã hội, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn để chi cho chính sách bảo trợ xã hội.
3 - Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công bằng xã hội trong chính sách bảo trợ xã hội
Trong rất nhiều giải pháp, trước mắt tiếp tục thực hiện hiệu quả bốn vấn đề sau:
Thứ nhất, đổi mới cơ chế chính sách theo hướng từng bước bao phủ toàn bộ đối tượng xã hội. Chính sách trợ giúp xã hội là một hợp phần quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Nó tạo nên tấm lưới cuối cùng của hệ thống lưới an toàn để bảo vệ sự an toàn cho mọi thành viên trong xã hội, khi họ rơi vào tình trạng rủi ro. Nếu không có tầng lưới cuối cùng vững chắc này những người bị rủi ro có thể lâm vào tình trạng bần cùng hóa và gây ra bất ổn xã hội. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế chính sách phải hướng đến từng bước bao phủ toàn bộ các đối tượng bảo trợ xã hội. Để thực hiện định hướng này trong giai đoạn tới cần giải quyết tốt hai vấn đề: một là, bổ sung thêm đối tượng trợ cấp xã hội cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: người có thu nhập thấp; phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ...; hai là, rà soát xây dựng lại tiêu chí xác định đối tượng trợ giúp, đối tượng trợ cấp xã hội theo hướng linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn, loại bỏ bớt những điều kiện quá khắt khe mà quan tâm nhiều hơn đến điều kiện cần để thực sự bao phủ hết số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, như tiêu chí xác định người tàn tật nặng, người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.
Thứ hai, nâng dần mức trợ cấp, trợ giúp cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và mức sống trung bình của cộng đồng dân cư để chính sách trợ giúp có sự tác động mạnh đến chất lượng cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo đảm mức trợ cấp xã hội hợp lý. Mức trợ cấp hằng tháng cho đối tượng cần được xác định trên cơ sở mức chi tối thiểu bảo đảm các nhu cầu về vật chất cho đối tượng (nhu cầu lương thực - thực phẩm và phi lương thực - thực phẩm). Việc tính toán mức trợ cấp xã hội phải dựa vào chi phí tối thiểu cần thiết để duy trì cuộc sống cho một người một tháng. Mức này ít nhất cũng phải bằng 60% chuẩn nghèo nông thôn áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010, nhằm bảo đảm mức chi tiêu tối thiểu đủ để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, mức trợ cấp xã hội không phải chỉ cho một loại đối tượng bảo trợ xã hội mà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, do vậy, cần xây dựng một "mức chuẩn" trợ cấp xã hội cho một đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn ít nhất trong số các đối tượng bảo trợ xã hội. Các đối tượng bảo trợ xã hội khác tùy theo mức độ khó khăn hoặc nhu cầu cuộc sống phải chi phí tốn kém hơn sẽ có mức trợ cấp xã hội cao hơn. Phương pháp này sẽ không bình quân hóa sự trợ giúp mà nó bảo đảm tính công bằng xã hội tốt hơn.
Thứ ba, đổi mới cơ chế xác định đối tượng trợ cấp, trợ giúp. Tiến hành tổng rà soát đối tượng bảo trợ xã hội trên phạm vi toàn quốc, lập hồ sơ quản lý đối tượng tại cộng đồng và hằng năm rà soát lại theo nguyên tắc có sự tham gia của người dân, của cộng đồng (bảo đảm đồng thuận của đối tượng bảo trợ xã hội hoặc người bảo trợ cho đối tượng, cộng đồng và chính quyền địa phương). Từ đó mà chọn đúng đối tượng thuộc diện xét trợ cấp, trợ giúp cho phù hợp với tình hình của địa phương, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính để các đối tượng dễ dàng tiếp cận hơn với các chính sách trợ giúp.
* TS, Vụ trưởng Vụ Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Nông nghiệp Việt Nam với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế  (29/05/2007)
Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế  (29/05/2007)
Hoàn thiện chế độ công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức  (24/05/2007)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên