Châu Âu với bài toán nhập cư
Lúng túng trước tình trạng di dân
Hiệp định Sen-ghen (Schengen) quy định khu vực miễn thị thực được áp dụng cho hầu hết các thành viên tham gia “dòng chảy tự do” tại châu Âu đang chịu sức ép lớn. Mới đây cơ quan phụ trách vấn đề biên giới của EU, Cơ quan Bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu - Frontex, đã phải kiểm soát một phần biên giới chung giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi có sự tăng mạnh lượng người di cư bất hợp pháp qua sông Evros. Nhưng dường như Hy Lạp lại có ý phó mặc cho Frontex kiểm soát đường biên. Ở khía cạnh khác, cả Bun-ga-ri và Ru-ma-ni đều đang khăng khăng đòi gia nhập Sen-ghen trong khi cả hai đều chưa thực sự đủ khả năng giải quyết tình huống mà Hy Lạp đang phải đối mặt.
Từ nhiều năm nay, châu Âu cũng đã phải chứng kiến hiện tượng làn sóng di dân từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải để đổ bộ lên một số đảo cực nam của I-ta-li-a, nơi được coi như là điểm tiếp cận gần nhất để thâm nhập vào châu Âu. Thông thường những người vượt biển nhập cư bất hợp pháp vào các đảo miền nam I-ta-li-a phần lớn thuộc các nước Phi châu như Xô-ma-li, Tuy-ni-di, Li-bi, Ni-giê-ri-a, nhưng cũng có khi có những người lặn lội từ các khu vực Trung Đông, hay thậm chí từ Pa-ki-xtan.
Nguyên nhân của hiện tượng di cư này là do đời sống của người dân ở châu Phi còn quá nhiều khó khăn, qua những kênh truyền hình vệ tinh, họ cảm nhận châu Âu như là một “miền đất hứa”, nơi mà dường như cuộc sống tràn ngập hàng hoá tiêu thụ và được hưởng thụ một cách dễ dãi, nơi mà họ tin rằng sẽ có cơ hội để đổi đời. Do đó, có rất nhiều người tìm mọi cách để vượt biển tới đây với hy vọng làm lại cuộc đời. Bên cạnh đó, nó còn có nguyên nhân là do chiến tranh, tình hình chính trị bất ổn, người dân Bắc Phi di dân sang châu Âu với hy vọng tìm được một cuộc sống bình thường không phải chịu cảnh “bom rơi, đạn lạc”.
Sau những biến cố ở Bắc Phi, từ nhiều tuần nay, hiện tượng di dân từ các vùng Bắc Phi vào châu Âu đã “tăng tốc” một cách đáng ngại. Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc, nếu không sớm có một phương hướng giải quyết ổn thỏa thì tình hình sẽ bùng nổ, trước mắt là có thể xẩy ra dịch bệnh. Những người nhập cư bất hợp pháp này chính là những lực lượng lao động sống bên lề xã hội. Họ vừa bị bóc lột một cách dễ dàng, đồng thời, họ cũng chính là đối tượng lý tưởng để các băng đảng ma-phi-a xung vào những hoạt động xã hội đen. Và về lâu về dài, nếu số người này tiếp tục đổ bộ vào châu Âu thì cũng sẽ là một vấn đề lớn đối với các chính phủ châu Âu vốn đang phải đương đầu với những vấn đề kinh tế xã hội nội bộ, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang “hoành hành”.
Theo nhận định của giới phân tích, dù cho khối A Rập có ổn định được tình hình thì cũng không chấm dứt được xu hướng di cư vào châu Âu. Thành phần trung lưu, có học thức vẫn sẽ tìm cơ hội ra nước ngoài và ngày càng có nhu cầu tìm đất để “dụng võ”.
Nguy cơ bất đồng, chia rẽ
Vấn đề nhập cư trái phép luôn làm đau đầu các nhà cầm quyền châu Âu, song, trong bối cảnh hiện tại, nó càng khứa sâu thêm những mâu thuẫn giữa các quốc gia “đầu tàu” của châu lục này. Hiện các quốc gia châu Âu đang bị chia rẽ về cách giải quyết làn sóng di dân ồ ạt rời bỏ khu vực Bắc Phi bất ổn chạy sang I-ta-li-a.
Trên thực tế, rất khó có thể ngăn chặn hàng chục nghìn người chạy trốn bạo lực đẫm máu ở Bắc Phi tràn vào I-ta-li-a, bởi về mặt địa lý, I-ta-li-a là điểm tiếp cận gần nhất với lục địa châu Phi qua bờ Địa Trung Hải. Kể từ khi có Hiệp định Sen-ghen, I-ta-li-a đã trở thành “cửa khẩu” để những người vượt biên có thể nhập cư bất hợp pháp vào các nước châu Âu. Hơn 20.000 di dân đã tới I-ta-li-a qua hòn đảo Lam-pe-du-sa nhỏ bé ở Địa Trung Hải kể từ khi bất ổn chính trị nổ ra ở Tuy-ni-di và Li-bi. I-ta-li-a đang phải đơn độc đối phó với vấn đề này và vì vậy, bất chấp sự phản đối từ Pháp và Đức, ngày 17-4-2011 vừa qua, nhà chức trách I-ta-li-a buộc phải cấp giấy phép định cư trong 6 tháng cho các di dân, cho phép họ tự do đi lại trong 25 quốc gia của châu Âu.
Đáp lại hành động này, các chính phủ châu Âu đã tỏ rõ thái độ, trong đó, Pháp phản ứng mạnh mẽ nhất. Pháp đã tăng cường kiểm soát các đường biên giới tiếp giáp với I-ta-li-a, trong khi Đức và Áo loan báo đang xem xét các biện pháp tương tự. Pháp cho rằng họ đang phải gánh chịu hậu quả từ quyết định cấp thị thực Schengen đối với những người nhập cư của Ý. Ngày 17- 4, Pháp buộc phải dừng một đoàn tàu lữ hành chở những người nhập cư bất hợp pháp “tìm cách lách luật của Hiệp định Schengen” bằng cách đi du lịch từ Ge-noa, Viên và những thành phố lớn khác của nước I-ta-li-a sang nước này. Pháp dự định cũng sẽ cắt giảm khoảng 10% số lượng người nhập cư hợp pháp, tức khoảng 180 nghìn người, nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn. Điều này cũng là dễ hiểu khi đa số người nhập cư đều nhắm đến đích cuối cùng là Pháp - nơi có nhiều thân nhân, bạn bè của họ đã định cư, chứ chẳng có mấy người muốn ở lại I-ta-li-a.
Mâu thuẫn giữa Pháp và I-ta-li-a chủ yếu liên quan đến việc chịu trách nhiệm. I-ta-li-a đã nhiều lần kêu gọi châu Âu phải vào cuộc. Việc Chính quyền Rô-ma cấp giấy tạm trú cho người nhập cư trong 6 tháng cũng chính là biện pháp gây sức ép để các nước khác phải nhanh chóng hợp tác với I-ta-li-a để cùng giải quyết. Ngược lại, lo sợ cái giá phải trả nếu không thắt chặt chính sách nhập cư, Pháp chỉ xem xét cho nhập cảnh đối với những người có khả năng tự nuôi sống mình. Yếu tố chính trị cũng quyết định lập trường của Pháp trong vấn đề nhập cư. Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di đang tỏ ra cứng rắn hơn trong việc xử lý vấn đề người nhập cư là nhằm lôi kéo các cử tri cánh hữu cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Cơ chế tị nạn chung của châu Âu cho rằng những ai xin tị nạn phải xin ở nước đầu tiên họ tới, trước thực tế này, cơ chế này đang có nguy cơ bị phá vỡ. Bất chấp các quy định hiện hành chung về vấn đề tị nạn, các nước châu Âu vẫn thiên về áp dụng theo thực tế của từng nước thay vì áp dụng tiêu chuẩn chung của khối. Chính phủ Hà Lan gần đây thông báo muốn đàm phán lại vấn đề “dòng chảy tự do” này. Họ đề nghị điều chỉnh luật để cho phép các chính phủ trục xuất những công dân có tiền sử tội phạm về nước. Vấn đề là: việc xới lại quy định này sẽ gây nguy cơ cho một loạt nước khác, như Pháp, I-ta-li-a hay Anh cũng đưa ra nhiều đòi hỏi tương tự theo cách của họ. Các nước nghèo hơn như Ba Lan, Hung-ga-ri hay Ru-ma-ni sẽ không bằng lòng với cách giải quyết này, điều này dẫn tới sự chia rẽ giữa Đông Âu và Tây Âu, và có thể giữa Nam Âu và Bắc Âu.
Theo quy định, các công dân EU được tự do sinh sống và làm việc ở các nước thành viên trong khối là nhờ các chính phủ nỗ lực xây dựng một nền tảng chính sách chung: một đường biên giới chung; hợp tác giữa cảnh sát, tòa án và cơ quan kiểm soát nhập cư; một chính sách di cư thống nhất. Tuy nhiên, việc nhiều nước có thái độ ngày càng cứng rắn đối với người nhập cư và sự bất đồng giữa các chính phủ thành viên với EU đang bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống này, đặt các nhà hoạch định chính sách EU đứng trước nhiều thách thức nan giải.
Đi tìm giải pháp?
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ I-ta-li-a Rô-bec-tô Ma-rô-ni kêu gọi thành lập một Quỹ Đoàn kết để giúp các nước phải tiếp nhận người tị nạn, trong đó, có các quốc gia ở Nam Âu như: I-ta-li-a, Hy Lạp, Man-ta… và thống nhất về nguyên tắc chia sẻ gánh nặng. Một số nước Nam Âu như Tây Ban Nha cũng chia sẻ sáng kiến của I-ta-li-a. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tây Ban Nha An-phờ-ri-do Ru-ban-ca-ba cho rằng: Những người tị nạn không đến I-ta-li-a mà đến châu Âu thông qua I-ta-li-a. Do đó, châu Âu phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ cũng nhấn mạnh: châu Âu phải sẵn sàng thể hiện tình đoàn kết với các nước có thể phải đối mặt với những nguy cơ bị người tị nạn tràn ngập.
Các chuyên gia cho rằng, nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề nan giải và các quốc gia cần phải nỗ lực hợp tác để cùng nhau ngăn chặn. Cần phải có một chiến lược di trú rõ ràng và hợp lý. Chống nhập cư bất hợp pháp phải là một phần của chiến lược rộng lớn. Các nước cũng cần cung cấp các kênh thực sự cho người nhập cư hợp pháp và tìm cách khai thác lợi ích của nó, trong khi vẫn bảo vệ quyền con người của người di cư. Thực tế là, nhiều nước EU cũng đã đệ trình cải cách chính sách quan trọng như việc soạn thảo một chính sách tị nạn cho người nước ngoài và xây dựng các tiêu chuẩn nhập cư thông minh hơn dựa trên giáo dục và kỹ năng.
Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng: nếu châu Âu đóng cửa biên giới, làn sóng di dân sẽ lại chuyển hướng sang các kênh khác, các kênh bất hợp pháp và càng không kiểm soát được. Như vậy, quản lý di cư không chỉ là vấn đề mở hay đóng cửa biên giới, không phải là vấn đề quan tâm của cả cộng đồng châu Âu mà đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải nỗ lực hơn để tích hợp những người di cư vào hệ thống kinh tế - xã hội của mình.
Mỗi quốc gia nên tiếp cận vấn đề này tuỳ theo bản sắc văn hoá riêng của mình, không nên quên những đóng góp to lớn của hàng triệu người nhập cư thời gian qua đối với xã hội châu Âu hiện đại. Nhiều người đã trở thành nhà lãnh đạo trong chính phủ, khoa học, học viện, thể thao và nghệ thuật… Những người khác ít nổi tiếng hơn nhưng họ cũng đóng vai trò khá quan trọng tạo ra sản phẩm cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Âu… Việc đóng cửa biên giới sẽ gây tổn hại lâu dài cho triển vọng kinh tế xã hội của EU trong tương lai, châu Âu sẽ trở nên nghèo hơn, yếu hơn. Nếu châu Âu quản lý xuất, nhập cảnh tốt, tương lai sẽ có một châu Âu phong phú hơn, mạnh hơn, trẻ hơn và công bằng hơn.
Nên nhìn nhận việc di cư ở khía cạnh tích cực hơn để cùng chung tay giải quyết vấn đề này:
- Thị trường việc làm châu Âu đang đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trên khắp châu Âu cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao như các kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ thủ công, và các chuyên gia lành nghề khác…
- Không thể phủ nhận được rằng: xã hội châu Âu cần người nhập cư. Người châu Âu sống lâu hơn và có ít con hơn. Nếu không nhập cư, dân số của các nước châu Âu sẽ giảm xuống.
- Châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực, các nền kinh tế sẽ giảm tốc độ tăng trưởng và một xã hội trì trệ hơn sẽ xuất hiện. Ngược lại, các nước nghèo cũng có thể hưởng lợi từ hoạt động di cư, vì hàng năm, họ sẽ nhận được một khoản tiền kiều hối khá lớn do người di cư gửi về.
Các nhà kinh tế dự đoán rằng GDP toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và sẽ có khoảng 1 tỉ việc làm được tạo ra. Để tránh bị bỏ lại phía sau, châu Âu sẽ cần phải nâng cấp lực lượng lao động của mình, để cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế tri thức. Vì vậy các nước châu Âu không thể bỏ bê việc học hành của dân nhập cư, nếu không châu Âu sẽ trở nên nhỏ hơn, nghèo hơn, và bạo lực hơn. Thực tế là tiến trình bùng nổ kinh tế tại Ba Lan và R-ma-ni đã bị chậm lại bởi thiếu trầm trọng lực lượng công nhân lành nghề.
Để ngăn chặn tận gốc rễ của nạn nhập cư trái phép, cần phải thấy được căn nguyên sâu xa của nó. Làn sóng di cư từ các nước kém phát triển sang các nước công nghiệp phát triển có nguyên nhân sâu xa do những thất bại trong chính sách kinh tế thị trường của IMF và G7. Hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay nằm dưới sự kiểm soát độc quyền của các quốc gia giàu có, càng làm cho khoảng cách giàu nghèo doãng rộng ra. Nếu không có triển vọng thoát nghèo cho các nước phía Nam, sẽ ngày càng có nhiều người phải quyết định di chuyển về phía Bắc. Và nếu không nhanh chóng ổn định lại tình hình chính trị - xã hội tại các nước Bắc Phi hiện nay, hệ quả của vấn đề này sẽ còn phức tạp hơn nhiều.
Nên coi những người nhập cư là một phần của giải pháp, chứ không phải một phần của vấn đề. Xuất phát từ đó, các quốc gia châu Âu mới có thể chung tay giải quyết được thách thức này và bài toán nhập cư mới hy vọng tìm ra đáp số./.
Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII  (09/05/2011)
Đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước  (09/05/2011)
Xây dựng Cần Thơ thành thành phố cấp quốc gia, văn minh, hiện đại  (09/05/2011)
Tiếp tục hoàn thiện và phối hợp đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát  (09/05/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay