Tập trung cao nhất hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là giải pháp chủ đạo trong quá trình cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nghị quyết số 12-NQ/TW xác định nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn. Nghị quyết cũng yêu cầu phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng cơ chế thị trường trong thực hiện lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,…) trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, vừa quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tập trung thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo điều hành đến kết quả thực hiện. Trong năm 2017, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều nhưng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đều có quy mô vốn lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp làm ăn có lãi đã tăng lên nhiều, trong đó trên 80% số doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi.
Năm 2017, đã có 45 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 213.747 tỷ đồng, gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 88.390 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016. Tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 93.888 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 42.007 tỷ đồng (chiếm 44,7%), bán cho nhà đầu tư chiến lược 36.346 tỷ đồng (38,7%), bán cho người lao động 354 tỷ đồng (0,37%), bán cho tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng (0,02%). Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 15.159 tỷ đồng, chiếm 16,14% tổng vốn điều lệ. Trong năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 8 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2018. Riêng với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại Habeco, Sabeco, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của Sabeco qua Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phần. Nhà nước thu về khoảng 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.
Đối với các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, năm 2017 các đơn vị đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm và thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm.
Cũng trong năm 2017, tại các doanh nghiệp thuộc SCIC quản lý, trong năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái vốn của Vinamilk trong năm 2016 với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng và thoái trong năm 2017 với giá trị sổ sách là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).
Nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2018
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 991/TTg-ĐMDN, xác định năm 2018 sẽ có 64 doanh nghiệp cổ phần hóa, trong đó có một số tổng công ty có giá trị vốn rất lớn như: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1, 2; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội... Đây là một kế hoạch rất nặng nề, bên cạnh đó, số lượng tồn, chưa thoái vốn, cổ phần hóa từ kế hoạch được phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2016 và năm 2017 chuyển sang còn nhiều. Số lượng doanh nghiệp buộc phải chuyển sang thực hiện cổ phần hóa năm 2018 khoảng 25 doanh nghiệp. Như vậy, tổng cộng sẽ có gần 90 doanh nghiệp trong nhiệm vụ cổ phần hóa năm 2018.
Về thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, nghĩa là mỗi tháng phải thoái vốn tại hơn 15 doanh nghiệp, chưa kể số lượng doanh nghiệp thoái vốn tại SCIC. Lượng vốn nhà nước được bán ra thị trường rất lớn. Số doanh nghiệp thoái vốn theo kế hoạch năm 2017 buộc phải chuyển sang năm 2018 còn nhiều. Các doanh nghiệp thoái vốn có số vốn nhà nước lớn, tỷ lệ bán khá cao như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 24,86%; Tổng công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam 46,75%; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - Công ty CP 63,54%. Như vậy, khối lượng cổ phần hóa và thoái vốn sẽ tạo sức ép rất lớn về cung trong năm 2018.
Tập trung cao nhất hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Để thực hiện tốt mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và Đề án mà Chính phủ đã phê duyệt. Tích cực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được phê duyệt (bao gồm cả kế hoạch năm 2017 chuyển sang chưa làm xong); kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh.
Cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp nhà nước về tổ chức, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề, nhân sự, tinh thần là tinh giản biên chế sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các thiết chế hiện có để hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm. Kết luận cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Để hoàn thành cao nhất kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 đã đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nghiêm túc, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ đạo Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 14-02-2018.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổ chức các đoàn công tác thường xuyên, trực tiếp đôn đốc tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội nghị chuyên đề về đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15-6-2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổng hợp, rà soát danh sách các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, chỉ rõ lý do, đề xuất hướng xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-9-2018.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; chỉ đạo Tổng cục Thống kê khẩn trương hoàn thiện và công bố Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp vào Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2018).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thống nhất việc đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đấu giá mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và khi thoái vốn.
UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn theo đúng quy định.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp hoàn thiện Danh mục điều chỉnh các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 để đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo trên cơ sở tổng hợp từ các chỉ đạo, quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho Hội nghị chuyên đề về đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ chủ trì trong thời gian tới.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018; thực hiện bán cổ phần lần đầu đối với các doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có cổ đông chiến lược thì lên kế hoạch, triển khai kịp thời để bán cho cổ đông chiến lược theo đúng thời hạn quy định./.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới trong quá trình hội nhập  (10/08/2018)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân  (09/08/2018)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản  (09/08/2018)
Giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài  (09/08/2018)
Trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ nhiệm kỳ 2018 - 2021  (09/08/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay