Triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh

TS NHỊ LÊ
Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
07:16, ngày 30-09-2023

Văn hóa làm nên nền chính trị Việt Nam. Đó là Quốc chính Việt Nam. Văn hóa làm nên niềm tin. Đó là Quốc tín Việt Nam,… Không có những nhân tố đó thì không có Quốc thể Việt Nam. Một quốc gia mà không có quốc chính, không có quốc tín thì khó có thể có Quốc thể một cách ngang tầm và xứng đáng. Đó chính là văn hóa vậy và xét cho cùng lại không thể là gì khác, ngoài văn hóa.

Càng tiến vào thế kỷ XXI, khi lịch sử phát triển của thế giới là lịch sử ngắn hạn, kinh nghiệm thành công của các nước phát triển càng chỉ rõ và khẳng định, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển bền vững, không thể đi bằng một “đôi chân” khập khiễng, mà suy cho cùng, chỉ bằng văn hóa hoặc bằng kinh tế, dù xét theo nghĩa rộng nhất hay hẹp nhất của những vấn đề này. Không thể nói tới sự phát triển cân bằng, bền vững nếu chỉ khi đạt được sự thành công về văn hóa (dù một cách độc lập hay giữ vị thế đi tiên phong xã hội) hoặc chỉ khi kinh tế tăng trưởng ngoạn mục (dù mang tính quyết định hay cơ bản và quan trọng tới đâu); và ngược lại.       

Lịch sử phát triển của thế giới (và đất nước hiện nay) là lịch sử của sự phát triển ngắn hạn, nhất là về kinh tế. Một ngày kinh tế có thể thăng tiến bằng cả mười năm, thậm chí cả trăm năm, với tốc độ vũ bão. Người ta có thể đạt được sự tăng trưởng, thậm chí nhảy vọt về kinh tế, chỉ trong vài chục năm. Nhưng, để có một nền văn hóa lại đòi hỏi nhiều trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Một dân tộc sẽ không thể gọi là dân tộc hoàn thiện, khi không có văn hóa dân tộc, dù kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng kinh ngạc nhất thời nào đó. Kinh nghiệm lịch sử của những quốc gia hoạch phát, hoạch tàn về kinh tế và xã hội đều cho thấy, họ thường thiếu một triết lý văn hóa về phát triển, cụ thể hơn là một nền văn hóa của sự phát triển bền vững.      

Trước bối cảnh mới, thực tiễn mấy chục năm qua và đặc biệt 37 năm đổi mới càng cho thấy, trong quá trình phát triển, phải bảo đảm sự cân bằng và hài hòa một cách toàn diện giữa các phương diện phát triển chính trị - kinh tế - văn hóa và xã hội, chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta cần một triết lý phát triển Việt Nam. Tất cả công việc đổi mới, sáng tạo, chúng ta phải nhằm tới kiến tạo triết lý văn hóa của sự phát triển bền vững Việt Nam. Nghĩa là, chúng ta phải vươn tới xác lập một nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, với nền tảng là bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại - và xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số - và môi trường sinh thái phát triển hài hòa, bảo đảm sự ổn định toàn vẹn nền chính trị đất nước trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, trong thời đại ngày nay.        

 Quảng Ninh không nằm ngoài xu thế tất yếu đó. 

I - Vấn đề văn hóa và con người Quảng Ninh với sự phát triển mạnh mẽ, bền vững, nhân văn trong xu thế đổi mới và thời đại       

Không đâu ở nước ta, mang nét độc nhất vô nhị về địa tự nhiên, địa chính trị, địa văn hóa, địa xã hội như Quảng Ninh.

Có thể khái lược: 1- Giữ vị trí trọng yếu ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc; 2- Kỳ quan Hạ Long 02 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới kết nối với những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Lan Hạ; 3- Trữ lượng than với chất lượng tốt nhất, trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á; là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; 4-   Di sản nhà Trần với các giá trị nhân văn về phật pháp, tâm linh, quyết tâm dựng nước, giữ nước trải dài từ non thiêng Yên Tử (Uông Bí) - nơi duy nhất có nhà vua từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại thiền phái mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng đạo pháp với dân tộc và đại đoàn kết các tôn giáo - đến Ngọa Vân (Đông Triều), Bạch Đằng Giang (Quảng Yên), Cửa Ông (Cẩm Phả); 5- Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa của nền văn minh sông Hồng. Đó là những tiềm năng, lợi thế, cơ hội để Quảng Ninh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch nhanh, bền vững.

Quảng Ninh đang đối mặt các mâu thuẫn, thách thức để lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển: Một là, tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã, song có trên 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) là miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng bào 42 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới khó khăn nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Gần 50% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi nhưng chỉ đóng góp 5,1% GRDP. Khoảng cách giữa 20% người giàu nhất với 20% người nghèo nhất trong tỉnh chênh lệch trên 8 lần.  Hai là, mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được phát huy với các thể chế, cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp với tình hình mới; giữa yêu cầu phát triển với các nguồn lực có hạn cả về con người và vật chất; giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa tốc độ phát triển và chất lượng tăng trưởng.  Ba là, thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và biến đổi khí hậu; giữa vừa phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa phải chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở địa bàn tiền tiêu của Tổ quốc.

 Có thể khái lược, địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa ngoại giao và địa quân sự mà linh hồn là văn hóa biển - văn hóa rừng - văn hóa mỏ - văn hóa tâm linh - văn hóa đa sắc tộc - văn hóa giữ nước - văn hóa ngoại giao kết tinh và hội tụ làm nên một nền văn hóa Quảng Ninh mở, cầu thị, tiếp biến, thích ứng và thống nhất đa sắc thái và độc đáo trở thành cái nôi làm nên tư chất, tầm nhìn, vị thế và sức mạnh con người Quảng Ninh xưa nay luôn mềm dẻo, tinh tế, hài hòa, khảng khái, khoan dung và hòa mục.

Đó là những nhân tố làm nên vị thế, lợi thế, sức mạnh Quảng Ninh mà sâu hơn là tiền đề kiến tạo và phát triển văn hóa chính trị, văn hóa dân tộc, trực tiếp là văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa trong chính văn hóa… xây dựng triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh.              

 II- Quảng Ninh cất cánh từ đâu trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của đất nước?   

 Quảng Ninh cùng cả nước chuyển công cuộc đổi mới từ toàn diện sang toàn diện đồng bộ, đó là bước chuyển hết sức tự nhiên, hợp quy luật và thực sự chín muồi. Từ đối nội tới đối ngoại, càng cho thấy văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là gương mặt và tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc, là tấm “căn cước” của đất nước trong hội nhập toàn cầu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, bỏ quên văn hóa là đánh mất lớn, lãng quên văn hóa là sự thất bại khó có thể cứu vãn được trong ít chục năm, thậm chí hàng trăm năm.

Nghiền ngẫm, thâu thái tất cả những kinh nghiệm từ thực tiễn mấy chục năm qua cho thấy, vấn đề văn hóa không thể đứng hàng thứ hai so với phát triển kinh tế hay xã hội; càng không thể và không được phép coi nhẹ, lãng quên văn hóa trong phát triển. Vì, đây chính là điều căn bản bảo đảm không chỉ phát triển một cách toàn diện mà đặt nền móng để có thể phát triển nhanh và đặc biệt có thể đi dài một cách bền vững và nhân văn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá chiến lược và dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này. Do đó, càng rõ ràng, kiên định quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, những năm qua Quảng Ninh kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.   

Trong rất nhiều phương diện làm nên thành tựu Quảng Ninh 37 năm qua, nhất là 15 năm nay, nhân tố tiên quyết và nổi bật:

Trước hết, phát triển văn hóa trong chính trị hay văn hóa chính trị Quảng Ninh.

Quá trình hoạch định các chính sách (vĩ mô và vi mô) phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế luôn được tính toán tổng thể không chỉ căn cứ vào mục tiêu với mức độ thành công mà đồng thời luôn tính đến phương thức thực thi và các hệ quả của chúng.

Việc phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế, luôn được xem là một quá trình có tính chính trị văn hóa trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ hay văn hóa đơn thuần, cục bộ, để tránh quy luật “kinh tế vì kinh tế”, “tiền vì tiền”, “vì kinh tế, bất chấp đạo lý”, “vì lợi nhuận, chà đạp tất cả”; hay văn hóa chỉ là “cái đuôi của kinh tế”, “ăn theo kinh tế”, hay là thứ “văn hóa vay mượn”, “văn hóa nhập khẩu”, “văn hóa lai căng”,…

Phát triển văn hóa, xã hội và con người hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính chủ động của Quảng Ninh trong dự báo và giải quyết hài hòa các mối quan hệ lớn: giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, giữa phát triển nhanh với nỗ lực bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữa gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa… Đây chính là đột phá so sánh tuyệt đối giữa Quảng Ninh, trên phương diện này, với bất kỳ tỉnh, thành phố nào khác.          

Với quan điểm chỉ đạo đó, nhằm chế ngự và xử lý hiệu quả những mặt trái của nền kinh tế thị trường, đưa văn hóa thấm sâu vào các hoạt động kinh tế, làm cho sự phát triển văn hóa đồng bộ và tương xứng với phát triển kinh tế, phát triển xã hội, và đến lượt nó, sự tiến bộ chính trị... đã làm cho nền kinh tế Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, các cơ hội phát triển không ngừng được mở rộng không chỉ cho mọi thành phần kinh tế mà cho mọi tầng lớp dân cư, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt; sự phát triển của kinh tế hướng vào sự phục vụ phát triển con người, bảo đảm tiến bộ xã hội tốt hơn, luôn đứng trong top 10 của cả nước trong 10 năm liền gần đây.   

Đó là nền móng làm nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận toàn dân đối với công cuộc đổi mới ngày càng cao; là động lực phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân ngày càng mạnh mẽ; tôn vinh những giá trị và đặc sắc văn hóa của cộng đồng 23 dân tộc anh em và ngày càng phát triển, góp phần làm phong phú và sâu sắc nền văn hóa Quảng Ninh thống nhất trong đa dạng; khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín Quảng Ninh trong nước; qua đây, văn hóa, con người và xã hội Quảng Ninh ngày càng tỏa rộng.

 Thực tiễn đã và đang chứng minh, trước yêu cầu phát triển cấp thiết từ những năm 90 của thế kỷ XX, Quảng Ninh không thể không thay đổi, bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn, quyết định chính trị và tổ chức hành động phát triển. Nghĩa là, bắt đầu từ văn hóa để đổi mới tư duy, tầm nhìn, lựa chọn phương thức và giải pháp giải quyết tổng thể; lấy văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị làm quyết sách đột phá chiến lược và đồng thời lấy văn hóa cộng đồng làm nền móng và lòng tin của nhân dân động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội…

Nói khái lược, Quảng Ninh đổi mới về tầm nhìn và định vị phát triển.

Và, chính đây là một trong các khâu đột phá phát triển của Quảng Ninh.

Thứ hai, văn hóa trong kinh tế làm nên sự tăng trưởng kinh tế thấm đẫm văn hóa, vì hạnh phúc của nhân dân.  

Từ thực tiễn, văn hóa ngày càng là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển kinh tế, ngày càng trở thành nền tảng tinh thần - xã hội; đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế trở thành tiền đề vật chất quan trọng, một điều kiện cơ bản để văn hóa phát triển với xu hướng ngày càng thống nhất và hiệu quả; và văn hóa có sức đề kháng, trước sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, phù hợp với yêu cầu phát triển của Quảng Ninh.

Nói một cách hình ảnh, mọi quyết sách kinh tế luôn được xem xét trước hết là một quyết sách có tính văn hóa, chính trị và xã hội, trước khi là một quyết sách kinh tế đơn thuần; và đến lượt văn hóa cũng vậy, mỗi quyết sách phải thấm đẫm tính chính trị và tính kinh tế.

Đó chính là lựa chọn của Quảng Ninh. Điều cần khẳng định là, một môi trường văn hóa - chính trị - xã hội ổn định được xây dựng toàn vẹn để Quảng Ninh phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; đồng thời, đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế một cách thực sự thấm đẫm văn hóa đã tạo những tiền đề chăm sóc và phát triển sự nghiệp văn hóa, giải quyết những vấn đề xã hội một cách chủ động, cụ thể, thiết thực và hiệu quả bằng chính sức mạnh kinh tế, cổ vũ văn hóa phát triển.

Vì thế, dù các năm 2020, 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, theo đó, Quảng Ninh vẫn hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; vừa bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021); khẳng định vị thế, uy tín, vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. 

Đây là nhân tố có ý nghĩa tiên quyết đối với sự phát triển chủ động, toàn diện và hiệu quả.

Thứ ba, trung tâm của mọi sự phát triển kinh tế hay văn hóa là con người

Thực tiễn 37 năm đổi mới càng cho thấy con người luôn là trung tâm của mọi sự phát triển và tất cả mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, chứ không phải ngược lại. Đây chính là tư tưởng phát triển kinh tế, phát triển văn hóa và phát triển xã hội Quảng Ninh. Có thể nói gọn: Suy cho cùng, chính trị hướng tới phụng sự con người, kinh tế phải vì con người, văn hóa chính là con người, cho nên con người vừa là chủ thể vừa là trung tâm vừa là mục tiêu của mọi sự phát triển. Đó có thể nói là một bước tiến lớn không chỉ ở mặt nhận thức lý luận mà còn ở việc tổ chức thực tiễn ở Quảng Ninh gần 40 năm đổi mới vừa qua.

Trong bối cảnh và điều kiện mới, xuất phát từ yêu cầu thực tế, Quảng Ninh chủ động đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo hoạch định chính sách phát triển đúng đắn theo hướng thiết thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết... quán xuyến toàn bộ, tổng thể và cụ thể trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ động, phối hợp sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, văn hóa trở thành thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Chủ động rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn; mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ, tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa gắn với “Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... góp phần thực hiện tiêu chí nâng cấp đô thị, nông thôn thông minh, phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, văn minh, giàu bản sắc thích ứng với biến đổi khí hậu.    

Mặt khác, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trường hai con số làm nền móng phát triển cao và hài hòa, bảo đảm chủ động và hiệu quả. Tập trung chỉ đạo xây dựng khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột, bù đắp cho du lịch, dịch vụ, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng.  Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là nghề nuôi biển bền vững theo quy hoạch. Liên kết với thành phố Hải Phòng phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa.  

Từ thực tiễn, bước đầu có thể khái lược một số vấn đề nổi bật xung quanh văn hóa trong chính trị kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Thứ nhất, về tư duy và tầm nhìn, chuẩn bị điều kiện tiên quyết để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng; xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, các phương án khoa học, phù hợp.

Thứ hai, về động lực phát triển, càng trong khó khăn, thử thách thì càng phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tinh thần tự lực, tự cường, “Kỷ luật - Đồng tâm”, giữ vững, phát huy lòng tin của nhân dân và nhân lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; sự tích cực, chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác và tự mãn.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước và xử lý tình huống của các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở; chuyển nhanh từ nhận thức đến hành động trong chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với mọi tình huống, không để bất ngờ trên các lĩnh vực, nhằm giữ vững sự ổn định để phát triển. 

Thứ tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền và các cơ quan quản lý các cấp; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trong giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở vị thế then chốt; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đánh giá, rà soát tiến độ công việc bảo đảm chất lượng; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, đơn vị gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, cá thể hóa trách nhiệm và định lượng hóa hiệu quả công việc.

Từ thực tiễn đổi mới và phát triển Quảng Ninh, các nhân tố Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc chính là  động lực của sự  phát triển vừa qua nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc” do Đại hội thứ XV của Đảng bộ tỉnh xác quyết.

 Tổng hòa lại, văn hóa và con người đã và đang là khâu đột phá trước nhất bảo đảm phát triển chủ động và mạnh mẽ của Quảng Ninh.

III - Tiên lượng những thách thức lớn về phát triển văn hóa và con người, xây dựng và phát triển triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn 

Chưa bao giờ như hiện nay, văn hóa đó là tầm nhìn, là tư duy, là quyết sách chính trị, là giá trị tinh thần của xã hội, chứ không phải là văn hóa đơn thuần, giản đơn như không ít cách hiểu. Tất cả những quyết sách về kinh tế hay chính trị, nếu không xem chúng dưới góc độ văn hóa, nói sâu hơn, bắt đầu khởi nguồn từ hạt nhân văn hóa thì rốt cuộc chỉ là giải quyết những vấn đề kinh tế đơn thuần, những vấn đề chính trị thiển cận và hời hợt, và chắc chắn sẽ thất bại. Cho nên, vấn đề văn hóa phải là vấn đề được đặt lên trước hết, xuyên thấm trong toàn bộ việc xây dựng những quyết sách chính trị hay kinh tế. Đó là tư duy, đó là tầm nhìn, đó là những giá trị tinh thần mà kinh tế - xã hội chính là sự kết tinh và thể hiện ở mức độ này hay tính chất kia.

Thực tiễn Quảng Ninh gợi cho người viết bài này một vấn đề hết sức quan trọng về phương pháp luận: Cùng một đường lối chung, nhưng được thực hiện ở Hà Nội sẽ khác với Thành phố Hồ Chí Minh, càng khác với các tỉnh khác và đặc biệt là ở các vùng miền cũng như vậy. Cho nên sự thống nhất trong phát triển đa dạng về văn hóa và con người cũng là một nhân tố chi phối, thậm chí quyết định sự thành công của các quyết sách chính trị hay kinh tế.

Từ thực tiễn Quảng Ninh, cần nhấn mạnh, mọi quyết sách nếu không bắt đầu từ văn hóa, từ con người và không cuối cùng không vì văn hóa, vì con người thì chắc chắn nhất định thất bại. Xin được nhấn mạnh, nếu trái thế, đó chính là tầm nhìn thiếu văn hóa, là cách hạ thấp văn hóa và khi đó chắc chắn thất bại, ngay từ trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội với vai trò trung tâm là phát triển con người; và, càng không thể nói tới văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực của phát triển xã hội và con người, càng không thể kiến tạo sự phát triển chiến lược mạnh mẽ, bền vững và nhân văn cho hiện tại và tương lai.

Hiện nay và sắp tới, dù muốn hay không, Quảng Ninh tiếp tục giải quyết hiệu quả tối thiểu 9 mối quan hệ nổi bật trên lộ trình xác lập nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững trong tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ, bền vững và nhân văn nhằm nâng cao vị thế chính trị, sức mạnh và uy tín Quảng Ninh trong tầm nhìn 2030, trước mắt tới 2025:

1- Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa;

2- Văn hóa chính trị với văn hóa kinh tế và văn hóa xã hội;

3- Sự gia tăng dân số và môi trường sinh thái biến động với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế và phát triển con người;

4- Giáo dục với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế;

5- Cơ chế thị trường với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội;

6- Truyền thống và hiện đại, bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, rường cột là con người;

7- Sự thống nhất và mâu thuẫn giữa trước mắt và lâu dài trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, chăm lo phát triển toàn diện con người;

8- Quốc nạn tham nhũng với sự phát triển văn hóa, phát triển kinh tế, phát triển xã hội, với trung tâm của mọi sự phát triển là con người;

9- Độc lập về kinh tế và văn hóa với chủ động đại diện hội nhập quốc tế nhằm phát triển văn hóa, với chủ thể và động lực là con người.

Từ thực tiễn đổi mới, kinh nghiệm luôn cho thấy rằng, một quyết sách chính trị không đặt trên nền móng văn hóa, mang tính chất văn hóa, chắc chắn đó chỉ là một quyết sách chính trị hay kinh tế một cách cô độc, phi nhân văn; cũng như trên địa hạt kiến tạo quyết sách phát triển kinh tế, hậu họa như nhau mà thôi, nếu cũng như vậy, chắc chắn sẽ rơi vào vũng bùn của “cá lớn nuốt cá bé”, kinh tế vị kinh tế, tiền vị tiền vô nhân đạo. Từ đây, tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Vì lẽ đó, trong tầm nhìn tới năm 2030, trước mắt tới năm 2025, phải chăng, về tầm nhìn hoạch định chính trị, về xây dựng Bộ Tiêu chí người Quảng Ninh, về xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; về phát triển du lịch cộng đồng bền vững, về bảo tồn…, là những công việc căn bản?

 Trước hết, phát triển văn hóa chính trị nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm khắc và nhân văn cán bộ, đảng viên suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tập trung đổi mới đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.  Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, thực sự “của Dân, do Dân, vì Dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Dành tỷ lệ thỏa đáng (kể cả công chức cấp xã) để thu hút cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để tạo nguồn cơ bản và lâu dài.    

Lấy lợi ích cộng đồng thống nhất với lợi ích cá nhân làm động lực phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.  Bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo thuận lợi và bảo vệ nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý về công tác cán bộ. Thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đối thoại, lắng nghe tâm tư, thấu cảm và kịp thời giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh theo đúng quy định, với phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng”.

Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, uy tín và kết quả công tác, ở mỗi cương vị bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp, gần Dân, trọng Dân, vì Dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm và đo lường kết quả, hiệu quả.   

Thứ hai, đẩy mạnh quy mô và tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh mạnh mẽ và nhân văn của nền kinh tế.

Kinh tế là thể hiện trực tiếp của văn hóa, hay nói cách khác văn hóa là tầng sâu thực thể của sự phát triển kinh tế, là cái không thể định lượng thuần túy và đó chính là cội nguồn, là căn bản để phát triển. Đó chính là đường lối phát triển kinh tế, chính là văn hóa. Nói một cách rộng lớn, văn hóa chính là con người. Phát triển văn hóa chính là phát triển con người. Nếu không có sự phát triển con người sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào như mong muốn. Nhìn sâu hơn, có thể nói một luận đề rằng, người ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, thậm chí trở thành một cường quốc kinh tế chỉ trong dăm chục năm, nhưng để có một nền văn hóa, trở thành một cường quốc văn hóa, đòi hỏi người ta phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, trước hết là con người.       

Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khóang, trọng tâm là ngành than định hướng đến năm 2030. Phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu với những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, có lợi thế cạnh tranh. Hướng mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là tiềm năng điện gió rất to lớn trên đất liền và ngoài khơi, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại để ngày càng giữ vai trò chủ đạo. Bảo đảm an toàn cho các cơ sở dịch vụ du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; cơ cấu lại và phát triển các ngành dịch vụ, liên kết vùng và hợp tác quốc tế đồng bộ, hiện đại; phát triển một số ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh cao như: dịch vụ du lịch; dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức; dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo...    

Phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh. Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nguồn lực ở cả 3 cấp ngân sách và nguồn lực xã hội; đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, có tác động lan tỏa, tạo đòn bẩy như: giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã, thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sinh hoạt... Cơ cấu lại, phát triển toàn diện, bền vững cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, tạo đột phá về quy mô, năng suất, hiệu quả bền vững. Thu hút doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; nâng cao năng lực hệ thống logistics, bảo quản đạt tiêu chuẩn; hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữ gìn cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống của nông thôn.  

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị bền vững, lấy đô thị làm động lực phát triển dẫn dắt phát triển nông thôn; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp.

Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. Kiên trì phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP), để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng năng lượng, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng văn hóa, xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng y tế, giáo dục và hạ tầng khác phù hợp với khả năng cân đối ở từng cấp ngân sách. 

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; quan tâm cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số, người đang công tác ở vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo. Đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy và học, nếu dịch bệnh còn có thể kéo dài nhưng duy trì học trực tiếp. Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền. 

 Xây dựng, triển khai Đề án tổng thể phát triển nhà ở định hướng đến năm 2030. Đây là đòn bẩy quan trọng, giải pháp then chốt để thu hút lao động chất lượng cao gắn với giải quyết tăng quy mô và chất lượng dân số. Mở cơ chế, chính sách phù hợp thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, giao thông, sản xuất, quản lý, đô thị thông minh; thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp số…

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.        

Đây chính là sự phát triển kinh tế một cách hài hòa với văn hóa, phát triển kinh tế thị trường nhưng mục tiêu của kinh tế không chỉ có tăng trưởng về kinh tế mà đồng thời cũng là phát triển về văn hóa, đó là sự phát triển của văn hóa trong kinh tế. Bất cứ ở nơi đâu hay phương diện nào nếu chỉ coi trọng một cách đơn thuần kinh tế vị kinh tế, cốt chiếm lấy lợi nhuận một cách đơn thuần, thì chắc chắn sẽ vấp ngã. Nơi nào chỉ thuần túy chạy theo kinh tế, bất chấp văn hóa để đổi lấy kinh tế thì nơi đó sẽ thất bại, hủy hoại môi trường, đạo đức xuống cấp…

Không còn nghi ngờ, đó chính là sự thất bại lớn nhất về văn hóa, cũng là sự thất bại lớn nhất về kinh tế. Về mặt xã hội càng thấy rõ nơi nào chỉ chạy theo kinh tế mà quên vấn đề xã hội nơi đó sẽ gặp vô cùng khó khăn. Kinh tế vị kinh tế sẽ dẫn tới chỗ lợi nhuận vị lợi nhuận, tiền vị tiền, “cá lớn nuốt cá bé” lập tức xuất hiện. Và nhất định sẽ rơi vào tình trạng khập khiễng, bấp bênh, thậm chí thất bại. Và, dù phương diện nào cũng vậy, chính trị mà không có văn hóa thì không còn là một nền chính trị nhân văn nữa và quyết không phải là nền chính trị hay nền kinh tế… mà chúng ta lựa chọn và phát triển.

Cho nên, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Nghĩa là, văn hóa xuyên thấm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội và chính vì như thế, văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của toàn bộ công cuộc kiến thiết Quảng Ninh. Chính đó là sự đặt văn hóa không thể đứng hàng thứ hai so với kinh tế, chính trị - một đảm bảo cho sự phát triển nhân văn, mạnh mẽ và bền vững.

Và, đồng thời, ngay trong phát triển văn hóa, thực tiễn đòi hỏi, bảo đảm hài hòa, cân đối và ngang tầm giữa các phương diện trong lĩnh vực phát triển văn hóa là điều rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị và xã hội, nếu không nói là có ý nghĩa thành bại. Đó chính là hạt nhân văn hóa trong sự phát triển của chính các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường; và đến lượt nó, của chính văn hóa vậy. 

Kinh nghiệm lớn ở đây là, càng tôn trọng sự phát triển một cách độc lập tự do bao nhiêu vì mục tiêu bảo vệ và phát triển lợi ích cộng đồng thống nhất thì chừng đó càng đạt được sự phát triển chung một cách mạnh mẽ, bền vững và nhân văn bấy nhiêu. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng và phát triển Hệ giá trị con người Quảng Ninh cần giữ vị trí trung tâm trong chỉnh thể xây dựng và phát triển môi trường văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa và con người văn hóa, ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và mỗi cộng đồng.

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thực hiện khâu đột phá xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân và nhân dân vùng Mỏ với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch các vùng miền. Mở cơ chế để văn hóa đồng hành với phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, biển và hải đảo; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi.

Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, trợ giúp xã hội; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; chăm lo đối tượng yếu thế, hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo; bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo (nhất là nhà, đất liên quan đến tôn giáo) và những bức xúc xã hội. Đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” như “chúng chí thành thành”.

Phát triển môi trường văn hóa cộng đồng và xã hội văn hóa đồng bộ với phát triển văn hóa bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái bảo đảm sự cân bằng và bền vững trong lộ trình phát triển nhân văn.

Phải chăng để khẳng định vị thế, tư chất và phát huy sức mạnh con người Quảng Ninh cần tiếp tục khẳng định và phát triển Hệ giá trị bao hàm 8 nhân tố, với 16 chữ là rường cột và linh hồn của Văn hóa phát triển Quảng Ninh: Cầu thị - Mềm dẻo - Tinh tế - Hài hòa - Khẳng khái - Khoan dung - Danh dự - Hòa mục?

 Có thể khái lược 5 nhân tố, gồm 10 chữ: Viễn kiến - Tiếp biến - Bản sắc - Dung hợp và Phát triển, vì sự hùng cường và Nhân dân hạnh phúc là triết lý văn hóa phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh từ hiện tại hướng tới tương lai trong tầm nhìn năm 2045, trước mắt năm 2030: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của cả nước và là thành phố trực thuộc Trung ương./.