Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh
Nằm ở phía đông bắc của Tổ quốc, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên mang nhiều nét đặc thù. Những giá trị khác biệt này vừa là nguồn lực song cũng vừa là thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Ninh.
Sự đa dạng về văn hóa ở Quảng Ninh
Quảng Ninh hiện có dân số hơn 1,4 triệu người, với 22 dân tộc anh em. Quảng Ninh có 64,4% dân số sống tại khu vực đô thị, là một trong số các địa phương có mức độ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Quảng Ninh là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời. Trên địa bàn tỉnh hiện có 637 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, gồm 06 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 88 di tích cấp tỉnh và 485 di tích đã được kiểm kê, phân loại. Tỉnh hiện có 362 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có khoảng 80 địa điểm khảo cổ, trong đó nhiều địa điểm khảo cổ là di tích. Tỉnh đã lập 8 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản của nhân loại.
Cùng với điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội khác biệt, cư dân bản địa và các lớp cư dân nhập cư trong nhiều giai đoạn lịch sử tạo thành những vùng văn hóa khác nhau với nhiều nét đặc trưng. Vùng miền tây mang đậm nét văn hóa đồng bằng sông Hồng, người dân chủ yếu làm nông nghiệp lúa nước, tính gắn kết cộng đồng làng, xã rất cao. Vùng miền đông với đặc trưng miền núi, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống giao thoa nhiều sắc thái văn hóa đa dạng. Vùng biển đảo với nghề biển, làng biển, văn hóa biển của ngư dân. Vùng than với văn hóa công nhân, nơi hình thành nên giai cấp công nhân của cả nước… Sự giao thoa, hội tụ trong đa dạng văn hóa khiến cho người Quảng Ninh mang trong mình một tính cách riêng, cởi mở, chân thành và hào sảng.
Tác động của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh
Những đặc trưng riêng biệt, văn hóa đã tác động rất rõ nét đến quá trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh. Có thể nói, mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư có những cách làm, sản phẩm khác nhau, phong phú, đa dạng trong hình thức xây dựng nông thôn mới, khiến nông thôn mới ở Quảng Ninh trở nên nhiều màu sắc.
Ở các địa phương miền tây (Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên) mang đặc sắc của văn hóa đồng bằng sông Hồng, có truyền thống văn hóa làng, xã lâu đời, tính cộng đồng rất lớn. Các làng xã đã hình thành từ rất lâu, tổ chức chặt chẽ, hoạt động có quy củ, nền nếp. Do vậy, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, người dân tự giác vào cuộc rất nhanh với vai trò chủ thể, tạo ra kết quả rất rõ rệt.
Ở các địa phương miền đông với đặc thù miền núi, biên giới, biển đảo, nhiều cộng đồng dân cư phân bố nhỏ lẻ mang bản sắc văn hóa khác nhau, khi triển khai xây dựng nông thôn mới tạo nên những hình thái trong thiết chế, hạ tầng nông thôn khác nhau, đa dạng, nhiều màu sắc.
Từ những đặc điểm đó, hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn được địa phương tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu đạt trên 98%. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh có 94% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn.
Cùng với tác động trong tổ chức xây dựng các thiết chế, hạ tầng nông thôn mới thì văn hóa cũng có tác động quan trọng hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc trưng trong kinh tế nông thôn. Hiện nay, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm. Trong đó, nhiều sản phẩm được du khách yêu thích, tạo được thương hiệu trên thị trường, như: gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, miến dong Bình Liêu, rượu ba kích, trà hoa vàng Ba Chẽ…
Văn hóa cũng là nguồn “tài nguyên” quý giá tạo ra những sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo của Quảng Ninh. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã phục dựng các lễ hội truyền thống, tạo dấu ấn cho các sự kiện như lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch thường niên như lễ hội Hoa Sở, Hội mùa vàng, lễ hội Trà hoa vàng,... Với hệ thống di tích, danh thắng cùng các hoạt động văn hóa, lễ hội đã góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu cả nước. Trung bình mỗi năm, lượng khách du lịch đến các di tích, lễ hội chiếm trên 50% tổng số khách tham quan du lịch tại Quảng Ninh.
Có thể thấy, văn hóa có tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh. Sau gần 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Quảng Ninh đã thay đổi rõ rệt; đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa - xã hội và môi trường khu vực nông thôn có những tiến bộ vượt bậc. Đến nay, Quảng Ninh có 98/98 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 chỉ tiêu và 57/57 tiêu chí, trong đó có 54 xã (60,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 19/19 chỉ tiêu và 75/75 tiêu chí; có 26 xã (26,5%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, với 9/9 tiêu chí và 38/38 chỉ tiêu, trong đó có 2/7 huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh. Quảng Ninh cũng vinh dự được Trung ương và các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng khi là địa phương đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đông Triều); huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (Cô Tô); xã đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Việt Dân - Đông Triều). Tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Những vấn đề đặt ra đối với văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh.
Bên cạnh những tác động tích cực thì văn hóa cũng đặt ra không ít thách thức đối với quá trình xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững ở Quảng Ninh.
Trước tiên, đó là sự khác biệt, chênh lệch vùng miền. Ít có địa phương nào trong cả nước có sự chênh lệch vùng miền lớn như ở Quảng Ninh. Trong phạm vi một tỉnh có những trung tâm đô thị với tốc độ phát triển và mức sống của người dân khá cao, có thể so sánh với một số khu vực phát triển của thế giới. Trái lại, ở một số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, mặc dù luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ, song khoảng cách phát triển, đời sống nhân dân vẫn còn có sự chênh lệch lớn.
Trong xây dựng nông thôn mới, có sự chênh lệch khá lớn giữa khu vực miền đông và miền tây, giữa các xã đồng bằng và các xã miền núi, hải đảo. Nếu như ở khu vực đồng bằng, người dân chủ động, tích cực vào cuộc, thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình, thì ở khu vực miền núi, sự tham gia của người dân có phần hạn chế hơn. Với đặc thù miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số, cư dân sống thành các nhóm nhỏ, phân bố không tập trung, cộng với văn hóa, tập quán từng dân tộc khác nhau, dẫn đến khó tập hợp nguồn lực trong dân cho xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, dân cư thưa khiến suất đầu tư lớn, cần nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Có thể nói, xây dựng nông thôn mới ở khu vực đồng bằng thì thực sự là “nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ”, còn xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi thì vẫn gần như là “Nhà nước làm - nhân dân hỗ trợ”.
Do tập quán sản xuất ăn sâu nhiều đời, nhiều vùng nông thôn nên sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, việc liên kết trong sản xuất chưa nhiều, sản phẩm nông nghiệp, OCOP ít và chưa ổn định, khâu bảo quản, chế biến sâu chưa phát triển nên hiệu quả sản xuất không cao; thiếu sự liên kết giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ trên thị trường. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn thấp, chưa được quan tâm, củng cố về tổ chức, năng lực quản trị.
Cơ cấu sản phẩm đa dạng nhưng giá trị hàng hóa nông sản thấp; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân còn khó khăn (đặc biệt là khu vực thuần nông nghiệp). Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu, ăn ở thiếu vệ sinh. Sự phân hóa giàu - nghèo vùng nông thôn và thành thị kéo theo tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Một thách thức khác đặt ra đối với văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là cân bằng giữa việc duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa với bảo đảm an sinh xã hội đối với một số cộng đồng dân cư đặc biệt. Đó là câu chuyện của các làng chài trên vịnh Hạ Long (làng chài: Vung Viêng, Cửa Vạn, Ba Hang,...), làm sao vừa bảo tồn được nét văn hóa độc đáo, vừa bảo đảm cho người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, là một bài toán không dễ giải.
Định hướng giải pháp nhằm phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021 tại Hà Nội, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới(1).
Để có thể phát huy những giá trị văn hóa, biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác định: Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo - là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tập trung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các tầng lớp nhân dân. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp thời trang, dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Xây dựng con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện...
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, phát huy mặt tích cực của bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” làm nền tảng để xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã và cấp thôn trên địa bàn toàn tỉnh; đổi mới các nội dung chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân. Phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo quản, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.
Xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường thiên nhiên, tập trung cải thiện, chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn, cải thiện môi trường sống, môi trường sản xuất… với phương châm “sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng” để bảo đảm cho khu vực nông thôn thực sự là nơi “đáng sống” và là nơi “muốn sống” của nhân dân. Chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm thông qua Chương trình OCOP để nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cùng với đó là tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững./.
------------------------
(1) Xem: “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc”, Báo điện tử Hà Nội mới, truy cập ngày 29-5-2023, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1018243/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc
Tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (30/09/2023)
Giải pháp xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp đáp ứng sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên