Bảo tồn di sản, di tích - cơ sở để phát triển ngành du lịch, dịch vụ Quảng Ninh
Quảng Ninh - vùng đất địa đầu Tổ quốc. Lịch sử ngàn năm hình thành, phát triển đã để lại cho Quảng Ninh hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Đây là điều kiện để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di tích gắn với phát triển du lịch, tạo động lực cho Quảng Ninh trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.
Quảng Ninh có 613 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 54 di tích cấp quốc gia, 6 lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, số còn lại là di tích được xếp hạng cấp tỉnh hoặc nằm trong danh mục kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh. Đây là những tiềm năng to lớn mà Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, được kế thừa từ trong lịch sử. Di tích, di sản của Quảng Ninh còn rất đa dạng, phong phú về loại hình, tính chất, từ những vĩ nhân, anh hùng lịch sử , những sự kiện tạo nên kỳ tích tại Quảng Ninh; những dáu ấn nghệ thuật kiến trúc, diễn xướng, chiến lược quân sự, thương mại đỉnh cao trong lịch sử,… Tất cả hiện diện đầy sinh động trên mảnh đất Quảng Ninh, cho thấy các nét văn hóa độc đáo, các kỳ quan thế giới có một không hai, cho thấy truyền thống, khí chất và đặc trưng của con người Quảng Ninh…
Hệ thống di sản, di tích dày đặc
Rải rác ở khắp các huyện của tỉnh Quảng Ninh, các di sản không chỉ dày đặc mà còn đậm đặc bản sắc từng dân tộc, loại hình.
Dấu ấn của nhà Trần tại Quảng Ninh vẫn hiện diện trong đời thực. Kết hợp với những huyền thoại, huyền tích đã trở thành một phần hấp dẫn du khách. Lăng mộ của 8 vị vua nhà Trần cùng gia thất; đất Phật Yên Tử (Uông Bí), Ngọa Vân (Đông Triều), nơi vị vua nhà Trần - Trần Nhân Tông đắc đạo, hóa Phật, khai sáng cho Việt Nam dòng phật giáo nhập thế Trúc Lâm Yên Tử hàng năm đã thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài nước. Khu Di tích Bạch Đằng (Quảng Yên) nơi ghi dấu ấn trận Bạch Đằng giúp vị tướng nhà Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên Mông. Tài năng quân sự của ông vẫn hiển hiện với những bãi cọc được các nhà khảo cổ khai quật, bảo tồn, tài năng ấy đã được cả thế giới công nhận, vinh danh là nhà quân sự tài ba…
Thương cảng Vân Đồn là thương cảng quốc tế đầu tiên của Đại Việt, thành lập vào thời Lý, ghi dấu sự hội nhập thương mại chính ngạch ở tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam cổ đại với thế giới.
Những di tích cách mạng khu Đông Triều đến dọc đường biên giới, các khu mỏ… ghi dấu ấn một thời kỳ đấu tranh cam go, quyết liệt, dũng cảm của quân dân Quảng Ninh để bảo vệ quê hương.
Những công trình đền chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc, văn hóa lễ hội, tín ngưỡng người Việt qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… vẫn được gìn giữ. Lưu giữ linh hồn nghệ thuật diễn xướng hò biển, hát đúm nổi bật của người dân vùng cửa biển Hạ Long và lối hát giao duyên mộc mạc sọong cô, sóong cọ, hát then… của gái trai dân tộc thiểu số vùng sơn cước. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Ninh khiến mỗi người Quảng Ninh cảm thấy tự hào và có sự hấp dẫn, có sức hút lạ kỳ, thôi thúc bất cứ ai ít nhất một lần trong đời cũng muốn đặt chân đến vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Từ nét đẹp văn hóa của người vùng biển, vùng cao, vùng nông thôn Quảng Ninh, du lịch Quảng Ninh có cơ hội hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá tại Bình Liêu, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử tại Quảng Yên, Vân Đồn. Các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa, di tích, di sản của Quảng Ninh như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... rất được du khách yêu thích.
“Sống lưng khủng long”, đường lên cột mốc 1305 ở huyện Bình Liêu. Du lịch Quảng Ninh, bạn cũng sẽ bắt gặp một con đường chạy dọc sống núi ở huyện biên giới Bình Liêu với vẻ đẹp hoang sơ khiến ai một lần đặt chân đến đều “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Du lịch Bình Liêu Quảng Ninh, cung đường lên cột mốc 1305 làm say lòng bao trái tim người lữ hành. Nơi này được mệnh danh là một trong những "sống lưng khủng long" khó chinh phục nhất miền Bắc. Cung đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu nằm trên độ cao 700 m so với mực nước biển. Đường đi ở đây không quá lắt léo nhưng khung cảnh đôi bên đường lại mê hoặc người ghé thăm. Núi non trùng điệp cùng cánh đồng thơ mộng họa nên phong cảnh lãng mạn và mộng mơ. Từ trên đỉnh cột mốc, du khách có thể thu hết vào tầm mắt khung cảnh thiên nhiên với núi non hùng vĩ ẩn hiện trong mây mờ. Sau khi trở thành điểm du lịch Quảng Ninh nổi tiếng, con đường trekking đến cột mốc 1305 đã được xây dựng thêm một đường thang bộ dài khoảng 1,8 km với 2.000 bậc thang. Vào bất cứ thời điểm nào bạn cũng có thể đến đây và phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu.
Những thuận lợi và thách thức trong bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ hệ thống các di sản, di tích Quảng Ninh
Quảng Ninh là địa phương có đầy đủ những danh thắng từ tầm cỡ thế giới đến cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện,… Vịnh Hạ Long đã 3 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Cũng vì vậy, nguồn kinh phí để bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ hệ thống các di sản, di tích này là một thách thức với Quảng Ninh, cả về kinh phí và các nguồn lực khác như nhân lực, tài lực, các giải pháp kỹ thuật.
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân, hệ thống các di tích, di sản văn hóa Quảng Ninh được đầu tư phục dựng, bảo vệ, phát huy, giống như “ngọc trong đá” càng mài càng sáng, khiến sức hút của các di tích, di sản ngày càng lớn. Yên Tử là một điển hình về thành công trong việc di tích được chung tay bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị. Tính trong khoảng 10 năm qua, gần 3.000 tỷ đồng đã được đổ về Yên Tử để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và các điểm di tích. Trung tâm Văn hóa Trúc lâm Yên Tử chính là công trình kết tinh tinh hoa sáng tạo, tình yêu đối với Yên Tử của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, doanh nghiệp đến với Yên Tử từ những ngày đầu tiên. Điều này khiến cho Yên Tử trong mắt du khách thêm linh thiêng, trân quý mà vẫn hiện đại, cho phép du khách được hưởng thụ những giá trị Yên Tử ở chiều sâu và chất lượng cao nhất.
Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) chỉ đứng sau Yên Tử về lượng du khách. Khoản tiền công đức mà mỗi du khách dành cho Cửa Ông đủ để đảm bảo đầu tư trở lại cho di tích, ngoài ra còn đóng góp vào ngân sách nhà nước đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Các di tích khác như Ba Vàng, Cái Bầu, Quan Lạn, Trà Cổ,… vào mỗi thời điểm khai hội đều đón lượng khách đông kỷ lục và đây cũng là nguồn thu giúp cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào điểm, tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh mới chiếm chưa đến 20% tổng số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể mà tỉnh có. Điều này cho thấy dư địa của di tích, di sản dành cho phát triển du lịch còn rất lớn. Đáng nói một số di tích, di sản có tính chất, giá trị to lớn, hiện còn giữ được những hiện vật, lễ hội, nghi thức tín ngưỡng gốc… song chưa được phát huy một cách đúng mức, chưa biến nó trở thành tài nguyên du lịch. Một phần nguyên nhân là do chưa thể huy động được các nguồn lực cho việc bảo tồn, gìn giữ và khai thác, phát huy.
Với cụm Di tích quốc gia đặc biệt thương cảng cổ Vân Đồn, hiện vẫn còn sự hiện diện của hệ thống các bến sông nối tiếp nhau với dày đặc các tầng hiện vật gốm sứ phát lộ ngay trên bề mặt; dấu vết các cống ngầm, kè đá, neo đậu đỗ nằm dưới mặt nước, có chỗ lấp ló khi triều xuống; các vị trí được cho là kho tàng, bến bãi bốc xếp hàng hóa, các nền móng công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân khu vực cảng đã từng được khai quật. Nếu được bảo tồn cẩn trọng để khai thác bài bản, giúp du khách hình dung được cảnh buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất một thời, thể hiện trình độ giao thương, hội nhập thương mại từ sớm, cũng thể hiện vị thế của người Việt với các nước trong khu vực, quốc tế thì giá trị của di tích Thương cảng cổ Vân Đồn còn được nhìn nhận lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lâu nay Thương cảng cổ Vân Đồn chưa được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, các sản phẩm du lịch liên quan đến di tích chưa được quan tâm phát triển. Giá trị của di tích này cơ bản vẫn ở hồ sơ trích ngang lưu trữ trong kho.
Đối với Khu di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Bạch Đằng những năm qua, quá trình đầu tư cũng chưa bảo đảm tính tổng thể, chưa có điểm nhấn và đặc biệt chưa phát triển đi kèm hệ thống dịch vụ. Đây là một sự lãng phí, bởi vị trí của Bạch Đằng hiện nay rất thuận lợi để đón khách tham quan, du lịch.
Cơ hội cho ngành du lịch, dịch vụ
Với sự góp mặt của hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, du lịch Quảng Ninh lớn mạnh thực sự. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch Quảng Ninh tăng trung bình 12 - 15% mỗi năm, tăng đến 30 - 50% so với thời điểm năm 2015. Cụ thể năm 2016, Quảng Ninh đạt tổng lượng du khách 8,3 triệu lượt, trong đó du khách quốc tế 3,5 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch 13.000 tỷ đồng. Các năm sau đó là 2017, 2018, 2019, các thông số tổng lượng khách, số khách quốc tế, doanh thu đều tăng năm sau cao hơn năm trước ở mức 10 - 25%. Tiêu biểu năm 2019, tổng khách là 14 triệu lượt, tăng 14%, trong đó khách quốc tế 5,75 triệu lượt, tăng 15%, tổng doanh thu 29.500 tỷ đồng, tăng 25%, trong đó đóng góp vào ngân sách địa phương gần 3.570 tỷ đồng, tăng 30%, chiếm 11% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh.
Những năm gần đây, ngành chức năng tỉnh cũng tính thời gian lưu trú của du khách và lượng tiền 1 khách du lịch chi tiêu, qua đó cho thấy con số rất đáng mừng so với mức chung của toàn quốc. Ví dụ năm 2019 thời gian lưu trú trung bình của du khách là 2,7 ngày, tổng tiền 1 du khách chi tiêu là 2,5 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trung bình toàn quốc.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1 - 6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70 - 100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn. Điều này cho thấy di tích, di sản đã và đang là thành tố rất quan trọng của du lịch Quảng Ninh. Cũng có lẽ bởi vậy mà Yên Tử đón trung bình 2 triệu lượt khách mỗi năm, ở cả 4 mùa trong năm thay vì một mùa lễ hội, chiếm đến 60% tổng lượng du khách thuộc loại hình du lịch tâm linh tại Quảng Ninh, trở thành điểm du lịch có tổng lượng du khách chỉ đứng thứ 2 sau Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Theo tính toán của Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào điểm, tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh mới chiếm chưa đến 20% tổng số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể mà tỉnh có. Điều này cho thấy dư địa của di tích, di sản dành cho phát triển du lịch còn rất lớn. Đáng nói một số di tích, di sản có tính chất, giá trị to lớn, hiện còn giữ được những hiện vật, lễ hội, nghi thức tín ngưỡng gốc… song chưa được phát huy một cách đúng mức, chưa biến nó trở thành tài nguyên du lịch.
Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch Quảng Ninh. Hiện Quảng Ninh đã và đang bước đầu khai thác tốt nguồn tài nguyên di tích, di sản, tuy nhiên dư địa phát triển của lĩnh vực này còn lớn, cho phép du lịch Quảng Ninh còn có cơ hội để bứt phá, mang lại giá trị cao hơn trong thời gian tới.
Việc chưa huy động được các nguồn lực cho việc bảo tồn, gìn giữ, khai thác và phát huy các di sản, di tích không chỉ đặt các di tích, di sản trước các nguy cơ phai nhạt, hư hỏng, thậm chí biến mất, mà còn làm mất đi cơ hội tạo ra nguồn thu cho địa phương và người dân nơi có di sản, di tích, mất đi cơ hội phát triển một ngành dịch vụ kèm theo, cơ hội phát triển các làng nghề sản xuất các hàng lưu niệm truyền thống, làm mất đi cơ hội quảng bá về vùng đất và con người Quảng Ninh - đó là làm giảm sự phát triển của ngành du lịch vốn được coi là thế mạnh của Quảng Ninh./.
Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh  (30/09/2023)
Phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, xây dựng “tế bào hạnh phúc” bền vững  (30/09/2023)
Kiến tạo văn hóa biển thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Xây dựng nguồn lực - tính phổ quát và đặc thù bản địa của sự phát triển  (30/09/2023)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm