Bài học về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn ở Quảng Ninh
Với vị trí là địa đầu vùng Đông Bắc Tổ quốc, nông thôn Quảng Ninh khá đa dạng, có cả xã khu vực đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo. Quảng Ninh bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp: có tới 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn; số xã đạt dưới 50% bộ tiêu chí còn tới 58 xã; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh nhận thức phải có quyết tâm cao, bước đi và cách làm mang tính đột phá.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 27-10-2010, về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đồng thời tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình từ tỉnh đến cấp xã do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo, thành lập Ban xây dựng nông thôn mới chuyên trách trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để tham mưu xây dựng và đôn đốc thực hiện chương trình. Trong suốt một thập kỷ triển khai thực hiện, chương trình đã mang một sức sống mới, một gam màu mới tươi sáng cho bức tranh nông thôn Quảng Ninh. Hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp khang trang, đời sống đa số nông dân được cải thiện rõ nét, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhiều nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được phát huy, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành. Để có được kết quả ấn tượng ấy là nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh ngiệp, lực lượng xã hội và sự đồng lòng, chung sức của người dân.
Tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng thực chất của các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, xác định người nông dân là chủ thể và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, với mục tiêu cốt lõi của chương trình là không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên dịa bản tỉnh. Quảng Ninh là 1 trong 4 tỉnh của cả nước không lựa chọn thí điểm khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới mà tiến hành thực hiện đồng loạt tại 125 xã của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Với cách triển khai đó, tỉnh xác định nhất thiết phải huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của đông đảo nhân dân trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, công tác tuyên truyền đã được tỉnh coi là nhiệm vụ hàng đầu được ưu tiên trong chỉ đạo để phát huy sức mạnh trong dân. Chất lượng đời sống và sản xuất là những vấn đề mà người dân quan tâm sau quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới. Nhằm nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, Quảng Ninh xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định để thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và lợi thế của từng vùng, miền; tỉnh đã ban hành chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát hợp với thực tiễn chương trình đã đạt được những thành tựu quan trọng: (1) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo sự ổn định để phát triển các ngành kinh tế khác, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh; (2) Tỉnh đã hoàn thiện được đầy đủ hệ thống các văn bản, cơ chế chính sách phù hợp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông thôn đang chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp được cải thiện rõ rệt. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giảm xuống còn 5,9%, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng. Sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế cũng dẫn đến sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn. (3) Hình thành bộ máy ban chỉ đạo, cơ quan thường trực các cấp đồng bộ, vận hành chuyên nghiệp, gắn kết, nhất quán; nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành các cấp trong việc hướng dẫn, đôn đốc các địa phương; Vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy tối đa trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân xây dựng nông thôn mới; (4) Nhận thức của đa số cán bộ và nhân dân chuyển từ tư tưởng trông chờ ỷ lại đến chủ động tích cực tham gia, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị cùng chung sức xây dựng nông thôn mới; (5) Chương trình đã tạo được không khí xây dựng nông thôn mới trên khắp vùng nông thôn Quảng Ninh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa - xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi nông thôn phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng; (6) Nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai và có kết quả, một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc, như: xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 93,87% (cả nước là 63,5%); có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (cả nước có 305 xã); có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (cả nước có 24 xã); tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hết năm 2021 còn 0,14% (cả nước còn khoảng 4%); toàn tỉnh có 22 xã và 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; công tác môi trường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn đã được chú trọng triển khai thực hiện, nhiều vùng nông thôn đã trở thành miền quê đáng sống, như xã Việt Dân, Bình Khê - thị xã Đông Triều; xã Quảng Minh huyện Hải Hà; xã Đông Ngũ, Đông Hải - huyện Tiên Yên...; (7) Trong sản xuất đã đi đúng hướng trong việc đổi mới quan hệ sản xuất, đó là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX theo Luật 2012; phát huy lợi thế về tiềm năng sản phẩm địa phương, sáng tạo triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Chương trình đến nay đã được người sản xuất (tổ chức, hộ gia đình) tự nguyện sản xuất và tham gia hoạt động thương mại một cách tích cực; sản xuất tập trung theo quy mô lớn dần hình thành và thu hút một số doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư; (8) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng (là tỉnh đầu tiên miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên cả nước). Tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; (9) Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP tỉnh Quảng Ninh) là sản phẩm riêng của tỉnh Quảng Ninh được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng trong toàn quốc. Đến nay toàn tỉnh có 182 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 464 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; (10) Đến năm 2019 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng với Chương trình 135 (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) đã đưa 100% số xã, thôn (26 xã, 56 thôn) trên địa bàn tỉnh hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu kế hoạch tỉnh đề ra); (11) Công tác đào tạo, củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở, đào tạo nghề nông thôn được tập trung chỉ đạo và nâng cao chất lượng, thông qua công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình chất lượng độ ngũ cán bộ, nhất là những địa phương thực hiện chương trình được nâng lên rõ nét.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nền kinh tế của nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó tỉnh Quảng Ninh xác định mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng 2 con số, từ đó đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ các đối tượng bị tác động kịp thời, hiệu quả, với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt; với tinh thần “Dám làm, Dám chịu trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu”, phương châm “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”; lấy người dân làm trung tâm, xây dựng hệ thống phòng chống dịch vững chắc từ khu, thôn, bản, xã phường tạo những thành trì chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nhất là công nghệ thông tin trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân. Phối hợp với các ngành, các địa phương cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; phối hợp, tổ chức các Hội chợ OCOP, xúc tiến thương mại, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân; tổ chức gặp mặt, thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong chế biến, bảo quản nông sản, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong thu hoạch, bảo quản, nông sản, gắn với xây dựng quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn; Điển hình như các sản phẩm: Trà hoa vàng của Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ); ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn); rau củ quả đóng gói, hành sấy khô, bột sắn của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (thị xã Đông Triều).
Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ngành địa phương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân, nhất là cá song, hàu Thái Bình Dương; triển khai hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu tại 13 địa phương; Phối hợp với Chi nhánh Viettel Quảng Ninh đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; tổ chức Hội nghị xúc tiến kết nối các HTX, doanh nghiệp sản xuất đối với các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh; phối hợp với Sở Công thương, các địa phương, các ngành theo dõi, tháo gỡ khó khăn đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh;...
Công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường, lòng tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng, bảo đảm nhu cầu cung ứng cho thị trường. Hoạt động tập huấn về công tác an toàn thực phẩm được triển khai thường xuyên, đường dây nóng về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được duy trì kịp thời nắm bắt xử lý thông tin. Công tác kiểm tra vệ sinh, chất lượng an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên; đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 941 cơ sở.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một trong những giải pháp hàng đầu được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện, từ đó nhiều dự án được đầu tư đã đi vào sản xuất, kinh doanh, như: Dự án nuôi tôm thương phẩm, siêu thâm canh trong nhà kính tại Đầm Hà (Công ty CP thủy sản Việt Úc); Dự án sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao tại Cẩm Phả (Công ty thủy sản N.G); dự án nuôi bò sữa tại huyện Đầm Hà (Tập đoàn TH True Milk); dự án nuôi bò thịt tại Hải Hà của Công ty Phú lâm; Dự án Trang trại chăn nuôi lợn giống, thịt ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đông Triều (Tập đoàn Dabaco); Dự án Cụm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung tại thành phố Hạ Long (Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Việt Dũng; quy mô dự kiến 5.000 lợn nái và 20.000 lợn thịt); Dự án Nhà máy thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu plywood tại huyện Ba Chẽ (Công ty TNHH MTV năng lượng An Việt Phát); dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại huyện Hải Hà (Công ty cổ phần Greenteck)...
Chặng đường 10 năm "làm mới" nông thôn của tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới của người nông dân, bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp và tinh thần tham gia tích cực của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể.
Những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng, để thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh Quảng Ninh lên một tầm cao mới, góp phần giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn:
Một là, xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với đặc điểm vùng, miền, truyền thống, bản sắc văn hóa, do đó phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy vai trò của cộng đồng, trên nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy.
Hai là, công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phải đồng bộ, nhất quán, kiên trì, liên tục, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp phải xây dựng chương trình, quy chế làm việc, phân công rõ nhiệm vụ, thời gian, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn với đánh giá cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu.
Ba là, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, cơ chế chính sách phù hợp với khả năng ngân sách, điều kiện thực tế của địa phương, găn với cơ chế phân cấp, ủy quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Bốn là, xây dựng nông thôn mới phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh dập khuôn, máy móc. Tập trung ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu mang tính động lực, các công trình giáo dục, y tế, nước sạch, hạ tầng sản xuất, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc.
Năm là, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở sở sở, theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết". Sáu là, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, phát hiện động viên kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt và có nhiều đóng góp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới “Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, do vậy, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt ra những định hướng cụ thể để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, bảo đảm “hiệu quả, toàn diện và bền vững”, “chuyển từ lượng sang chất”, hướng tới mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh, nông thôn hiện đại. Trong đó tập trung: (1) Phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi tư duy, nếp sống, thói quen sản xuất của người dân nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên thông, tổng thể lấy thành thị dẫn dắt nông thôn (2) Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tư duy đổi mới sáng tạo. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. nông nghiệp thông minh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ; Nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm, thủy sản; Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; tập trung phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại quy mô lớn ở nông thôn theo chuỗi liên kết; phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp. (3)Tập trung chuyển đổi số, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn góp phần nâng cao thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội; Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên gới, hải đảo; Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; Bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; Nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Với mục tiêu xây dựng nông thôn giàu có, văn minh, nhân dân hạnh phúc, đô thị hóa nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa cao trên địa bàn là mục tiêu trong xây dựng nông thôn Quảng Ninh giai đoạn tiếp theo./.
Một số mô hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam  (27/05/2022)
Tỉnh Quảng Ninh triển khai công tác đối ngoại trong tình hình mới  (27/05/2022)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp