Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến cho kinh tế thế giới, vốn đang phục hồi mong manh, rơi vào đợt suy thoái tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai với mức suy giảm 3,1% theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, từ quý IV-2020, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau những đợt phong tỏa kéo dài, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Năm 2021, nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ và khả năng dần kiểm soát được dịch bệnh ở nhiều nước với độ bao phủ ngày càng cao của chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin, kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi suy thoái, phục hồi nhanh chóng; các nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, làn sóng dịch gây ra bởi các biến thể mới như Delta hay Omicron, hay những vấn đề về bất bình đẳng trong phân phối và tiếp cận vắc xin… có thể sẽ là rào cản cho đà phục hồi của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới (1)

Các quốc gia có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong mô hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch, nhưng nhìn chung, có 2 mô hình chủ yếu mà các nước theo đuổi: 1- mô hình “Zero-COVID” với mục tiêu quét sạch COVID khỏi cộng đồng trước khi mở cửa trở lại nền kinh tế, 2- mô hình “Sống chung an toàn với COVID”, theo đó các nước vừa cố gắng kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh, chấp nhận COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu như cúm mùa, vừa mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội.

I. Các mô hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19

1. Mô hình “Zero-COVID” và Chiến lược phát triển "tuần hoàn kép" của Trung Quốc

Chiến lược “Zero-COVID” bao gồm các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng rào chắn vững chắc chống lại những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước, với mục tiêu quét sạch COVID khỏi cộng đồng, trước khi mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, việc ghi nhận một hoặc vài ca nhiễm cũng có thể dẫn tới quyết định giãn cách và phong tỏa một số địa điểm hoặc tỉnh/ thành phố hoặc thậm chí cả quốc gia. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực, tiêu biểu tại một số nước như Trung Quốc, Singapore hay New Zealand trong năm 2020 và đến giữa năm 2021.

Tới thời điểm cuối năm 2021, Trung Quốc gần như trở thành nước lớn duy nhất còn duy trì “Zero-COVID”. Thậm chí nếu ghi nhận chỉ một hoặc vài ca nhiễm, Trung Quốc vẫn có thể phong tỏa toàn bộ một thành phố nào đó, theo sau đó là nhiều đợt xét nghiệm PCR cho đến khi không còn ca nhiễm trong cộng đồng. Cách tiếp cận cứng rắn “Zero-COVID” đã và đang chứng minh hiệu quả tại Trung Quốc ít nhất là tới thời điểm hiện tại khi mà Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới hồi phục từ đại dịch, đạt mức tăng trưởng dương 2,3% trong năm 2020 trong khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái[1].

Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích tài khoá trị giá 4.900 tỷ NDT (4,7% GDP). Đối tượng trọng tâm của các gói hỗ trợ được ưu tiên tập trung cho hỗ trợ hệ thống y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ thu nhập cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi; tăng đầu tư công; xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa... trong đó, trọng tâm là các khoản chi dành cho lĩnh vực y tế, sức khỏe và hỗ trợ thu nhập cho người dân. Hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp cũng rất đa dạng, từ trợ cấp, hỗ trợ thanh khoản; đến miễn giảm, giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp… Chính sách tài khoá được phối hợp linh hoạt, chặt chẽ với chính sách tiền tệ, như việc Ngân hàng trung ương tạo nguồn tài chính giá rẻ bằng cách mua trái phiếu từ thị trường sơ cấp/thứ cấp, hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi, cung cấp cơ chế bảo lãnh chính phủ…

Trung Quốc cũng đầu tư mạnh cho khoa học - công nghệ với tổng chi phí cho các hoạt động R&D lên tới 2,4% GDP. Đặc biệt, sự ra đời của vắc xin nội địa là nền tảng quan trọng để Trung Quốc triển khai tiêm chủng diện rộng. Tới cuối tháng 12-2021, nước này đã tiêm được 2,7 tỷ liều vắc xin cho hơn 1,2 tỷ người đã hoàn thành tiêm 2 mũi (hơn 80% dân số), là tiền đề quan trọng để Trung Quốc khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhờ các biện pháp khôi phục sản xuất - phục hồi kinh tế cũng như chủ động nguồn cung vắc xin nội địa, Trung Quốc đã lấy lại đà tăng trưởng của mình từ nửa cuối năm 2020 tới nay, chỉ số PMI toàn phần liên tục duy trì trên ngưỡng 50 điểm từ tháng 4-2020 đến tháng 8-2021 trước khi những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tác động tới nền kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp, trong đó then chốt là Chiến lược phát triển tuần hoàn kép với thị trường nội địa và thị trường nước ngoài củng cố lẫn nhau, trong đó thị trường nội địa là trụ cột[2]. Tăng cường đầu tư công vào các lĩnh vực chiến lược nhất là công nghệ cao, hạ tầng mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, vệ tinh...; đồng thời, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng truyền thống, nhất là tại những vùng, miền kém phát triển; thúc đẩy tiêu dùng nội địa; đổi mới khoa học - công nghệ; tăng cường liên kết vùng miền… là những động lực chính trong của vòng tuần hoàn bên trong nền kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, vòng tuần hoàn bên ngoài sẽ được hình thành trên cơ sở chuyển dịch động lực từ xuất khẩu - đầu tư sang tiêu dùng - sáng tạo, chuyển từ thu hút - chuyển giao - mô phỏng - hấp thụ công nghệ nước ngoài sang tự chủ sáng tạo công nghệ, mở cửa thị trường tài chính, tăng cường quốc tế hoá đồng NDT…

Đặc biệt, tiêu dùng nội địa (gồm cả chi tiêu chính phủ và tư nhân) đã thực sự trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc, trong 3 quý đầu năm 2021 tiêu dùng đóng góp tới hơn 64,8% GDP và Chính quyền Trung Quốc coi việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng là một ưu tiên kinh tế trong kế hoạch 5 năm đến năm 2025, cũng như tầm nhìn dài hạn của quốc gia đến năm 2035. Trong khi đó, xuất khẩu dù là một thành tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc nhưng chỉ đóng góp khoảng 17,7% GDP (năm 2020). Điều đó khẳng định cho việc tập trung phát triển thị trường nội địa - vòng tuần hoàn trong nước là một quyết sách tính toán kỹ lưỡng của chính phủ nước này.

Ví dụ như trong lĩnh vực du lịch, vốn chiếm tới 11% GDP của Trung Quốc, đóng góp tới 6,63 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1.000 tỷ USD) cho nền kinh tế và 10% lực lượng lao động vào năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch Trung Quốc ngày càng rõ nét hơn, với trọng tâm mới là du lịch nội địa và khách du lịch nội địa trong khi du lịch quốc tế vẫn vô cùng hạn chế. Tính đến cuối tháng 8-2021, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn và lượng hành khách bay nội địa đã tăng trở lại, đạt 90% con số cùng kỳ năm 2019. Ngành vận chuyển hành khách bằng đường sắt cũng phục hồi tới 95%. Sự phục hồi này đến từ điểm mạnh của chiến lược “Zero-COVID” tại Trung Quốc với tốc độ dập dịch nhanh chóng, không để các ổ dịch nhỏ lẻ ảnh hưởng tới sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc các địa phương cơ bản đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch COVID ổn định. Các chính sách nhằm xây dựng lại nhu cầu và thúc đẩy sức mua nội địa là chìa khoá cho quá trình phục hồi, bên cạnh việc tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương và các bên liên quan đến hệ sinh thái du lịch, như các công ty lữ hành trực tuyến, điểm đến, khách sạn và hãng hàng không.

Bất chấp những làn sóng dịch bùng phát mới và sự xuất hiện của những biến thể có tính lây lan cao như Delta hay mới đây là Omicron, Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi “Zero-COVID” bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn, gồm truy vết, tăng cường xét nghiệm với người tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc xét nghiệm diện rộng khi cần thiết. Trung Quốc được dự báo sẽ duy trì chính sách “Zero-COVID”, ít nhất là tới khi kết thúc Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh và Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 22 vào năm 2022.

2. Mô hình “Sống chung an toàn với COVID”, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội

Có thể nói, mô hình “Zero-COVID” với các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, vốn phát huy hiệu quả trong kiềm chế dịch COVID-19 tại nhiều nước năm 2020 gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi với nhiều biến thể mới phức tạp, khó kiểm soát và dễ lây lan hơn xuất hiện, đặc biệt khi mà chi phí y tế cũng như cái giá phải trả về kinh tế - xã hội cho các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài là quá lớn, khiến doanh nghiệp kiệt quệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân và các hoạt động cơ bản của đời sống xã hội[3]

Do đó, nhiều quốc gia xoay trục chính sách từ “Zero-COVID” sang “sống chung an toàn với COVID”, xác định virus này sẽ tiếp tục hiện hữu và trở thành một căn bệnh đặc hữu (endemic) như cúm mùa thay vì một đại dịch (pandemic), chuyển từ biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan và quét sạch virus khỏi cộng động sang sống chung an toàn với COVID, dần dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Các biện pháp xét nghiệm, truy vết và tiêm phòng vắc xin là vô cùng quan trọng, trong đó, việc phủ rộng vắc xin có thể được xem là yếu tố then chốt quyết định cho việc tiến tới điều kiện “bình thường mới” - “Sống chung an toàn với COVID”, giúp giảm thiểu tỉ lệ bệnh nhân nhập viện và hạn chế các ca bệnh diễn biến nặng. Với sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm như Delta hay Omicron hay các biến thể khác trong tương lai, các nước đang tích cực mở rộng đối tượng tiêm chủng hay triển khai các mũi tăng cường nhằm duy trì hiệu quả bảo vệ của vắc xin.

Mô hình mở cửa thận trọng, từng bước, theo từng giai đoạn dựa theo tình hình dịch bệnh được áp dụng khá rộng rãi, ví dụ như chỉ cho phép những người đã hoàn thành tiêm chủng, có giấy chứng nhận tiêm chủng hay “hộ chiếu vắc xin”, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hay có kết quả xét nghiệm âm tính được tự do đi lại, tham gia các hoạt động cộng đồng. Sự thay đổi trong chiến lược tiếp cận này có thể thấy tại nhiều nước, thậm chí tại những nước vốn rất kiên định và đạt nhiều thành công trong việc đưa số ca nhiễm về 0 trong giai đoạn trước như New Zealand hay Singapore cũng đã phải từ bỏ Zero-COVID trước những áp lực về tăng trưởng và sự lây lan của các biến thể mới.

Một số trọng tâm chính sách và động lực tăng trưởng chính trong trung và dài hạn trong mô hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại một số nước trong khu vực khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, có thể kể đến như:

a. Hàn Quốc với “Kế hoạch một Hàn Quốc mới” (“Korean New Deal”)

Hiện hơn 85% dân số Hàn Quốc đã được tiêm chủng, trong đó hơn 82% đã tiêm đủ 2 mũi, vượt mức 80% mà Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc đánh giá đủ điều kiện tạo ra miễn dịch cộng đồng và hạn chế rủi ro mà không cần các biện pháp giãn cách và là điều kiện tiên quyết trở lại trạng thái bình thường mới. Cùng với đó là sự thay đổi tư duy trong cách tiếp cận, không lo ngại dịch COVID-19 mà coi đây là một bệnh truyền nhiễm có thể kiểm soát để tiến tới khôi phục đời sống thường nhật cho người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp.

Ngay từ giữa năm 2020, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch “Korean New Deal” với mục đích coi đại dịch như một bàn đạp để hồi phục và phát triển mạnh hơn với mức ngân sách lên tới 160 nghìn tỷ Won (135 tỷ USD) tới năm 2025 nhằm tạo ra 1,9 việc làm mới, hướng tới một nền kinh tế xanh và xã hội tăng trưởng bao trùm[4]. Kế hoạch này được điều chỉnh vào tháng 7-2021, trở thành “Korean New Deal 2.0” với gói kích thích tài khoá được mở rộng lên tới 220 nghìn tỷ Won (186 tỷ USD), tập trung vào 3 trụ cột chiến lược, gồm: “Kế hoạch Kỹ thuật số Mới” (Digital New Deal), “Kế hoạch Xanh Mới” (Green New Deal) và “Kế hoạch Con người Mới” (Human New Deal)[5].

Thứ nhất, “Kế hoạch Kỹ thuật số” (Digital New Deal) bao gồm tăng cường đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh hệ sinh thái cho “D-N-A”, gồm Dữ liệu (Data), Mạng (Networks) và AI (trí tuệ nhân tạo), hướng tới mở rộng tích hợp AI và 5G vào tất cả các ngành công nghiệp, qua đó khẳng định những lĩnh vực thế mạnh tiên phong của Hàn Quốc[6] . Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chủ trương xây dựng các cụm đổi mới sáng tạo, là nơi quy tụ hàng trăm trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, 5.000 công ty và 60.000 nhà khoa học với quy mô vốn hỗ trợ lên tới 1.000 tỉ won. Các chính sách mới sẽ hỗ trợ các công ty tích hợp công nghệ thông tin, robotic, điện toán đám mây, blockchain và IoT… Giáo dục trực tuyến và đào tạo việc làm sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và một chương trình lớn về số hóa cơ sở hạ tầng quốc gia - đường cao tốc, cảng và các khu liên hợp công nghiệp - sẽ được thực hiện.

Thứ hai, “Kế hoạch Xanh Mới” (Green New Deal) đặt mục tiêu năng lượng tái tạo đạt 20% tổng công suất lắp đặt vào năm 2025, xây dựng lưới điện thông minh cũng như tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hàn Quốc cũng dự định loại bỏ tất cả các nhà máy điện than hoặc chuyển sang khí hóa lỏng (LNG) vào năm 2050. Một sáng kiến quan trọng của Hàn Quốc là thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng các loại xe điện (EV) với mục tiêu đạt hơn 1 triệu xe, cũng như xây dựng mạng lưới hơn 45.000 trạm sạc điện trên toàn quốc vào 2025.

Thứ ba, “Kế hoạch Con người Mới” (Human New Deal) nhằm tạo thêm việc làm và giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội và chênh lệch giàu nghèo tại Hàn Quốc. Kế hoạch này cũng nhằm mục đích số hóa giáo dục từ các cấp học sớm nhất - chẳng hạn như thông qua việc cung cấp wi-fi tốc độ cao cho tất cả các trường học vào cuối năm 2022 và cung cấp 200.000 máy tính mới, 240.000 máy tính bảng mới cho hệ thống giáo dục. Đối với người học trưởng thành, các bài giảng về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ được cung cấp trực tuyến, trong khi Nền tảng giáo dục đào tạo thông minh (Smart Training Education Platform) - một hệ thống đào tạo việc làm toàn diện của Hàn Quốc sẽ được tăng cường với các công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) và thực tế tăng cường (Augmented Reality).

b. Singapore và trọng tâm phát triển kết nối số

Do ảnh hưởng của đại dịch và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, nền kinh tế Singapore năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề với GDP suy giảm 5,4%, thấp hơn cả mức giảm 2,2% năm 1998 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và là mức suy giảm mạnh nhất kể từ khi quốc gia này trở thành quốc gia độc lập năm 1965. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến nhiều lĩnh vực dịch vụ quan trọng của nền kinh tế nước này (đóng góp tới 70% GDP) như hàng không, du lịch, khách sạn, bán lẻ, xây dựng bị đóng băng gần như hoàn toàn. Bốn gói kích thích trị giá gần 100 tỷ đô la Singapore (SGD) đã được chính phủ Singapore đưa ra với các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp và người dân[7], cùng với các biện pháp phòng chống dịch như xét nghiệm, truy vết được thiết kế và triển khai tốt đã giúp Singapore kiểm soát tốt dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trở lại, với mục tiêu tăng trưởng năm 2021 dự kiến đạt 7%.

Có thể nói, nếu như trong năm 2020, mục tiêu hàng đầu của các chính sách của Singapore là “Zero-COVID”, thì đến tháng 5-2021 chiến lược mới được Singapore theo đuổi trở thành “Sống chung với COVID” nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế. Nền tảng để triển khai kế hoạch sống chung an toàn với COVID là việc gần 84% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng như đang triển khai tiêm mũi bổ sung thứ 3, dù số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng với các biến thể Delta hay Omicron, tuy nhiên, tỷ lệ các ca nặng phải chăm sóc đặc biệt và ca tử vong là rất thấp (lần lượt là 0,1% và 0,06%) trong khi chủ yếu các ca nhiễm là không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ (hơn 98%).

Tầm nhìn chủ chốt trong mô hình phục hồi và phát triển kinh tế - Sống chung an toàn với COVID-19 của Singapore là xây dựng một Singapore kết nối với thế giới cả về mặt địa lý và kỹ thuật số - Tạo ra và tiếp cận các thị trường mới, đem đến nhiều cơ hội hơn cho người dân và các doanh nghiệp cũng như một Singapore bền vững. Singapore đã thành lập 9 Liên minh Hành động (AfAs[8]), hợp tác với các đối tác cả khu vực công và tư nhân nhằm vạch ra các chiến lược hành động cho các lĩnh vực được xác định là chủ chốt của nền kinh tế như thương mại điện tử, công nghệ giáo dục (Edutech), công nghệ y học (Medtech), công nghệ nông nghiệp (Agritech), số hóa chuỗi cung ứng…

Ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ y học, Singapore chủ trương tăng cường vị thế như một trung tâm đầu - cuối cho công cuộc phát triển sản phẩm Medtech. Được thúc đẩy bởi sự già hóa dân số, tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính ngày càng tăng và sự gia tăng trong chủ nghĩa tiêu dùng khi người tiêu dùng ngày càng có cách tiếp cận chủ động hơn đối với sức khỏe cá nhân, ngành MedTech châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng là 8,8% và đạt 157 tỷ USD đến năm 2022. Điều này đang tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty MedTech trong việc tận dụng đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khu vực. Singapore có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội MedTech này với 75 công ty MedTech hàng đầu có trụ sở khu vực được thành lập hoặc có sự hiện diện của R&D. Nhóm các công ty MedTech tự phát triển với các công nghệ độc quyền cũng đã tăng gấp sáu lần, từ 60 nhóm vào năm 2014 lên hơn 360 nhóm vào năm 2020. COVID-19 đã đưa Singapore trở thành tâm điểm chú ý với tư cách là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch, với việc các công ty MedTech bản địa như MiRXES, Veredus Labs và Biolidics đã phát triển thành công các bộ xét nghiệm chẩn đoán và được toàn cầu công nhận.

c. Thái Lan và chiến lược mở cửa trở lại du lịch quốc tế

Thái Lan đón gần 40 triệu khách mỗi năm và ngành du lịch chiếm 20% lực lượng lao động cũng như đóng góp khoảng 12% GDP của nước này, trong đó thị trường khách quốc tế đóng góp tới hơn 60% nguồn thu của ngành du lịch. Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa được áp đặt đã khiến số du khách nước ngoài sụt giảm hơn 80%, ngành du lịch mất khoảng 3 triệu việc làm, 50 tỷ USD nguồn thu và nền kinh tế Thái nói chung suy giảm 6,1% trong năm 2020. Với chiến lược phủ rộng vắc xin nhanh chóng để sẵn sàng mở cửa trở lại, đến cuối tháng 12-2021, Thái Lan đã tiêm hơn 100 triệu liều vắc-xin, với 65% dân số đã tiêm đủ 2 liều và hướng tới mục tiêu 70% dân số hoàn thành tiêm chủng trong năm 2021. Chiến lược mở rộng tiêm chủng là điều kiện tiên quyết mở đường cho Kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trở lại từ 1-11-2021 - đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hồi sinh ngành du lịch của Thái Lan cũng như thúc đẩy tăng trưởng GDP của nước này. Theo kế hoạch này, du khách đến từ danh sách 63 quốc gia có nguy cơ thấp và đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ được phép vào Thái Lan bằng đường hàng không mà không cần kiểm dịch[9]. Hơn nữa, Thái Lan cũng sẽ bổ sung các vùng lãnh thổ đủ điều kiện du lịch mà không cần kiểm dịch từ tháng 12-2021.

Trước đó, các chính sách thí điểm mở cửa đón khách quốc tế khởi đầu với “Phuket Sandbox” đã được triển khai từ tháng 7-2021, theo đó, các du khách đã được tiêm phòng đầy đủ được miễn kiểm dịch, miễn là họ ở lại Phuket ít nhất 14 ngày trước khi đi du lịch đến các vùng khác của Thái Lan. Ngoài ra, thời gian lưu trú của du khách ở Phuket bị hạn chế đến các cơ sở lưu trú đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý An toàn & Sức khỏe của Chính phủ Thái Lan. Du khách lưu trú tại Phuket dưới 14 ngày chỉ được phép rời Phuket nếu điểm đến của họ nằm ngoài Thái Lan. Chỉ trong 2 tháng, Phuket đã đón hơn 26.400 lượt khách quốc tế với tổng mức chi tiêu lên tới gần 50 triệu USD[10]. Các địa điểm mở cửa thí điểm đón khách quốc tế theo mô hình “Sandbox” cũng được nâng lên 17 tỉnh, bao gồm cả những điểm du lịch chính như Bangkok hay Chiangmai kể từ 11-2021 và sẽ được xem xét tiếp tục mở rộng dựa trên tình hình dịch bệnh và mức độ sẵn sàng của địa phương đó.

Điểm đáng lưu ý của chiến dịch mở cửa du lịch quốc tế trở lại của Thái Lan là mục tiêu khách du lịch được nhắm tới. Thay vì những thị trường truyền thống như Trung Quốc, hiện vẫn thận trọng với du lịch quốc tế cùng công suất các chuyến bay và lượng khách sụt giảm tới 95% so với mức trước COVID, Thái Lan đang hướng tới các thị trường mới, chất lượng cao hơn và có nhu cầu du lịch quốc tế phục hồi nhanh hơn như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tiến thêm một bước nữa, Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị khởi động chương trình cư trú dài hạn nhằm thu hút người nước ngoài đến nước này thông qua thị thực Cư trú dài hạn (LTR) mới (lên đến 10 năm), kèm theo ưu đãi về thuế và đầu tư, nới lỏng quyền sở hữu tài sản với người nước ngoài.... Chương trình sẽ nhắm mục tiêu đến các đối tượng chính như công dân toàn cầu giàu có, người về hưu giàu có hay các chuyên gia có tay nghề cao. Tham vọng của Thái Lan là chào đón hơn một triệu đối tượng này và tạo ra hơn 1 nghìn tỷ Baht chi tiêu trong nước trong 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2022.

Thêm vào đó, hạ tầng kĩ thuật số cũng được nâng cấp mạnh mẽ để thúc đẩy sự trở lại của ngành du lịch - lữ hành Thái Lan. Hội đồng Du lịch quốc gia Thái Lan đang làm việc với công ty IsWhere tại Singapore để triển khai nền tảng kỹ thuật số tiếp thị cho các doanh nghiệp du lịch nhằm tiếp cận với thị trường 600 triệu khách hàng kỹ thuật số (digital customers) trên toàn thế giới. Tổng cục Du lịch Thái Lan đã công bố kế hoạch thành lập một công ty kỹ thuật số để tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho du lịch, sử dụng dữ liệu lớn trong ngành cũng như công nghệ blockchain và token để cung cấp cho các công ty du lịch với nhiều tùy chọn hơn để tiếp cận khách du lịch trực tuyến và ngoại tuyến.

II. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Những phân tích về các mô hình phục hồi và phát triển kinh tế ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cho phép rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

1. Kiềm chế và kiểm soát COVID-19 thông qua việc đẩy nhanh tiêm vắc xin và xét nghiệm là điều kiện tiên quyết để hồi sinh các hoạt động kinh tế cũng như phục hồi tăng trưởng

Việc phủ rộng vắc xin có thể được xem là yếu tố then chốt quyết định cho việc tiến tới điều kiện “bình thường mới” - sống chung với COVID bên cạnh việc phải duy trì xét nghiệm, tăng cường năng lực của hệ thống y tế và hướng tới tự chủ năng lực sản xuất vắc xin trong nước. Nếu không, các biến chủng mới có thể làm gia tăng nhanh chóng số ca lây nhiễm và tử vong. Chiến dịch tiêm chủng đại trà, mặc dù không thể loại bỏ được lây nhiễm, nhưng biện pháp này có thể giảm tử vong đáng kể, tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế được khôi phục. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước cũng như mở rộng tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài.

Tại Việt Nam, sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Thực tế cho thấy, chiến lược vắc xin của Việt Nam là phù hợp tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt. Tính đến ngày 25-12-2021, Việt Nam đã tiêm được 145,6 triệu liều vắc xin, với tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 97,9% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 86,3% dân số từ 18 tuổi trở lên[11]. So sánh với các nước về số liều vắc xin được đã tiêm, hiện Việt Nam đang đứng thứ 23 thế giới[12] và đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia)[13].

2. Bối cảnh “bình thường mới” đòi hỏi phải có tư duy mới và tầm nhìn chiến lược mới. Cần xác định rõ đại dịch COVID-19 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội và động lực để:

Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững hơn, bao trùm hơn, xanh hơn.

Đại dịch COVID-19 là yếu tố thúc đẩy thay đổi cả trong nhận thức và hành động đối với các vấn đề như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đồng thời khiến các quốc gia phải đánh giá lại mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe. Trong bối cảnh đó, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài.

Mục tiêu là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thứ hai, chống nguy cơ tụt hậu trên cơ sở đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, chính phủ số và nền kinh tế số.

Kinh nghiệm của các nước được nghiên cứu cho thấy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ kỹ thuật cao được xác định là nền tảng quan trọng cho sự phục hồi của những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. COVID-19 đem lại nhiều thách thức cũng như cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử hay số hóa chuỗi cung ứng…

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở cao, internet tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, doanh số thương mại điện tử đã và đang tăng trưởng với tốc độ tương đương tốc độ tăng trưởng doanh số thương mại điện tử thế giới và cao hơn so với tăng trưởng GDP. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị khoá XII, về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP. Do đó, để thực hiện mục tiêu này, cần tiếp tục tập trung xây dựng, đầu tư và phát triển các hệ thống kết cấu hạ tầng cứng và mềm, nhằm phát triển mạnh mẽ chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thứ ba, củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm sự phát triển cân đối hơn giữa các vùng, miền, lĩnh vực kinh tế, qua đó khẳng định tính xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề bảo đảm an sinh xã hội nói riêng. Và, dù đứng trước sức ép rất lớn về tài chính, song các quốc gia đều chung quan điểm đây là thời điểm then chốt để tận dụng những chính sách ứng phó đại dịch nhằm củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hệ thống an sinh xã hội. Những hệ thống này có thể giúp giảm nhẹ tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đem lại sự bảo đảm cho người lao động và các doanh nghiệp. An sinh xã hội hiệu quả và toàn diện không chỉ cần thiết cho công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, mà còn để tạo lập một tương lai bền vững và có sức chống chịu.

Đại dịch COVID-19 cũng đã tác động mạnh mẽ tới nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt các ngành du lịch. Kinh nghiệm từ phát triển nhu cầu nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế còn bị hạn chế của Trung Quốc, hay chiến lược mở cửa đón khách quốc tế đã tiêm chủng từ các vùng lãnh thổ nguy cơ thấp và các chương trình thí điểm như “Phuket Sandbox” của Thái Lan là những bài học kinh nghiệm có giá trị cho phục hồi du lịch tại Việt Nam.

Với việc du lịch đóng góp tới 9,2% GDP (năm 2019 trước đại dịch) và tạo ra 2,9 triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp, đại dịch COVID-19 thực sự đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh từng bước được kiểm soát, chiến dịch tiêm chủng vắc xin đại trà được triển khai đúng hướng và hiệu quả, thì việc củng cố, kích cầu du lịch nội địa, phát triển du lịch nội địa thành mũi nhọn là cần thiết, bên cạnh việc dần thí điểm mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số vào phát triển các sản phẩm du lịch là vô cùng cần thiết, cùng với tiếp thị và tiếp cận thị trường tiềm năng mới bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, vốn chiếm tới 30% tổng lượng khách du lịch tới nước ta nhưng hiện đang bị sụt giảm nghiêm trọng bởi các biện pháp hạn chế của chính phủ Trung Quốc.

Thứ , việc áp dụng những mô hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khác nhau ở các nước khác nhau đều có sự thành công nhất định và việc lựa chọn mô hình áp dụng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Tuy nhiên, điểm chung nằm ở chỗ những nước thành công trong phục hồi kinh tế đều là những nước có những biện pháp ứng phó với đại dịch linh hoạt, sáng tạo trong ngắn hạn đồng thời với việc tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế trong dài hạn theo những kế hoạch rất bài bản và cụ thể.

Điều này đồng nghĩa với việc cần xây dựng một tầm nhìn và chiến lược toàn diện phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới như cách mà Trung Quốc xây dựng Chiến lược phát triển "tuần hoàn kép", Hàn Quốc xây dựng “Korean New Deal” hay Singapore xây dựng “Emerging Stronger Singapore” nhằm: (a) Xác định các thay đổi mang tính hệ thống phát sinh bởi đại dịch COVID-19; (b) Đánh giá tác động của những thay đổi này đối với nền kinh tế - xã hội; (c) Đưa ra các giải pháp nhằm định hình lại các định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhằm phục hồi kinh tế và tạo dựng các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh bình thường mới./.

--------------------

[1] Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 chuyển từ tiêu cực sang tích cực, theo đó GDP Quý I giảm 6,8% so với cùng kỳ, Quý II đã chuyển sang tích cực với mức tăng là 3,2% và Quý III tiếp tục tăng tốc lên 4,9%, Quý IV tăng trưởng 6.5%. Dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
[2] Khái niệm “vòng tuần hoàn kép” lần đầu tiên được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nêu tại Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 5-2020. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2020), “vòng tuần hoàn kép” được khẳng định là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, là một trong những nguyên tắc cơ bản trong Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2035 của Trung Quốc. Lần đầu tiên sau hơn 40 năm thực hiện công cuộc cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã định vị rõ vai trò yếu tố bên trong là “chủ đạo”, “trụ đỡ” và “dẫn dắt” sự phát triển của Trung Quốc. Đây là điểm mới so với tư duy, triết lý phát triển trong suốt hơn 40 năm qua của Trung Quốc là lấy mở cửa và “đi ra bên ngoài” làm động lực dẫn dắt phát triển trong nước. Sự chuyển hướng chiến lược này, một mặt, phản ánh sự thay đổi của môi trường quốc tế; mặt khác, cho thấy thế và và lực của Trung Quốc đã lớn mạnh đến mức độ có thể phát triển dựa vào yếu tố bên trong là chủ yếu. Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/chien-luoc-vong-tuan-hoan-kep-cua-trung-quoc-nhung-danh-gia-buoc-dau-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam
[3] Tại Australia, nơi có thành phố Melbourne với kỷ lục về thời gian phong tỏa dài nhất (262 ngày), các lệnh hạn chế phòng chống dịch, đặc biệt ở hai bang lớn nhất là New South Wales và Victoria, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này khoảng 1,4 tỷ USD/tuần. Tại Pháp, hai tháng phong tỏa (từ 17/3 đến 11/5/2020), mỗi ngày nền kinh tế nước này mất đi 2 tỷ euro. Ước tính nếu phong tỏa toàn quốc, Ấn Độ sẽ thiệt hại 120 tỷ USD - tương đương 4% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Theo https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/nhin-lai-the-gioi-2021-song-chung-voi-covid-19-bai-2-buoc-ngoat-huong-toi-binh-thuong-moi/9c317a93-e9af-4710-b798-b0f837d7ab5a
[4] South Korea’s New Deal Prioritises a Digital, Green Post-Pandemic Recovery https://research.hktdc.com/en/article/ODk3MTI2MDg0
[5] Bộ Tài chính – Kinh tế Hàn Quốc, 07/2021. Korean New Deal 2.0. https://english.moef.go.kr/pc/selectTbPressCenterDtl.do?boardCd=N0001&seq=5173
[6] Hàn Quốc được xếp hạng nhất về Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2021 Bloomberg Innovation Index, lần thứ 7 trong 9 năm qua. Hàn Quốc cũng là quốc gia có hoạt động cấp bằng sáng chế sôi nổi nhất thế giới, đứng thứ hai về cường độ nghiên cứu - phát triển (R&D) và là quốc gia nổi bật thứ tư về các cụm công nghệ cao. https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-02-03/south-korea-leads-world-in-innovation-u-s-drops-out-of-top-10
[7] Các hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Singapore trong gói kích thích kinh tế, nhất là trong ngành du lịch như mở các khoản vay giải cứu từ 1 đến 5 triệu SGD, hỗ trợ đến 30% tiền thuê mặt bằng tư nhân, miễn phí thuê mặt bằng do nhà nước sở hữu hoặc quản lý, hỗ trợ lương thông qua các chương trình hỗ trợ việc làm và tiền lương… Đối với người dân bị ảnh hưởng, cũng có những biện pháp trợ giúp như trợ cấp từ 500 - 700 SGD trong 3 tháng cho những người mất việc hoặc bị giảm hơn 50% thu nhập, nhân viên y tế bị lây nhiễm được nhận 5.000 SGD…
[8] AfAs: Alliances for Actions - Liên minh hành động.
[9] Cụ thể, du khách tới Thái Lan cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SAR-CoV-2 trước khi tới và xét nghiệm một lần nữa khi nhập cảnh. Nếu có kết quả âm tính, các du khách có thể đi lại tự do như người dân Thái Lan. Trong đó du khách đã tiêm vaccine Covid-19 phải cách ly ít nhất 7 ngày tại khách sạn sau khi nhập cảnh.
[10] https://www.mckinsey.com/industries/travel-logistics-and-infrastructure/our-insights/reimagining-travel-thailand-tourism-after-the-covid-19-pandemic
[11] Số liệu từ Bộ Y tế ngày 25-12-2021. Có 79,2 triệu dân đã được tiêm (chiếm 82% dân số cả nước), trong đó, người tiêm đủ liều là 65,4 triệu dân (chiếm 67,7% dân số).  https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/chieu-25-12-viet-nam-a-tiep-nhan-181-5-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-gan-98-dan-so-tren-18-tuoi-tiem-mui-1
[12] https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html
[13] https://vnexpress.net/covid-19/vaccine