TCCS - Bức tranh kinh tế - đời sống xã hội của toàn nhân loại đã trải qua một giai đoạn đầy biến động với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã đặt ra những thách thức và khó khăn to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế - xã hội nước ta, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn bộ các ngành kinh tế trong đó có lĩnh vực du lịch, trong đó có ngành du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng dẫn đến chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19. Mặc dù trong giai đoạn đầu, nước ta đã có sự kiểm soát dịch bệnh thành công bước đầu, nhưng dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa đặc biệt, ngành du lịch chịu những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Có thể khẳng định, du lịch là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với dịch bệnh. Từ tháng 2/2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch toàn cầu. Ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đây. Kể từ tháng 3-2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước, tuy nhiên thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát.

Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh rất giàu về tiềm năng du lịch, một trong những trung tâm thu hút khách du lịch hàng đầu của Việt Nam. Nhiều năm qua, du lịch được Quảng Ninh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch Quảng Ninh chịu nhiều tác động, ảnh hưởng mạnh; nhiều doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính; lượng khách và doanh thu du lịch của tỉnh đã sụt giảm nghiêm trọng.

Kể từ giai đoạn cuối năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát cùng với tiến trình bao phủ vắc-xin được đẩy nhanh hơn, cùng với việc điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch giúp cân bằng hơn giữa việc bảo đảm sức khỏe người dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lĩnh vực nông nghiệp, xuất - nhập khẩu tăng khá và ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm. Do đó phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu cấp bách theo hướng nhanh và bền vững. Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong tiến trình phục hồi hậu COVID-19 và đã có những tín hiệu tích cực, cho thấy khả năng phục hồi nhanh, hiệu quả và kỳ vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong đó, ngành du lịch hứa hẹn sẽ là một trong những ngành được quan tâm, tạo điều kiện tối đa về mọi mặt để là một trong những đòn bẩy phục hồi nền kinh tế - xã hội nước nhà. Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cao nhất và sớm nhất cả nước, cùng sự tích cực, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Quảng Ninh có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phục hồi lĩnh vực du lịch.

Yêu cầu cáp bách về phục hồi và phát triển du lịch

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu từng bước phục hồi ngành du lịch, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại trong năm 2022; quyết tâm đón tối thiểu 9,53 triệu lượt khách, phấn đấu cao nhất đạt 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Tỉnh đã có những biện pháp quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với quan điểm đón đầu xu hướng du lịch an toàn sau đại dịch theo nguyên tắc bảo đảm an toàn cao nhất cho các điểm đến, các cơ sở dịch vụ và du khách. Ngày 09-12-2021, Hội đồng nhân tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết số 51 về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2022. Theo đó, có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho du khách được hưởng các dịch vụ, sản phẩm tốt nhất với giá ưu đãi trong điều kiện cho phép và góp phần khôi phục hoạt động của các cơ sở dịch vụ, lưu trú, điểm tham quan, vui chơi giải trí thuộc “vùng xanh” trong bản đồ du lịch của địa phương. Tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước tạo được cơ chế đồng bộ, tiếng nói thống nhất giữa chính quyền và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để tạo sức bật mới, hình ảnh mới góp phần quan trọng làm cho diện mạo dụ lịch có những khởi sắc, chuyển biến tích cực cùng nền kinh tế - xã hội trong giai đoạn đầu của năm 2022. Tuy nhiên, có thể thấy để ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Quảng Ninh nói riêng có thể phục hồi và phát triển như thời kỳ chưa xảy ra đại dịch thì không thể trong một sớm, một chiều, mà phải bằng những chiến lược dài hơi và có sự đầu tư hết sức bài bản, mới lạ để đón được xu hướng du lịch thế giới thời kỳ hậu COVID-19. Bên cạnh đó, sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch sẽ không dễ dàng phục hồi được. Do đó, cần có một tầm nhìn dài hạn, chiến lược rõ ràng để nâng bước và giữ vững sự tăng trưởng của nền du lịch nước nhà, đủ sức ứng phó và hồi phục sau những biến động to lớn (mà đại dịch COVID-19 vừa qua là bài học kinh nghiệm). Đối với Quảng Ninh, việc tận dụng và làm giàu thêm những nguồn lực và động lực sẵn có của địa phương là một giải pháp đặc biệt quan trọng cần được thực hiện một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm thực tế của địa phương.

Phát triển du lịch “xanh” từ tài nguyên văn hóa

Quảng Ninh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo. Toàn tỉnh hiện có 632 di tích lịch sử (DTLS) văn hóa và danh lam thắng cảnh (DLTC). Trong đó, có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt (DLTC vịnh Hạ Long, DTLS Bạch Đằng, DTLS và DLTC Yên Tử, DTLS Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều và DTLS Đền Cửa Ông - Cặp Tiên). Với hệ thống di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh là nguồn lực để địa phương xây dựng những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch. Di sản văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành tiền đề quan trọng để du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như mang đến lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng. Cũng từ đây, những mô hình du lịch “xanh” gắn với tài nguyên văn hóa sẽ tạo thành mối quan hệ tương hỗ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ngày một tốt hơn. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dẫn tới sự thay đổi về xu hướng của khách du lịch khi ngày càng nhiều người muốn tìm về những nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ít bị ô nhiễm và có những trải nghiệm văn hóa mang tính bản địa rõ nét. Điều này đòi hỏi từ chính quyền đến các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, điểm du lịch ở Quảng Ninh phải thay đổi từ tư duy truyền thống sang tư duy “xanh” để kịp thời thích ứng và đưa ra chiến lược kinh doanh, quảng bá, xây dựng sản phẩm theo hướng bền vững, hướng tới cộng đồng; chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường điểm đến; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu khí thải carbon nhằm hướng tới nền “kinh tế xanh” - “nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”. Vấn đề tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm hơn nữa là việc bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa để đầu tư tôn tạo, tu bổ các DTLS, DLTC gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số - động lực phát triển du lịch bền vững

Trước sự lên ngôi của du lịch trực tuyến và xu hướng sử dụng những giải pháp không chạm của du khách, đặc biệt ở giai đoạn sau đại dịch, chuyển đổi số đang trở thành lựa chọn sống còn của những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nếu muốn tồn tại, phát triển trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Việt Nam, phát triển kinh tế số du lịch nằm trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Thực hiện chủ trương Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai bắt nhịp xu hướng, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch, xúc tiến, quảng bá nhằm đem lại trải nghiệm mới, tạo môi trường minh bạch và an toàn cho du khách. Những hiệu quả tối ưu mà chuyển đổi số mang lại như tiết kiệm thời gian, nhân lực, thủ tục, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… là điều mà các địa phương và các doanh nghiệp du lịch dễ nhận diện, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để chuyển đổi số. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long đã tiên phong trong chuyển đổi số, nổi bật trong đó là SOJO Hotel Hạ Long; Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Ninh đưa vào hoạt động fanpage Thông tin du lịch Quảng Ninh, đến nay đã có gần 30.000 người theo dõi. Bảo tàng Quảng Ninh cũng xây dựng mô hình “bảo tàng ảo” giúp du khách trải nghiệm tham quan trực tuyến, đồng thời hiển thị trên nền tảng số Google Arts & Culture - “cửa sổ” đưa các giá trị văn hóa, du lịch nổi trội của Việt Nam và Quảng Ninh đến với thế giới.

Tỉnh Quảng Ninh quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách, chú trọng ứng dụng công nghệ vào quản lý du lịch như: xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử. Thực hiện chuyển đổi số một cách chủ động, tích cực và hiệu quả, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về tài chính để đủ duy trì và nâng cấp hệ thống liên tục, đồng thời có phương án dự phòng rủi ro cùng đội ngũ nhân sự bảo đảm vận hành đúng kỹ thuật. Để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, cơ quan quản lý có thể chia nhỏ các nhóm doanh nghiệp theo quy mô, tính chất khác nhau, từ đó giúp định hướng những nhóm ứng dụng phù hợp; đồng thời tổ chức đào tạo tập trung, chuyên sâu cho đội ngũ nhân lực ở từng lĩnh vực như lữ hành, điểm đến, lưu trú để có thể tiếp cận các ứng dụng, phần mềm, biết cách vận hành một cách phù hợp. Ðiều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, không phải tự mày mò, tìm kiếm giải pháp mà có thể ứng dụng ngay. Bên cạnh đó, cần chú trọng kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, tập trung vào một số nội dung như: Mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Quan tâm đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch của địa phương. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ du lịch thông minh, như thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... vào phục vụ du khách.

Thông điệp về thương hiệu “Quốc gia an toàn”

Thương hiệu “Quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. Năm 2020, sau khi các đợt dịch được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động hai đợt kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn”. Thực hiện mở cửa du lịch hiệu quả, an toàn, tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; kết hợp quảng bá các điểm đến hấp dẫn với tuyên truyền kết quả phòng, chống dịch đến khách du lịch các điểm đến an toàn trong công tác phòng dịch, xây dựng hình ảnh địa phương là điểm du lịch “an toàn, thân thiện, y tế đảm bảo”. Theo đó, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của các khu du lịch, các điểm đến. Tập trung kích cầu hướng vào đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Thực hiện phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở Liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE … Nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Khuyến khích du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phần mềm ứng dụng công nghệ số liên quan. Xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch. Xây dựng các sản phẩm mới, chương trình kích cầu/khuyến mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với đối tác, với khách du lịch.

Quảng Ninh với những tiềm năng du lịch đã được khẳng định. Tuy nhiên, trong bối cảnh với những thách thức mới để những lợi thế, tiềm năng đó tiếp tục phát huy hiệu quả, cần có cái nhìn mới, cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả để làm mới những giá trị truyền thống, tận dụng sự phát triển và xu thế số hóa để tạo động lực mới thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng như kỳ vọng với thông điệp “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”./.