TCCS - Ngày 4-9, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng tám dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng tám và 8 tháng năm 2019.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019_Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, xuất hiện những dấu hiệu ban đầu về suy thoái kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại leo thang, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang gặp những vấn đề khó khăn.

Trong bối cảnh không thuận lợi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.

Ngoài ra, công nghiệp và cả nông nghiệp dù gặp nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng vẫn tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp nhất trong 3 năm, chỉ còn 2,5%. Tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được khẳng định, trong khi đó nhiều đồng tiền các quốc gia mất giá so với USD.

Xuất khẩu tăng khá, xuất siêu đạt kỷ lục trên 3,4 tỷ USD. Đời sống nhân dân được bảo đảm tốt, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng cao trong bối cảnh biến động mạnh mẽ trên toàn cầu.

Thủ tướng cũng nhìn nhận lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, thể dục, thể thao, giáo dục tiếp tục được cải thiện. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng không ngừng được đẩy mạnh. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã làm hết sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Uy tín và vị thế Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực ASEAN và quốc tế với nhiều đoàn cấp cao sang thăm chính thức Việt Nam và có những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam.

Thủ tướng cũng thông tin về những nhận định của các tổ chức tài chính quốc tế dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2019. ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8%. HSBC đánh giá mức này là 6,7%; Trung tâm dự báo quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mức tăng 6,86%; Viện Nghiên cứu và Chính sách nhận định mức tăng là 6,96%.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu đặt ra mức tăng trưởng từ 6,7% đến 6,8% và tiếp tục theo dõi tình hình trong nước và quốc tế, ít nhất đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm 2019 từ 6,6% - 6,8%.

Thủ tướng nhận xét các lĩnh vực kinh tế khác đạt tăng trưởng cao, như công nghiệp chế biến, chế tạo, dầu thô vượt dự toán. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước với các khoản thu nội địa đều tăng vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng ít nhất 5%, ngân sách Trung ương năm thứ 3 liên tiếp vượt dự toán. Xuất khẩu tăng cao trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, nhưng lại tăng ở các thị trường châu Âu.

Thủ tướng cho rằng kết quả công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 được nhân dân hoan nghênh. Công tác chăm sóc đời sống nhân dân khu vực bị thiệt hại do thiên tai được thực hiện tốt. Việc người dân không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần đem lại hiệu quả tốt. Sự kiện 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi toàn quốc tổ chức trang trọng, có ý nghĩa.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta”.

Thủ tướng cũng đề cập đến những bất cập, tồn tại trong quản lý điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành và yêu cầu tập trung khắc phục, điều chỉnh trong thời gian tới. Đó là tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông tiếp tục là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác thị trường cũng có nhiều vấn đề bất cập cần xử lý để nâng cao thế mạnh các mặt hàng trong nước...

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục phấn đấu trong 4 tháng còn lại của năm 2019 để hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Tại Phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nhắn tin ủng hộ người nghèo qua cổng nhắn tin vì người nghèo 1408 và phát động nhân rộng phong trào này trong cả nước.

Theo chương trình, tại Phiên họp, bên cạnh việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; Chính phủ sẽ cho ý kiến vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2020 - 2022; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng tám và 8 tháng năm 2019 của Việt Nam vẫn giữ được đà tích cực. Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Ước tính 8 tháng có gần 90.500 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7%; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 9,5%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2016 và 2017.

Các hoạt động dịch vụ, thương mại, sức mua trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hóa. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%, theo đó tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận phiên họp_Ảnh: TTXVN

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng tám, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục tổ chức một số hội nghị chuyên ngành để thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực quan trọng, qua đó đề xuất cơ chế, chính sách mới tạo sự đột phá cho phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo đảm cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định vĩ mô.

Thông tin về đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế về kết quả tiến trình “Đổi mới”, tăng trưởng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết các chuyên gia cho rằng “Đổi mới” lần thứ nhất đã đưa đến thành công vang dội trong hơn 30 năm qua, nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn.

“Chúng ta cần Đổi mới 2 với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo động lực phát triển mới. Chúng ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị, xã hội. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế, chính sách, pháp luật thuận lợi, đủ sức cạnh tranh quốc tế, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng nếu không làm quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ cải cách này thì sẽ “thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách mạnh mẽ”. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải tập trung cao độ, rà soát cơ chế, thể chế để có sự thích ứng nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, phải nhận thức đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp, tạo sức bật từ người dân và doanh nghiệp.

Đi liền với đó, trong cải cách hành chính, cần chú trọng khuyến khích thu hút doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng đất nước, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực đang đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng này.

Thủ tướng cũng đề nghị, đối với một số tập đoàn kinh tế tư nhân có nguồn huy động vốn lớn, dòng tiền không đủ mạnh để bù đắp, dễ tổn thương thì phải tái cơ cấu, tránh dàn trải đầu tư.

Nhắc lại điểm nghẽn về chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là giải phóng mặt bằng. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải cần công bố chương trình hành động cụ thể gắn với mốc thời gian, nếu thừa vốn sẽ điều chuyển cho các địa phương và ngành khác. Thường trực Chính phủ sẽ làm việc với bộ này để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Trước khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo ngành nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai; kiểm tra đánh giá kết quả chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác ở các địa phương; đồng thời chuẩn bị tốt cho Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trước thực tế có tình trạng “núp bóng” hàng Việt Nam để gian lận thương mại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần có biện pháp tránh tiếp tay cho các hành vi này, ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại đến sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng tạm nhập, tái xuất.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Cùng với đó là tăng cường cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy hợp tác công tư và tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tốt việc khai giảng năm học mới, ngăn chặn tình trạng lạm thu gây bức xúc cho nhân dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ rà soát lại việc đào tạo văn bằng 2, không để xảy ra tình trạng như Đại học Đông Đô./.

BTV/TTXVN